Aa

Các đại gia tài chính thế giới đều nhắm vào fintech ở Việt Nam

Thứ Tư, 12/09/2018 - 06:00

Từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho tới nước Anh, các tập đoàn tài chính đều đang muốn gia tăng đầu tư vào fintech...

Công nghệ tài chính, hay vẫn được gọi với cái tên fintech, được đánh giá rằng có nhiều tiềm năng để phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay fintech vẫn còn là khái niệm mơ hồ với không ít người. Thế nhưng khi nói rõ hơn, rằng đó là một ngành công nghiệp mới áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính, chẳng hạn như việc sử dụng điện thoại thông minh cho dịch vụ ngân hàng di động, dịch vụ đầu tư tài chính... thì người nghe sẽ dễ hình dung hơn.

Trong lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp fintech từng được cho là đối thủ cạnh tranh với các ngân hàng, bởi nó có thể phát triển tốt từ hoạt động tín dụng, huy động vốn, thanh toán, và quản lý đầu tư... Tuy nhiên, hiện nay hai bên đang có sự hợp tác để cùng phát triển. Một nghiên cứu toàn cầu của PwC công bố hồi năm ngoái cho thấy, phần lớn các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý đầu tư trên thế giới có dự định tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp fintech trong 3 - 5 năm tới.

Ở Việt Nam, dù fintech được biết đến chưa lâu nhưng nhiều ngân hàng đã chớp thời cơ sử dụng từ fintech và đến nay bắt đầu gặt hái thành qủa một cách ấn tượng trên thị trường như OCB hay TPBank, một số khác bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước thì đang đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn thế giới để hiện đại hoá công nghệ và phát triển các dịch vụ tài chính nhằm gia tăng cạnh tranh cũng như củng cố vị thế trên thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu cũng như muốn đầu tư mạnh vào mảnh đất còn mới ở Việt Nam, các tập đoàn tài chính lớn trên toàn cầu cũng đang nhắm tới thị trường này.

Hồi năm ngoái khi sang Việt Nam, tỷ phú Jack Ma- người đứng đầu Alibaba - đã đề cập với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rằng tập đoàn này đang có định hướng hợp tác với một số công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment như cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; Hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code; Hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment...

Đồng thời Alipay của Alibaba cũng ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS – đơn vị trung gian duy nhất của Việt Nam được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á. Hiện Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về fintech.

Vừa tuần trước, tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty tài chính Lotte Card Kim Chang Kwon (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) cũng bày tỏ rằng Lotte Card sẽ tập trung phát triển tài chính tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, ứng dụng công nghệ tài chính (fintech, findata) tại Việt Nam.

Hay như tại cuộc gặp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cuối tuần vừa qua, Ngài Gareth Ward - tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã trao đổi về khả năng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) và lĩnh vực Tài chính xanh (Green Credit); Hỗ trợ của Vương quốc Anh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong giai đoạn hiện nay...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top