Aa

Các nhà đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển vốn sang bất động sản

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 24/09/2022 - 06:16

Nhìn chung, các nhà đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển vốn sang bất động sản, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam chính là một trong những thị trường hứa hẹn nhất.

Các chuyên gia Colliers Việt Nam vừa đưa ra nhận định tổng quan về cơ hội đầu tư trên đà tăng tại châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), dù lãi suất vay cao hơn và giá cả tăng vọt có thể khiến tốc độ giao dịch chậm lại do tâm lý thận trọng và chọn lọc của nhà đầu tư, các cơ hội đầu tư có xu hướng gia tăng với tiềm năng lợi nhuận hấp dẫn. Nhu cầu đối với bất động sản cao cấp phân khúc văn phòng, công nghiệp, bán lẻ, nhà ở và khách sạn tại APAC đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.

Các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang nhóm tài sản bao gồm trung tâm dữ liệu (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore), logistics và kho bãi (Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc), kho lạnh và trung tâm giao hàng chặng cuối (Indonesia), business park (Trung Quốc), khu nhà tập thể (multi-family living, Nhật Bản) và trung tâm khoa học đời sống (Úc). Chính phủ các nước trong khu vực đang nỗ lực ban hành những chính sách mới để thu hút đầu tư, đồng thời tăng chi tiêu cho các giải pháp hạ tầng mới. Điều này rất quan trọng, vì các loại hình bất động sản hưởng lợi từ yếu tố tiếp giáp cơ sở hạ tầng như giao thông, giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe và trung tâm dữ liệu tiếp tục cho thấy mức lợi nhuận tương đối cao với các nhà đầu tư nhắm đến nhóm tài sản đón đầu tương lai. Các thành phố cửa ngõ có lưu lượng hoạt động hàng không, du lịch, cảng biển và công nghiệp cao nhất đang thu hút ngày càng nhiều người đến, góp phần thúc đẩy đầu tư vào bất động sản ở, bán lẻ và logistics.

Nhu cầu đối với bất động sản cao cấp phân khúc văn phòng, công nghiệp, bán lẻ, nhà ở và khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Xu hướng văn phòng mới

Trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp ngày càng phổ biến, các nhà tuyển dụng đang nỗ lực hơn nữa để kiến tạo xu hướng văn phòng mới tập trung vào văn hóa doanh nghiệp, gắn kết cộng đồng và tăng cường hợp tác. Các doanh nghiệp đang tìm kiếm những không gian mới, với mục tiêu tăng cường trải nghiệm làm việc, khuyến khích người lao động trở lại văn phòng, cũng như giữ chân và thu hút nhân tài giữa lúc có nhiều biến động nhân sự.

Tại thị trường văn phòng Việt Nam, tỷ lệ trống tại hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội ở mức thấp và nhu cầu thuê văn phòng, đặc biệt là văn phòng hạng A tiếp tục tăng.

Chia sẻ với Reatimes, bà Nhung Vũ - Phó Giám đốc Dịch vụ Văn phòng tại Colliers Việt Nam cho biết: “Cơ hội đầu tư đang rộng mở, không chỉ ở các khu vực trung tâm (CBD) mà cả các khu đô thị mới. Ngoài ra, yêu cầu về việc tuân thủ yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cũng có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư hướng đến hiệu quả chi phí nhờ giảm mức tiêu thụ năng lượng, nâng cao chất lượng thiết kế, tăng cường trải nghiệm nhân viên và đóng góp tốt hơn cho xã hội”.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ phục hồi mạnh

Ở lĩnh vực bất động sản bán lẻ, nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu mở rộng kênh cửa hàng khiến giá thuê phục hồi mạnh mẽ với nguồn cung hạn chế và tỷ lệ trống thấp ở các thị trường Singapore, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh sức mua tăng từ nguồn khách du lịch, hoạt động bán lẻ còn được thúc đẩy nhờ việc dỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách, làm tăng lượng khách đến các trung tâm mua sắm. Mặc dù tốc độ phát triển của ngành bán lẻ có thể bị chậm lại dưới áp lực lạm phát kéo dài và tình trạng thiếu nhân lực, các nhà bán lẻ đang chốt những mặt bằng đắc địa trước khi giá thuê tăng hơn nữa và tận dụng quãng thời gian này để sắp xếp lại cửa hàng nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm.

Riêng với thị trường Việt Nam, bà Trang Đỗ - Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers Việt Nam đánh giá: “Khi quỹ đất ở khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội ngày càng khan hiếm, xu hướng phát triển bán lẻ sẽ mở rộng ra các quận ngoại thành cùng với sự hình thành các khu đô thị mới. Ngoài ra, những nhà phát triển bán lẻ quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt là quỹ đất lớn để phát triển các trung tâm thương mại mới. Chúng tôi kỳ vọng các tỉnh thành Tây Ninh, Long An, Cần Thơ (miền Nam), Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Thanh Hóa (miền Trung), Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng (miền Bắc) sẽ là điểm đến tiếp theo cho các dự án bất động sản bán lẻ trong thời gian tới”.

Ngành du lịch và khách sạn có nhiều tiềm năng

Lĩnh vực khách sạn, nhờ ngành du lịch mở cửa trở lại, nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ở nhiều thị trường bao gồm Thái Lan, Singapore, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam… Tài sản khách sạn hạng sang tại các thị trường trong khu vực, với mức định giá có phần thấp hơn so với trước đại dịch, tạo ra cơ hội tốt cho các thương vụ mua lại.

Theo ông Morgan Ulaganathan - Giám đốc Dịch vụ Tài sản và Tư vấn Du lịch Colliers Việt Nam, hoạt động kinh tế và mức thu nhập khả dụng có mối tương quan tỷ lệ thuận với sức sống của ngành du lịch và khách sạn, từ đó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào những loại tài sản này.

“Chúng tôi kỳ vọng doanh thu trên mỗi phòng trống (RevPAR) sẽ tăng trong những tháng tới. Lấy ví dụ tại Singapore, RevPAR tháng 6/2022 được ghi nhận cao nhất kể từ năm 2016, 238 Đô-la Singapore và tỷ lệ lấp đầy là 77%. Tiềm năng phục hồi của ngành du lịch tại khu vực APAC là rất lớn”, ông Morgan nhận định.

Việt Nam có triển vọng phát triển lâu dài và tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics kết nối với các nước ASEAN. (Ảnh minh họa)

Số liệu du lịch của Việt Nam cũng đang được cải thiện từ tháng 3/2022 với hơn 1,44 triệu lượt khách quốc tế (tính đến ngày 30/08/2022), ước đạt 29% so với mục tiêu năm triệu lượt khách quốc tế của cả nước năm 2022. Lượng khách quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 và đạt mức phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Đà tăng trưởng này cũng được dự đoán từ việc những chuyến bay quốc tế theo mùa của các hãng hàng không nước ngoài dự kiến sẽ hồi phục trong năm 2023 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng.

Ông Morgan cũng cho biết thêm: “Hai năm đại dịch vừa qua, định giá các tài sản khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam có thể thấp đi phần nào, làm giảm dòng tiền chiết khấu. Điều này cộng với triển vọng tích cực của Việt Nam và khu vực mở ra cơ hội để các nhà đầu tư mua tài sản khách sạn và khu nghỉ dưỡng”.

Nhìn chung, các nhà đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển vốn sang bất động sản, cụ thể tại các thị trường đang phát triển của APAC. Tuy nhiên, do sự gia tăng biến động của thị trường tài chính thế giới trong quý III/2022, thời gian này, các nhà đầu tư nước ngoài chọn cách tiếp cận thận trọng hơn với các khoản đầu tư mới, với tầm nhìn dài hạn.

Theo ông Jax Cho - Giám đốc Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư tại Colliers Việt Nam, là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trong khu vực, Việt Nam có triển vọng phát triển lâu dài và tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics kết nối với các nước ASEAN.

“Các khu vực ngoại thành và miền Trung Việt Nam, với lợi thế giá đất còn cạnh tranh và giá nhân công hợp lý, có thể là những điểm đến hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới”, ông Jax cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top