Aa

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất tăng thuế với đất không sử dụng

Thứ Ba, 05/06/2018 - 14:01

Để đảm bảo tình trạng không sốt đất ảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Chúng ta nên tăng thuế đất đối với những mảnh đất không sử dụng. Nếu áp dụng được việc tăng thuế này, chúng ta sẽ điều tiết và tạo được sự cân bằng trong cơ chế thị trường. Biện pháp này hiệu quả hơn so với biện pháp chỉ thị hành chính".

Tăng thuế với đất không sử dụng trong Luật Đất đai sắp tới

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 5/6, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã nêu nghịch lý trong quản lý đất đai hiện nay, đó là dự án đầu tư càng phát triển, thì việc đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án nhưng người dân vẫn khiếu kiện. Tỷ lệ không nhỏ tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ các dự án phát triển công trình bất động sản. Ở những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng, chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng phát sinh khiếu kiện. Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  "Vậy chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt là các công cụ kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên? Chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư trong việc giao đất giá thấp hay miễn tiền sử dụng đất hay không?

Tôi đồng tình khi nói tình trạng phát triển đất đai ở vùng phát triển là quy luật phát triển và chính quyền không thể ra lệnh cấm quy định. Nhưng chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề trên?”. 

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề liên quan chính sách đất đai và định giá đất đai. Hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng thế giới làm được còn tại Việt Nam việc áp dụng rất khó vì giá đất đai biến động mạnh. Chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang đất quy hoạch phát triển bất động sản là đã khác nhau rất lớn.

Trên thế giới quy hoạch của họ rất rõ ràng, không có chuyển đổi mục đích như vậy nên 5 phương pháp có thể áp dụng được. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường nên các phương pháp này không phù hợp như phương pháp tính vào giá thặng dư.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, Bộ rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai bằng các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và sau quy hoạch. Cơ quan chức năng cần tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ quá trình chuyển đổi, quy hoạch. Nhà nước có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng quyền lợi sẽ được chia cho người dân để họ thấy có công sức trên mảnh đất đó. Với nhà đầu tư, chính quyền cần tính toán để họ vẫn còn lợi nhuận.

Về vấn đề đấu giá đất đai, Bộ trưởng khẳng định đây là biện pháp hợp lý nhất. “Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa đấu giá được. Đã đấu giá phải dựa trên giá xác định, mà giá xác định hiện nay lại chưa theo giá thị trường thì làm thế nào để thiết chế được thông tin thị trường chính xác nhất, không tạo giá trị ảo”, Bộ trưởng nhận định.

Liên quan tới tình trạng sốt đất tại 3 đặc khu kinh tế tương lai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đối với trường hợp vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm sẽ kiên quyết không thừa nhận và xử lý triệt để. Nếu tình trạng không sốt đất thì phải có sự can thiệp của các công cụ kinh tế. “Chúng ta sẽ xem xét 1 người được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá. Hoặc trong vấn đề sử dụng đất đai, 1 năm đầu không sử dụng thì buộc phải có lộ trình sử dụng đất trong vòng 3 năm. Nếu không, chúng ta nên tăng thuế đất đối với những mảnh đất không sử dụng. Nếu áp dụng được việc tăng thuế này, chúng ta sẽ điều tiết và tạo được sự cân bằng trong cơ chế thị trường. Biện pháp này hiệu quả hơn so với biện pháp chỉ thị hành chính. Điều này cần được sửa đổi trong Luật Đất đai sắp tới”.

Về vấn đề tài sản, Bộ trưởng khẳng định, đã là tài sản thì không cho không ai cả. Tài sản phải được đánh giá đầy đủ mới sử dụng hiệu quả. Thậm chí đất nông nghiệp đã miễn thuế nhiều năm. “Vì chúng ta không đặt ra quan tâm kinh tế trong những mảnh đất này. Nếu mảnh đất hoạt động hiệu quả chúng ta thu thuế thu nhập, còn các khu khác phải thu thuế sử dụng đất đai để yêu cầu người sở hữu sử dụng hiệu quả”.

Khắc phục việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: “Việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và chính phủ phê duyệt, việc giao đất, cho thuê đất chuyển đổi đất lúa từ 10ha và trên 20ha với đất từng phải trình Thủ tướng phê duyệt tạo nhiều thủ tục, dễ tạo xin cho làm chậm quá trình đầu tư, gây bức xúc cho nhà đầu tư. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm, phê duyệt cuối năm trước năm kế hoạch làm mất cơ hội đầu tư cho dự án vào năm kế hoạch. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu trên?”. 

Giải đáp câu chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: “Hiện nay chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, từ cấp huyện, cấp xã, việc lớn hay nhỏ hơn 10ha là chỉ tiêu đã được đưa ra từ trước. Một trong những tồn tại của quy hoạch đất đai là chỉ tiêu đưa ra định lượng chưa đưa ra được vị trí địa điểm cụ thể. Đó là trách nhiệm của địa phương. Nếu địa phương làm tốt thì Chính phủ hoàn toàn có thể ủy quyền, mà hiện nay TP.HCM đã có cơ chế này rồi.

Nhưng bất cập ở chỗ địa phương chưa xác định được cụ thể, kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tiễn. Nếu tình trạng này còn xảy ra không kiểm soát được thì vẫn phải duy trì như hiện nay. Nếu địa phương làm tốt Chính phủ chỉ cần phê duyệt 1 lần là đủ.

Việc cải cách thủ tục hành chính chủ yếu nằm ở vấn đề đền bù giải pháp mặt bằng, rất tốn thời gian, chiếm 80% thời gian quá trình giao đất chứ không phải các thủ tục mang tính pháp lý này.

Việc phê duyệt đầu năm hiện nay là do địa phương chưa quản lý chặt được, nếu không chúng ta đã làm trong 5 năm chứ không phải mỗi năm rà soát lại một lần”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top