Aa

Bước đột phá cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Thứ Ba, 02/01/2018 - 10:25

Năm 2017 là năm có bước đột phá của Bộ Xây dựng trong công tác Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) về lĩnh vực Xây dựng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời giảm thời gian, chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập phát triển.

Ghi nhận kết quả này, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12 vừa qua.

Thực hiện hiệu quả, phân cấp, phân quyền

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2017 là năm có bước đột phá của Bộ Xây dựng về CCTTHC, trong đó điểm nhấn nổi bật là đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, Nghị định số 42 đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc thẩm định thiết kế xây dựng nhằm giảm chi phí đi lại và thời gian thực hiện thủ tục.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã phân cấp, ủy quyền thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng cho Sở quản lý xây dựng chuyên ngành các địa phương đối với công trình nhà ở cấp I có quy mô dưới 25 tầng, chiều cao không quá 75 m (trước là công trình từ cấp II trở xuống, quy mô dưới 20 tầng). Sở quản lý xây dựng chuyên ngành thành phố Hà Nội và TPHCM thẩm định tất cả các dự án do UBND Thành phố quyết định đầu tư. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thẩm định công trình từ cấp II trở xuống của dự án do Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư. Người quyết định đầu tư (các bộ, cơ quan ở trung ương) thẩm định báo cáo kinh tế-kỹ thuật của công trình từ cấp II trở xuống.

Nghị định số 42/2017/NĐ-CP đã gỡ nút thắt, phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đơn vị trong việc thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng. Ảnh VGP/ Toàn Thắng.

Nghị định số 42/2017/NĐ-CP đã gỡ nút thắt, phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đơn vị trong việc thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng. Ảnh VGP/ Toàn Thắng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, một trong những nội dung có sức ảnh hưởng lớn và được xã hội quan tâm là tạo ra những đổi mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Người đứng đầu ngành xây dựng chia sẻ, khi xây dựng nội dung văn bản quy phạm pháp luật này, trong đội ngũ cán bộ của Bộ Xây dựng cũng có nhiều quan điểm và tranh luận khác nhau. Tuy nhiên, với tinh thần cao nhất là phục vụ xã hội và phục vụ nhân dân, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc thực hiện phân cấp cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Đánh giá về hiệu quả của việc phân cấp này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh “Việc phân cấp cho các địa phương đã giúp giảm tới 70% số hồ sơ mà trước đây “dồn hết” về Bộ Xây dựng giải quyết”.

Có thể nói đây là quyết định “rất đáng hoan nghênh” của Bộ Xây dựng khi mạnh dạn gạt sang bên những lợi ích của Bộ, ngành với mục tiêu nhất quán là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân theo tinh thần Chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động”.

Tiếp tục bước đột phá trong CCTTHC, hiện nay Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu chuẩn bị đề xuất chính sách sửa đổi các luật trong lĩnh vực xây dựng gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đang tập trung xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cắt bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cùng nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Bộ quản lý. Theo dự thảo Nghị định này sẽ có 41,3% tổng số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa 43,7% điều kiện kinh doanh và giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa 22 TTHC theo Đề án 896 (Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư) đối với 4 lĩnh vực: Xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và xử phạt vi phạm hành chính.

Chuyển động tích cực từ cơ sở

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, TP.HCM là một trong những địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác CCTTHC trong lĩnh vực xây dựng. Qua kết quả thăm dò sự hài lòng từ 3.075 khách hàng với 2.018 phiếu khảo sát có ý kiến, đạt 65,62%, tỉ lệ khách hàng hài lòng đạt 97,33%.

UBND TP.HCM đã chấp thuận thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, trong đó đề xuất giải quyết cùng lúc các thủ tục gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp Giấy phép xây dựng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Tại Thủ đô Hà Nội, UBND Thành phố đã bãi bỏ 3 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường dịch vụ bưu chính công ích với 22 thủ tục. Trong đó, tiếp nhận 3 thủ tục, trả kết quả 19 thủ tục.

Năm 2017, đã tiếp nhận 2.250 hồ sơ. Đã giải quyết đúng hạn, trước hạn 1.360 hồ sơ (đạt 93%), còn 944 hồ sơ đang giải quyết.

Tại tỉnh Ninh Bình, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng mang đến nhiều kết quả rõ rệt, tỉnh đã rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng cho các công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng. Theo đó, thời gian trung bình xin cấp phép xây dựng cho công trình nhà ở riêng lẻ giảm xuống còn 8 ngày (theo quy định là 15 ngày), cho công trình dự án là 20 ngày (theo quy định là 30 ngày).

Các lĩnh vực công việc, thủ tục hành chính đã triển khai thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 33/33 thủ tục, đạt 100%. Ngoài ra, Ninh Bình cũng đã triển khai hệ thống cổng dịch vụ công (một cửa điện tử) với 100% các thủ tục hành chính đã được tạo lập trên hệ thống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top