TS. Lưu Bình Nhưỡng: “Cần quyết liệt khơi thông dòng chảy của pháp luật, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn”

TS. Lưu Bình Nhưỡng: “Cần quyết liệt khơi thông dòng chảy của pháp luật, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn”

Thứ Hai, 16/01/2023 - 06:09

“Khi chúng ta tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc về thể chế, về cơ chế thì niềm tin tự khắc sẽ hồi phục, doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư”, TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

*********

LTS: Nhân dịp đón Xuân Quý Mão, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chia sẻ với Reatimes góc nhìn thú vị và đánh giá, góp ý về việc hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, rào cản... đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. 

Tháo gỡ điểm “nghẽn” chính sách

PV: Nhìn lại năm 2022, ông thấy có những điểm gì đặc biệt với sự phát triển của đất nước?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Năm 2022 có những điểm khá đặc biệt, chúng ta vừa trải qua giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, toàn cầu bị ảnh hưởng và trong dòng chảy ấy thì nước ta cũng đã phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì xung đột trên thế giới lại nổ ra, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của nhiều khu vực, điều đó cũng gián tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam.

Điều đáng mừng là mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, cùng sự chung tay của toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã duy trì được sự ổn định phát triển kinh tế vĩ mô, liên tục giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ổn định vĩ mô, chúng ta thấy có nhiều vấn đề còn tồn tại, trong đó nổi lên là chuyện công tác cán bộ, rất nhiều các vụ việc sai phạm lớn đã và đang được xử lý để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng thời gian gần đây có nhiều vụ việc sai phạm từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, điều này cũng đặt ra câu chuyện quản lý ở tầm vĩ mô của các bộ, ngành thế nào? Rõ ràng sai phạm thì phải xử lý, nhưng trách nhiệm của cá nhân và tổ chức ra sao khi để xảy ra chuyện họ lợi dụng, lách luật? Rồi chuyện xử lý những sai phạm ấy nhưng thị trường chao đảo, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, lo sợ vướng vào lao lý thì phải chấn an, động viên và mở đường cho họ vượt qua khó khăn. Sau đại dịch, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chưa vượt qua được thì lại thêm những câu chuyện ở thị trường như vừa rồi khiến cho niềm tin của nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Trong những tình huống như vậy, vai trò điều hành ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng, như Thủ tướng Chính phủ đã từng nhấn mạnh là không được để giật cục. Thực tế là có những thời điểm, công tác quản lý của chúng ta lỏng lẻo, để cho người ta lách luật được, cho tới khi nhìn nhận được vấn đề thì lại siết quá chặt. Công tác điều hành mặc dù được nhấn mạnh là phải đảm bảo sự linh hoạt, nhưng trên thực tế tôi thấy vẫn còn có những lúc bị nghẽn chính sách, thời gian sửa đổi để ra quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn khá chậm, cần phải được rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới.

PV: Sự linh hoạt trong điều hành, vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước ở bộ, ngành hay địa phương đã được nhắc đến rất nhiều. Theo ông, sự chuyển biến ấy đã thực sự hiệu quả hay chưa?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Phải nói một cách công bằng rằng trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, bám sát mọi diễn biến và chúng ta giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng phải thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại để cùng nhau tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển tốt hơn trong năm 2023. Khi phát biểu tại Quốc hội, tôi cũng đã nói rất thẳng thắn rằng: Vì sao cải cách luật pháp được đặt ra nhưng vẫn còn tình trạng lộn xộn trong đề xuất chính sách, chậm trễ trong ban hành văn bản triển khai nhưng lại vội vã đề xuất những chính sách gây tranh cãi? Vì sao mỗi năm số lượng kiến nghị cử tri đối với bộ, ngành vẫn không giảm?

Vì sao Chính phủ liên tục thực hiện cải cách hành chính, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về sự nhiêu khê, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước, vẫn phải bôi trơn cho guồng máy thủ tục? Rất nhiều vụ việc sai phạm được đưa ra ánh sáng cho thấy không ít cán bộ đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, nhiều doanh nghiệp thì sẵn sàng đưa hối lộ để có được dự án họ muốn.

Vì sao có rất nhiều việc Chính phủ chỉ đạo nhưng ở dưới không có mấy chuyển biến, như vậy có phải là còn tồn tại tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên rải thảm, dưới rải đinh"?

Vì sao đến nay tham nhũng vẫn phức tạp, tinh vi? Vì sao Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần nhưng vẫn chậm giải ngân vốn đầu tư công? Việc khắc phục hậu quả từ 12 dự án lớn có vốn đầu tư Nhà nước, tới nay đã đạt được kết quả chưa hay vẫn dậm chân tại chỗ?

Và còn rất nhiều những dấu hỏi vì sao nữa, tôi cho rằng cần xử lý dứt điểm, vừa là triển khai hiệu quả công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác vừa giữ vững niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, huy động được sức mạnh đại đoàn kết.

Trong thời gian vừa rồi, chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ sự khó khăn của thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ vấn đề này, nhưng dường như sự chuyển biến vẫn còn chưa đủ nhanh, chưa đủ mạnh, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đều chưa thoát khỏi vùng khó khăn. Vậy thì ở đây chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi về sự chuyển biến, linh hoạt trong điều hành liệu đã ổn chưa, họ gặp vướng mắc chỗ nào, có lo ngại trách nhiệm quá hay không?

Tôi nhớ có lần Thủ tướng Chính phủ đã nói trong một buổi làm việc với cán bộ rằng "Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên". Như thế là rất thẳng thắn, đã là cán bộ thì hãy hành xử xứng đáng với sự tín nhiệm của tổ chức và nhân dân. Gần đây, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua sự trì trệ ở rất nhiều lĩnh vực. Có Đại biểu Quốc hội từng cảnh báo rằng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng và "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Tôi cho rằng, muốn có câu trả lời chính xác về ý thức pháp luật, thái độ tuân thủ, sự im lặng cầu an của người có trách nhiệm thì hãy làm rõ vướng mắc từ thể chế và cơ chế thực hiện, xử lý quyết liệt nhưng phải công bằng, đồng thời đừng quên củng cố niềm tin cho cán bộ khi họ dấn thân, sáng tạo, là người tiên phong mở đường.

Tạo môi trường phát triển lành mạnh

PV: Sau Đại hội Đảng XIII, chúng ta đã đi được nửa chặng đường, ông đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được, cũng như những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu và cải tổ mạnh mẽ hơn?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói là có 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về mặt thể chế. Và thể chế thì cơ bản chúng ta bàn đến vấn đề thiết kế tính đồng bộ, phù hợp với hiến pháp, pháp luật,... đều nói đi nói lại những vấn đề đã cũ. Riêng với Đại hội XIII, một trong những vấn đề được lưu lại mà bản thân tôi cũng là người đã nghiên cứu kỹ nghị quyết thì thấy có một điểm đặc biệt chính là phải nâng cao chất lượng của thể chế, đây là điểm rất đặc biệt, hơn hẳn các nghị quyết trước.

Cho nên trong thời gian vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư cũng như Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan lập pháp, cơ quan Quốc hội là càng ngày phải càng siết chặt chất lượng thể chế. Chính vì thế cho nên việc chúng ta cần làm không phải thông qua số lượng đạo luật, mà phải nâng cao chất lượng đạo luật, phải siết chặt quy trình, đạo luật về thủ tục. Nếu không đầy đủ các tài liệu hồ sơ và không đảm bảo chất lượng, không giải trình được, không đánh giá tác động đầy đủ các chính sách thì Đảng và Quốc hội sẽ không xem xét. Đây là vấn đề rất rõ ràng và phải nghiêm túc thực hiện, nếu không thì chúng ta có sửa bao nhiêu luật rồi cũng không chuyển biến.

Vấn đề thứ hai, để nâng cao chất lượng thể chế thì Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát, bao gồm giám sát về mặt văn bản, chính sách, pháp luật và quá trình thực hiện. Từ đó, chúng ta xem xét để nâng cao chất lượng thể chế. Đồng thời, chúng ta đang tập trung vào xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật đảm bảo thể chế, đảm bảo cho sự phát triển của các vùng theo quy định nghị quyết. Thí dụ, triển khai phát triển cho các vùng Đồng bằng Bắc Bộ, miền núi, Duyên hải miền Trung,... Hiện nay, chúng ta đang tập trung làm, Bộ Chính trị đang thực hiện nghị quyết của Trung ương và từ đó hoàn thiện thể chế một bước về việc tạo cơ chế mặt pháp lý cho sự phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tất cả các vùng. Tôi cho rằng hiện nay đây là những vấn đề rất tốt, là điểm khác biệt so với các giai đoạn trước đó.

Rõ ràng đột phá chiến lược nằm ở vấn đề thể chế, những vấn đề ấy có chuyển biến được hay không, nhanh hay chậm, hiệu quả ra sao phụ thuộc nhiều vào công tác cán bộ. Ở khóa XII, đã có hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có những người đã vào vòng lao lý, đang chịu án tù.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, đã kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên ủy viên Trung ương Đảng; cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 ủy viên Trung ương Đảng; các địa phương đã miễn nhiệm 1 chủ tịch HĐND tỉnh, 2 chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Những kết quả trên đây cho thấy sự quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm và cần tiếp tục triển khai quyết liệt trong thời gian tới, nhằm loại bỏ hết những kẻ thoái hóa, biến chất đục khoét tài sản của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cần phải bàn là khi siết chặt kiểm tra thì phát hiện có những địa phương cả một nhóm lãnh đạo đã cố ý vi phạm pháp luật nhiều năm, thế mà vẫn cơ cấu vào trong bộ máy, không được xem xét đến nơi đến chốn. Để cho họ đứng vào hàng ngũ lãnh đạo rồi mới phát hiện ra, có thể nói việc này để lại rất nhiều hậu quả xấu đối với đất nước.

Một vấn đề nổi cộm khác không thể không nhắc tới là tình hình khiếu kiện và các tranh chấp về đất đai hiện nay vẫn đang rất nặng nề. Đây là lĩnh vực mà mặc dù chúng ta có nghị quyết, rồi hiện tại cũng đang sửa đổi Luật Đất đai,... nhưng rõ ràng thiếu sự chặt chẽ về kỷ cương giám sát, kiểm tra, thanh tra đã nảy sinh nhiều bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, đối với quản lý kinh tế vĩ mô, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đều có rất nhiều cố gắng nhưng sau đại dịch cộng thêm với những khủng hoảng chính trị trên thế giới đã tác động tới kinh tế Việt Nam. Như tôi chia sẻ ở trên, với những trường hợp cố ý làm sai thì phải xử lý nghiêm minh, nhưng đồng thời cũng phải xem xét hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng kinh tế đất nước. Đồng thời các cơ quan chức năng phải nghiên cứu tính toán xử lý đồng thời với những trường hợp đã đưa vào diện điều tra thì quyền lợi của hàng nghìn nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao bởi vì tiền của họ bỏ ra mua trái phiếu, cổ phiếu, nhưng bây giờ chủ doanh nghiệp bị truy tố, tài khoản bị phong tỏa thì họ không lấy lại được vốn. Đây là những vấn đề hết sức nổi cộm cần sớm được xem xét, giải quyết.

PV: Như vậy, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định và trong thời khắc sắp bước sang năm mới Quý Mão, ông có kiến nghị gì góp phần cải tổ mạnh mẽ hơn, đạt được những kết quả ấn tượng hơn?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi biết hiện nay Chính phủ cũng đang xem xét nhiều vấn đề về mặt kinh tế để xử lý rốt ráo khó khăn cho thị trường. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác để xem xét tất cả vấn đề liên quan đến các dự án hay chỉ đạo giải quyết những vấn đề về khó khăn mặt tài chính, tín dụng, cho các doanh nghiệp có điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn. Cùng với đó, có thể xem xét để kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá trị đồng tiền. Phải nói đây đều là những vấn đề, những giải pháp rất quan trọng cho nền kinh tế và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giữ cho nền kinh tế ổn định, mặc dù phía trước chúng ta là năm 2023 với vô vàn khó khăn.

Quan điểm của tôi là làm cái gì thì làm, xử lý sai phạm là phải hết sức quyết liệt, để giữ gìn kỷ cương và tạo sự công bằng, môi trường phát triển lành mạnh. Cần quyết liệt khơi thông dòng chảy của pháp luật, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, chúng ta không được phép "đạp phanh" khiến cho nền kinh tế bị khựng lại, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm. Hy vọng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén và sáng suốt thì Việt Nam có thể tiếp tục đảm bảo nhịp độ tăng trưởng, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào môi trường đang ổn định. Khi chúng ta tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc về thể chế, về cơ chế thì niềm tin tự khắc sẽ hồi phục, doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư.

PV: Trân trọng cảm ơn TS. Lưu Bình Nhưỡng!

Ngọc Quang
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top