Aa

Cần thêm động lực và công cụ hỗ trợ thị trường trái phiếu

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 22/04/2023 - 06:15

Để lấy lại vị thế của trái phiếu trong mắt của nhà đầu tư, Bộ Tài chính mới đây đã yêu cầu DN phải tự thay đổi, tăng công khai minh bạch, chủ động xếp hạng tín nhiệm để lấy lại niềm tin, tiếp tục huy động vốn.

Nửa mừng nửa lo khi thị trường trái phiếu dần hồi phục

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được “tưới mát” trở lại sau khi Nghị định 08 được ban hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có những tín hiệu khởi sắc bởi khối lượng phát hành gia tăng trở lại bên cạnh áp lực đáo hạn năm 2023 vẫn khá căng thẳng, Bộ Tài chính liên tục nhắc nhở doanh nghiệp về nghĩa vụ thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư theo đúng cam kết...

Cụ thể, Bộ Tài chính mới đây phát đi thông tin liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thông điệp được Bộ Tài chính nhấn mạnh là doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

Nhìn lại thị trường trái phiếu quý I/2023, Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong quý có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt hơn 28.335 tỷ đồng, tăng 59% so với quý IV/2022. Trong đó, có 11 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 24.435 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng giá trị phát hành. Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành (ngày 5/3/2023), hoạt động phát hành riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi khi có 9 trên tổng 11 đợt phát hành riêng lẻ trong quý I/2023. Tổng giá trị phát hành của 9 đợt chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý I/2023.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, sau khi Nghị định 08 được ban hành, hoạt động phát hành riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi, khi có tới 9 trong tổng số 11 đợt phát hành riêng lẻ trong quý I/2023 diễn ra trong khoảng thời gian này. Tổng giá trị của 9 đợt phát hành này chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý.

Đáng chú ý, các đợt phát hành riêng lẻ có quy mô lớn trong quý I/2023 đều là của các doanh nghiệp ít tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp tới thời điểm phát hành có lịch sử hoạt động chưa đầy… 1 năm.

“Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức. Do đó, chúng tôi cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn”, Chứng khoán VNDirect đánh giá.

Mặt khác, theo thống kê của FiinRatings, tính đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị là 113,14 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với lần cập nhật tháng 2 (17/2/2023). Giá trị trái phiếu chậm trả chủ yếu đến từ các lô trái phiếu doanh nghiệp được tái cơ cấu kỳ hạn, tăng 2,12 lần sau 1 tháng và đạt 11,45 nghìn tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu áp lực rất lớn trả nợ trái phiếu. Nguồn: FiinRatings

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm 2023 được ước tính ở mức 220,77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 93,2 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36,2 nghìn tỷ đồng vào quý II và 35,4 nghìn tỷ đồng vào quý III.

FiinRatings nhìn nhận, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong quý II và III/2023 khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn cao trong năm 2023 này (với giá trị nêu trên) trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để trả nợ nhà đầu tư

Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên nhắc đến cụm từ khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính còn tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường.

Trong dòng sự kiện này, Reatimes cũng liên tục ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia, theo đó, đa số các ý kiến đều cho rằng, cốt lõi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là niềm tin. Muốn lấy lại niềm tin, ngoài sự minh bạch, thị trường vĩ mô ổn định thì phải bảo vệ được lợi ích của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để khôi phục niềm tin cho thị trường không trở thành “khẩu hiệu”, giới chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều động lực và công cụ hỗ trợ.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải chủ động tiếp tục bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30 - 40%; đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang; đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính (hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…).

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Reatimes)

Với doanh nghiệp địa ốc, cần có kế hoạch cụ thể, khả thi trong việc thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là giai đoạn 2023 - 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có kênh phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính, M&A... để tài trợ cho dự án hoặc làm vốn lưu động).

Theo chuyên gia này, cùng với gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính xem xét các giải pháp khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn, có giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức, thành lập trung tâm giao dịch trái phiếu thứ cấp (để nắm được hoạt động chuyển nhượng, nhà đầu tư…), thúc đẩy phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tăng cường giáo dục tài chính nhằm nâng cao chất lượng nhà đầu tư, hoàn thiện thể chế như: Đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp cho phù hợp…

Bên cạnh đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sớm chủ động phát triển năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng. Các cơ quan quản lý khác như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… cũng cần vào cuộc, đồng hành, tất cả là vì sự phát triển chung của thị trường vốn cho nền nền kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Khương, Khối phân tích VNDirect cũng đưa ra 3 giải pháp:

Thứ nhất, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Thứ hai, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Thứ ba, các cơ quan quản lý cần xem xét nới lỏng các điều kiện để cho phép các định chế tài chính lớn bao gồm các ngân hàng có thể tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò tạo thanh khoản trên thị trường, đồng thời cho phép các ngân hàng phát triển các hình thức bảo lãnh thanh toán để dần khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong báo cáo mới nhất, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm Nghiên cứu, FiinRatings cho hay, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 3/2023 đã tăng gấp 3 lần so với tháng trước và tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù mức tăng theo tháng phản ánh hiệu ứng nền thấp, tốc độ tăng cùng kỳ cho thấy tín hiệu đảo chiều và gia tăng trở lại trong hoạt động phát hành. Tuy nhiên chuyên gia cho, rằng chưa thể khẳng định thị trường sẽ sôi động trở lại ngay từ quý II mà sẽ cần phải theo dõi một số động thái từ phía nhà quản lý nhằm gỡ khó cho thị trường, đồng thời phục hồi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân.

Chuyên gia FiinRatings nói thêm, việc khôi phục niềm tin và sức cầu đầu tư trái phiếu có lẽ cần thời gian cùng các giải pháp bổ sung tiếp theo. Trong đó, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ nhóm nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng cấp tín dụng, đây sẽ là điều tích cực cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top