BPO là ngành mới tiềm năng và được hiểu là việc sử dụng internet...
Đây là một trong 5 ngành được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài theo báo cáo “ Tiêu điểm Việt Nam - Spotlight on Viet Nam” do PwC Việt Nam thực hiện nhân dịp Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhân của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Đà Nẵng.
Trong buổi họp báo giới thiệu ấn phẩm đặc biệt diễn ra ngày 18/10, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, TGĐ PwC Việt Nam chia sẻ, BPO là ngành mới tiềm năng và được hiểu là việc sử dụng internet, CNTT để cung cấp các dịch vụ liên quan xung quanh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như kế toán, tiền công, tiền lương, xử lý đơn hàng... Trong đó, gia công phần mềm là một minh chứng: Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về gia công phần mềm cho Nhật Bản. Đây là lĩnh vực mà các tập đoàn trên thế giới có nhu cầu cao và thường được đặt ở các quốc gia có đội ngũ lao động dồi dào, chi phí lao động thấp. Và Việt Nam, với đội ngũ lao động trẻ với 45% dân số dưới 30 tuổi, 40.000 cử nhân CNTT bước vào thị trường lao động hàng năm mà các quốc gia khác như Ấn Độ, Philippines không thể cạnh tranh. Đây là ngành tiềm năng rất lớn nhưng chưađược khai thác triệt để.
Bà Vân cũng cho rằng, BPO của Việt Nam tăng trưởng khá tốt từ 20% - 35% mỗi năm. Tuy nhiên, thị trường này tại Ấn Độ đạt 143 tỷ USD, Philippines đạt 22 tỷ USD, Việt Nam 2 tỷ USD, chứng tỏ đây là ngành có rất tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Cùng với BPO, báo cáo “Tiêu điểm Việt Nam - Spotlight on Viet Nam” của PwC còn giới thiệu bốn lĩnh vực tiềm năng lớn có nhiều cơ hội phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là ngành năng lượng sạch (năng lượng mặt trời và gió) do mức tiêu thụ tăng cao của Việt Nam tạo ra nhu cầu. Hơn nữa, tính bền vững của năng lượng tái tạo và những hạn chế của nguồn năng lượng hiện tại sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng mới. Theo đánh giá của PwC, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để biến năng lượng gió, năng lượng mặt trời thành nguồn năng lương tốt nhất.
Ngoài ra, phân khúc khách sạn và cao cấp còn rất nhiều tiềm năng khi lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng và làn sóng sử dụng khách sạn cao cấp của người Việt ngày càng cao.
Kế đó là ngành nông nghiệp hiện đại và công nghệ thực phẩm do nhu cầu ngày một thay đổi của người tiêu dùng mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Ngành cuối cùng được PwC đề cập là ngân hàng bán lẻ, bởi nhiều nhân tố như mới có 2% dân số sử dụng thẻ tín dụng, 91% giao dịch bằng tiền mặt... đây là cơ hội hiện đại hóa thói quen giao dịch tại Việt Nam.