Aa

Bộ Công an thừa nhận tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” mua đất đẹp ven biển

Thứ Ba, 04/06/2019 - 06:01

Tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản xảy ra tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ...

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, từ ngày 4/6 đến 6/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sẽ diễn ra. Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm, sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn.

"Núp bóng" thu gom đất đẹp

Trước đó, trong một kiến nghị được gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, cử tri TP. Đà Nẵng phản ánh: “Hiện nay, ở các địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia, như: Bô xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh... và khu vực dọc theo bờ biển của miền Trung”.

Khu phố Tàu ven biển Đà Nẵng. Ảnh: PLVN

Khu phố Tàu ven biển Đà Nẵng. Ảnh: PLVN

Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần có sự xem xét cẩn trọng, cảnh giác với thực trạng này để đảm bảo vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, hiện đang triển khai 6.175 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới.

Mặc dù góp phần vào sự phát triển kinh tế, tuy nhiên, Bộ Công an thừa nhận, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Đơn cử, một số dự án bỏ vốn đầu tư thấp, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, giá thành rẻ, chất lượng thấp, thời gian thực hiện kéo dài. Nhà thầu Trung Quốc chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, lợi dụng kẽ hở quy định về quản lý lao động, quản lý xuất, nhập cảnh để đưa lao động phổ thông vào Việt Nam hoặc sử dụng lao động người Trung Quốc trái phép (không có giấy phép lao động, sử dụng visa du lịch, làm giả giấy tờ, hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự)...

“Bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm...”, Công văn số 260/BCA-V01 của Bộ Công an nêu rõ.

Ngoài ra, số lượng người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch, công tác, học tập tăng nhanh đi cùng với nhu cầu sở hữu, thuê, mua nhà ở tập trung đông đúc, lập gia đình, sinh con nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật Việt Nam, gây mâu thuẫn với người dân địa phương, thậm chí sang Việt Nam hoạt động phạm tội, trốn truy nã...

Trên thực tế, tình trạng người nước ngoài lách luật mua đất vàng tại Đà Nẵng đã được phản ánh từ lâu. Đơn cử, quận Ngũ Hành Sơn, có thể dễ dàng nhìn thấy những “khu phố Tàu” nằm sát khu vực cạnh sân bay Nước Mặn. Lấy điểm trung tâm từ casino cao cấp Silver Shores do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, cả khu phố này kéo dài hàng kilômét mọc hai bên. Tại đây, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng đều do người Trung Quốc đứng phía sau điều hành với bảng hiệu tiếng Trung và giao tiếp cũng bằng tiếng Trung dày đặc.

Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Nguyễn Điểu đã từng lo lắng và quan ngại nếu tình trạng người Trung Quốc đứng sau các cá nhân người Việt mua đất tại Đà Nẵng phải hết sức thận trọng. "Việc lách luật, người Trung Quốc đưa cho người Việt Nam 5 tỷ đồng nhờ người Việt Nam mua một lô đất. Sau đó, họ kết hợp với người Việt Nam thành lập một công ty cổ phần có tổng số vốn khoảng 50 tỷ đồng", ông Điểu đưa ra ví dụ.

Theo đó, người Việt góp cổ phần bằng chính lô đất trên quy ra 10%, còn người Trung Quốc góp 40 tỷ đồng (90%) để công ty xây khách sạn, nhà hàng. Vì nắm cổ phần chi phối nên tất nhiên người Trung Quốc giữ chức chủ tịch HĐQT và có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên đương nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Đây là kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư nước ngoài cần phải được chấn chỉnh, nhìn thấy những hệ lụy về sau.

“Không chỉ Đà Nẵng, tại nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung, tình trạng người nước ngoài mang Quốc tịch Trung Quốc kết hợp với người Việt Nam góp vốn lập công ty, rồi đứng phía sau mua gom đất diễn ra rất nhiều, đơn cử như tại Nha Trang, song các cấp chính quyền không thể quản lý được vì họ làm đúng luật”, một luật sư chia sẻ.

"Siết" chặt cơ chế quản lý

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án.

Bộ cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng dự án trái phép...

Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, nắm tình hình hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, kịp thời phát hiện các vi phạm về hợp đồng, tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, sử dụng lao động trái phép... để đề xuất biện pháp xử lý, nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài tại Việt Nam...

Cũng liên quan đến vấn đề trên, vừa qua, qua giám sát về quản lý sử dụng đất đai đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top