Aa

Bộ Văn hóa nhiều lần yêu cầu cân nhắc xây ga ngầm sát hồ Gươm

Thứ Bảy, 25/08/2018 - 21:01

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định ủng hộ việc xây dựng ga C9 (đường sắt đô thị số 2) nhưng cần cân nhắc việc xâm phạm di tích hồ Gươm khi thi công.

Ngày 24/8, trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết Bộ đã có văn bản trả lời báo chí thể hiện quan điểm liên quan đến tranh luận vị trí nhà ga ngầm C9, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) xâm phạm di tích hồ Gươm.

Đề nghị cân nhắc xâm phạm di tích hồ Gươm

Theo bà, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 và ga ngầm C9 nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ phát triển thủ đô văn minh, hiện đại.

"Các văn bản của Bộ đánh giá vị trí xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn và có giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bộ nhất quán với quan điểm này", thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nói.

Theo đó, đơn vị này có nhiều văn bản yêu cầu TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng. 

Nhiều tranh luận quanh đặt vị trí nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Việt Hùng.

Nhiều tranh luận quanh đặt vị trí nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Việt Hùng.

Vị trí này cách xa bờ phía đông của hồ Gươm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng từ 2013.

Cụ thể, 29/5/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Ủy ban này cho rằng ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ... trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến thực hiện.

Chờ ý kiến Bộ trưởng Văn hóa

Trả lời Zing.vn, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng nhà ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa. 

 Phối cảnh nhà ga C9. Ảnh: MRB.

Phối cảnh nhà ga C9. Ảnh: MRB.

Phó trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng cho hay UBND Hà Nội đã có công văn gửi Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xin ý kiến về vấn đề này theo đúng quy định.

 

Về việc thi công đường ngầm có nguy cơ gây sụt lún, rung lắc ảnh hưởng đến di tích quanh hồ Gươm, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ở khu vực hồ Gươm, có hai vấn đề được tính toán kỹ đó là độ lún và rung lắc.

"Theo tính toán, độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4 đến 8,8mm. Đây là độ lún rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích. Còn quá trình vận hành, các chuyên gia tính toán, khi ống hầm nằm sâu 15m thì các xung động không thể truyền lên mặt đất", ông Hiếu nhấn mạnh và thông tin thêm với công nghệ hiện đại sẽ không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh.

Nhà ga C9 dự kiến bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm. Công trình dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10m, tượng đài Cảm tử 81, đền Bà Kiệu 83m, Tháp Bút 36m, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Dự kiến nhà ga ngầm C9. Ảnh: Google Maps.

Dự kiến nhà ga ngầm C9. Ảnh: Google Maps.

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số 1 và công trình phụ trợ nằm trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Cửa số 3 ở khu vực vườn hoa hồ Gươm. Cửa số 4 có hai phương án là sau tượng đài Cảm tử hoặc phố Hàng Dầu. Hai cổng lên xuống số 3, 4 sẽ được bố trí thang máy để phục vụ người dân. Cổng số 1, 2 sẽ sử dụng thang bộ.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở Phố Huế (đoạn giao phố Nguyễn Du).

Theo phương án phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km). Khu depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top