Aa

Bờ bến vành nôi

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 02/03/2023 - 06:25

Tôi luôn nghĩ về những mái đình và bờ bến, những bóng cổ thụ trùm tỏa lên ký ức của ngôi làng, trong tôi, trong nhiều thế hệ. Ấy là nơi rốn làng lưu giữ chuyện người xưa; nơi những mảnh hồn làng phảng phất...

Những phiến đá xanh to lớn, nằm im lìm vững chãi thành bờ bến cho thuyền về neo đậu qua nhiều năm tháng, bên những dòng sông chảy dọc xóm làng quê tôi, cho đến quãng những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, thì chúng lần lượt biến mất. Tôi luôn tự hỏi, có phải bờ bến ấy đã tồn tại hàng mấy trăm năm, từ khi những dòng sông là huyết mạch giao thương quan trọng của cha ông thời Đại Việt. Cuộc sống trên bến dưới thuyền, thiết chế làng mạc chạy dọc men sông, cửa ngõ làng nào cũng đủ bộ cây đa, sân đình, bến nước…   

Vĩnh Giang vắt ngang địa phận xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) quê tôi, xuôi về phía Tây, chảy sát mé sau của Đền Trần, Chùa Phổ Minh, nơi xưa kia vốn là Hành cung Thiên Trường dưới thời nhà Trần. Sử sách có ghi chép về sự tồn tại của một dòng Vĩnh Giang cổ: “… sông Vĩnh Giang được gọi dưới một số tên khác nhau như: Vĩnh Giang, Vĩnh An hay sông Vinh, sông Vĩnh, sông Vĩnh Tế…”, “…dấu vết của dòng Vĩnh Giang cổ thời Trần chủ yếu tại khu vực quanh khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp và một số thôn, xóm thuộc xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung của huyện Mỹ Lộc…”. “Dòng sông này còn được đôi câu đối tại đình Phương Bông (Mỹ Trung - Mỹ Lộc) nhắc đến: “Phương địa ức niên lưu pháp phúc/ Vĩnh giang thiên cổ dục linh nguyên” (theo Hoàng Văn Cương, Tạp chí Di sản Văn hóa số 03/2012).

Về dòng Vĩnh Giang mới hiện nay, cũng Hoàng Văn Cương nhận định: “Dòng chính tiếp tục theo hướng Bắc, men theo con đường liên thôn ra cầu Viềng, chảy qua phía trước Trạm y tế xã Mỹ Trung, cửa đình Đệ Tam Tây, Đệ Nhị, áp sát đình và phủ Phương Bông, cắt ngang Ủy ban nhân dân xã Mỹ Trung, rồi cứ thế dọc theo đường liên thôn chảy thẳng ra Cống Mý… Tại địa điểm cầu Bơi (thôn Đông Thành) phân ra một nhánh, men theo trục đường làng chảy về hướng Đông Bắc…”.

Những hình ảnh về quê hương khiến nhiều người không khỏi xúc động. (Ảnh: Họa sĩ Trần Nguyên)

Là người con sinh ra và lớn lên tại thôn Đông Thành, tắm nước Vĩnh Giang mà lớn lên, tôi có thể hình dung về sơ đồ của dòng Vĩnh Giang cổ theo “nét vẽ” của Hoàng Văn Cương. Ông cũng chỉ ra vài dòng ghi chép trong cuốn Ngọc phả nhà Trần: “Nên dựng nhà ở đây…, men theo sông Vĩnh đánh cá làm kế sinh sống”; “… dòng sông Vĩnh Giang còn là nơi để vua tôi nhà Trần dạo chơi, du ngoạn, ngắm cảnh mỗi khi nhàn rỗi”.  

Dòng Vĩnh Giang thời tôi biết, quan sát thấy vẫn bên bồi bên lở. Bên lở là mạn Nam, dân trồng tre, trồng ổi, nước sông cứ xói vào bờ đến nỗi cây cối trơ gốc, đổ lả ra đến giữa lòng sông. Còn bên bồi - mạn Bắc, người dân vật bùn đất lên mỗi năm thành làn, thành ruộng. Những vuông ruộng làn sông có thể cấy lúa, trồng rau màu thì không hề là nhỏ, cho thấy dòng sông từng khá rộng.

Con đường trục chính của xã bám dọc men sông, bên đường là rất nhiều ao sâu, rộng. Hẳn các cụ ta xưa đã vật đất lên đắp đường, tạo thành những ao, đầm lớn; phía sau các ao đầm ấy mới là vườn, rồi nhà, như bây giờ. Thiết chế làng hình thành như vậy, dân vừa có sông, ngòi để giao thương, tưới tiêu, vừa có ao vườn để tăng gia hoa màu, nuôi trồng thủy sản.

Một đoạn dài trên con đường tôi đến trường dọc theo Vĩnh Giang xưa kia là đồng lúa, nơi mà gió bấc sẽ từ cánh đồng thổi thốc về làng. Chúng tôi co ro, run rẩy, giá buốt đến nỗi chân tay cứng lại, phát cước lên đỏ tấy. Một lũ trẻ không tất chẳng giày, áo mỏng chân trần đi trong mưa phùn gió bấc. Chúng tôi bảo nhau nhảy xuống làn sông, đoạn nào có vuông ruộng vào mùa đông đang hanh khô rau màu đã lụi. Cứ khom người đi dưới ruộng ấy mà tránh gió. Hết những vuông ruộng hoặc làn sông đó, chúng tôi bám ríu vào nhau dàn thành hàng đi ngang, lưng quay về mạn Bắc cho gió đỡ táp thẳng vào mặt. Bọn con trai bóc cái mo tre, cuốn thành cái phễu. Trên đường có một cây thông lá kim duy nhất gốc to, đã oằn đi, lả xuống ruộng lúa vì bị trẻ trâu leo trèo. Mấy đứa nhặt quả thông đốt lên, bỏ vào cái phễu mo tre cho cháy âm ỉ. Có tí khói ấm bay lên, mắt cay mà má ửng, thương làm sao!

Sông quê hiền hòa như lòng mẹ bao dung.
(Ảnh: Báo Nam Định)

Những bến đá dọc sông là nơi chúng tôi sẽ rửa chân, gột đất bùn dính vào quần áo trước khi vào lớp. Quần áo nếu có ướt cũng cứ mặc nguyên, chạy nhảy, vận động một lúc nóng người lên là tự khô. Sam sưa với nắng gió như vậy, chúng tôi cứ thế mà lóc nhóc lớn lên.

Nếu không có những vuông ruộng bên bờ mạn Bắc này, thì dòng sông hẳn là rộng lắm. Tôi hình dung vào cái thuở ông cha đi thuyền trên sông, những con thuyền lớn mấy chục con người có thể đứng, ngồi, thực hiện những hoạt động tâm linh - lễ hội mùa xuân tại nơi các đình, đền được xây dựng ngay sát bờ sông, với những bến đá gồm ba phiến lớn nguyên khối.

Mẹ tôi thường vẫn kể về ngôi Đình Đông uy nghi, to đẹp, nằm gần cầu Bơi, nơi góc vuông hợp lưu giữa Vĩnh Giang và nhánh của nó chảy giữa hai thôn Thanh Khê và Đông Thành ngày nay. Xét về địa chí, ba chòm xóm đầu thôn Đông Thành bây giờ thuộc phủ Đệ Nhì xưa. Như vậy Đệ Nhì có đình Tây nằm ở phía Tây con sông Vĩnh Giang, nơi gần trường cấp hai tôi học, và Đình Đông ở phía Đông Vĩnh Giang, nơi đầu làng tôi ở. Xuôi theo nhánh của Vĩnh Giang về cuối dòng là gặp Đình Thanh Khê, ngày nay là di tích lịch sử văn hóa tâm linh. Còn ngôi Đình Đông uy nghi to lớn ở đầu làng thì từng bị phá hủy để xây dựng một khu tổ hợp sân kho, phục vụ cho thời kỳ làm ăn tập thể. Sau này, người dân Đông Thành quyên góp cùng nhau dựng một ngôi đình nhỏ cho làng mình trên nền đất của Đình Đông cũ. Nhu cầu tâm linh chính đáng của dân làng luôn là nỗi niềm thường trực, trong luyến nhớ về một không gian từng cổ kính và linh thiêng trong tâm thức của nhiều thế hệ. Một vài cây bàng, cây đa đã thành cổ thụ từ khi tôi còn nhỏ xíu, nay may mắn còn sống sót, soi bóng xuống nơi xưa kia từng là một bến đá.

Tuổi thơ tôi thân thuộc với các bến đá Đình Đông, Đình Tây, Đình Thuế… Quãng những năm 80 thế kỷ trước, bến còn nguyên vẹn. Một số đình, chùa cũng vẫn còn nhưng quy mô bị thu nhỏ, thậm chí có nơi chỉ còn lại một ngôi miếu cũ.

Các bến đá mà chúng tôi quen gọi là bến thóc trong thời kỳ hợp tác xã, tiếp tục là nơi mỗi trưa tan học chúng tôi vây quanh thuyền thóc, chờ các mẹ dúi cho mỗi đứa vài con muồm muỗm hay một dúm cua. Tôi hình dung, bến đá chắc có từ lâu rồi, không phải sản phẩm của thời mới. Đá phiến lớn được chuyên chở từ xa về, quê tôi là vùng chiêm trũng, không có núi đá. Sẽ không thể mường tượng hết được về sức người trong điều kiện không có phương tiện cơ giới. Vậy mà làng từ khi tôi sinh ra, đã sừng sững những bến đá đẹp đẽ và vững chãi, yên bình dưới bóng cổ thụ trầm mặc cùng mái đình tỏa bóng uy nghi. Cứ mỗi làng có vài bến đá, như một minh chứng về đời sống trên bến dưới thuyền nhộn nhịp của một thời.

Cho đến cuối những năm 80, với khoán 10, xe cải tiến, xe đạp thồ lục tục về làng. Hợp tác xã không còn chở lúa bằng thuyền gỗ lớn dọc các triền sông, các tổ hợp kho chỉ còn dùng để trữ thóc của dân nộp thuế, người ta bắt đầu di rời những bến đá, lấy phiến đá làm cầu, thay thế những cầu gạch uốn cong đi lại khó khăn, xe cải tiến không trèo qua được.

Sân đình, gốc đa là điểm dừng bình yên trong hành trình sự sống. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Nơi những bờ bến không còn nữa, chính là điểm hẹn của thôn làng. Là tay bắt mặt mừng người đến, lại bịn rịn người đi. Là thiêng liêng huyền bí của tâm linh lễ rước; là vui vầy, phấn chấn, xốn xang những mùa xuân lễ hội. Gần với thời chúng tôi hơn, là bóng những con thuyền chở mùa màng xôn xao no ấm, qua mùa thì êm đềm thơ mộng, sạch sẽ, trong veo. Bờ bến ấy, với lũ trẻ làng, cũng là bến tắm của mỗi chiều hè oi nực. Người và trâu có khi cùng đẫm ướt thỏa thuê. Bờ bến ấy, cũng là nơi hò hẹn thanh xuân của rất nhiều đôi lứa…

Bây giờ thì dòng Vĩnh Giang vẫn còn đó nhưng đã rất nhỏ, như chỉ để ghi lại dấu tích một dòng sông. Làng bên sông đang trên đà đô thị hóa, đường bê tông trải rộng, người dân lấp gần hết các ao thành điền thổ, xây nên những ngôi nhà bề thế mặt đường.

Mỗi khi hoài nhớ về những bờ bến, cội cây của làng mình, tôi nhớ cây cầu gạch vồng cong như chiếc mui thuyền đổ bóng xuống lòng sông, nhớ bến đá, từng vạt mây bồng lên từ đáy nước. Cội gạo mùa xuân đơm hoa thắp lửa, qua hạ tản mác bông gòn trôi trong gió, hững hờ trên tóc, trên vai. Một con sông tưởng đâu bèo mây lơ đãng, mà đã qua bao năm tháng, dặm dài thao thiết kết nối những ngôi làng. Đôi khi tôi được mẹ cho xuống con thuyền sang chơi làng bên kia, hay chỉ để lướt trên sông một đoạn, từ bến này qua bến khác, rất gần nhau thôi, gần đến nỗi chưa thấm được cảm giác bồng bềnh chao động của sông nước lênh loang thì thuyền đã cập bờ bến mới. Những nuối tiếc của một cô bé rời thuyền ngày ấy chỉ là bâng khuâng, xao xuyến, không giống những xa xót nhớ nhung của người con xa quê, ngày về làng bỗng thấy mất đi đâu những bến bờ yêu dấu, không chỉ của làng mình, mà làng bên, rồi làng bên nữa. Thì ra, một cuộc đổi dời nào đó khiến điều ấy đã xảy ra, không chỉ ở một ngôi làng!

Tôi luôn nghĩ về những mái đình và bờ bến, những bóng cổ thụ trùm tỏa lên ký ức của ngôi làng, trong tôi, trong nhiều thế hệ. Ấy là nơi rốn làng lưu giữ chuyện người xưa; nơi những mảnh hồn làng phảng phất trong từng ánh mắt, nụ cười của cụ già, con trẻ, mỗi khi họ cầm tay nhau kể về năm tháng cũ. Vòm cây kia như chiếc ô trời tỏa bóng, bến bờ này như mỗi vành nôi. Sân đình, gốc đa là điểm dừng bình yên trong hành trình sự sống, để người làng bàn việc lớn, để sum họp, kết nối và lan tỏa; bờ bến là nơi hò hẹn vỗ về. Dù cho vỡ òa hay ngùi ngậm, nụ cười hay nước mắt, thì vẫn là những khoảnh khắc quý báu người ta cần ghi nhớ trong những khúc ngoặt đời người. Cho dẫu giờ đây không còn nữa, thì mỗi lần đi dọc đường làng, tôi cũng cứ đinh ninh rằng, bóng dáng, linh hồn những người xưa còn đậu lại nơi vòm cây ấy, dấu chân người xưa còn in nơi những bờ bến ấy. Có những câu chuyện đã theo chúng tôi qua nhiều đời kể lại, mà hình bóng xa xưa vẫn lấp lánh những sắc màu huyền thoại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top