Tại phiên họp thứ 20, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến và thông qua các Nghị quyết thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Theo đó, tỉnh Bình Dương được thành lập TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên.
Sau khi thành lập TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; một thị xã là Bến Cát và 4 huyện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32%, dân số 2,7 triệu.
Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã.
Phát biểu trước khi nghị quyết được thông qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết đề án nâng cấp Tân Uyên lên thành phố được tỉnh chuẩn bị trong nhiều năm.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên phát triển nhanh và tích cực, bình quân tốc độ phát triển 13%/năm. Cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%, thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, thị xã Tân Uyên đã không còn người nghèo theo tiêu chí của Trung ương, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 95%. Địa bàn thị xã có 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và VSIP; 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết: "Bình Dương cũng đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao; Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, đáng sống".
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nêu rõ, việc Tân Uyên được nâng cấp lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển, đóng góp chung cho tỉnh, cho vùng…
Tân Uyên đang trong quá trình bắt đầu hình thành một đô thị thông minh tại đây. Sau khi đạt được tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2018, kinh tế của khu vực Tân Uyên đã có những bước phát triển đáng kể dựa trên tiền đề là lĩnh vực công nghiệp.
Hoạt động công nghiệp sôi nổi là tiền đề để hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề. Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các khu công nghiệp không những cải thiện diện mạo đô thị Tân Uyên phát triển hài hòa và bền vững mà còn thu hút một lượng lực lớn cư dân về an cư lạc nghiệp.
Theo ghi nhận thông tin từ nhiều đơn vị môi giới bất động sản, mức giá bất động sản Tân Uyên rất tiềm năng. Do đó, cơ hội đầu tư cũng như an cư cũng rộng mở và dễ tiếp cận hơn. Các chuyên gia bất động sản nhận định nhà đầu tư “nhạy bén” sẽ thu thập thông tin quy hoạch, hạ tầng từ thời gian đầu, để khi hình thành rõ nét biên lợi nhuận sẽ đạt được cao hơn./.