Aa

Bài 3: Cần quyết sách hài hòa để chống ngập lụt cho Khu ĐTM An Vân Dương

Thứ Ba, 05/10/2021 - 06:15

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định tiến hành các bước điều chỉnh đối với Khu đô thị mới An Vân Dương nhằm thích ứng và đảm bảo an toàn, nhưng vẫn cần một quyết sách lâu dài, đồng bộ để “cứu” Khu ĐTM này.

Lời tòa soạn:

An Vân Dương là khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2005, sớm và lớn nhất ở xứ Huế. Khu đô thị nằm ở phía Đông TP. Huế, hình thành trên địa giới hành chính của TP. Huế, TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sau 16 năm xây dựng, hiện khu đô thị này bộc lộ một số hạn chế, trong đó nan giải nhất là vấn đề chống ngập lụt. Trước tình hình biến đổi khí hậu và những dấu hiệu thiên tai hiện hữu, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định tiến hành các bước điều chỉnh Khu đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương để thích ứng và đảm bảo an toàn, nhưng cần một quyết sách lâu dài, đồng bộ để “cứu” ĐTM này. Việc chống ngập cho Khu ĐTM An Vân Dương là cấp thiết, nhưng cần có giải pháp tổng hòa để không xung đột về thoát lũ cho các làng mạc, khu dân cư lâu đời.

Cơ quan, công sở, trường học đều nằm trong tình cảnh ngập lũ nặng do thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ. (Ảnh: Đình Toàn)

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Khu ĐTM An Vân Dương có 5 khu, gồm khu A, B, C, D và E; trong đó khu B, C, D và E có quy hoạch cao độ các trục đường chính trung bình từ 2,10 – 2,35m. Riêng khu A đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế điều chỉnh quy hoạch vào năm 2019. Hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch chung cho toàn bộ khu B cũng đang được xem xét, xúc tiến.

Chống ngập đi đôi với nâng cao chất lượng sống

Để quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện nay, đồng thời giúp khu đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, UBND tỉnh đã điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu A – Khu ĐTM An Vân Dương tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/02/2019. Theo đó, phân khu A có vị trí thuộc phường An Đông (TP. Huế), phường Thủy Dương, xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế); quy mô diện tích 380ha, dân số 18.000 người. Đây là khu đô thị trung tâm hành chính, tài chính kết hợp với trung tâm dịch vụ thương mại cấp thành phố; là khu ở tập trung mật độ cao nhằm giảm tải dân cư khu vực trung tâm đô thị Huế, được đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sống cho dân cư trong khu vực và góp phần hoàn thiện bộ mặt kiến trúc đô thị.

Cư dân trong Khu ĐTM An Vân Dương nháo nhác tìm đường đi lại do ngập lũ. (Ảnh: Đình Toàn)

Liên quan đến các tuyến đường giao thông chính, theo quy hoạch nói trên, cao độ các tuyến đường ven sông, các tuyến đường nội bộ đi qua khu vực dân cư hiện hữu vẫn giữ nguyên cốt thiết kế san nền, giao thông như quy hoạch phân khu trước đây từ +2,10 đến +2,30m, riêng các điểm nút giao với đường liên khu thì được điều chỉnh nâng cao độ cho phù hợp với quy hoạch chung của toàn khu vực; cao độ các tuyến đường chính liên khu được điều chỉnh nâng cao độ trung bình là +2,64m; giao lộ các trục đường chính như Võ Nguyên Giáp giao Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp giao với đường Văn Tiến Dũng được điều chỉnh nâng lên +3,20m. Ngoài ra, tiếp giáp phía Tây Khu ĐTM An Vân Dương có 2 đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) là Quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam TP. Huế và Quy hoạch phân khu phường Vỹ Dạ cũng đang được tỉnh tính toán xem xét điều chỉnh để phù hợp với tình hình ứng phó mưa lũ.

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, thực tế các tuyến đường chính trong phân khu A đã được tính toán cao độ và thiết kế theo quyết định điều chỉnh quy hoạch số 432 của UBND tỉnh sau khi tham chiếu các mức lũ vào năm 2017 (năm có trận lũ nước dâng khá cao, làm ngập rất nhiều tuyến đường trong Khu ĐTM An Vân Dương). Một số dự án lớn cũng đã và đang xây dựng theo các cao độ nền này, như Khu ĐTM An Cựu, ĐTM Phú Mỹ An, The Manor Huế, khu hành chính tập trung, khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 và gian đoạn 2, khu đô thị Phú Mỹ Thượng…

Khu vực ĐTM An Vân Dương dễ bị "tổn thương" do biến đổi khí hậu, những năm gần đây càng giảm sức chống chịu với thiên tai, lũ lụt. (Ảnh: Đình Toàn)

Tuy nhiên cuối năm 2020, lũ càng “hung dữ” hơn, ngập sâu hơn năm 2017 nên nhiều tuyến, đoạn đường, cao độ cũng cần tính toán điều chỉnh lại. Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế từng kiến nghị với UBND tỉnh giải pháp cần điều chỉnh nâng cao độ các tuyến đường chính trong phân khu A lên bình quân 0,5m. Cùng với đó là việc đầu tư thêm hệ thống thoát nước mưa như cống rãnh, mương nước, hào, tuy nen kỹ thuật… trên đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và những tuyến đường, khu vực lân cận. Theo đó, quá trình điều chỉnh thiết kế thi công cần xem xét, thiết kế các rãnh thu nước, đảm bảo nước mặt đường không tràn vào sân các công trình hiện có; trong quá trình thực hiện cần phối hợp với các chủ đầu tư để thiết kế kết nối hợp lý, đầu tư đồng bộ.

Phân kỳ ưu tiên điều chỉnh

Có thể nói với khoảng 1.700ha diện tích toàn bộ Khu ĐTM An Vân Dương bao trùm lên nhiều địa phương, vô số tuyến đường và khu dân cư mới lẫn cũ, điều chỉnh quy hoạch để thích nghi với mưa lũ, biến đổi khí hậu là công việc rất lớn, tốn kém và tác động nhiều mặt đến công trình của người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trước những khó khăn này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang giao cho sở, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh toàn bộ phân khu B trong Khu ĐTM An Vân Dương. Mới đây, để đảm bảo tiến độ công trình dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định điều chỉnh dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên – Huế do ADB hỗ trợ nguồn vốn. Tổng kinh phí cho việc thực hiện điều chỉnh này là hơn 1,6 tỷ đồng.

Đường Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng đều là những tuyến đường mới đầu tư nhưng vẫn bị ngập sâu khi lũ lớn. (Ảnh: Đình Toàn)

Theo đó, đối với đường Tố Hữu: Nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu (đoạn từ cầu Phát Lát đến đường Thủy Dương – Thuận An) thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên – Huế theo Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu A – Khu ĐTM An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được phê duyệt. Đối với đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua khu A) sẽ nâng cao độ +2,64m theo Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu A – Khu ĐTM An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được phê duyệt. Đối với đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua khu B) thuộc phạm vi dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II nâng cao độ mặt đường từ +2,1m thành +2,64m.

Cùng với giải pháp trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng quyết định việc nâng cấp cầu Vỹ Dạ (đoạn cầu Vỹ Dạ đến đường Nguyễn Thái Học, thuộc tuyến Quốc lộ 49 nối dài qua trung tâm TP. Huế); cải tạo nâng cấp sông Lấp với các hạng mục như điều chỉnh kiến trúc cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Lấp để tăng công năng sử dụng; điều chỉnh đường đi dạo, cầu đi dạo, các mặt cắt gia cố bờ sông theo tiêu chí xanh và bền vững…; nạo vét và kè sông Kẻ Vạn…

Việc san lấp ruộng để xây dựng những công trình kiên cố mà không trả lại không gian thoát lũ sẽ gia tăng nguy cơ ngập lũ trong khu đô thị. (Ảnh: Đình Toàn)

Riêng với gói thầu công viên, cây xanh, quảng trường khu hành chính tập trung sẽ tiến hành nâng cao độ các tuyến đường nội bộ và kết cấu hạ tầng kỹ thuật xung quanh phù hợp với cao độ quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt; bổ sung 3 bể nước, hệ thống cấp nước, hệ thống phun nước, điện chiếu sáng và cảnh quan trong hồ…; điều chỉnh hệ thống thoát nước mưa để đồng bộ với hệ thống thoát nước mưa của khu nhà văn phòng làm việc các cơ quan của tỉnh; điều chỉnh mặt bằng thiết kế cảnh quan để phù hợp với công năng sử dụng của khu nhà văn phòng làm việc các cơ quan của tỉnh, gồm: thay đổi bề rộng một số tuyến đường nội bộ; mở rộng diện tích trồng cây xanh, thảm cỏ; bổ sung thêm các cột đèn trang trí sân vườn; bổ sung các lối dốc lên 2 toà nhà… Được biết, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cùng các cơ quan liên quan đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục, công trình điều chỉnh theo quyết định của tỉnh.

Cần sự cương quyết và khoa học

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang vào mùa mưa bão, lũ lụt. Việc nâng cao độ tất cả các tuyến đường sẽ rất khó, tốn kém và nhất là xung đột với những làng mạc hiện hữu. Tuy nhiên việc nâng cao độ một số điểm, tuyến đường ở khu vực trung tâm Khu ĐTM An Vân Dương đã và đang được xúc tiến. Ngoài ra, với tiến độ, thủ tục của việc điều chỉnh chống ngập lũ, lụt cho Khu ĐTM An Vân Dương, dù là những tiểu hạng mục ở khu vực trung tâm hẳn cũng không thể triển khai kịp trong năm 2021 nên không loại trừ cùng với các địa phương khác, Khu ĐTM An Vân Dương phải trải qua thêm một mùa “ngập nước nữa”.

Chưa nói đến lũ lớn, nếu chỉ xảy ra mưa lớn trong vài giờ cũng đã khiến nhiều tuyến đường chính trong Khu ĐTM An Vân Dương ngập nước. (Ảnh: Đình Toàn)

TP. Huế là một trong bốn thành phố của châu Á được chọn để xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực vùng Mekong mở rộng trong Dự án “Các thành phố châu Á chống chịu với biến đổi khí hậu” (M-Brace). Kế hoạch chống ngập và cảnh báo lũ, lụt đối với ĐTM An Vân Dương không phải mới được đặt ra sau này từ sau các đợt lũ, lụt lớn như năm 2017, 2020 mà đã được một số chuyên gia, kiến trúc sư đặt ra từ nhiều năm trước.

Năm 2014, trong một cuộc hội thảo tại TP. Huế do Dự án M-Brace Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, vấn đề xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, các kịch bản đánh giá khả năng ngập và thoát lũ của đô thị Huế do tác động của các khu đô thị đã được đặt ra. Một kết quả nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ tăng mức độ ngập ở TP. Huế lên 31,8% vào năm 2050, khi ấy tình trạng ngập sẽ tăng lên tại các phường Phú Hội, Xuân Phú (thuộc Khu ĐTM An Vân Dương), Kim Long, Phú Thuận, Phú Hòa. Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết, biến đổi khí hậu, nguyên nhân gây ngập lụt Khu ĐTM An Vân Dương còn bởi thiếu quy hoạch, hoặc thực hiện quy hoạch không đồng bộ trong các khâu san nền, giao thông, thoát nước của hàng loạt công trình tư nhân lẫn Nhà nước…

Xe cộ chen chúc tìm nơi tránh lũ trong ĐTM An Vân Dương năm 2020. (Ảnh: Đình Toàn)

Trao đổi với PV Reatimes, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về biến đổi khí hậu và nghiên cứu sự chống chịu với thiên tai của các đô thị ở Việt Nam nói rằng, việc chống ngập cho Khu ĐTM An Vân Dương hiện nay đúng là có nhiều cái khó, nhưng không phải không có giải pháp, trong đó cần có sự quyết tâm cao độ của chính quyền, ban ngành các cấp và cả nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Những giải pháp đòi hỏi phải hy sinh quỹ đất, trong khi đó đất đai ngày càng đắt đỏ nên ít ai chịu bỏ đất, hoặc bỏ tiền đền bù đất để tạo không gian thoát lũ. Tính về lâu dài thì việc hy sinh quỹ đất làm kênh đào thoát nước ở bên cạnh khu đô thị vẫn là giải pháp tốt về mặt kinh phí”, chuyên gia này gợi ý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top