Aa

Thành phố Bristol đang nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng nhà ở như thế nào?

Thứ Bảy, 16/04/2022 - 06:12

TP. Bristol (Vương quốc Anh) đang tiến hành giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở bằng nhiều chiến lược thông minh, biến thành phố này thành điểm đến hấp dẫn cho những người rời thành London.

Nhu cầu tăng cao khi nguồn cung hạn chế 

Bristol là thành phố lớn thứ 6 ở Anh, cách Thủ đô London khoảng 106km về phía Tây. Với dân số vào khoảng 463.400 người, đây là thành phố đông dân thứ 9 tại Anh. 

Theo dữ liệu của Công ty tư vấn dịch vụ bất động sản toàn cầu Knight Frank, nhu cầu về nhà ở tại Bristol đang gia tăng với số lượng người mua tiềm năng tìm mua nhà ở thành phố này tăng 33% trong năm 2021, so với mức trung bình 5 năm. Số lượng bất động sản bán được tăng 7% so với năm 2020. Trong 5 năm qua, giá nhà ở Bristol đã tăng 25%.

Theo thống kê, trong năm 2021 giá nhà trung bình ở Bristol đã tăng 6,4% so với mức tăng 5,4% của Thủ đô London. Giá nhà tăng mạnh trong những năm gần đây đã góp phần làm gia tăng áp lực về khả năng chi trả ở thành phố với tỷ lệ chênh lệch giữa giá bất động sản nhà ở và bình quân thu nhập là 8,6, cao hơn cả tỷ lệ trung bình toàn quốc. 

Trong vòng 3 năm qua, chỉ có hơn 3.400 căn trên 45 đồ án được cấp quy hoạch chi tiết. Trung bình, các bản quy hoạch này mất đến 11 tháng để hoàn thiện đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong khi đó, Hội đồng thành phố Bristol đã tính toán rằng nhu cầu nhà ở hàng năm là 2.368 căn nhà. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây đối với phương pháp luận tiêu chuẩn để tính toán nhu cầu nhà ở đã dẫn đến mức tăng 35% về nhu cầu nhà ở cho 20 khu vực thành thị đông dân nhất trên khắp nước Anh. Điều này dẫn đến con số nhu cầu hàng năm ở Bristol là 3.196 căn.

bristol, anh quốc, khủng hoảng nhà ở, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư bristol
Đường chân trời Bristol nhìn từ những căn hộ mới ở Castle Park View. (Ảnh: John Myers)

Phân tích về nguồn cung nhà ở trong 5 năm của Hội đồng thành phố từ năm 2020 đến năm 2025 cho thấy thành phố sẽ không đáp ứng được nhu cầu này. Trong giai đoạn 5 năm từ năm 2020 - 2025, Hội đồng dự đoán nguồn cung nhà ở mới tổng cộng đạt 10.579 ngôi nhà, chia thành 2.115 ngôi nhà cho mỗi năm, thấp hơn 30% so với yêu cầu hàng năm dựa trên phương pháp phân tích mới. 

bristol, anh quốc, khủng hoảng nhà ở, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư bristol
Số lượng nhà ở được bàn giao ở Bristol qua các năm, theo đó số nhà dự đoán năm 2020 - 2021 ít hơn nhu cầu nhà ở khoảng 1081 căn. (Nguồn: Knight Frank Research)

Theo phân tích của hai chuyên gia Tony Dyner và Tom Hathway trên trang The Bristol Cable ngày 01/04/2022, cuộc khủng hoảng nhà ở của Bristol được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê và một thị trường coi nhà ở là cơ hội đầu tư hơn là nhà cho người dân.

Nhìn chung, vấn đề nhà ở là một khoản đầu tư chứ không phải tài sản xã hội là vấn đề của toàn Vương quốc Anh và quốc gia này đã và đang nỗ lực giải quyết bài toán này trong nhiều năm. Đối với riêng Bristol, hiện có 16.000 gia đình nằm trong danh sách chờ đợi để được mua hoặc thuê nhà ở xã hội, trong khi các khoản thế chấp ngày càng vượt xa tầm tay của những người có nhu cầu nhà ở bức thiết nhất. Do không tiếp cận được nhà ở xã hội, nhiều người dân tại Bristol tiếp tục mắc kẹt trong những căn nhà tư nhân cho thuê với giá cả ngày càng tăng gấp nhiều lần so với mức lương của họ. 

Nguồn cung nhà ở hiện tại của Bristol ngày càng bị chi phối bởi nhà cho thuê tư nhân, cũng chính là nguồn cung nhà ở cung cấp cho khoảng một phần ba cư dân của thành phố và khoảng 60.000 bất động sản, thường không mang lại sự ổn định lâu dài giúp biến một ngôi nhà thành tổ ấm .

Chi phí thuê nhà tại Bristol đã bùng nổ trong thập kỷ qua. Dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia thu thập cho thấy giá thuê trung bình trên tất cả các ngôi nhà ở Bristol đã tăng từ 731 bảng vào năm 2011 lên 1196 bảng vào năm 2021 - nghĩa là tăng hơn 50% trong 1 thập kỷ. Đối với một căn nhà hai giường cho thuê ở Bristol vào tháng 3 năm ngoái, con số này là 1.114 bảng, so với 729 bảng vào năm 2011.

Những bước chuyển mình đầu tiên 

Giữa năm 2021, để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đang trong giai đoạn đỉnh điểm, chính quyền TP. Bristol đã triển khai sáng kiến “những ngôi nhà khoảng cách” - những ngôi nhà siêu nhỏ xây dựng trên các khu nhà để xe. Sử dụng những khu vực nhà để xe không sử dụng, khoảng không gian trống giữa nhà và vườn, các kiến trúc sư sẽ đặt vào đó những ngôi nhà sinh thái, siêu cách nhiệt, được lắp đặt các tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt bằng không khí. 

Cấu trúc của những ngôi nhà này gồm 2 tầng, gồm 1 phòng khách hoặc phòng ăn mở ở tầng 1 và phòng ngủ ở tầng trên. Tại thời điểm đó, Bristol ước tính có khoảng 2.000 ngôi nhà như thế, đặt tại 300 địa điểm nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ tại thành phố. 

bristol, anh quốc, khủng hoảng nhà ở, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư bristol
Một khu nhà để xe cũ ở Horfield, Bristol, nơi những “ngôi nhà khoảng cách” đầu tiên được xây dựng. (Nguồn: The Guardian)

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề, TP. Bristol vẫn cần có những chiến lược lâu dài và bền vững hơn. Tận dụng ưu thế về khả năng phát triển ngành công nghiệp công nghệ và sáng tạo, cùng với việc các chuyên gia trẻ trong lĩnh vực công nghệ đang có xu hướng rời khỏi London, Bristol đang khuyến khích phát triển khu dân cư mới. Năm 2021, Bristol đứng thứ ba trong danh sách những thành phố là sự lựa chọn hàng đầu của những người có ý định rời khỏi London, thu hút hơn 5.000 nhân lực chuyển về từ Thủ đô.  

Cùng với nguồn lao động chất lượng cao, thành phố này cũng thu hút các nhà tuyển dụng hàng đầu như Đài truyền hình Channel 4, Công ty tài chính Hargreaves Landsdown, công ty bảo hiểm đa quốc gia AXA. Theo thống kê, có 430 công ty công nghệ có trụ sở tại Bristol với 8.000 nhân lực. Đến năm 2030, số lượng người làm việc trong lĩnh vực chuyên môn khoa học, công nghệ thiết lập sẽ tăng 15%, theo số liệu từ Oxford Economics.

Nắm bắt xu hướng này, Bristol đang thực hiện những kế hoạch quy hoạch khu dân cư và đổi mới cơ sở hạ tầng. Báo cáo “Các thành phố của Vương quốc Anh” năm 2022 của Knight Frank cho thấy, Bristol đứng thứ 7 trong số 39 thành phố tích cực đổi mới, đứng thứ 3 về thành phố đổi mới hiệu quả cơ sở hạ tầng. Các tiêu chí và điểm số đánh giá được thiết lập dựa trên chất lượng của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, mức độ tăng về quy mô của các doanh nghiệp đặt tại thành phố này. 

Những đề án quy hoạch khu dân cư đã được thông qua của Bristol có thể kể đến như Finzels Reach - dự án khu dân cư lớn đang trong giai đoạn gần hoàn thiện. Finzels Reach cung cấp 737 ngôi nhà mới với 100 ngôi nhà có giá cả phải chăng, đem đến chỗ ở lâu dài cho 3.300 người đang sinh sống và làm việc tại Bristol. Cùng với đó, St Catherine’s Place cũng là dự án đã được thông qua vào năm 2021, với mục tiêu tái phát triển khu trung tâm mua sắm thành các khu chung cư cao tầng với 178 căn nhà. 

bristol, anh quốc, khủng hoảng nhà ở, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư bristol
Dự án Finzels Reach, thành phố Bristol. (Nguồn: Sheppard Robson)

Bên cạnh những dự án đã được thông qua và đang trong quá trình triển khai, một số dự án đang trong giai đoạn đề xuất đáng chú ý tại Bristol bao gồm Temple Quarter - dự án tái tạo đô thị lớn nhất Vương quốc Anh với quy mô 100ha và 10.000 nhà ở, dự án Frome Gateway với mục tiêu xây dựng 2.500 ngôi nhà mới hay dự án Bedminster với mục tiêu tạo ra 4.000 ngôi nhà. 

Bristol cũng là một trong những thành phố hàng đầu ở Anh có hệ thống công viên, cây xanh và cảnh quan xanh dồi dào. Bristol có khoảng hơn 450 công viên và không gian xanh - một con số tương đối nhiều so với bất kỳ thành phố nào khác của Vương quốc Anh. Cùng với đó, hệ thống giao thông công cộng của Bristol cũng tương đối phát triển. Chỉ mất 1 giờ đồng hồ để đi từ Bristol đến London. Knight Frank đã xếp hạng Bristol đứng thứ 8 trong danh sách các thành phố có tính kết nối nổi bật tại Anh, dựa trên sự đánh giá về thời gian di chuyển bằng phương tiện cá nhân và công cộng, kết nối kỹ thuật số và tính khả dụng của 5G. 

Bristol cũng đang xây dựng kế hoạch mới cho hệ thống xe buýt chuyển tuyến và cung cấp hạ tầng chuyên biệt cho loại phương tiện này. Thị trưởng thành phố đang khuyến khích đầu tư để xây dựng cho thành phố hệ thống giao thông ngầm riêng với công nghệ cao, bao gồm phương tiện không người lái hoặc phương tiện chạy bằng điện. 

Có thể thấy, Bristol đang tham vọng trở thành “thành phố hậu đại dịch” với mục tiêu trở thành điểm đến lý tưởng cho những người rời khỏi thành London nhộn nhịp, có mong muốn và nhu cầu phát triển công việc và sinh sống lâu dài tại một đô thị thông minh. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán giá nhà thuê leo thang và thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, Bristol cần thêm nhiều thời gian để thay đổi về mặt chính sách, kiểm soát nguồn nhà ở tư nhân và nhiều hạng mục quy hoạch khác để đảm bảo tính bền vững./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top