Những ngôi nhà cao tầng được xây dựng từ khoảng năm 1940, sau hơn 70 năm đưa vào sử dụng, đến nay, một số căn ở khu nhà số 5A đến số 7 phố Phủ Doãn đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường rêu phong nứt toác, sụt lún, mái nhà bị thủng, mỗi khu mưa nước nhỏ tong tỏng.
Ông Dương Văn Đạt (phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Khu này có hơn mười hộ sinh sống, không phải ai cũng có điều kiện để tu sửa lại. Chính vì vậy, mới có tình trạng này. Đang ngồi trong nhà tự nhiên có mảng vữa rơi xuống gây cảm giác bất an cho cả gia đình”.
Những mảng tường trơ sắt, thép là nơi sinh trưởng cho cây dây leo ăn sâu vào. Dù đã nhiều lần cắt bỏ nhưng rễ ăn cả vào trong tường khiến nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Có những căn nhà xuống cấp đã được người dân sửa chữa bằng cách che hoặc quây tôn, thậm chí có những căn còn cơi nới bằng các khung sắt kín, khá nguy hiểm nếu có sự cố cháy nổ.
Một số người dân ở đây bức xúc: “Sống gần khu nhà xuống cấp này, mỗi lần mưa bão, gió to, là chúng tôi thấp thỏm vì tường có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Không biết đến bao giờ chủ sở hữu mới tu sửa hoàn toàn cho khu nhà này.”
Do số người trong mỗi hộ gia đình ngày càng tăng, không gian sinh hoạt lại chật hẹp, nên một số hộ dân đã cơi nới để tăng diện tích ở. Tuy nhiên, các vật liệu sử dụng mang tính chất tạm bợ không đảm bảo mỹ quan, phương pháp cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
“Để đảm bảo an toàn cho người dân ở những ngôi nhà xuống cấp, theo tôi cần thực tổ chức rà soát, đánh giá niên hạn sử dụng các công trình để chúng tôi sớm được hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp nơi ở. Vì những hộ dân sinh sống tại đây đều là những công nhân nghèo, những người đã về hưu lương tháng ba cọc ba đồng không thể tu sửa hoàn toàn cho ngôi nhà được”, bà Hoàng Thị Hoa, số 7, phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.