Aa

Cấp room tín dụng theo quý có gây áp lực cho ngân hàng?

Thứ Năm, 04/03/2021 - 10:35

Khác với những năm trước, hạn mức (room) tín dụng đầu năm nay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân bổ cho các ngân hàng theo quý, thay vì theo năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Thay đổi theo quý

Những năm trước, NHNN sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Tuy nhiên, đầu năm 2021, NHNN phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng theo quý. Một số ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng quý I/2021 tăng 3 - 4% so với cuối năm 2020.

Hằng năm, tăng trưởng tín dụng những quý đầu năm thường thấp hơn so với các tháng cuối năm. Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, việc cấp room tín dụng theo quý cũng không gây áp lực với các nhà băng.

Tuy nhiên, sang các quý tiếp theo, khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng được kỳ vọng tăng trở lại thì việc xem xét cấp hạn mức tín dụng của NHNN cũng là vấn đề được các nhà băng quan tâm. Thực tế, năm 2020, tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20% như Techcombank (tăng 23,3%), thì cũng có những nhà băng tăng chưa đến 10%, như VietBank (tăng 9,5%), PG Bank (tăng 8,3%), Saigonbank (tăng 6,1%)...

NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.
NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động. Nhưng về lâu dài, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, NHNN nên cân nhắc bỏ cách điều hành mang tính hành chính đối với tín dụng. Thay vào đó, cần quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR).

Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng những năm trước thường rất thấp trong tháng 1, thậm chí có thể tăng trưởng âm nếu tín dụng tăng quá mạnh trong tháng 12 năm trước đó. Bởi vậy, thanh khoản các ngân hàng vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý I/2021.

Lãi suất giảm, tín dụng kỳ vọng tăng

Mặc dù tăng chậm trong quý I/2021, song tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng trong những quý tiếp theo. Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Báo cáo tài chính quý IV/2020 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Chẳng hạn tại Vietcombank, dư nợ cho vay cuối năm 2020 đạt 839.788 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối quý III/2020.

Tương tự, dư nợ cho vay của BIDV tại thời điểm cuối năm 2020 đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019.

Tại Sacombank và OCB, dư nợ cho vay khách hàng tăng lần lượt 6,2% và 12,7% so với cuối quý III/2020.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay đang chiều hướng giảm để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong năm qua, Ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch và sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí để giảm lãi vay trong năm nay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Từ đó, tín dụng cũng sẽ được đẩy mạnh tăng trưởng hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, mặt bằng lãi suất năm 2021 sẻ ổn định ở mức thấp và đây là điều kiện để kích cầu tín dụng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của OCB đưa ra năm nay tương tự năm 2020, tăng không dưới 20% (tùy theo room tín dụng được NHNN cấp).

Tổng giám đốc OCB cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động mạnh của Covid-19, việc tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng quý I/2021 cho thấy sự linh hoạt phù hợp trong điều hành và không ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, bởi thông thường nhu cầu vay vốn trong quý I đều rất thấp, thường tăng trưởng âm, nhưng sẽ tăng ở các quý sau đó.

Do đó, việc NHNN không “chốt” mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm được đánh giá là để có sự phân tích, đánh giá cẩn trọng, nhằm hướng đến mục tiêu đáp ứng đẩy đủ nhu cầu vốn cho sự phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong năm nay, mà không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), năm nay, NHNN có thay đổi lớn trong điều hành tín dụng. Theo đó, NHNN sẽ thực hiện tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng bám sát triển khai, trong khi chưa tính toán xong mục tiêu cả năm 2021. Tức là, NHNN vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng khẳng định, mục tiêu ban đầu đề ra là tín dụng tăng khoảng 12%, nhưng vẫn có điều chỉnh, tùy theo tình hình thực tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top