Aa

Bộ Xây dựng nêu 6 yếu tố cho thấy thị trường BĐS đang tăng trưởng ổn định

Thứ Hai, 10/10/2016 - 06:30

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố như: Giá cả ổn định, thanh khoản tăng, tồn kho tiếp tục giảm mạnh...

Thị trường bất động sản không có diễn biến quá bất thường.

Thị trường bất động sản không có diễn biến quá bất thường.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo Bộ Xây dựng, sự ổn định của thị trường được thể hiện qua 6 yếu tố. Đầu tiên là giá cả ổn định. Thông tin chứng minh là một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ từ 1 -5% so với cùng kỳ 2015.

Yếu tố thứ hai là thanh khoản tăng. Theo báo cáo, lượng giao dịch thành công năm 2015 và 8 tháng năm 2016 tăng trưởng khá, ở cả phân khúc căn hộ trung cao cấp và căn hộ có diện tích vừa và nhỏ. Tại Hà Nội có khoảng 10.250 giao dịch thành công, và Tp.HCM có khoảng 10.200 giao dịch thành công, báo cáo nêu con số cụ thể.

Yếu tố thứ ba là cơ cấu hàng hoá bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.

Báo cáo nêu rõ, đến nay trên địa bàn cả nước có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ. 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn.

Tồn kho tiếp tục giảm mạnh được cho là yếu tố thứ tư thể hiện sự ổn định của thị trường bất động sản. Con số dẫn chứng là tổng giá trị tồn kho còn khoảng 34.724 tỷ đồng, so với quý 1/2013 giảm 93.824 tỷ đồng (72,99%), so với tháng 12/2015 giảm 16.165 tỷ đồng (31,77%).

Yếu tố thứ năm là tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Cụ thể, đến ngày 30/6, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 425.025 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2015.

Cuối cùng, yếu tố thứ sáu là tốc độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tiếp tục tăng khá. Tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 35.025 tỷ đồng, đã giải ngân được 28.356 tỷ, tính đến tháng 8/2016. Bộ Xây dựng đánh giá, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, góp phần cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ giới đầu tư bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, định hướng cơ bản nhất là kiểm soát để thị trường bất động sản vận hành một cách minh bạch, bền vững, bởi sự ổn định của thị trường này có tác động quan trọng trong việc phát triển kinh tế vĩ mô.

Ông Hà thừa nhận, hiện nay cơ quan quản lý ngành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường. Các văn bản quy phạm pháp luật vẫn có sự chồng chéo. Thông tin và sự minh bạch thông tin về thị trường bất động sản vẫn đang ở bước đầu. Cơ chế tạo vốn cho thị trường cũng còn sơ khai, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, vì vậy tới đây sẽ phải phát triển thêm các thể chế tài chính thúc đẩy vốn cho thị trường bất động sản.

Trả lời câu hỏi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khủng hoảng, bong bóng chưa, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, phân tích trên một số yếu tố cơ bản theo thông lệ quốc tế, như sự ổn định về kinh tế vĩ mô, tình hình đầu tư, trong thời gian trước mắt chưa có dấu hiệu quá bất bình thường trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, có 3 yếu tố đang diễn ra hiện nay cần phải đặc biệt lưu ý.

Một là sự lệch pha trong nguồn cung khi nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nếu thực hiện hết các dự án bất động sản thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp, nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.

Thứ hai, dù dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay vẫn ở giới hạn an toàn khoảng 8% tổng dư nợ. Tuy nhiên, phần lớn tín dụng lại chỉ tập chung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung một số nhà đầu tư. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như chúng ta không kiểm soát tốt nguồn tài chính vào thị trường.

Thứ ba, dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp, đã bắt đầu có đầu cơ, dự án tăng giá từ 3 - 7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao hơn nhiều. Đây là kết quả của đầu cơ, của một số đơn vị bán hàng đẩy giá. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chưa phải phổ biến.

Tại buổi làm việc, Bộ Xây dựng cũng đề ra 6 giải pháp để góp phần kiểm soát tốt hơn thị trường bất động sản. Đó là: Phải nắm bắt thông tin, minh bạch hóa; Tăng cường tập huấn, phổ biến tuyên truyền các kiến thức về đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; Tiếp tục nghiên cứu và có chính sách mới thúc đẩy thị trường vốn cho thị trường bất động sản; Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quản lý thị trường bất động sản; Thực hiện chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, có cơ chế khuyến khích nhà ở xã hội, giảm thiểu thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong tham gia hoạt động về bất động sản… Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết bài toán lệch pha về cung cầu sản phẩm bởi đây là trụ cột trong chính sách an sinh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải thực hiện tốt các quy định đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bất động sản nhưng không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top