Aa

Cần sớm ban hành Nghị định hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp

Thứ Bảy, 26/03/2022 - 06:30

“Trước áp lực tăng lãi suất có thể xảy ra, Chính phủ cần phải sớm ban hành Nghị định hỗ trợ 2% lãi suất vào đầu tháng 4 này, để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi phát triển”.

Lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay của các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện lần lượt tăng rất mạnh so với mức khoảng 1% giai đoạn 2020 - 2021. Về vấn đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

lãi suất liên ngân hàng
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng là điều tất yếu và có nhiều nguyên nhân gây ra sức ép này (Ảnh: Đức Thanh)

 

PV: Xin ông cho biết, đâu là sức ép tác động đến lãi suất liên ngân hàng trong thời điểm hiện nay?

Ông Phạm Xuân Hoè: Việc lãi suất liên ngân hàng tăng là điều tất yếu và nguyên nhân gây ra sức ép này đến từ một số vấn đề như:

Thứ nhất, huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên thị trường bị cạnh tranh bởi các kênh khác, nên người dân gửi tiền vào ngân hàng không nhiều. Và nếu so sánh với các lĩnh vực đầu tư khác, thì mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay là không bằng.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ nhanh hơn so với năm 2021 nên ngân hàng rất cần huy động vốn để cân đối và bảo đảm tỷ lệ an toàn theo quy định, vì vậy cũng cần bù đắp từ thị trường liên ngân khi thiếu hụt.

Thứ ba, vào thời điểm năm ngoái, tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp gửi vào ngân hàng rất nhiều, nhưng năm nay kinh tế bắt đầu phục hồi, thì doanh nghiệp cũng bắt đầu bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, tiền gửi từ tiền gửi từ các tổ chức doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng huy động vốn khó hơn và phải quay trở về tìm sự hỗ trợ từ thị trường hai là thị trường liên ngân hàng.

Thứ tư, xu hướng kỳ vọng của thị trường cũng như dân chúng và doanh nghiệp là lãi suất sẽ tăng, do họ nhìn thấy những nguy cơ về lạm phát sẽ gia tăng.

Thứ năm, một yếu tố từ bên ngoài là câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thì đương nhiên mọi người kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất, để quản lý, khống chế và giữ giá đồng VND nhằm ổn định tỷ giá.

Đó mới chỉ là kỳ vọng, còn trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái gì. Ảnh hưởng tác động từ FED khiến xu hướng mặt bằng lãi suất nói chung của các đồng tiền ở các nền kinh tế thế giới đều tăng, mà trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nên dù thế nào, tỷ giá VND/USD cũng sẽ tăng lên, đồng thời lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng lên.

Thứ sáu, cả doanh nghiệp và người dân đều nhìn thấy sự “hấp dẫn” từ các kênh đầu tư khác, mà như đã nói ở trên là tính cạnh tranh của luồng vốn vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản,... nhiều hơn, thì rõ ràng tiền gửi vào ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng như kỳ vọng, dẫn tới sụt giảm. Điều này làm cho ngân hàng thiếu thanh khoản “tạm thời”, nên đương nhiên phải tìm kiếm vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Ông Phạm Xuân Hòe
Ông Phạm Xuân Hoè. 

PV: Vậy mặt bằng lãi suất cho vay sẽ bị ảnh hưởng, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hoè: Với những vấn đề đã được nêu ra ở trên, thì sự băn khoăn về tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay là hiện hữu. Tuy nhiên, tác động trong ngắn hạn là chưa xuất hiện, vì sự thay đổi này chưa đáng kể.

Còn theo chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay từ 0,5 - 1% là vô cùng khó khăn. Điều này chúng tôi đã có phân tích rất nhiều và làm sao để cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là tốt, nếu không, nguy cơ tăng lãi suất cho vay sẽ rất có thể xảy ra vào cuối năm trong trường hợp lãi suất đầu vào tăng, vì chúng ta không thể kìm hãm lãi suất mãi được.

Song trên thực tế, vẫn có thể giữ được ổn định, vì margin của các ngân hàng giữa lãi suất đầu vào và đầu ra còn khá tốt, cho nên Ngân hàng Nhà nước phải cố gắng giữ ổn định lãi suất, để tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “khó càng thêm khó”.

PV: Theo ông, có những giải pháp trước mắt và dài hạn như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với nguy cơ tăng lãi suất?

Ông Phạm Xuân Hoè: Hiện nay, giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp là rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải sớm ban hành Nghị định hỗ trợ 2% lãi suất vào đầu tháng 4 này.

Về phía doanh nghiệp thì phải bài bản hơn trong việc quản lý tình hình tài chính và kiểm toán cho tốt, để phát hành trái phiếu ra thị trường, tự huy động vốn. Đó là định hướng tương đối tốt nhưng lại là câu chuyện dài hơi.

Hoặc có thể huy động vốn từ người thân, nếu doanh nghiệp nào làm ăn đều đều, thì có thể huy động từ tiền lương của cán bộ, công nhân viên hay nội bộ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với mức lãi suất “nhỉnh” hơn tiền gửi một chút.

Hiện nay, thị trường tài chính đang có nhiều bất ổn, vì tiền đều chảy vào bất động sản, chứng khoán,... mà theo dữ liệu gần đây, nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đã đầu tư vào thị trường chứng khoán khoảng 13.000 tỷ đồng, trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khỏi thị trường đâu đó 2,5 tỷ USD, số tiền này cũng không nhiều và được bù đắp bởi nhà đầu tư trong nước, khiến thị trường này vẫn giữ được ổn định.

Vì thế, giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp là phải huy động vốn nội bộ và dài hạn là phải nhìn đến cơ chế ở hai góc cạnh: Một là trái phiếu và hai là hướng đến câu chuyện quản trị theo trái phiếu xanh, tài chính xanh, để hứng vốn của nhà đầu tư quốc tế, hỗ trợ cho các nước đang phát triển như Việt Nam, nhằm tái cấu trúc lại câu chuyện chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh sạch.

Tuy nhiên điều đó lại lệ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô, vì một mình doanh nghiệp thì không thể thực hiện được./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top