Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, Sở đã tiến hành rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương. Kết quả cho thấy, có 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời. Các cơ quan này đang xây dựng hoặc đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô thành phố, gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao.
Reatimes điểm qua hình ảnh một số trụ sở bộ ngành được xây mới tại khu vực ngoài nội đô:
15 năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình mới trụ sở bộ, ngành trung ương theo chủ trương di dời ra khỏi nội đô. TP. Hà Nội cũng dành khoảng 100ha đất trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm để sắp xếp. Khu đô thị mới Cầu Giấy đang có tốc độ đô thị hóa nhanh và là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính của nhà nước từ các bộ ngành trung ương đến các viện, hội, cục..
Được khởi động từ nhiều năm nay, việc “tìm nơi ở mới” cho các Bộ, ngành trung ương trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong ảnh là 2 trụ sở mới của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Nội Vụ được xây dựng sát nhau trên đường Tôn Thất Thuyết.
Tháng 12/2010, Bộ Nội vụ tổ chức lễ khánh thành khá quy mô toà trụ sở mới tại số 8 Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), Hà Nội. Trụ sở mới của Bộ Nội vụ có diện tích 16.337m2, cao 17 tầng liền khối, 2 tầng hội trường đa năng với các thiết bị hiện đại vượt trội so với trụ sở của nhiều Bộ cùng thời điểm.
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại số 10 Tôn Thất Thuyết được đầu tư xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành năm 2012. Trụ sở Bộ này rộng 1,38ha, cao 18 tầng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 372 tỷ đồng.
Cảnh quan trụ sở Bộ Nội vụ và Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhìn từ trên cao.
Cũng nằm trong Khu đô thị mới Cầu Giấy, tại Lô đất D25 ngõ 7 Tôn Thất Thuyết, 2 trụ sở mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Tòa nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xây mới hoành tráng nhưng trụ sở chính của Bộ này vẫn "bám trụ" tại số 6B Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội).
Nằm cạnh Tòa nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tòa nhà liên cơ Bộ Lao động - Thương Binh và Xã Hội cũng đã được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh việc tập trung các trụ sở bộ ngành, trên tuyến đường Tôn Thất Thuyết cũng tập trung nhiều trụ sở cơ quan cấp quận cầu Giấy, Sở ngành Hà Nội.
Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đang hình thành các trụ sở bộ ngành mới trong diện di dời khỏi nội đô gồm Thanh Tra Chính Phủ, Tòa Án Nhân dân tối cao.
Trụ sở mới của Thanh tra Chính phủ có địa chỉ tại tòa nhà Lô D29, khu đô thị mới Cầu Giấy.
Trụ sở mới này thay cho địa chỉ cũ tại số 220 phố Đội Cấn (quận Ba Đình).
Tòa nhà Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội được xây dựng tại lô đất ký hiệu D29 khu đô thị mới Cầu Giấy, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Tòa nhà có diện tích 10.300m2, gồm một tòa nhà trung tâm cao 9 tầng, 2 tầng hầm; tổng diện tích mặt sàn là 22.970m2 (không kể diện tích tầng hầm) và các hạng mục công trình phụ trợ.
Tòa nhà Trụ sở Viện Kiểm sát Nhân Dân Tối Cao (nằm sau tòa nhà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao) trên phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã cất nóc. Quy mô tòa nhà bao gồm 29 tầng và 2 tầng hầm, được xây dựng trên diện tích đất 7.704 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 56.135 m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được làm bằng kết cấu thép chống động đất trị giá 376 tỷ đồng, thi công từ tháng 8/2009.
Tổng đầu tư dự kiến gần 3.500 tỷ, thời gian thi công trong 4 năm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng bị biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng, tiền lương nhân công, tỷ giá… đến năm 2014, Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án giai đoạn 1 lên 4.022,7 tỷ đồng.
Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt có sân đỗ trực thăng. Công trình chính có quy mô gồm một khối đế 3 khối nhà cao 14 tầng nổi, cao 78,9 m và 1 tầng hầm.
Dự án do hai Công ty của Hàn Quốc làm tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án. Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) cùng liên danh các nhà thầu xây dựng gia công chế tạo, lắp đặt toàn bộ kết cấu thép 3 tòa nhà chính. Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau khi khánh thành sẽ trở thành công trình có công năng hiện đại, tiện dụng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, có kiến trúc đẹp và mang bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng là trụ sở của cơ quan đầu não về đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và phát triển.