Aa

Buýt mini – liệu có thành công ở Việt Nam?

Thứ Ba, 25/12/2018 - 23:55

Đề án đưa xe buýt mini vào thí điểm tại Hà Nội đang gây được sự chú ý, quan tâm từ phía người dân và các chuyên gia về giao thông. Mặc dù đây là loại hình giao thông công cộng thành công ở nhiều nước trên thế giới nhưng liệu tại Việt Nam có phải là một giải pháp giao thông hiệu quả?

Hiện nay, Hà Nội có 1.546 xe buýt các loại, chủ yếu là xe buýt cỡ lớn, xe loại nhỏ 24 chỗ có 61 xe, chiếm 4%. Tại TP.HCM, hiện có 144 tuyến xe buýt với 2.603 xe hoạt động, xe buýt loại nhỏ chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 10%. So với năm 2001, Hà Nội chỉ có 197 xe buýt vận chuyển đươc 15 triệu hành khách, khi đó giao thông công cộng vẫn còn khá mới mẻ với người dân nhưng trong vòng hơn 15 năm sau, số lượng xe buýt của thành phố đã tăng gấp 7,5 lần, còn số lượng hành khách vẫn chuyển được cao hơn 30 lần đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay trong việc vận hành, tổ chức giao thông bằng xe buýt ở Hà Nội là không có làn đường riêng để ưu tiên di chuyển, xe buýt luôn gặp khó khăn do có quá nhiều phương tiện xe cá nhân ‘‘vây’’ xung quanh. Bên cạnh đó là những hạn chế về mặt đường hẹp, thiếu điểm dừng đỗ thuận lợi…

Nhận thấy các tuyến xe buýt cũ hiện không phù hợp với giao thông đô thị, Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco dự kiến sẽ mở mới 14 tuyến xe buýt, trong đó thí điểm mở 3 tuyến xe buýt mini’. Các xe buýt mini là loại phương tiện nhỏ, sức chứa từ 20 - 24 chỗ ngồi, có thể thoải mái đi vào các trục đường nhỏ mặt cắt chỉ 4 - 5m. Từ đó tập kết hành khách ra những trục đường chính, đường vành đai, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng của thành phố. Ưu điểm của xe buýt mini là tính cơ động cao, có thể len lỏi vào các con phố nhỏ hẹp nên đây sẽ là loại hình vận tải công cộng có tính kết nối đặc biệt tốt - điều mà mạng lưới xe buýt trước đây không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, mini bus cũng sẽ giúp giải bài toán về quỹ đất dành cho giao thông vốn đang thiếu hụt trầm trọng ở Hà Nội và một số đô thị lớn.

Một số người dân khi được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ với việc thí điểm loại hình xe buýt mới này. Bạn Hương Nhi (22 tuổi, sinh viên trường đại học Công Đoàn) chia sẻ: ‘‘Em hay di chuyển bằng xe buýt để đi học hằng ngày vì rẻ. Nhưng thường phải đi sớm tầm hơn 30 phút vì tuyến xe em đi là xe to nên nếu đi muộn thì thường xe không thể di chuyển nhanh trên đường đông đúc. Nếu có loại hình xe buýt nhỏ em nghĩ việc đi lại sẽ dễ dàng và không mất nhiều thời gian nữa’’.

Bác Thu Hiền (51 tuổi, nhà ở Phố Huế) cho hay: ‘‘Tôi không hay đi xe buýt vì sợ cảnh chen lấn mỗi khi dừng đỗ. Nếu xe buýt nhỏ khắc phục được điều này thì tôi sẽ cân nhắc việc đi xe buýt trong công việc. Bên cạnh đó cũng nên khuyến khích người dân tham gia loại hình này bằng việc hỗ trợ chi phí, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp’’.

Thực tế, cách làm này đã được khá nhiều nước lân cận áp dụng thành công. Tại Singapore, đã xây dựng được 28 trạm buýt mini trung chuyển với trên 4.500 điểm đỗ, biến xe buýt thành một trong những phương tiện giao thông chủ lực của nước này. Thái Lan, đất nước lân cận có hình thái giao thông gần giống nước ta cũng đã xây dựng được một hệ thống xe trung chuyển mini tương tự như buýt, là dòng xe có hình dáng như bán tải nhưng phía sau chế thêm mái che, ghế ngồi thoải mái, có sức chứa trên 10 khách và có thể di chuyển trên tất cả các tuyến đường giao thông, từ đường nhỏ, hẻm nhỏ đến đường lớn.

Còn tại Việt Nam, cách đây không lâu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM cũng đã đề xuất và đang nghiên cứu việc mở thêm 30 tuyến buýt mini; hoạt động thí điểm tại các quận 1, 10 và Tân Bình. Những tuyến xe này sẽ chạy vòng tròn theo lộ trình cố định, với phương tiện được thiết kế theo chủng loại riêng để phù hợp với đặc thù giao thông của TP. Và tại Hà Nội đề xuất này cũng đã được đưa ra.

Buýt mini không người lái đã được sử dụng tại một số nước

Buýt mini không người lái đã được sử dụng tại một số nước trên thế giới

Điều đó cho thấy, với những ưu điểm riêng, việc triển khai buýt mini là điều hợp lý và sớm muộn trong đề án phát triển giao thông công cộng. Chỉ có điều, quan trọng còn ở cách làm. Mặc dù vài năm gần đây, xe bus lớn đã được nâng cấp về chất lượng, thái độ phục vụ nhưng hầu như vẫn chưa thu hút được rộng rãi người dân tham gia. Lý do không chỉ nằm ở sự bất tiện khi di chuyển đến các trạm xe khá xa, mà còn ở tâm lý người dân đa phần chưa có thói quen sử dụng xe buýt. Nhiều người dân mặc dù nhà không cách xa trạm nhưng vẫn chưa một lần thử sử dụng xe buýt vì mặc định là "bất tiện".

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội: ‘‘Đặc điểm của GTVT ở Hà Nội chật hẹp, nhiều ngõ xóm, các chung cư xen kẽ, đường xá khó kết nối các chung cư với nhau. Nhưng thực tế hệ thống xe buýt của nước ta lại sử dụng loại xe hơn 17 chỗ khiến diện tích mặt đường đôi khi không đáp ứng được. Việc đưa xe buýt mini vào thí điểm là ý tưởng tốt nhưng để vận hành thì cần có thời gian và tính toán cụ thể’’.

Ông Liên cũng cho rằng mạng lưới giao thông hiện nay dày đặc gây ùn tắc nhiều, nếu thêm loại hình xe buýt mini thì cũng sẽ gia tăng thêm phương tiện, chiếm thêm diện tích mặt đường. Trong khi đó điều kiện giao thông đô thị hiện nay đang gặp nhiều vấn đề về quy hoạch, bất cập trong việc tổ chức vận hành. Vì vậy cần xem xét, nghiên cứu về hành trình, các tuyến dừng đỗ, giá cả sao cho phù hợp. Từ đó người dân mới có ý thức, thói quen sử dụng phương tiện xe buýt mini này nói riêng và phương tiện công cộng nói chung. Nên tham khảo kiểu xe Xoong Theo, hay micro bus ở Thái Lan vì nó có đặc điểm nhỏ gọn, tính cơ động cao, mà giá thành lại rẻ. Đặc biệt là đặc điểm có cửa lên xuống thuận tiện giúp hành khách dễ dàng thích ứng với loại hình này, hạn chế thời gian đón trả khách dễ gây cản trở giao thông. Nước bạn đã áp dụng và rất thành công về việc giảm ùn tắc giao thông cũng như phát triển du lịch.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top