Aa

Cần có thêm gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 29/11/2021 - 06:27

Để phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn cần có thêm gói hỗ trợ quy mô lớn trong ít nhất 2 năm tới, dù đã có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với quy mô tương đương 2,85% GDP.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) nhanh chóng hồi phục trong trạng thái mới, ngoài tiếp tục các chính sách đang triển khai, cần mạnh tay hơn trong hỗ trợ DN. TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ với phóng viên.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.​​​

Thêm gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó

PV: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã công bố nhiều gói cứu trợ cho DN. Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần có gói hỗ trợ mới, quan điểm của ông thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020, Chính phủ đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân và DN, hay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho DN vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch, gói hỗ trợ DN lên đến 250.000 tỷ đồng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các khoản hỗ trợ Covid-19 tại Việt Nam ước đạt 2,84% GDP. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong tình hình ngân sách gặp khó khăn. Tuy vậy, tác động và thiệt hại kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra rất trầm trọng, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4. 

Những gói hỗ trợ trước đây vẫn chưa phát huy được hiệu quả mong muốn. Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2021 cho thấy, mức độ giải ngân của các gói hỗ trợ rất thấp. 

Để tiếp sức cho DN nhanh chóng hồi phục trong trạng thái mới, ngoài tiếp tục các chính sách đang triển khai, cần “mạnh tay” hơn trong hỗ trợ DN, phục hồi kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đã và đang chỉ đạo chương trình phục hồi kinh tế trong hai năm tới 2022 - 2023, trong 5 cấu phần thì 1 trong số đó là phục hồi DN. Nếu chúng ta bỏ một đồng cho DN, có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó kích thích quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn.

PV: So với năm 2020, theo ông những gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2021, đặc biệt là gói hỗ trợ dự kiến tới đây của Chính phủ có gì khác nhau?

TS. Cấn Văn Lực: Nguyên tắc chống dịch của Việt Nam là kiểm soát cơ bản được dịch và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Do đó, gói hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế, DN không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề mang tính “cấp cứu” nữa mà là một chương trình phục hồi để tạo lập những nền tảng để DN phát triển ở một tư thế khác, được chúng ta gọi là "bình thường mới", phục hồi và chớp thời cơ để có thể đứng dậy sớm được.

Trong chương trình mới phục hồi DN là tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho DN, giảm thuế, giảm phí, các chính sách giãn hoãn nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN thông qua có thể có gói hỗ trợ lãi suất và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như tận dụng cơ hội mới như kinh tế số, đầu tư cơ sở hạ tầng… qua đó cũng có sự lan tỏa với DN. 

Còn dư địa tốt để mở rộng gói hỗ trợ

PV: Vậy lấy nguồn lực từ đâu để hỗ trợ thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Chương trình hỗ trợ đó phải có cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là chủ yếu vì những lúc như này, phải dùng nguồn lực Nhà nước từ ngân sách. Trong 4 năm qua chúng ta đã củng cố tài khóa tốt thì lúc này cần sử dụng dư địa tài khóa chấp nhận tăng chi tiêu. Nguồn lực từ tiết giảm chi phí; từ rà soát các quỹ ngoài ngân sách; là vay nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Tiếp đến là đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn DN Nhà nước và phương án cuối cùng có thể tính đến cả việc đi vay nợ của một số tổ chức quốc tế (ADB, WB…) họ có cũng có những chương trình phục hồi cho các nước như Philippines vay 2 tỷ USD, Indonesia vay khoảng 500 triệu USD…

PV: Dư địa hỗ trợ lớn nhưng rút kinh nghiệm như trước, để tránh tác động để lại sau này như bội chi, lạm phát, nợ xấu… cần phải làm gì?

TS. Cấn Văn Lực: Phải tính toán mức độ số tiền thực chi hỗ trợ là bao nhiêu trong 2 năm. Theo tôi tính toán, mỗi năm khoảng 3% GDP. Tất nhiên là có những rủi ro nhất định trong lạm phát, tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, tăng nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, trong 2 năm tới khi chúng ta quyết tâm hồi phục kinh tế phải đảm bảo các gói hỗ trợ hiệu quả. Nếu vào không đúng địa chỉ, không tạo ra lan tỏa thì sẽ gây nên lạm phát. Nếu chúng ta biết lựa chọn, đồng tiền vào đúng chỗ có thể hỗ trợ nền kinh tế dậy nhanh theo logic lan tỏa thì kết quả sẽ tích cực hơn, giảm đi khả năng lạm phát.

Cũng phải có lộ trình củng cố tài khóa và tiền tệ ngay sau khi chương trình kết thúc và giải pháp để đưa nó về quỹ đạo khi hết giai đoạn 2022 - 2023 ổn định hơn. Theo tôi, với Việt Nam mức chi như vậy vẫn trong tầm kiểm soát.

Các bộ ngành phải tham mưu với Chính phủ tăng nguồn thu thế nào, giảm chi ra sao để đảm bảo cân bằng hơn đối với tài khóa đến năm 2023 - 2024. Các tổ chức tín dụng khi áp dụng Thông tư 14 cũng phải theo chuẩn mực bình thường… đó là quay lại những quỹ đạo bình thường. Chương trình hỗ trợ DN cũng phải gắn với chương trình tổng thể về phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính sách hỗ trợ đa mục tiêu

PV: Vậy việc hỗ trợ DN cần thực hiện như thế nào, và cần cơ chế giám sát gì để tránh trục lợi?

TS. Cấn Văn Lực: Phải có chọn lọc, phân loại ngành nghề, nhóm DN để hỗ trợ. Không làm đại trà, vì tác động của dịch bệnh tới các DN rất khác nhau. Có DN vẫn làm ăn tốt không nhất thiết phải hỗ trợ. Nhưng có những ngành nghề khó khăn nhưng có khả năng phục hồi. Do đó, đối tượng DN mà nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển trong thời gian tới như kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo, kinh tế tuần hoàn… gắn với chống biến đổi khí hậu, lĩnh vực y tế, giáo dục… Dứt khoát không đổ vào những DN mà không thể trụ được, có thể phá sản, không thì “tiền mất tật mang”.

Ở góc độ DN, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là làm thế nào để tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước và không bị tăng thêm chi phí hoạt động. Giảm thiểu thủ tục, tăng khả năng tiếp cận, Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hiệp hội, đoàn thể để mà đưa ra các phương án giúp đỡ cho các DN trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai.

Nếu không biết dựa vào tiêu chuẩn gì, thì dễ phát sinh tiêu cực, đó là chưa nói đến vấn đề thủ tục. Tất cả mọi hình thức cứu trợ phải minh bạch. Cần tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ DN và người dân vượt khó khăn do dịch Covid-19.

PV: Về lâu dài cần các giải pháp căn cơ ra sao và DN cũng cần phải cố gắng thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Như tôi đã nói, kết hợp cả 2 nhưng trong đó tài khóa là chủ yếu. Gói tiền tệ phối hợp với tài khóa tăng khả năng tiếp cận vốn thông qua hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cũng không thể hỗ trợ quá nhiều vì còn phải tính đến phương án xử lý nợ xấu trong 2 năm tới.

Vậy thì phải có những gói liên quan đến việc tài trợ các khía cạnh tài khóa, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế DN, những hạn chế về logistics. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. 

Bên cạnh đó là chương trình chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, cải cách hành chính… Chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, nhất là những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. 

Ngoài các giải pháp đưa ra từ cơ quan quản lý, các DN cũng cần tranh thủ, nắm bắt thời cơ đột phá về thể chế của Chính phủ; tận dụng cơ hội kinh doanh mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị và hoạt động để tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top