Aa

Cần một quy chuẩn thiết kế cửa sổ, ban công chung cư an toàn hơn

Thứ Năm, 08/06/2017 - 06:56

Thời gian vừa qua, số vụ tai nạn trẻ em rơi từ cửa sổ, ban công các chung cư ở nước ta ngày càng nhiều. Những vụ tai nạn thương tâm này đã gióng lên hồi chuông báo động phải xem xét lại tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế chung cư ở nước ta.

Báo động tình trạng thiếu an toàn trong thiết kế chung cư

Khi thiết kế chung cư, dường như các chủ đầu tư chú trọng tới không gian lớn như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp,… mà thường coi nhẹ phần lan can, ban công – lô gia, cửa sổ. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến những vụ tai nạn thương tâm trẻ em rơi từ cửa sổ, ban công các tòa chung cư liên tiếp xảy ra thời gian vừa qua.

Hàng loạt vụ trẻ em rơi từ cửa sổ, ban công chung cư thời gian vừa qua rất thương tâm.

Hàng loạt vụ trẻ em rơi từ cửa sổ, ban công chung cư thời gian vừa qua rất thương tâm.

Các quy định về thiết kế ban công hay lô gia đã được quy định khá chi tiết trong QCXDVN 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành và TCXDVN 323: 2004 “Nhà ở cao tầng – tiêu chuẩn thiết kế”.

Theo đó, lan can, ban công của các công trình từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4 m; với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ dễ trèo qua, không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100 mm... Nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư thường phớt lờ các quy định, hoặc làm cho có.

Ví dụ các ban công tại nhiều khu chung cư như Dịch Vọng, Linh Đàm,… đều được xây cao trên 1 mét. Nhưng thiết kế là kiểu phía dưới tường xây, phía trên gắn 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau 10 cm, hoặc lan can chỉ được bảo vệ bằng những thanh sắt khoảng cách khá rộng, hệ thống cửa sổ không có lưới sắt bảo vệ… Thiết kế như vậy tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo, dễ dàng chui qua khoảng trống giữa các thanh sắt và ngã xuống.

Lan can một số tòa chung cư ở khu Trung Hòa – Nhân Chính chỉ được bảo vệ bằng 2 thanh sắt ngang cách nhau 20 cm, các thanh sắt dọc tạo độ hở lớn, không có kính hay lưới che chắn.

Độ cao lan can ở các khu đô thị lớn hiện nay rất khác nhau và không tuân thủ theo một quy chuẩn nhất định nào cả như một số tòa chung cư ở Linh Đàm là 1,4m; trong khi chung cư khu Sài Đông lại có chiều cao 1,25 m...

An toàn thiết kế cửa sổ, ban công trên thế giới

Ở nước ngoài, số vụ tai nạn trẻ em thiệt mạng do ngã từ trên tầng cao xuống cũng rất lớn và xảy ra từ sớm. Tại New York (Mỹ), một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức toàn diện về vấn đề này đã được tổ chức bởi Sở Y tế thành phố, mang tên “Những đứa trẻ không thể bay”, hoạt động trong những năm 1960, 1970.

Chương trình liên quan đến một số đạo luật về lắp đặt hệ thống bảo vệ cửa sổ ở những tòa nhà cao tầng, nơi có trẻ em sinh sống. Kết quả là tỷ lệ tai nạn đã giảm đáng kể, đặc biệt ở quận Bronx (New York) giảm 50%. Rất nhiều thành phố khác trên thế giới đã đi theo chiến dịch này sau thành công đó.

Đặc biệt, điều luật chính thức đã được thông qua, yêu cầu tất cả các chủ nhà phải lắp đặt hệ thống bảo vệ cửa sổ ở căn hộ có trẻ dưới 10 tuổi. Các tiêu chuẩn thiết kế đúng theo quy định của Sở Y tế và Vệ sinh thành phố New York như: cố định các cạnh vuông của cửa sổ bằng thanh sắt hình chữ L và ốc vít một chiều, khoảng trống giữa các thanh sắt không được quá 4,5 inches (~ 11,4 cm),...

Một số nước trên thế giới có nhưng quy chuẩn thiết kế ban công rất cụ thể.

Một số nước trên thế giới có nhưng quy chuẩn thiết kế ban công rất cụ thể.

Ở Úc, một bộ Quy chuẩn Xây dựng chi tiết được soạn thảo, thống nhất tất cả quy định về kỹ thuật khi thiết kế, xây dựng các công trình, trong đó có thiết kế cửa sổ mở, được áp dụng trên toàn nước. Năm 2012, bộ luật đã quy định rằng tất cả những ngôi nhà/căn phòng cách mặt đất hơn 2 mét thì cửa sổ (mở được) phải có ổ khóa hoặc ổ chặn để ngăn không cho cửa mở rộng quá 12,5 cm; hoặc phải gia cố tấm kính chắn bảo vệ, tránh trẻ em ngã xuống.

Bộ Quy chuẩn được xem xét và sửa đổi mỗi năm nhằm phù hợp với nhiều thay đổi về kỹ thuật, pháp lý hiện hành. Hiện nay Quy chuẩn quy định rằng chiều cao từ trên xuống dưới của một cửa sổ (mở được) ở vị trí cách mặt đất 4 mét trở lên, tối thiểu phải là 86,5 cm.

Tiêu chuẩn nào cho Việt Nam?

Trước mắt đã có những quy định hiện hành trong các văn bản của Bộ Xây dựng nhưng còn khá chung chung. Các chi tiết kỹ thuật chưa được rõ ràng như về độ cao, độ hở giữa các thanh sắt, tiêu chí chủng loại, tính năng kỹ thuật cửa kính để chịu được va chạm mạnh, cấu trúc khung đỡ và bắt kính vào tường...

Trong khi đó, thiết kế lại đòi hỏi sự sáng tạo, nếu quy định quá chặt chẽ sẽ làm giảm tính thẩm mỹ. Trên thực tế, đã có rất nhiều nước trên thế giới xây dựng các bộ quy chuẩn chung như Úc kể trên, hoặc quy chuẩn chung châu Âu, quy chuẩn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương,... Hướng đến hội nhập, sắp tới chúng ta cũng sẽ chuyển một số tiêu chuẩn xây dựng thành quy chuẩn và khuyến khích áp dụng.

Một số nước thực hiện hóa các quy chuẩn này thành bộ luật chính thức, áp dụng trên toàn quốc, vì thế đạt hiệu quả cao. Trong khi tại Việt Nam, việc thực hiện các quy chuẩn trên còn phụ thuộc khá nhiều vào ý thức của chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top