Aa

Công nghiệp bứt phá, Bình Phước thành đầu tàu tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ Hai, 02/05/2022 - 13:51

Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRPD) Bình Phước đạt gần 46.200 tỷ đồng, tăng hơn 6,3% so với năm 2020. Đây là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dẫn đầu tăng trưởng GRDP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Năm 2021, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề nhất trong cả nước, nên kinh tế của vùng Đông Nam Bộ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, Bình Phước trở thành “điểm sáng” khi đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRPD) tỉnh Bình Phước đạt gần 46.200 tỷ đồng, tăng hơn 6,3% so với năm 2020. Với kết quả này, Bình Phước là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ và cao thứ 20 cả nước.

Đặc biệt, trong năm 2021, khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh đạt gần 15.400 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2020. Tính riêng ngành công nghiệp tăng 20,6%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất 17,4% giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Bên cạnh mức tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp, hai lĩnh vực khác cũng là điểm sáng trong ngành kinh tế Bình Phước trong năm 2021, đó là kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên địa bàn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2020, vượt 12,9% kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2,2 triệu USD, tăng 32,73% so với năm 2020, vượt 28,8% so kế hoạch đề ra. Trong năm này, Bình Phước xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Về thu hút vốn đầu tư, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bình Phước vẫn tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Cụ thể, tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần về số vốn so với năm 2020. Cùng với đó, trong năm 2021, tỉnh đã phê duyệt 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng.

Dòng vốn hàng tỷ USD đang đổ vào thị trường mới

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng Bình Phước mới chỉ được chú ý trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ làn sóng đầu tư tăng trưởng ấn tượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,579 tỷ USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bình Phước hiện cũng có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt. Trong đó, riêng Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước là 2.449 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Dự kiến, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của Bình Phước khoảng 18.000 ha. Nếu thực hiện được sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.

Đặc biệt, trong chuyến thăm, làm việc với Bình Phước trong ngày 20/3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bình Phước cần thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tỉnh cần mở rộng các khu công nghiệp tập trung, ưu tiên thu hút lĩnh vực phù hợp, có tính liên kết cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc này từng bước đưa Bình Phước trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Để thu hút giới đầu tư, Bình Phước còn đang chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ; xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện. Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.

Trong đó, điển hình như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng; xây dựng, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành…. Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.

Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cùng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, quỹ đất dành cho bất động sản công nghiệp bậc nhất Đông Nam Bộ, Bình Phước đang là ngôi sao mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là đòn bẩy đột phá kinh tế, tăng trưởng dân số cho địa phương, tạo nền tảng gia tăng giá trị bất động sản nhanh và bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top