Aa

"Không để doanh nghiệp Việt "bắt tay" doanh nghiệp Trung Quốc thao túng thị trường"

Thứ Sáu, 20/04/2018 - 06:00

Nói về "làn sóng" khách Trung Quốc sang Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Phong rằng: "Mặc dù khách Trung Quốc tăng nhưng không chất bởi vì họ đi theo tour giá rẻ là chính, mua sắm tại những cửa hàng nội bộ của họ cho nên ta không thu được tiền từ lượng khách này, gây thất thoát cho nền kinh tế".

Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 lượng khách Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong tháng 12/2017, Việt Nam đã đón 414.000 khách Trung Quốc, tăng gần gấp đôi tháng 12/2016. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, du khách Trung Quốc tăng trưởng “nóng”, chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu khách nhưng lại không bền vững, không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.

PV: Khách du lịch đến từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh chỉ sau 1 năm. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong tháng 12/2017, Việt Nam đã đón 414.000 khách Trung Quốc, tăng gần gấp đôi tháng 12/2016. Vậy khách Trung Quốc tăng trưởng mạnh như vậy có tác động thế nào đến kinh tế du lịch Việt Nam, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết cần phải ghi nhận rằng Việt Nam đang mở cửa và có chính sách thu hút du khách càng nhiều càng tốt. Chúng ta đã làm rất nhiều biện pháp để thu hút khách, nhất là những khách có nguồn tiềm năng lớn về số lượng, về nhu cầu đi lại, khả năng chi tiêu, cũng như là ngoài du lịch thì Việt Nam còn phát triển mối quan hệ hữu hạn với lượng khách của nước đó. Với tinh thần ấy thì rõ ràng khách Trung Quốc vào Việt Nam là đúng với mục tiêu mà ta mong muốn.

Khách Trung Quốc hiện tại chiếm tỷ lệ lớn ở Việt Nam, có gần nửa triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch trong tháng 3/2018 và gần như "chiếm lĩnh" thị trường du lịch Việt Nam. Trước tình hình ấy, chúng ta cần phải có những chính sách khéo léo để dòng khách này có lợi cho thị trường Việt Nam. Nếu chúng ta ứng xử không khéo thì lượng khách Trung Quốc sẽ sụt giảm, vắng bóng, mà khách Trung Quốc giảm thì doanh thu du lịch giảm, doanh thu máy bay giảm…gây thiệt hại cho kinh tế.

Theo tôi, đối với khách Trung Quốc, chúng ta vừa mở cửa hoan nghênh nhưng cũng phải hết sức thận trọng và có những giải pháp hữu hạn, hài hòa các mục tiêu và không gây căng thẳng trong quan hệ hai bên để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu tiêu cực.

PV: Cụ thể, những mặt tiêu cực về khách Trung Quốc mà chúng ta cần lưu ý là gì thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Khách Trung Quốc có một bộ phận có ý xấu như hoạt động chui, tuyên truyền không đúng về lịch sử Việt Nam, ta phải quản lý chặt, tránh trường hợp không kiểm soát được.

Một số khách Trung Quốc mua bất động sản ở những vị trí nhạy cảm như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh ta cũng phải hết sức cảnh giác, về nguyên tắc thì không cấm nhưng khách Trung Quốc mua nhà Việt Nam thì phải kiểm soát số lượng trên một dự án, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở đã đưa ra, một tòa nhà chung cư người nước ngoài không được sở hữu 40%, một địa bàn phường không được sử dụng quá 250 đơn nguyên bất động sản. Do đó, chúng ta phải kiếm soát được số lượng khách Trung Quốc, tránh trường hợp họ tụ lại thành những phố Trung Quốc, biến thành khu tự trị, treo biển… đây là điều hết sức tối kỵ.

Một điều bất cập nữa là nhiều khách Trung Quốc sang Việt Nam, sau đó lén ở lại thành lao động tự do, nhập tịch, mua đất, lấy vợ, lấy chồng và ở lại Việt Nam, thậm chí họ trở thành những tội phạm với hành vi là cài những chương trình đọc mã PIN ở thẻ ATM để cướp tiền ngân hàng... Và rõ ràng cơ quan chức năng phải nhận diện nhóm khách này để có những biện pháp phù hợp. Đó là những lưu ý về khách Trung Quốc.

PV: Một số quốc gia đang phải trả giá cho việc lượng khách du lịch quốc tế đông nhưng không “chất” tạo ra hệ lụy là sức ép hạ tầng du lịch và dịch vụ, trong khi lợi nhuận thu được không như kỳ vọng. Với trường hợp khách du lịch Trung Quốc thì sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Trong những loại hình du lịch như khám phá, nghỉ dưỡng, mạo hiểm… khách nhập cảnh đường bộ Trung Quốc thuộc hàng bình dân nhất trong số khách du lịch bình dân. Họ đến Việt Nam không theo nghĩa là đi du lịch, chỉ đơn giản là thay đổi không khí và nói rằng mình đã đến nơi nọ, nơi kia…

Là bình dân nhất trong phân khúc bình dân, số tiền mà mỗi du khách Trung Quốc sẽ phải đóng cho công ty lữ hành tầm 30 - 40USD/ngày/người (đối với đoàn trên 20 người). Để thu hút khách, những doanh nghiệp lữ hành bên Trung Quốc tổ chức loại hình du lịch trả góp, khách đăng ký đi tour Việt Nam nộp trước cho công ty 30% kinh phí, 70% còn lại sẽ được khấu trừ dần thông qua tài khoản ngân hàng (tiền lương).

Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc đưa du khách Trung Quốc vào Việt Nam và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch mua sắm. Các công ty Lữ hành Trung Quốc liên kết cùng đối tác Việt Nam xây dựng những điểm mua sắm, trung tâm thương mại tại các thành phố, trung tâm Du lịch. Họ tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc chia hoa hồng với các trung tâm thương mại, điểm mua sắm tại Việt Nam. Họ biến chuyến hành trình thăm Việt Nam của những du khách Trung Quốc bình dân thành chuỗi ngày mua sắm triền miên. Mặc dù khách Trung Quốc tăng nhưng không chất bởi vì họ đi theo tour giá rẻ là chính, mua sắm tại những cửa hàng nội bộ của họ cho nên ta không thu được tiền từ lượng khách này, gây thất thoát cho nền kinh tế.

Đặc biệt, khách Trung Quốc tăng quá nhanh, tập trung tại một số điểm đến và khu vực tại điểm đến, vượt quá sức chứa của điểm đến dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự công cộng. Thực tế này đòi hỏi phải có các quy định, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ.

Thị trường khách du lịch Trung Quốc là thị trường nhạy cảm, dễ chịu tác động của biến động chính trị, quan hệ đối ngoại và tình hình thế giới, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sụt giảm nhanh đột ngột như đã từng xảy ra tại một số thời điểm. Tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc đối với các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở dịch vụ có thể dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

PV: Như ông vừa nhận định, chuyến hành trình thăm Việt Nam của nhiều du khách Trung Quốc bình dân thành chuỗi ngày mua sắm triền miên. Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng chi tiêu của khách Trung Quốc khi sang Việt Nam?

TS. Nguyễn Minh Phong: Thực tế, lượng khách đông là một tín hiệu đáng mừng. Khách vào Việt Nam, không ngành này thì ngành khác cũng sẽ được hưởng lợi. Vấn đề là chúng ta quản lý ra sao để các doanh nghiệp trong nước không bắt tay với các doanh nghiệp Trung Quốc để thao túng thị trường làm thất thoát nguồn thu.

Khách du lịch vào Việt Nam giúp cho ngành du lịch phát triển, mà du lịch là ngành công nghiệp liên ngành, từ du lịch sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ khác, thậm chí sang những ngành công nghiệp để phục vụ cho các sản phẩm tại chỗ, giúp cho quan hệ các nước tốt lên. Nếu khách Trung Quốc sang đông thì cũng giúp cho chúng ta phát triển kinh tế nhưng nếu chúng ta kiểm soát không tốt sẽ bộc lộ nhiều mặt trái như không thu được nhiều tiền, thất thoát về nguồn thu vì ăn uống thì hầu như trong các cửa hàng nội bộ của họ. 

Du khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong nguồn khách của chúng ta. Trên thực tế thì khách Trung Quốc không phải là nguồn lực chính mà chi tiêu cũng không phải quá nhiều, chẳng qua số lượng đông thì "tích tiểu thành đại". Lượng khách chi tiêu nhiều chỉ có Mỹ, Nga...

Có chăng thì Nha Trang là nơi khách Trung Quốc tập trung nhiều, đông người nên mang lại doanh thu nhiều hơn chút, điều đó khác với chi tiêu nhiều. Khách Trung Quốc đông sẽ tăng lên theo mặt tích cực, là cơ hội để ngành du lịch phát triển, nhưng cần phải biết cách kiểm soát để không thất thu đến nền kinh tế. 

PV: Khách du lịch Trung Quốc thường chọn Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… là nơi đặt chân cho hành trình của họ. Theo ông, xây dựng phương án đặc biệt gì để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách mà vẫn ngăn ngừa được thất thoát về kinh tế?

TS. Nguyễn Minh Phong: Những địa điểm như Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng rất nhạy cảm cả về quân sự,  vì vậy mình phải có chính sách khéo léo phù hợp với luật pháp và quan hệ hai nước, chẳng hạn tạo ra hàng rào kỹ thuật kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn. Cơ quan địa phương cần có chính sách tăng cường công tác quản lý để bảo đảm chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều khách Trung Quốc nhưng cũng phải đem lại lợi ích cho ngành du lịch trong nước.

Cụ thể, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp, bảo đảm chất lượng dịch vụ, phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến - nhất là dịp cao điểm, khách tập trung đông. Các địa phương cần chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành trong quản lý chất lượng dịch vụ, hàng hóa phục vụ khách Trung Quốc. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho du khách và thương hiệu, hình ảnh điểm đến…

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các mặt hàng, bảo đảm sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là nông sản, hàng thủ công nghiệp của địa phương, để tăng chi tiêu của du khách và tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao. Cấm các tour du lịch mở văn phòng hoặc lập các điểm bán hàng mà không xin phép Việt Nam, rõ ràng đó là chui, mình có quyền cấm, đóng cửa.

Bên cạnh đó, tất cả những sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam mà bán ra thì phải kiểm tra chặt chẽ đảm bảo chất lượng hàng Việt Nam. Nếu mình không cấm được người Trung Quốc bán hàng thì phải cho phép, khuyến khích người Việt đến bán những mặt hàng như vậy với giá ưu đãi hơn hẳn thì du khách đương nhiên sẽ mua của người Việt. Đồng thời phải kiểm tra giấy phép kinh doanh, thực hiện việc mua bán cạnh tranh, bày hàng xung quanh làm biển báo thật to thậm chí giá rẻ. 

Ảnh minh họa

PV: Theo ông, chúng ta cần những chính sách du lịch, ứng xử như thế nào với khách du lịch Trung Quốc ?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đây là bài toán của ngành du lịch. Thứ nhất cần làm tốt công tác tuyên truyền. Tuyên truyền đất nước Việt Nam, tuyên truyền về các yêu cầu của du khách quốc tế nói chung, khách Trung quốc nói riêng vào Việt Nam, những yêu cầu bao gồm về mặt văn hóa, chi tiêu, về mặt nước du lịch và các thông tin liên quan đến lịch sử Việt Nam, nghiêm cấm tất cả các thông tin không tốt cho chủ quyền Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đặc biệt là nghiêm cấm tất cả các hành vi chui.

Sau khi đưa ra những điều cần rồi thì ta đưa ra những điều cấm và có chế tài thật sự đối với một bộ phận khách Trung Quốc có hành vi xấu, ảnh hưởng đến môi trường du lịch Việt Nam. Đồng thời, du lịch Việt Nam cần phải có các tờ rơi hướng dẫn và chương trình quảng bá bằng tiếng Trung Quốc. Đừng nghĩ rằng làm thế chúng ta đang đánh mất bản sắc Việt mà ngược lại, điều này giúp khách Trung Quốc có thể mua nhiều hơn hàng hóa của chúng ta và tránh được các xung đột do bất đồng ngôn ngữ.

Tổ chức kiểm tra các bài thuyết minh của họ, nếu có vấn đề thì phải nghiêm khắc, cảnh báo họ và tịch thu luôn. Bắt buộc họ nói những điều đúng như mình phát cho họ, không xuyên tạc. Nghiêm cấm tất cả các hình thức như sử dụng biển báo, khép kín… và những hoạt động khác mà chỉ có người Trung Quốc với nhau.

Cần có chính sách tăng cường công tác quản lý để bảo đảm chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều khách Trung Quốc nhưng cũng phải đem lại lợi ích cho ngành du lịch trong nước. Một số công ty cũng cần xác định rõ phân khúc khách Trung Quốc để phục vụ.

Cần chọn thế mạnh phù hợp để sản xuất ra những sản phẩm khách du lịch Trung Quốc cần. Phải có những đơn vị nghiên cứu nhu cầu của khách Trung Quốc để đưa ra sản phẩm cụ thể. Gắn với việc quảng bá, xúc tiến điểm đến như một nơi để shopping và tạo điều kiện cho những sản phẩm đến được tầm với của khách hàng như phải có không gian riêng ở sân bay, khu siêu thị...

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các cơ sở không cho người địa phương vào mua hàng, yêu cầu niêm yết giá công khai và bán đúng giá này, tăng cường công tác quản lý thị trường, áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế. Ngoài ra, cần nghiêm cấm, thu hồi giấy phép đối với các công ty du lịch, hướng dẫn viên bán "tour 0 đồng"...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top