Aa

Cần nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí đô thị

Thứ Bảy, 23/11/2019 - 06:15

Hiện miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa. Đây là thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm không khí - trong đó có bụi mịn PM2.5 - thường cao nhất trong năm.

Từ tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày của Hà Nội ở mức kém, thậm chí ở ngưỡng cao nhất trong thang cảnh báo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), không khí dày đặc tầm nhìn xa hạn chế cho người tham gia giao thông (ảnh chụp sáng 13/11/2019). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Tác động xấu

Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Đây là hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chất lặp đi, lặp lại và thường gặp trong giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có. Xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Cuối năm 2019, một số khoảng thời gian, thời tiết không có mưa trong nhiều ngày, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, do đó các chất ô nhiễm tích tụ, không thể phát tán lên cao và đi xa, ô nhiễm tăng cao hơn.

Trong các đô thị phía Bắc, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố Hà Nội ở mức cao nhất bởi thời gian giao mùa có sự biến động do hiện tượng nghịch nhiệt hay đốt rơm rạ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại Hà Nội chịu ảnh hưởng của hoạt động giao thông nên ô nhiễm không khí tăng cao vào khoảng thời gian 7 - 9 giờ và 18 - 20 giờ. Tuy nhiên, trong các thời điểm giao mùa, diễn biến chất lượng không khí không theo quy luật thông thường do thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, ô nhiễm tăng cao vào thời gian về đêm và sáng sớm.

Từ ngày 12 - 29/9/2019, chất lượng không khí liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép quy chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN. Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, 10 trạm của thành phố Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ và 1 trạm của Đại sứ quán Pháp) đo được từ ngày 12 - 29/9/2019, nồng độ bụi mịn PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 - 17/9/2019, sau đó giảm từ ngày 18 - 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 - 29/9. Trong các ngày từ 15 - 17/9 và 23 - 29/9 có đến trên 75% giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt, từ 25 - 29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quy chuẩn của Việt Nam.

Trong tháng 10/2019, chất lượng không khí tại Hà Nội tốt hơn hẳn so với tháng 9/2019. Tuy nhiên, một số khoảng thời gian thông số bụi mịn PM2.5 tăng cao và vượt quy chuẩn Việt Nam, đó là các ngày từ 20 - 21/10, 25 - 27/10, 30 - 31/10.

Sang tháng 11/2019, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Nồng độ trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 đã vượt quy chuẩn Việt Nam tại tất cả các trạm, có trạm vượt hơn 2 lần và có xu hướng tăng theo thời gian. Tuần đầu tháng 11, ở Hà Nội, buổi sáng liên tiếp các ngày từ 5 - 7/11, giá trị AQI giờ tại một số trạm đã vượt giá trị 200. Đặc biệt, sáng 12/11 đã ghi nhận chỉ số AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại cho sức khỏe).

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu - ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.

Số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước châu Á giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, thành phố Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10/15 thành phố, ở mức độ ít ô nhiễm (số 1 là mức ô nhiễm cao nhất), năm 2018 cải thiện được 1 vị trí, đứng ở vị trí 11/15.

Công bố thông tin chất lượng môi trường không khí

Khu vực Hồ Tây chỉ số PM2.5 lên đến 364 (vượt ngưỡng nguy hiểm), chất lượng không khí kém gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già (ảnh chụp sáng 13/11/2019). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Hiện nay, nguồn số liệu quan trắc từ Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội là nguồn thông tin chính thức theo đúng quy định tại website: cem.gov.vn. Ngoài ra, một số các tổ chức khác có đăng tải thông tin như: Trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ; trang thông tin điện tử Air Visual; phần mềm PAM Air do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý, vận hành có thể sử dụng để tham khảo.

Trang thông tin điện tử Air Visual thuộc Tổ chức IQAir (có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) thực hiện đăng tải thông tin về chỉ số chất lượng không khí của nhiều thành phố trên thế giới. Trang thông tin của Air Visual có công bố về nguồn gốc các dữ liệu từ 3 nguồn chính về số liệu từ các trạm quan trắc môi trường địa phương, trạm quan trắc của một số tổ chức; dữ liệu thời tiết; dữ liệu vệ tinh. Dữ liệu từ 3 nguồn này được Air Visual tổng hợp, tính toán và đưa ra công bố về chỉ số AQI. Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air cũng đăng tải các chỉ số AQI của các tỉnh/thành phố Việt Nam.

Tuy nhiên, thông tin từ PAM Air không nêu rõ phương pháp, thiết bị đo, nguồn số liệu sử dụng để công bố tại từng điểm đo, đồng thời cũng không nêu rõ thông tin về Giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn hoặc các chứng nhận tương tự đối với các thiết bị mà Công ty đang sử dụng để quan trắc chất lượng không khí. Ngoài ra, các thông tin về đặc tính thiết bị, độ chính xác của thiết bị không được công bố nên không có cơ sở đánh giá độ tin cậy của số liệu.

Bởi vậy, theo Tổng cục Môi trường, cần có biện pháp để sớm huy động, bổ sung thêm các số liệu quan trắc của các trạm tư nhân phục vụ công tác dự báo, cảnh báo mức độ ô nhiễm và khuyến cáo kịp thời cho người dân. Phân ngưỡng ô nhiễm không khí của Việt Nam ban hành từ năm 2011 nên Tổng cục Môi trường đã tiếp cận theo công thức tính chỉ số ô nhiễm không khí của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, ngày 12/11/2019, Tổng cục Môi trường ban hành Quyết định số 1459/QĐ-TCMT về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam.

Cần song hành giữa cảnh báo và giảm thiểu ô nhiễm

Đường Đào Tấn (Hà Nội) không khí dày đặc tầm nhìn xa hạn chế cho người tham gia giao thông (ảnh chụp sáng 13/11/2019). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp có quy mô xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường tại địa phương và trung ương; chủ động, tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường kiểm soát phát thải từ công nghiệp, giao thông và xây dựng, nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông, kiểm định khí thải phương tiện giao thông đảm bảo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn EURO đã ban hành từ 5 năm trước, sử dụng nhiên liệu sạch…

Khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bộ đang tiếp tục xây dựng, thiết lập mạng lưới trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu để các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ người dân được sống trong môi trường ngày một tốt hơn, trong lành hơn.

Hiện tại, theo Tổng cục Môi trường, Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa. Đây là thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm không khí - trong đó có bụi mịn PM2.5 - thường cao nhất trong năm. Người dân cần cập nhật về tình hình ô nhiễm không khí để có những ứng phó phù hợp như: Vào khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao (ngưỡng đỏ, tím, nâu) hạn chế các hoạt động ngoài trời, mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc cần là thực hiện đồng thời các biện pháp vừa dự báo, cảnh báo, khuyến cáo và cắt giảm các hoạt động phát thải bụi tại các địa điểm được cảnh báo trong thời gian ô nhiễm tăng cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top