Aa

Buôn bán hàng di động xách tay có vi phạm pháp luật?

Thứ Ba, 30/10/2018 - 00:00

“Hàng di động xách tay” không phải là một cụm từ mới mẻ ở Việt Nam. Đã từ lâu, rất nhiều người dân có thói quen mua hàng xách tay hơn hàng chính hãng bởi giá rẻ. Vô hình chung, người dân đang tiếp tay cho những thương gia làm ăn gian dối?

Cần phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả và hàng lậu?

Đây là câu hỏi của anh Minh Phương (Cẩm Khê, Phú Thọ) hỏi PV khi trao đổi về vấn đề hàng di động xách tay không phải hàng hóa được phép buôn bán.

“Hằng ngày, người dân chúng tôi luôn phải đối mặt với câu hỏi như vậy mỗi khi mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống. Trong khi, luật pháp thì không hiểu, họ giới thiệu di động xách tay là hàng chuẩn, giá rẻ, do có người nhà ở nước ngoài xách về, không phải nhập khẩu và chịu thuế. Họ nói vậy thì ai chẳng muốn mua”, anh Minh Phương bức xúc nói.

“Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì đến một ngày người dân sẽ gặp phải tình cảnh “tiền mất tật mang”. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, có những biện pháp quyết liệt và liên tục hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này”, anh Minh Phương nói.

Câu hỏi trên của anh Minh Phương cũng chính là điều mà bao lâu nay chị Hiền (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) chưa tìm ra lời giải đáp. Ở một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, lại có cửa khẩu quốc tế Lào Cai, một trong những cửa khẩu lớn nhất cả nước, tình trạng buôn bán hàng lậu xảy ra thường xuyên, trong đó có mặt hàng di động.

“Tôi không hề biết hàng xách tay không được phép buôn bán và chắc hầu hết mọi người ở đây cũng vậy. Ai cũng mơ hồ quy định của pháp luật về việc này. Với địa phương giáp với biên giới như chúng tôi, mọi người cần được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin hơn. Chỉ khi có nhận thức đúng, người tiêu dùng mới chủ động nghiên cứu kỹ thông tin trước khi mua hàng, từ đó kiên quyết tẩy chay hàng lậu”, chị Hiền nói.

Rất nhiều sản phẩm di động được gắn mác “hàng xách tay” đang chào bán trên thị trường.

Người tiêu dùng thì thiếu hiểu biết về pháp luật, còn người buôn bán di động xách tay lại luôn có vô vàn lý do bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật để tiếp tục kinh doanh.

Anh Cường, người chuyên buôn bán điện thoại xách tay ở Hà Nội cho rằng: “Có cung thì mới có cầu, người dân vẫn muốn mua thì thị trường buôn bán còn sôi động. Trong khi, các cơ quan quản lý nhà nước lại buông lỏng vấn đề này tạo lỗ hổng về mặt quản lý".

"Lớn như Nhật Cường Mobile, CellphoneS, TechOne, di động thông minh,… họ thành lập công ty, có cả một hệ thống cửa hàng bán di động phủ rộng khắp toàn quốc nhưng vẫn ngang nhiên bán hàng xách tay. Sai phạm lớn như vậy, ai cũng nhìn ra, tại sao quản lý thị trường đi kiểm tra thường xuyên lại không xử phạt?”, anh Cường phân bua.

Nhưng dù vì bất kỳ lý do gì thì lòng tham bởi “lợi nhuận khủng” cũng đã khiến cho những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp bấp chấp việc vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng tiếp tục buôn bán di động xách tay, buôn bán hàng lậu.

 Buôn bán hàng di động xách tay có vi phạm pháp luật?

Không hóa đơn nhập khẩu là hàng lậu

Từ lâu, cụm từ “hàng xách tay” đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, nhưng thực chất nó có được phép kinh doanh hay không thì không phải ai cũng biết. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Anh, giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm.

Thưa ông, với góc độ là một luật sư, ông đánh giá như thế nào về mặt hàng điện thoại xách tay trên thị trường Việt Nam hiện nay?

Hàng xách tay là hàng công ty hay hàng chính hãng do cá nhân nào đó mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không và có giới hạn theo quy định của pháp luật. Nhưng nó không phải chịu thuế, không phải qua khâu trung gian nên mặt hàng này thường rẻ hơn so với hàng chính hãng bán trong nước.

Trên thị trường, điện thoại xách tay đang được bán tràn lan và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, nhưng đây là hàng tiêu dùng, chứ không phải hàng thương mại, nên chúng ta không được phép buôn bán. Với những cá nhân hoặc doanh nghiệp đang kinh doanh điện thoại xách tay là họ đang vi phạm pháp luật.

Như vậy, những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng di động xách tay vi phạm pháp luật như thế nào thưa ông?

Hàng di động xách tay được xem là loại hàng hóa không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không thông qua kê khai hải quan. Nói cách khác, kinh doanh hàng di động xách tay chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.

Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng nhập lậu bao gồm:

- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Do nguồn gốc hàng hóa không được chứng minh rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi tối đa của người tiêu dùng. Như vậy, họ đang vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. 

Ngoài ra, nó còn vi phạm luật cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh cùng ngành hàng với nhau. Sự cạnh tranh này không lành mạnh và sẽ ảnh hưởng tới những đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, người bán hàng xách tay không vi phạm pháp luật nếu nó đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/ NĐ-CP như sau: hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh và đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lí hóa đơn.

Thưa ông, với những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt tùy theo giá trị lô hàng hóa nhập khẩu và trong các trường hợp cụ thể. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, người vi phạm là người trực tiếp nhập hàng hóa sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập. Và có thể bị xử phạt nặng hơn nếu mức độ sai phạm lớn và vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top