Aa

Các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn

Thứ Năm, 25/08/2022 - 06:48

Tăng trưởng tiền gửi đang thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Sự mất cân đối này đã khiến chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng đang niêm yết có sự suy giảm trong 6 tháng đầu năm, tiệm cận với mức trần cho phép của NHNN là 85%.

Báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, tăng trưởng tín dụng trong quý 3/2022 kỳ vọng tăng chậm lại do đã tăng mạnh trong nửa đầu năm. Do các bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như quan ngại rủi ro tập trung liên quan đến cho vay bất động sản (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát dòng vốn vay chảy vào bất động sản.

Mặc dù NHNN tới giữa tháng 8 vẫn chưa có động thái nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, Mirae Asset vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vượt 14%, dựa trên kết quả tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong nửa đầu năm, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát nội địa tăng bất thường hơn là tăng trưởng tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn chung, việc ngưng cấp thêm tín dụng chỉ mang tính chất tạm thời, và một phần điều tiết lại dòng vốn tín dụng sang các ngành nghề ít rủi ro.

Do các cơ quan quản lý đưa ràng buộc chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng cũng như ổn định hoạt động ngành, đa phần các ngân hàng đã hạn chế đà tăng từ cuối quý II/2022 do không được cấp thêm hạn mức. Hầu hết các ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung dựa trên các yếu tố như bộ đệm vốn tốt, danh mục tín dụng đa dạng, và hỗ trợ NHNN trong việc giúp các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong dài hạn, kỳ vọng các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, lợi nhuận tăng trưởng bền vững, và sở hữu danh mục tín dụng không có quá nhiều rủi ro tập trung sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Theo Mirae Asset, bán lẻ được cho đã dẫn dắt tăng trưởng tín dụng trong quý 2 vừa qua và có thể tiếp tục trong ngắn hạn.

Cụ thể, do các rủi ro liên quan đến địa chính trị trên thế giới cũng như lạm phát cao, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Vì vậy, cho vay mua nhà được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng mảng bán lẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh hậu COVID-19 cũng rất đáng kể, đồng thuận với định hướng chung của Chính phủ.

Trái ngược với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%. Thêm vào đó, NHNN cũng có động thái rút ròng khoảng 111 nghìn tỷ qua kênh thị trường mở (OMO). Vì vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1% đến 0,5% trong giai đoạn cuối quý 2/2022.

Nhằm bù cho các rủi ro đang gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa, các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.

Đáng chú ý, chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng đang niêm yết có sự suy giảm trong 6 tháng đầu năm do mất cân đối trong tăng trưởng giữa tín dụng và tiền gửi. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng đang tiệm cận với mức trần cho phép của NHNN là 85%.

Dựa trên giả định tiền gửi phục hồi trong nửa cuối năm cũng như tăng trưởng tín dụng chững lại, việc LDR chạm trần sẽ khó xảy ra. Ngoài tỷ lệ LDR tăng, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của một số ngân hàng có công bố cũng gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2022. Với việc nâng lãi suất tiền gửi, tăng trưởng tiền gửi đặc biệt là tiền gửi có kỳ hạn dài sẽ phần nào làm giảm tỷ lệ này trong nửa cuối năm. Gần đây, một vài ngân hàng cũng đã xem xét xin hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 08/2020, với mức trần cho tỷ lệ này là 37% áp dụng vào đầu tháng 10/2022. Mirae Asset cho rằng sự linh động tạm thời là phù hợp và cần thiết do các yếu tố bất ổn đến từ cả nội tại và bên ngoài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top