Loay hoay gói gỗ trợ cho nhà ở
Những vấn đề của thị trường như nhà diện tích lớn, chung cư cao cấp, biệt thự… có thể tồn kho hay cần hỗ trợ ra sao, đó là câu chuyện của tương lai. Còn trước mắt, thị trường và người dân dường như đang hướng đến “nhà ở cho nhu cầu thực tiễn”.
Thông tin mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2017 đã có khoảng 11 triệu m2 nhà ở mới được xây dựng, nhưng nhà ở xã hội chỉ có khoảng 60.000 m2. Trong khi đó, nhà ở thương mại cung ứng ra thị trường đạt hơn 2,5 triệu m2. Số diện tích xây dựng còn lại do người dân tự xây dựng mới. Trong năm 2018, dự kiến sẽ có thêm hơn 430.000 m2 nhà ở xã hội được xây dựng.
Hiện nay, nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ được gọi chung với khái niệm là nhà ở thu nhập thấp và tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 40% yêu cầu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Đồng nghĩa với đó là tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn, hằng năm tiếp tục gia tăng, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, bài toán nhà ở ở xã hội dành cho người nghèo, người thu nhập thấp vẫn còn nhiều khúc mắc khi doanh nghiệp “ngại làm” vì lợi nhuận không cao, quy định pháp lý rắc rối. Bên cạnh đó, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, cũng chưa có thêm gói tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ nào khác.
Còn nhớ vài năm trước khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã phần nào giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đại bộ phận người dân, từng bước bình ổn thị trường bất động sản. Nhưng khi gói hỗ trợ kết thúc, phân khúc này cũng “chìm” theo và không có thêm nhiều dự án về nhà ở xã hội được khởi công.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc dành 20% quỹ đất sạch trong các dự án phát triển khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội chưa được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Một số dự án nhà ở xã hội xây dựng ở những địa điểm nằm xa trung tâm, giao thông không thuận tiện, hạ tầng thiếu và yếu cũng không thu hút được người dân vào ở.
Như vậy, trong năm 2018, nhu cầu nhà ở từ người người dân vẫn cao và để giải quyết được bài toán này thì cần có cách tiếp cận và tư duy mới về nguồn vốn và nguồn cung. Đặc biệt những gói hỗ trợ về lãi suất vay ngân hàng hay vay vốn ưu đãi phát triển các loại hình nhà ở sẽ thật sự đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân.
Giải bài toán nhà ở
Để người dân mua được nhà, Chính phủ không chỉ cần có chính sách hạ giá mà còn loay hoay bài toán thu nhỏ diện tích căn hộ. Trước đây, trong các dự án thương mại thì căn hộ không được phép có diện tích dưới 45m2, bởi những lo ngại sẽ phá vỡ quy hoạch, tạo ra khu nhà ổ chuột trên cao.
Tuy nhiên, năm 2012 khi Bộ Xây dựng “bật đèn xanh” để nhiều doanh nghiệp đầu tư những dự án thử nghiệm căn hộ có diện tích chỉ 25m2, có giá 250-300 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp. Kết quả thử nghiệm đã đưa ra kết quả tốt khi người dân đón nhận.
Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã đồng ý cho TP.HCM xây nhà 25m2. Bộ Xây dựng cho rằng, việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 (để có thể bố trí chỗ ở cho 1 - 3 người) là hợp lý, phù hợp với nhu cầu các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 25 m2. Bên cạnh các cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, việc cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 cũng là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở.
Có thể nói, dù là thí điểm của nhiều năm trước hay chính thức cho phép xây dựng sau này, thì những căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ luôn là nhu cầu thực của một bộ phận lớn cư dân thành phố, không thể phủ nhận nó đã giải quyết tâm lý “an cư lạc nghiệp” của người dân.
Thậm chí có nhà phân phối bất động sản nhận định, phân khúc nhà ở diện tích nhỏ với giá thấp vẫn bán chạy vì là sản phẩm nhà ở dành cho người có nhu cầu thực chứ không phải mua đầu tư tích trữ. Đánh giá chung nhiều người dân vẫn tìm mua nhà có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng. Dĩ nhiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp vẫn muốn cung cấp nguồn cung giá rẻ chỉ là bài toán này còn đang trông chờ ở nhà nước cũng như việc cấp phép từ các cấp chính quyền.
Trao đổi với TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, ông cho rằng, những căn hộ 25m2 chỉ thích hợp dành cho để công nhân, sinh viên thuê còn các hộ gia đình có thu nhập thấp khi có đủ các thành viên trong gia đình thì không thể ở được vì diện tích trung bình tối thiểu/người không đáp ứng được.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Diện tích căn hộ nhỏ sẽ làm gia tăng dân số, gây áp lực cho hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Từ đây, dẫn đến các khu đô thị có chất lượng đời sống thấp. Những căn hộ dạng này nếu triển khai ở Hà Nội thì nên đưa ra ngoài khu vực vành đai 3 là hợp lý, hạn chế tối đa phát triển đại trà ở vùng lõi, cận trung tâm vì nếu làm là chắc chắn "băm nát" Hà Nội. Thực tế hiện nay cho thấy, căn hộ 25m2 chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn cụ thể, bắt buộc phải kèm theo điều kiện cần và đủ."
Cũng theo ông Nghiêm, nhiều người dân từ quê lên lập nghiệp ở thành phố, hay công nhân lao động đều hy vọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và trung bình có nhiều hơn để họ lựa chọn. Tuy nhiên, để người dân mua được nhà, nhà nước cần có chính sách hạ giá nhà nhiều hơn nữa thay vì cứ loay hoay bài toán phát triển diện tích căn hộ, nhà ở bao nhiêu thì hợp lý.