Aa

Cải tạo chung cư cũ: Mũi tên nào bắn thủng được bức tường bất khả xâm phạm?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Tư, 12/04/2017 - 13:23

Cải tạo chung cư cũ trên "đất vàng" Thủ đô đang gặp phải vô vàn khó khăn như bức tường bất khả xâm phạm, và để vượt qua bức tường ấy, cần người liều lĩnh, dám làm, dám chịu.

Cải tạo chung cư cũ - vấn đề bế tắc hàng thập kỷ của Thủ đô – gần đây lại trở thành câu chuyện sôi sục. Điều này bắt đầu từ việc, lãnh đạo Hà Nội thực sự sốt ruột, tuyên bố sẽ có những thay đổi quyết liệt, tháo gỡ các nút thắt trong cải tạo chung cư cũ. Cụ thể, một trong những nút thắt khó giải quyết nhất là tỷ lệ đền bù, điều này khiến người dân và doanh nghiệp luôn trở thành những đường thẳng song song không tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, bài toán đầu tiên cần phải giải lại là việc, các hộ dân sẽ đi đâu, sống như thế nào trong suốt thời gian phá bỏ chung cư cũ, xây lại chung cư mới? Khi đa số người dân đều khẳng định, họ muốn tái định cư tại chỗ, không muốn dời đi đâu bởi có quá nhiều bất cập phát sinh trong việc di dời ấy.

Những dãy nhà chung cư cũ ở Hà Nội đã trở thành ký ức đô thị. Ảnh: Kháng Trâng

Những dãy nhà chung cư cũ ở Hà Nội đã trở thành ký ức đô thị. Ảnh: Kháng Trâng

Ông Phạm Công Đại (Phòng 205 – Nhà G6A Thành Công) chia sẻ: "Việc tái định cư đến nơi ở mới sẽ làm gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Ví như giờ cả gia đình tôi chuyển về tái định cư ở Cầu Giấy, nhưng hộ khẩu nhà tôi ở quận Ba Đình, con, cháu tôi sẽ phải chuyển trường theo. Nếu học trường công thì trái tuyến, không xin được, mà học trường tư thì lấy đâu ra tiền? Chưa kể còn kéo theo vô vàn những phiền phức khác nữa

Giả sử đổi căn nhà ở đây lấy căn nhà rộng gấp 3 lần ở chỗ khác tôi cũng không đi. Bởi mọi thứ không chỉ đổi bằng giá trị tiền tệ mà còn là chất lượng sống. Có gia đình cả 3 đời sinh sống ở đây, nó trở thành nơi lưu giữ những ký ức, giá trị tinh thần. Hàng xóm, láng giềng cũng thân thiết, gắn bó với nhau. Mọi điều kiện trường lớp, chợ búa, đi lại đều thuận tiện.

Theo tôi, nếu có thể, Thành phố nên quy hoạch tổng thể cả khu Thành Công này và xây lại hợp lý để người dân vẫn được ở chính ngôi nhà của mình, diện mạo đô thị cũng đẹp hơn”.

Hồ Thành Công rộng 2.000 m2, nằm trong Công viên Indira-Gandhi, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Kháng Trần

Hồ Thành Công rộng 2.000 m2, nằm trong Công viên Indira-Gandhi, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Kháng Trần

Thế mới thấy, quyết tâm cải tạo chung cư cũ của Thành phố "đứng im" cả chục năm trên giấy là bởi không chỉ vấp phải những khó khăn trong giải quyết nút thắt như tỷ lệ đền bù, chiều cao tòa nhà... mà vấp phải một nút thắt quan trọng là yếu tố xã hội. 

Chung cư cũ hay nhiều người vẫn quen gọi là nhà tập thể ở Thủ đô không đơn thuần là tên một loại nhà để ở, nó còn bao hàm cả những giá trị tinh thần, giống như một kho di sản lưu giữ tất cả nếp sống của người Hà Nội những năm bao cấp. Và vì thế, yếu tố tinh thần, gắn kết cộng đồng ở đây rất lớn.

ThS. KTS Trương Ngọc Lân (Giảng viên ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng: “Lý tưởng nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là có thể tái định cư tại chỗ. Cải tạo nhưng làm thế nào để vẫn giữ được hơi thở xã hội ở đó. Nếu mình xây lại, đưa toàn bộ cộng đồng đi chỗ khác thì dở, toàn bộ hồn xã hội sẽ bị mất đi, vì chính con người mới làm nên cái hồn ở đó. Do vậy, khi cải tạo chung cư cũ cũng phải lưu ý, làm sao tái định cư được toàn bộ mà vẫn giữ được tinh thần”.

KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, nếu tái định cư ở chỗ khác, về mặt xã hội, người dân sẽ bị thiệt thòi và ảnh hưởng rất nhiều vì họ mất mạng lưới cũ, mất cộng đồng của họ. 

Theo ông Lân, hạ tầng xã hội ở các khu chung cư cũ tương đối tốt, vị trí trung tâm, gần chợ, gần trường học, gần các trung tâm vui chơi giải trí... đó là lý do vì sao người ta muốn gắn bó, không ai muốn di đời. Nhưng điều kiện ở, chất lượng nhà cửa ở đây đã quá xuống cấp, tiện nghi như sân chơi, sân thể thao ít đi, mật độ cư trú lớn vì số thành viên của mỗi gia đình đã tăng theo cấp số nhân, chưa kể chung cư lại cơi nới quá nhiều, một số chung cư cũ đã xuống cấp, ở tình trạng nguy hiểm.

Vì vậy, ông Lân cho rằng vấn đề khó khăn nhất là làm sao vẫn giữ được những ưu điểm về mặt xã hội nhưng lại cải thiện được hạn chế về hạ tầng kỹ thuật. Với những chung cư cũ như ở Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh vốn đã trở thành ký ức đô thị, phải quy hoạch tổng thể, xây dựng xen cấy, giải tỏa được áp lực dân số dồn nén trong chung cư cũ, bổ sung tiện nghi về không gian công cộng, thiết kế, sân chơi trẻ em, cải thiện cảnh quan...

Cải tạo đô thị cũ luôn là bài toán vô cùng khó khăn về cả giải pháp pháp lý, thiết kế và bài toán tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh, phải ưu tiện việc cho người dân tái định cư tại chỗ và gìn giữ được giá trị tinh thần của nó. Các giải pháp thông thường không thể vượt qua bức tường thách thức của cơ chế, của mong muốn gắn bó đến cùng với mảnh đất trung tâm Thủ đô đang hiện hữu trong hàng nghìn người dân và của nguồn tài chính công eo hẹp trong bối cảnh phải đền bù giá đất trên trời. Vì thế, lúc này cần phải có một sự đột phá, táo bạo, đủ mạnh và liều lĩnh để bắn phá được bức tường rào cản tưởng chừng như đã trở thành bất khả xâm phạm ấy.

Thay vì tranh cãi hay ngay lập tức bày tỏ thái độ bất đồng, cần phải lắng nghe mọi giải pháp. Bởi có thể giải pháp lấn đất công viên và hồ tạm thời 1ha rồi trả lại nguyên vẹn sẽ giúp kích hoạt một nỗ lực mà hàng chục năm nay đã thất bại: Cải tạo những khu chung cư cũ nát và chật chột trong lòng Thủ đô. Quan trong là sau những ý tưởng ấy, sẽ có một Thành Công hay Giảng Võ đẹp và đáng sống hơn. Để mọi người, dù bi quan tới đâu, vẫn thấy ở giữa lòng thành phố một không gian của lòng tốt, của cộng đồng, của thiên nhiên và hy vọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top