Aa

Các mô hình phát triển Công trình Xanh trên thế giới

Thứ Năm, 30/11/2017 - 06:10

Hiện trên thế giới có các mô hình phát triển Công trình Xanh nào? Và với điều kiện Việt Nam thì chúng ta nên đi theo mô hình nào hợp lý nhất?

Theo tổng quan đánh giá của hệ thống mạng lưới Công trình Xanh châu Á – Thái Bình Dương, số công trình xây dựng đạt tiêu chí Xanh và được chứng nhận Công trình Xanh của Việt Nam hiện nay còn rất khiêm tốn đang ở mức khoảng hơn 100 công trình so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xu hướng phát triển Công trình Xanh và đô thị xanh còn triển khai chậm.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đứng trước sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về năng lượng, trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Trong khi vẫn đang tồn tại cách tiêu dùng lãng phí và kém hiệu quả về năng lượng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Chúng ta đang trên đường xây dựng, phát triển một thị trường bất động sản xanh và một mô hình chuẩn là câu chuyện rất cần thiết. 

Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên để phát triển Công trình Xanh.

Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên để phát triển Công trình Xanh.

Theo GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Namhiện trên thế giới tồn tại hai mô hình hoạt động phát triển Công trình Xanh:

Mô hình 1: Hoạt động Công trình Xanh là tự nguyện theo hướng thị trường, do các tổ chức phi chính phủ (các Hội đồng Công trình Xanh) tổ chức, điều hành và đánh giá cấp chứng chỉ.

Mô hình này đang được áp dụng tại phần lớn các nước phát triển tại châu Âu, Mỹ, Úc, Malaysia. Các Hội đồng Công trình Xanh các nước liên kết với nhau trong Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WGBC). Phong trào Công trình Xanh được xã hội đồng thuận và được chính phủ ủng hộ.

Mô hình 2: Cơ quan chính phủ trực tiếp lãnh đạo và điều hành, đưa ra Hệ thống đánh giá Công trình Xanh và tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ Công trình Xanh quốc gia. Được thực hiện tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung quốc, Singapore, và một vài nước châu Âu.

Ví dụ như tại Singapore, một đất nước thuộc Đông Nam Á giống Việt Nam, hạt nhân mô hình Công trình Xanh tại Singapore là sự dẫn dắt của chính phủ.

Năm 2005, Singapore đưa ra Hệ thống đánh giá Công trình Xanh năm 2005 gọi là BCA (Building and Construction Authority) Green Mark. Tiếp theo là  hai chương trình Công trình Xanh lớn 2006 - 2009  và 2010 – 2030.

Từ năm 2007, Chính phủ Singapore đã bắt đầu làm hình mẫu dẫn dắt toàn đất nước đi theo con đường xây dựng xanh. Trước hết, Chính phủ nước này yêu cầu các công trình của cơ quan chính phủ, bất kể lớn hay nhỏ đều phải đạt yêu cầu cơ bản nhất, tiết kiệm 15% năng lượng.

Năm 2009, Chính phủ quy định tất cả công trình có diện tích từ 5000m2 trở lên đều phải đạt cấp Bạch kim, tức là tiết kiệm từ 30% năng lượng trở lên.

Trong các công trình hiện có của Chính phủ, khi diện tích dành cho điều hòa vượt trên 10 nghìn m2 bắt buộc phải đạt trên cấp Vàng trong tiêu chí Công trình Xanh trước năm 2020. Chính phủ Singapore luôn đi đầu trong mọi hoạt động, yêu cầu bắt buộc các công trình công cộng có đầu tư của Chính phủ phải thông qua chứng nhận tiêu chí xanh.

Thư viện quốc gia Singapore - một Công trình Xanh tiêu biểu.

Thư viện quốc gia Singapore - một Công trình Xanh tiêu biểu.

Từng tham khảo, nghiên cứu rất nhiều về phát triển Công trình Xanh tại Singapore, Tổng giám đốc Capital House Đỗ Đức Đạt, một doanh nghiệp tiên phong phát triển bất động sản xanh chia sẻ: "Singapore có chính sách rất hay là khi đạt được chứng chỉ xanh đặc biệt, họ cho thêm một số diện tích sàn bán cho các đơn vị kinh doanh.

Ví dụ như nếu có 100.000 m2 đạt chứng chỉ Green Mark mức cao nhất là Platium thì được cho thêm 10% tức được 110.000 m2 sàn nhưng phải nộp tiền đặt cọc cho nhà nước. Khi công trình xây xong thì tôi kiểm định, nếu đạt thì sẽ trả lại tiền đặt cọc, không thì phạt một số tiền lớn hơn. Thực ra tôi nghĩ tất cả là chính sách thôi. Chính sách chung khuyến khích, và nhìn dài hạn là cả xã hội có lợi."

GS Dũng cũng chia sẻ một ví dụ khác là Đài Loan. Đài Loan là quốc gia có khí hậu cận Nhiệt đới gần giống với khí hậu miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là một quốc gia có bề dày triển khai Công trình Xanh đi vào thực chất rõ nét. Chính phủ tổ chức một bộ máy phối hợp tập trung điều hành phong trào Công trình Xanh do Bộ Nội vụ lãnh đạo.

Đài Loan có Chương trình phát triển Công trình Xanh Đài Loan “Thách thức 2008 - Chương trình trọng đại phát triển quốc gia”(Challanging 2008 – National Major Development Plan), được coi là “Chính sách quốc gia”(National Policy) và hoàn thành sau 7 năm (2002 – 2008).

Thông qua sự thành công của Singapore, Đài Loan, Nhật Bản... chúng ta có thể thấy vai trò quản lý, hỗ trợ của Chính phủ trong phát triển Công trình Xanh rất lớn. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhận định, việc áp dụng các mô hình còn phải dựa vào tình hình thực tiễn của Việt Nam, không thể máy móc, rập khuôn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top