Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam 7 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2021

Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam 7 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2021

Thứ Năm, 12/08/2021 - 06:00

Mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hai lần bùng phát dịch bệnh trong năm 2021, song bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một số một số kết quả đáng khích lệ.

Kinh tế thế giới 7 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự hồi phục nhưng phân hóa rõ nét giữa các nước đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao (như Mỹ, Châu Âu…) và các nước còn phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh (đặc biệt là các nước Nam Á, Đông Nam Á…), dự báo tăng trưởng 6% năm 2021 và 4,9% năm 2022 (theo IMF, 7/2021).

Lạm phát gia tăng, có thể lên mức 3% năm 2021 (từ mức 2% năm 2020) và sẽ giảm dần xuống mức khoảng 2,5% năm 2022. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro lớn nhất là nguy cơ bùng dịch trở lại bởi các biến chủng Covid-19 mới, áp lực lạm phát, tăng giá hàng hoá, áp lực nợ dẫn đến khả năng thắt chặt chính sách tài khoá và tiền tệ sớm hơn kế hoạch, khiến rủi ro thanh khoản và dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng lên.

Đối với Việt Nam, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hai lần bùng phát dịch bệnh trong năm 2021, đặc biệt lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay nghiêm trọng và phức tạp hơn, buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại nhiều địa phương (trong đó có cả Hà Nội và TP.HCM - là hai đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước), song bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một số một số kết quả đáng khích lệ. 

Thứ nhất, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường hơn nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh biến chủng Delta với mức lây nhiễm cao đã lây lan và bùng phát khiến số ca lây nhiễm tăng nhanh, đặc biệt tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam và Hà Nội gần đây; Chính phủ đã có những quyết sách, hành động quyết liệt và kịp thời đối với chiến lược kiểm soát dịch và cứu chữa người bệnh, giúp số người hồi phục tăng mạnh; thay đổi chiến lược vaccine nhằm phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.

Đồng thời, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ sớm triển khai như Thông tư 03/TT-NHNN về giãn hoãn nợ, giảm lãi, phí; Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 19/4/2021 về giãn, hoãn thuế và tiền thuế đất; Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 với quy mô 26 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ người lao động; và đã đạt kết quả ban đầu… 

Thứ hai, GDP nửa đầu năm 2021 duy trì đà tăng trưởng khá, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các động lực tăng trưởng chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành dịch vụ. Dù thấp hơn kế hoạch đề ra, nhưng đây là kết quả đáng khích lệ bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nghiêm trọng và diễn biến hết sức phức tạp.

Thứ ba, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt và phối kết hợp của các cơ quan chức năng, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, nằm trong mục tiêu của Chính phủ. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh giá cả hàng hóa, lạm phát toàn cầu đang gia tăng.

Thứ tư, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh dù dịch bệnh tác động mạnh đến các khu công nghiệp và nhiều tỉnh, thành phố; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 373 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 26% và 35%.

Thứ năm, lãi suất và tỷ giá cơ bản ổn định; đặc biệt lãi suất cho vay giảm rõ rệt, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ sáu, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Việt Nam đã tổ chức thành công và an toàn kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt lần đầu tiên Quốc hội có quyết nghị về công tác phòng chống dịch Covid-19; điều này chưa từng có tiền lệ, cho thấy sự thống nhất, đồng hành cao của Quốc hội với Chính phủ, là cơ sở để có thể ban hành, thực thi nhanh chóng các giải pháp phòng chống dịch bệnh, ổn định kinh tế và an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cuối cùng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam được các tổ chức đánh giá cao khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín (Moody’s, S&P và Fitch) nâng triển vọng từ “tiêu cực/ổn định” lên “tích cực”.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức hơn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để giải quyết, khắc phục.

Một là, dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp. Tương tự xu hướng gia tăng số ca nhiễm do biến chủng Delta trên thế giới, tại Việt Nam, làn sóng dịch thứ 4 đã bùng phát và lan rộng tại 62 tỉnh, thành phố, bao gồm cả 2 trung tâm kinh tế - chính trị là Hà Nội và TP.HCM; trong khi đến hết tháng 7/2021 mới chỉ có 6,5% dân số được tiêm vaccine, còn khá xa so với mục tiêu miễn dịch cộng đồng (70%); từ đó tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

GDP nửa đầu năm 2021 duy trì đà tăng trưởng khá, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

Hai là, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại trong tháng 7, tính chung 7 tháng tăng 7,9% nhưng so với nền thấp của cùng kỳ, cho thấy nguy cơ ngưng trệ chuỗi sản xuất gia tăng.

Ba là, mặc dù hoạt động bán lẻ 7 tháng đầu năm tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng tháng 7 đã sụt giảm 8,3% so với tháng trước do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại nhiều địa phương.

Thứ tư là, vốn FDI đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giải ngân FDI tăng 3,8% - là mức tăng thấp so với mức tăng 8 - 10% trước năm 2019; chủ yếu do dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, nhiều địa phương, khu công nghiệp phải giãn cách xã hội. 

Năm là, giải ngân đầu tư công ngưng trệ. Trong bối cảnh đợt bùng phát, lan rộng khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, giải ngân vốn đầu tư công đã chịu ảnh hưởng trực tiếp khi nhiều công trình phải tạm dừng thi công.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức giải ngân bằng 44,3% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 39% kế hoạch năm và tăng 25,2%). Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá sắt thép) tăng nhanh từ đầu năm, cũng có ảnh hưởng tới nhiều công trình đầu tư công đang triển khai khi buộc phải điều chỉnh dự toán, gây chậm chễ tiến độ giải ngân và kế hoạch vốn đầu tư trung hạn. 

Sáu là, hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong 7 tháng đầu năm. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và hoàn tất giải thể đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 23% và 27%; cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú ăn uống; đòi hỏi các chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp từ Chính phủ.

Cuối cùng là, rủi ro nợ xấu tăng lên, thu chi ngân sách vẫn đối diện với nhiều thách thức; chủ yếu do hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, trong khi nguồn thu thiếu bền vững khi tỷ trọng thu từ giao dịch đất đai và chứng khoán tăng đột biến.

Về triển vọng từ nay đến cuối năm, đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến trình tiêm vaccine. Trong điều kiện Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, theo kịch bản cơ sở của chúng tôi (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 9/2021 và Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng muộn nhất vào quý II/2022), tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt từ 5,3 - 5,5%.

Lạm phát bình quân dự báo ở mức 2,8 - 3% trong điều kiện sức cầu còn yếu, vòng quay tiền còn chậm; xu hướng ổn định dần của nhóm hàng hóa thiết yếu nhờ nguồn cung dồi dào và công tác bình ổn giá tiếp tục phát huy hiệu quả, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây là mục tiêu tương đối thách thức trong bối cảnh nhiều rủi ro, bấp bênh, giá cả và hàng hóa toàn cầu tăng, chuỗi cung ứng còn gián đoạn. 

Bối cảnh này đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương và sự đồng hành, năng động, thích ứng của người dân và các doanh nghiệp; nhưng là mục tiêu khả thi nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh; đẩy nhanh chiến dịch vaccine, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng chậm nhất là quý I hoặc quý II/2022.

Bên cạnh việc lưu ý không chủ quan với áp lực lạm phát, chú trọng ổn định vĩ mô thông qua phối hợp hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả; Chính phủ cần tìm kiếm, thúc đẩy hiệu quả các động lực tăng trưởng bổ sung hoặc thay thế (như giữ vững đà tăng xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất và hiệu quả hơn nữa…).

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ, triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ hiện hành, cũng như nghiên cứu đưa ra các gói hỗ trợ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hỗ trợ nhằm đảm bảo “nhanh, đúng, trúng” đối tượng cần được hỗ trợ. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bao trùm và bền vững hơn, trong bối cảnh bình thường mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top