Aa

Cắt giảm ưu đãi thuế thừa không ảnh hưởng doanh nghiệp giàu

Thứ Tư, 25/12/2019 - 06:06

Trước tình trạng giảm thu ngân sách từ thuế, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần phải cắt giảm các ưu đãi thuế thừa.

PV: Báo cáo của Oxfam công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giảm thu ngân sách từ thuế. Cụ thể, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010) xuống 23,7% (năm 2016). Nguyên nhân của việc giảm thu ngân sách từ thuế đến từ đâu, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hương: Việt Nam giảm thu ngân sách từ thuế có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2006 đến nay, từ mức 25 - 28% và đến hiện tại là 20%. Điều này đã giảm đi nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. 

Thứ hai, Việt Nam có nhiều ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn nước ngoài. Mức thu thuế từ doanh nghiệp nước ngoài ở mức thuế suất chỉ bằng 10% so với mức thuế phổ thông 20%. Tức là ước chừng mất 50% thu thuế từ doanh nghiệp lớn và nước ngoài. Việc sụt giảm giá dầu thô cũng đóng góp một phần. Tuy nhiên, giảm thu từ thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nước ngoài là nguyên nhân dẫn tới thất thu chính.

 Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam Việt Nam.

PV: Việc giảm thu ngân sách từ thuế sẽ tác động thế nào đến kinh tế - xã hội, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hương: Việc giảm thu ngân sách là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách gia tăng. Việt Nam thiếu nguồn lực để đầu tư cho phát triển và đầu tư cho dịch vụ công như y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo.

Trong ngành y tế, mức đầu tư của Nhà nước khá thấp. Chi tiền túi của người dân vào các dịch vụ y tế đang ước tính khoảng 44% và mức chi của Nhà nước là 56%. Con số này cho thấy, mức chi mà người dân phải trả tiền túi rất lớn, bởi đầu tư của Nhà nước vào y tế thấp.

Khi giảm thu ngân sách như vậy, Nhà nước giảm đầu tư vào dịch vụ công và phải xã hội hóa dịch vụ công. Vì thiếu nguồn lực trong y tế nên người nghèo, người thu nhập thấp trả khoản tiền túi cho dịch vụ lớn. Đây là gánh nặng chi tiêu rất lớn cho gia đình, dẫn tới tình trạng nghèo hóa do chi phí gia tăng.

Hằng năm, Việt Nam có khoảng 600.000 - 700.000 hộ dân rơi vào nghèo đói do chí phí y tế. Tình trạng này tiếp tục gia tăng nếu Nhà nước không đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực y tế thông qua sử dụng nguồn lực như cắt giảm ưu đãi thuế.

Theo thống kê, năm 2012, số tiền ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hằng năm tương đương với đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm cho y tế. Mỗi một năm, ước tính Việt Nam mất 1,5 -1,6% GDP do ưu đãi thuế. Nếu chúng ta cắt giảm nguồn đó để đầu tư cho dịch vụ y tế, số tiền này có thể chi ít nhất cho 24 - 30 bệnh viện với quy mô 1000 giường/ bệnh viện. Như vậy, sự công bằng về sức khỏe sẽ được đem lại. Và người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp được chăm sóc về mặt y tế, không phải trả tiền túi cũng như trở thành gánh nặng cho chi tiêu gia đình.

PV: Như bà vừa trao đổi, việc giảm thu ngân sách từ thuế đến một phần từ ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng, định hướng của Việt Nam là ưu đãi cho doanh nghiệp FDI. Và có vẻ như, thuế vẫn được coi là công cụ chính đầy hấp dẫn. Việc cắt giảm ưu đãi này sẽ tác động thế nào đến định hướng phát triển và việc thu hút doanh nghiệp FDI vào Việt Nam?

Bà Nguyễn Thu Hương: Theo một khảo sát gần đây của Grant Thorton, 69% số câu trả lời coi sự gia tăng của thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam, 60% cân nhắc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định và chỉ 13% coi ưu đãi và trợ cấp của Chính phủ là yếu tố quan trọng nhất.

"Việt Nam cần cắt giảm ưu đãi thừa và không cần thiết. Nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thừa sẽ tăng thu ngân sách 20% và không tác động nhiều đến doanh nghiệp giàu". 

- Bà Nguyễn Thu Hương -

Như vậy, triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến từ chính việc tăng thu nhập khả dụng và tăng tần lớp trung lưu. Nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc cả yếu tố tăng trưởng kinh tế tốt, ổn định. Còn các yếu tố thuế và trợ cấp Chính phủ, họ không coi trọng nhiều, và con số này chỉ chiếm 30%.

Việt Nam cần cắt giảm ưu đãi thừa và không cần thiết. Nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thừa sẽ tăng thu ngân sách 20% và không tác động nhiều đến doanh nghiệp giàu. Bản thân doanh nghiệp giàu đã được hưởng ưu đãi trong thời gian dài. Và họ cần quay trở lại giúp Nhà nước có nguồn lực đầu tư và phát triển, đầu tư vào y tế, giáo dục, giúp giảm bớt bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo.

Ưu đãi cho các doanh nghiệp giàu sẽ tiếp tục làm gia tăng giữa các nhóm thu nhập trong xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

PV: Theo quan điểm của bà, loại thuế nào được hiểu là thừa, không phù hợp?

Bà Nguyễn Thu Hương: Các báo cáo nghiên cứu chỉ ra có rất nhiều ưu đãi vào khu công nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp đóng thuế ít nhất vào Việt Nam. Chúng ta phải xem xét lại chính sách thu hút đầu tư. Việt Nam thu hút đầu tư mà không thu được thuế, nghĩa là chúng ta đang mất đi nguồn lực. 

Việt Nam đang nằm trong hệ thống thuế quốc tế OECD. Cải cách thuế của OECD đã chỉ ra tình trạng chung của các nước trên thế giới là giảm thuế, tạo ra một cuộc cạnh tranh xuống đáy.

OECD đã phải điều phối, đưa ra cơ chế thảo luận, chấm dứt trình trạng cạnh trạnh, áp dụng mức thuế suất tối thiểu. Nếu mức ưu đãi thuế ở Việt Nam thấp hơn mức thuế tối thiểu, doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải trả mức thuế dư đó ở đất nước bản địa của họ. Và trước sau gì, doanh nghiệp cũng phải nộp thuế. Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ mất đi nguồn thu từ thuế, mất đi cơ hội vào các nước phát triển. Bây giờ là thời gian để thay đổi, bởi vấn đề cắt giảm ưu đãi thuế là toàn cầu.

Cải cách thuế của OECD đã chỉ ra tình trạng chung của các nước trên thế giới là giảm thuế, tạo ra một cuộc cạnh tranh xuống đáy.

PV: Và việc cắt giảm ưu đãi thuế này liệu có giải quyết được một phần bài toán chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI - vướng mắc đầy nhức nhối trong suốt thời gian qua?

Bà Nguyễn Thu Hương: Trong đề xuất cải cách thuế OECD, phần thứ nhất là nếu đưa ra mức thuế tối thiểu sẽ ngăn chặn tình trạng thiên đường thuế và sự dịch chuyển sang nước có mức thuế thấp. Thứ hai, đề xuất cải cách thuế OECD cũng đưa ra thỏa thuận, tránh chuyển lợi nhuận giữa các nước.

Như vậy, đề xuất cải cách thuế OECD vừa tránh tình trạng cạnh tranh, đưa ra ưu đãi thuế quá thấp và cũng ngăn chặn, chống, chấm dứt tình trạng lợi nhuận chuyển giá ở doanh nghiệp lớn đa quốc gia.

PV: Việc cắt giảm thuế liệu có gây “sốc” cho các doanh nghiệp không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hương: Đây là xu hướng toàn cầu. Việc cắt giảm thuế không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam nên nó không phải là cú sốc. Cắt giảm thuế không ảnh hưởng nhiều. Bản thân với doanh nghiệp giàu, việc cắt giảm không làm ảnh hưởng tới họ.

Quan trọng nhất, khi toàn cầu đều cắt giảm thuế, không có tình trạng ưu đãi tràn lan. Các nước không còn phải cạnh trạnh nhau đưa ra mức giá thấp. Môi trường đầu tư trở nên minh bạch và điều hấp dẫn họ sẽ là sự gia tăng về quy mô nhóm thu nhập trung bình, nhóm thu nhập khả dụng, tạo ra thị trường tiêu dùng lớn. Với dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu dùng rất lớn. Việt Nam là quốc gia có tình hình kinh tế đang phát triển, môi trường chính trị ổn định nên việc cắt giảm thuế sẽ không gây “sốc”.

- Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top