Cải tạo dòng sông Cổ Cò: Tránh đi vào vết xe đổ thất thoát ngân sách từ đất đai

Cải tạo dòng sông Cổ Cò: Tránh đi vào vết xe đổ thất thoát ngân sách từ đất đai

Thứ Tư, 20/01/2021 - 06:10

Lời tòa soạn: Ban quản lý các dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức khởi công dự án Nạo vét sông Cổ Cò tại P.Điện Nam Trung (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) nhằm thực hiện mục tiêu khai thông sông Cổ Cò nối TP. Hội An - TX. Điện Bàn với TP. Đà Nẵng bằng tuyến đường sông tuyệt đẹp vốn đã tồn tại hàng trăm năm trước với tên gọi Lộ Cảnh giang.

Dự án tại Quảng Nam tổng từ hai nguồn vốn chính là 850 tỷ đồng từ dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 381 tỷ đồng. Tại TP. Đà Nẵng, con số này cũng đến 486 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 340 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 146 tỷ đồng).

Tuy đầu tư một số tiền khá lớn như vậy, nhưng hiệu quả từ sự khơi thông con sông Cổ Cò mang lại đang đặt ra nhiều dấu hỏi: câu chuyện nguồn lực tài chính; tình trạng dự án mọc lên như nấm nhưng còn hoang hóa; tình trạng cát cứ bờ sông, biến bờ sông thành của riêng đối với từng dự án đầu tư đô thị, hay câu chuyện quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông không thống nhất giữa Quảng Nam, Đà Nẵng, biến con sông thơ mộng, trữ tình thành dòng kênh giữa lòng đô thị…

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Khơi thông sông Cổ Cò: Dòng sông cổ tích hay dòng sông lợi ích? 

Bài 2: Cải tạo dòng sông Cổ Cò: Tránh đi vào vết xe đổ thất thoát ngân sách từ đất đai 

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

CẢI TẠO SÔNG CỔ CÒ ĐỂ... LÀM GÌ?

Câu chuyện cải tạo dòng sông Cổ Cò đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, nhiều nhất là vấn đề những tác động, lợi ích mang lại khi dòng sông lịch sử được khơi thông, quy hoạch đồng bộ, đầu tư bài bản. 

Trước tiên, là mục đích bảo vệ dòng sông. Theo chia sẻ của ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, việc bảo vệ dòng sông chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt khi hoàn thiện các tuyến kè chắn. Và khi ấy, một biểu tượng lịch sử sẽ được hồi sinh. 

Theo chia sẻ của ông Phùng Phú Phong: “Khi sông Cổ Cò được khơi thông, mọi người dân Quảng Nam, Đà Nẵng và du khách sẽ được sống lại với ký ức về dòng Lộ Cảnh giang thơ mộng và đầy sức sống khi xưa. Con sông sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại đến vịnh Thuận Phước như một dải lụa chan chứa sắc màu. Đó cũng chính là biểu tượng cho sự hợp tác phát triển của hai địa phương, biểu tượng: Kết nối một dòng sông”.

Cụ thể với Đà Nẵng, sông Cổ Cò mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn so với câu chuyện khai thác hiệu quả kinh tế, dòng sông lịch sử này sẽ cùng với những Hàn giang, Sơn Trà, Bà Nà... góp phần vào việc khắc họa một thành phố tươi đẹp, hấp dẫn và tình người.

Nhưng cả hai địa phương chi tới 1.700 tỷ đồng cho dự án hồi sinh một biểu tượng thì liệu có hợp lý không, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay? Biểu tượng này có góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không hay chỉ đơn thuần thỏa mãn tâm lý, tình cảm của người dân hai vùng đất? 

Bài toán kinh tế đương nhiên đã được tính đến. Theo đó, kỳ vọng thứ hai là từ dòng Cổ Cò cải tạo sẽ hình thành tuyến du lịch trên sông sầm uất, góp phần tạo nên các loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ; thu hút và níu chân du khách. Các điểm dừng chân, các bến thuyền ven sông sẽ hòa cùng cảnh quan tươi đẹp của dải đô thị ven sông nối liền Đà Nẵng tươi trẻ, năng động bậc nhất Việt Nam và đô thị cổ Hội An cổ kính, trầm mặc. 

Dù vậy, theo ông Phùng Phú Phong: “Khai thác du lịch đường sông thực chất không mang lại quá nhiều giá trị kinh tế. Tuy nhiên, có ý nghĩa về thu hút du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân”. Bởi khơi thông dòng Cổ Cò, ngoài những yêu cầu về quy định thẩm mỹ không gian cảnh quan kiến trúc và bền vững, cần thiết phải nghiên cứu những giải pháp thiết kế đảm bảo yếu tố an toàn giao thông. Như vậy, hình thành và phát triển tuyến du lịch đường sông là phương án khó khả thi, khó đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Thậm chí cần phải tính toán lâu dài.

Như vậy, việc phát triển du lịch đường sông dù không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế trực tiếp nhưng lại góp phần thu hút khách du lịch. Điều này hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng thứ ba về việc giải tỏa được áp lực về hạ tầng dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú và các dịch vụ khác cho Hội An. Từ đó góp phần bảo tồn tốt hơn không gian đô thị cổ: những di tích văn hóa, lịch sử các vùng đệm, những cánh đồng, không gian cây xanh quanh phố cổ… Đồng thời cũng gắn kết chặt chẽ với kỳ vọng tạo nên cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường bất động sản vốn đang trầm lắng. Lợi ích kinh tế chính là đây! 

Như vậy có thể hiểu, dòng sông Cổ Cò đang gánh theo trọng trách khơi thông mạch nguồn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam cùng kỳ vọng xây dựng một chuỗi đô thị nằm dọc hai bên bờ sông, với các dự án nghỉ dưỡng, lưu trú giúp giảm tải cho đô thị cổ Hội An. Đây là cơ hội để phát triển thêm nhiều dự án nghỉ dưỡng lưu trú cho Quảng Nam.

Thử tưởng tượng, sau khi cải tạo, Cổ Cò sẽ trở thành một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam (theo khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh), dòng sông hàng chục kilomet uốn lượn chảy từ Nam ra Bắc, có lịch sử hàng trăm năm đang được hồi sinh, khơi thông, cải tạo sẽ tạo nên cảnh quan đáng mơ ước thế nào cho các dự án bất động sản ven sông, dù là nhà ở hay du lịch nghỉ dưỡng. Những khúc sông vốn ngập đầy lục bình, vũng đọng nước tù, đất đai ruộng đồng hoang hóa, sau khi cải tạo được khơi thông sạch sẽ, rộng mở, tầm nhìn khoáng đạt sẽ kéo giá trị đất đai ven sông lên đến đâu? Cũng giống như bất kỳ một con đường mới chạy qua một khu đất khiến đất đai xung quanh tăng giá chóng mặt, không khó để hình dung khi dự án cải tạo sông hoàn thành, đất ven sông sẽ tăng giá như thế nào và lợi ích kinh tế đem lại cho các địa phương ra sao. 

Dòng sông Cổ Cò được cải tạo sẽ đem lại nhiều khả năng tăng giá cho bất động sản.

Vậy tại sao, lãnh đạo Đà Nẵng lại khẳng định con sông chỉ mang tính biểu tượng với thành phố này? Câu trả lời cũng được chính ông Phong đưa ra ngay sau đó: "Hiện nay hai bên bờ sông phía Đà Nẵng đã phủ kín các dự án và hầu hết đã cơ bản hoàn thành. Điều đó có nghĩa sẽ không có vấn đề khai thác quỹ đất hay hình thành các khu đô thị mới". Vậy là với Đà Nẵng, việc khai thác kinh tế sau khi dòng sông được cải tạo đã không còn "cửa" (!?) 

Còn với Quảng Nam, tình hình có thể cũng không khác là bao khi dọc hai bên dòng sông cũng đã mọc lên nhiều dự án, doanh nghiệp đã "cát cứ" với hàng chục héc-ta đất phát triển dự án. 

Như vậy, bức tranh kinh tế lại trở nên mơ hồ. Và câu hỏi "Cải tạo dòng sông để làm gì?" lại trở nên mông lung. 

Từ góc độ chính quyền, phải chăng, việc chi ra hàng nghìn tỷ đồng lại không mang về nguồn lợi thu tương xứng? Nhận định này được đưa ra dựa trên 2 góc độ.

Thứ nhất, chính quyền địa phương sẽ phải bỏ ra khoản vốn khổng lồ (trong đó chủ yếu là vốn vay, ngân sách nhà nước...) để thực hiện dự án cải tạo sông Cổ Cò.

Thứ hai, những giá trị gia tăng, đặc quyền mà dòng sông mang lại sau khi cải tạo nghiễm nhiễn được dành cho các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu các dự án ven sông. Những doanh nghiệp này: "lấy" dự án từ khi dòng sông vẫn còn vũng tù nước đọng, kêu gọi chính quyền quan tâm đến cải tạo dòng sông và sau đó bán dự án khi có được "view sông" khoáng đạt, với mức giá gấp 2, gấp 5 lần. Không khó để thấy sự chênh lệch địa tô mà doanh nghiệp được hưởng ở đây.

Giá đất nền ven sông Cổ Cò liên tục sốt nóng.

Thực tế, từ Đã Nẵng đến đến Hội An, các khu đô thị, dự án bất động sản ven sông Cổ Cò có thể kể đến như: Da Nang Pearl, dự án FPT City, Homeland Paradise Village, Đất Quảng Green City, Bách đạt Riverside, Ngọc Dương Riverside, Homeland Lotus Riverside, Bách thành Vinh, khu đô thị Blue Riverside, khu đô thị River View, dự án Royal Hội An, Casamia Hội An,…

Ngay khi bắt tay vào phát triển dự án, doanh nghiệp đã từng bước đầu tư hạ tầng giao thông nhằm kích thích giá bất động sản tăng cao. Mới 5 - 6 năm trước, bất động sản hai bên sông Cổ Cò chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2, đến nay đã tăng lên vài chục triệu đồng. Và trong tương lai, khi dòng Cổ Cò được chính quyền địa phương bỏ vốn cải tạo, giá đất tiếp tục tăng theo cấp số nhân là điều rất dễ hình dung. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản ven sông "bỗng chốc" có thêm những cánh tay nối dài thu lợi ích (!?) 

Do đó, các câu hỏi được đặt ra là thực hiện dự án như thế nào để phát huy lợi ích mà không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế, xã hội của người dân dọc 2 bờ sông? Phải có một bản quy hoạch hoàn chỉnh như thế nào về quỹ đất hai bên bờ sông? Tiến hành đấu giá quỹ đất ra sao để doanh nghiệp cải tạo và xây dựng các dự án khu đô thị?

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phát triển dự án ven sông Cổ Cò

NHIỀU BÀI HỌC THẤT THOÁT "ĐẤT VÀNG" VẪN CÒN ĐÓ

Như đã công bố, việc cải tạo dòng sông Cổ Cò chia làm 2 dự án: Dự án tại Quảng Nam tổng từ hai nguồn vốn chính là 850 tỷ đồng từ dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 381 tỷ đồng. Tại TP. Đà Nẵng, con số này cũng đến 486 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 340 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 146 tỷ đồng). Như đã nói ở trên, vốn cải tạo sông chủ yếu là vốn vay và vốn ngân sách, tuyệt nhiên không có đồng vốn tư nhân.

Nhiều chuyên gia tiếc nuối, nếu ngay từ đầu chính quyền đem đấu giá công khai đất hai bên bờ sông và lấy chi phí đó cải tạo dòng sông thì sẽ thu về được một khoản vốn lớn thay vì dùng vốn ngân sách và vốn vay. Nhưng thực tế là, quỹ đất hai bên sông đã không còn nhiều, hàng loạt dự án bất động sản đã mọc lên, việc đấu giá trước đó với giá bao nhiêu cũng không ai rõ. Và đến giờ, các nhà phát triển dự án không chủ động cải tạo khúc sông mà dự án mình được hưởng lợi, họ vẫn đang kêu gọi chính quyền quan tâm đến việc cải tạo dòng sông, “trông ngóng” kinh phí cải tạo từ địa phương, Nhà nước.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ việc cải tạo các công trình như sông Cổ Cò. Theo ông Hiếu, ở nước ngoài, hạ tầng luôn được đầu tư từ sớm, bài bản và đồng bộ trước khi cho các doanh nghiệp vào phát triển các dự án bất động sản. Có như vậy, chính quyền mới thu được khoản tiền lớn từ đóng góp của doanh nghiệp. Đó cũng là một bài toán đầu tư của chính quyền.

Trong khi đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp hưởng lợi từ giá trị đất đai gia tăng nhưng họ có thể “ung dung” mà không cần phải tham gia đóng góp. Và khi "sự đã rồi" thì về nguyên tắc, chính quyền chỉ có thể kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Như GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nói, ngân sách cải tạo sông Cổ Cò có thể đến từ khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp hưởng lợi từ giá trị đất đai 2 bên sông.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia và giới phân tích liên tưởng đến các trường hợp "thất thoát đất vàng" trước đây. Rõ ràng chi tiết các vụ việc là khác nhau nhưng bản chất thất thoát tài sản của Nhà nước là giống nhau. Trong một cơ chế còn những lỏng lẻo, việc chuyển đổi đất hai bờ sông Cổ Cò rất khó tránh khỏi sự bất cập. Nếu không cẩn trọng, nhiều lô đất vốn là tài sản của Nhà nước có thể được chuyển vào tay tư nhân với giá thấp hơn nhiều so với mức giá đáng ra có thể đạt được, theo thị trường, khi dòng sông đã được cải tạo. 

Câu chuyện thất thu ngân sách Nhà nước do định giá đất không sát với giá thị trường đã được bàn luận rất nhiều trước nghị trường, trong giới nghiên cứu... Tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiều vụ án liên quan đã được đưa ra xét xử mà Đà Nẵng cũng có những ví dụ cho câu chuyện thất thoát nguồn lực đất đai. Trong đó vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) là một trong những ví dụ điển hình cho thấy, việc chấp hành pháp luật về đất đai không nghiêm, quản lý chưa chặt, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý. Đó là những bài học nhãn tiền mà các địa phương đều cần phải tránh, để không dẫn đến những kết quả đáng tiếc. 

Trong một cơ chế còn những lỏng lẻo, việc chuyển đổi đất hai bờ sông Cổ Cò rất khó tránh khỏi sự bất cập (Ảnh: Một trong số rất nhiều dự án đang được phát triển bên sông Cổ Cò)

Với việc cải tạo dòng sông Cổ Cò, càng phải có một cái tâm và tầm nhìn rộng để không đi vào vết xe đổ thất thoát tài sản đất "vàng" giống như các vụ việc trước đó. Bởi như đã khẳng định nhiều lần, khi dòng sông được cải tạo, giá trị đất đai tăng lên nhiều lần, khi tính toán lại, nguy cơ thất thu sẽ được nhìn thấy. 

Các chuyên gia cũng đã khẳng định, việc khơi thông dòng sông Cổ Cò là nhằm phát triển kinh tế xã hội của cả vùng rộng lớn, không chỉ Đà Nẵng - Quảng Nam, mà còn là cả vùng duyên hải miền Trung, vì vậy cần một tầm nhìn bao quát và dài hạn. 

Cần phải nhấn mạnh lại, cải tạo dòng sông cổ tích là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Nhưng làm thế nào để khai thác được tối ưu nguồn lợi thì cần cả một tư duy và tầm nhìn dài hạn. Có như vậy thì Nhà nước mới không bị thất thoát lãng phí khoản tiền lẽ ra sẽ nhận được, xứng đáng với nguồn lực chung của địa phương? Và lúc đó, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội mới được gắn chặt. Các chuyên gia nhấn mạnh, vấn đề nằm ở chỗ, Nhà nước, chính quyền địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng chưa có cơ chế kiểm soát chênh lệch địa tô của dự án cải tạo sông Cổ Cò cũng như chưa có chính sách khai thác nguồn lợi do hạ tầng thuỷ lợi này mang lại.

Ở góc độ quy hoạch, chuyên gia quy hoạch, GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông cho rằng, cải tạo các con sông trong đô thị, lợi ích lớn nhất vẫn là lợi ích cho cộng đồng. Muốn tìm các giải pháp ưu tiên cho cộng đồng thì dự án cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, không chỉ là dọc sông mà còn vào sâu bên trong để xét mối quan hệ của dòng sông với các khu vực chức năng xung quanh. Tỷ lệ các công trình cố định chỉ ở mức vừa phải. Kiến trúc quy hoạch dòng sông cũng phải tính toán thiết kế làm sao nhìn bờ sông như một tác phẩm, thấy màu xanh của bờ. Mỗi dòng sông có tên và vị trí địa lý khác nhau thì cần nghiên cứu cảnh quan khác nhau.

Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Thứ nhất, việc cải tạo dòng sông cần phải có các căn cứ khoa học, chủ yếu trước mắt là về quy hoạch và về thoát nước để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung. Thứ hai là phải sử dụng vốn của cả Nhà nước và tư nhân nhưng lựa chọn chủ đầu tư phải có năng lực bởi vì hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư nhận dự án xong không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm. Thứ ba là cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, đó là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học và đặc biệt là người dân, những chủ sở hữu nhà và đất ở khu vực gần dòng sông.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính quyền địa phương, cao hơn là cấp Nhà nước hãy lưu ý tới bài học của việc cải tạo dòng sông trước đó vì thực tế là đến nay hầu như chưa có một dự án cải tạo dòng sông nào đạt hiệu quả. Hơn nữa, với những dự án cải tạo, nếu thiếu những giám sát kỹ thuật và kiểm tra quá trình thực hiện thì rất có thể sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp chỉ tìm cách khai thác sông mà chưa chắc đã giải quyết bản chất vấn đề là khơi thông, khôi phục dòng sông.

An An - Nguyễn Linh
Thảo Quyên
01/20/2021 06:10
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top