Doanh nhân Dương Hiển Tú - CEO An Phú Farm và khát vọng về nông nghiệp bền vững

Doanh nhân Dương Hiển Tú - CEO An Phú Farm và khát vọng về nông nghiệp bền vững

Thứ Năm, 26/08/2021 - 06:00

Doanh nhân Dương Hiển Tú rất khiêm tốn khi nhắc về mình, về con đường đang đi, những gì đã trải qua cùng hành trình tương lai cùng An Phú Farm và thường trực trong từng câu chuyện của anh là hình ảnh người nông dân như in thành nếp... 

Những năm gần đây, trào lưu “bỏ phố về quê” hay khởi nghiệp xanh trở thành “cơn khát” của giới trẻ. Cùng với đó cũng nảy sinh nhiều tranh cãi được - mất! May thay có những người vẫn đang sống và hiện thực hóa một nền nông nghiệp bền vững. Gọi là may vì bất kỳ trào lưu nào trên tiến trình vận động của nó đều gặp phải những cú sốc văn hóa, nhưng ở Dương Hiển Tú, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm, không phải đơn thuần là trào lưu mà nó trở thành kim chỉ nam, minh chứng cho việc muốn “về quê” không nhất thiết phải “bỏ phố”.

Khác với những cuộc trò chuyện “một - một” ở quán nào đó tại Đà thành, phải hẹn nhiều cuộc, chúng tôi mới có thể trao đổi cùng anh qua màn hình laptop khi đã 21h đêm. Với Dương Hiển Tú, lúc ấy tưởng chừng không còn định nghĩa được thời gian, bởi các chuỗi cửa hàng thực phẩm An Phú Farm đang trong giai đoạn quá tải do dịch Covid-19, việc quản lý, tìm nguồn cung khiến anh xoay như chong chóng là đã hết ngày.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh rộn ràng hơn vì có điểm chung là từng đọc: “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, một cuốn sách nổi tiếng của Masanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên, như thể mỗi một từ được viết ra, tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ. Tôi tìm thấy điểm giao thoa này giữa tác giả và Dương Hiển Tú khi tâm niệm của anh là việc làm nông nghiệp tự nhiên nên cần quan tâm tới thực phẩm tự nhiên. Vì thực phẩm và làm nông là mặt trước và mặt sau của cùng một cơ thể! 

Trong dòng chảy khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, nhiều người mù quáng kiêu ngạo, thường biện minh cho lòng tham vô đáy và niềm tin rằng họ có thể chinh phục được thiên nhiên và khai thác chúng đến cùng kiệt. Những tưởng hiểu biết về khoa học kỹ thuật, họ không chịu hiểu tầm quan trọng của người nông dân, của nông nghiệp sạch và đa dạng sinh học… khiến thiên nhiên ngày càng trở nên tồi tệ. Vì vậy, coi nông nghiệp là hơi thở và phát triển bền vững là hướng đi của An Phú Farm. Sự lạ kỳ của người doanh nhân này cũng nằm ở đây, một người rất khiêm tốn khi nhắc về mình, về con đường anh đang đi, những gì anh trải qua và hành trình tương lai của An Phú Farm, mà thường trực trong từng câu chuyện của anh hình ảnh người nông dân như in thành nếp…

PV: Trong mỗi câu chuyện của An Phú Farm, hình ảnh người nông dân luôn xuất hiện thường trực, vì sao vậy?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Công nghệ đang thay đổi hoàn toàn nghề nghiệp, tạo ra những cơ hội không ai ngờ đến nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực về quyền lợi người lao động, công ăn việc làm cho người nông dân. Vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương khi toàn cầu hóa xảy ra. Họ không thể nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường và cập nhật những khoa học kỹ thuật tiên tiến, nông sản làm ra cứ phải “giải cứu”, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy, với An Phú Farm nông nghiệp bền vững trước hết phải định hình được sản phẩm, thị trường và đầu ra cho người nông dân.

Trước đây tôi từng gặp ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT - PV), ông nói rằng: Việt Nam có 2 thế mạnh là nông nghiệp và chất xám. Khi ấy, tôi đã nhận thấy được việc người dân khó khăn trong sản xuất, sản xuất nông sản nhưng bán ra không được, cũng không thể xuất khẩu vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao. Người dân không quyết định được giá sản phẩm của mình.

Giống như việc chúng ta đi đến khám bệnh gặp bác sĩ, họ chẩn đoán bệnh gì, giá tiền bao nhiêu chứ người đi khám không thể quyết định giá cả. Vậy tại sao làm nông nghiệp không tự định giá được nông sản của mình? Bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân, không khám bệnh vẫn có thể sống, nhưng người dân thì không, bởi họ đã dốc hết tiền túi ra để sản xuất nông nghiệp.

Lợi dụng chuyện “có tiền muốn làm gì cũng được”, nhiều thương lái đã ép giá người nông dân, nên nhiều người cứ làm rồi bỏ, hay làm nông theo kiểu đại trà, thấy cái gì được giá trước mắt là trồng. Vì vậy, tôi nghĩ phải để người dân tự tin đưa ra quyết định về giá cả thì họ mới có động lực để sản xuất. Ở Bỉ và Hàn Quốc, Nhà nước mua nông sản với giá chênh lệch rất lớn. Để con người ý thức được lương thực rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay: Có tiền chưa chắc gì đã mua được lương thực. Thì rõ ràng con người mới ý thức được vai trò của lương thực, thực phẩm.

Hơn hết, người nông dân là những người thấp cổ bé họng: Không tiền, không tích lũy, không tiếng nói. Tôi muốn họ không bán nông sản với giá rẻ mạt, nên tôi luôn để họ ra giá và thương lượng. Nếu khách hàng An Phú Farm chưa hiểu được lý do vì sao thực phẩm này đắt thì tôi sẽ thuyết phục cho họ mua. Ở An Phú Farm, tôi nói không với xây dựng nông nghiệp theo kiểu làm chủ và nhân viên. Bởi công việc làm nông là 24/7. Khi làm nông nghiệp hữu cơ, côn trùng gây hại và các loại bệnh trên cây, vật nuôi luôn hiện hữu. Ví dụ như 10h đêm là ốc lên ăn rau, đồng ruộng hóa chất thì chắc chắn không có rồi, mà nếu làm công ăn lương thì 5h chiều nhân viên về rồi thì ai đi làm? Hoặc nhiều hôm trở trời, gà, heo đau ốm vào nửa đêm… nên tại An Phú Farm việc sản xuất của người nông dân không cần phải sở hữu đất đai, farm đã đầu tư tất cả mọi thứ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, để họ đặt cái “tâm” vào từng mảnh đất, mà không làm với tâm thế “làm cho ông chủ”…

PV: Nếu vậy, tại An Phú Farm người nông dân không còn là người làm thuê và họ tự làm chủ công việc của mình?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Đúng vậy! Farm tại Bà Nà đầu tư vào vận hành theo tiêu chuẩn của mình, khi người nông dân sản xuất đã quen dần với công việc thì chúng tôi sẽ trao lại để họ tự làm chủ công việc, bám sát 100% để họ không còn là người đi làm thuê. Nếu thiếu vốn, kỹ thuật, con giống… chúng tôi đều hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật lao động… 

Sau gần 6 năm, hiện nay An Phú Farm phát triển với khoảng 100 hộ gia đình cộng tác như vậy với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Đủ cơ sở để họ có thể tự lo cho gia đình mà không rời bỏ nhà cửa lên thành phố bươn chải. 

Trong tự nhiên, có những vùng đất nông dân không bao giờ cày xới và chăm bón đất nhưng đất ở đây vẫn tơi xốp và giàu chất dinh dưỡng. Còn nhiều vùng đất nông nghiệp được nông dân cày xới và chăm bón thường xuyên cho mỗi vụ mùa mà nó vẫn cằn cỗi, ít chất dinh dưỡng. Vì sao vậy? Đó là vì con người không hiểu thiên nhiên. Vì vậy, với tôi phải làm sao cho con người hiểu thiên nhiên, đặt cái tâm vào sản xuất là yếu tố đầu tiên để nông nghiệp phát triển bền vững.

Từ đó, An Phú Farm rút ra được một điều, đầu tư nông nghiệp ở Việt Nam thường mắc phải 2 sai lầm lớn: Một là xem nhẹ vai trò của người nông dân, dù bạn có tiền có công nghệ nhưng không có nông dân sẽ thất bại, bởi nông nghiệp không giống công nghiệp: Có máy móc thiết bị là cứ làm thôi! Thất bại thứ 2 là quá ưu ái và tin tưởng 100% người nông dân, giao hết cho họ mọi thứ và không giám sát, kiểm tra, bởi kỷ luật tạo nên sự thành công. Vì vậy, tôi luôn muốn bảo vệ những người nông dân chân chính, đầu tư tất cả mọi thứ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, tạo điều kiện hết mức để có nông sản sạch, thậm chí mua vào giá cao hơn thị trường để người dân có động lực tiếp tục sản xuất nông sản sạch.

“Có hiểu mới có thương” một câu nói của ông cha ta về tình thương trong cuộc sống bắt nguồn từ sự thấu hiểu, và doanh nhân Dương Hiển Tú cũng vậy! Sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, nơi có bề dày truyền thống từ sự đúc kết và phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử, là vùng đất phên dậu thuở mở mang bờ cõi về phương Nam. Chính những yếu tố này đã tạo nên tính cách người Quảng cũng như hun đúc cho những người con sinh ra tại đây một ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng, trung thực, chịu gian khổ, hy sinh, tinh thần cao thượng, nhân ái, cần cù và hiếu học…

PV: Tại sao ông lại có thể hiểu và đồng cảm với những người nông dân đến vậy?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Tôi xuất thân trong một gia đình có ba là cán bộ nông nghiệp, cả đời ông gắn bó với dâu tằm và lúa, nhưng rồi giờ cũng bỏ hết vì không bán được cho ai, chỉ tự cung cấp chứ không làm thương mại, nên tôi từng suy nghĩ phải có cách làm mới giúp những người nông dân, làm sao để người dân tự quyết định giá nông sản họ làm ra chứ không phải thương lái hay khách hàng. Điều làm tôi yêu thích là ngay từ khi còn nhỏ, trong tiềm thức của đứa trẻ 4 - 5 tuổi sống trong một gia đình nông nghiệp, sản xuất trồng dâu nuôi tằm nó đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của tôi. 

Hơn hết, nhớ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi cũng là một người nông dân thứ thiệt. Năm 2015, tôi bắt đầu có suy nghĩ làm rau và trứng gà, công việc của tôi còn có đi giao gà, vịt, trứng. Lúc ấy, đường đường là một kỹ sư công nghệ, giảng viên nhưng khi ra ngoài đi đến những chỗ lấy thực phẩm tôi cũng chỉ là một nông dân, bị thương buôn coi mình không ra gì. Giao hàng chỉ cần chậm một chút là người ta không lấy, gà ốm một chút cũng chê lên chê xuống, ra đủ thứ điều kiện. Đến lúc lấy tiền không lấy được liền, hẹn 2 - 3 hôm sau, thậm chí cả tuần vẫn chưa lấy được, hôm thì kế toán nghỉ, hôm thì không có ông chủ ở cửa hàng. Bỏ ở nhà hàng thì chê dở ngon, không chịu trả tiền và nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khác... Trải qua những điều này, tôi lại càng thương, đồng cảm với người nông dân hơn, những người thấp cổ bé họng. An Phú Farm luôn sòng phẳng trong vấn đề tiền bạc, thậm chí còn ứng trước tiền cho người nông dân.

PV: Là một Kỹ sư công nghệ thông tin, lương cao việc tốt, nhưng rồi ông từ bỏ hết sang làm nông nghiệp hữu cơ từ con số 0, điều gì đã thôi thúc ông làm điều này?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Tôi từng học Công nghệ thông tin ở trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp tôi sang Hàn Quốc đi làm, vợ tôi cũng học cao học ở Hàn Quốc. Tình cờ, tôi biết có một khóa học 4 ngày về nông nghiệp hữu cơ nên đăng ký, học cùng khoảng 20 chuyên gia Liên Hợp quốc để giúp các nước đang phát triển tại trang trại Bonafarm (thị trấn Boeun, Hàn Quốc). Tôi quyết định học, khi ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng học về chia sẻ cho bà con ở quê, vì lúc đó người con Quảng Nam thường vào Sài Gòn làm hết, nhiều người không còn mặn mà với nông nghiệp.

Những ngày ở lại đây học, tôi cảm nhận được một làng quê yên bình, trù phú và rất giàu có. Đó là một dịp cuối thu đầu đông, những rừng cây phong vừa thay lá, những cánh đồng vừa gặt xong, đàn ngỗng trời tíu tít sà xuống ăn những hạt lúa rơi vãi còn sót lại sau mùa gặt để chuẩn bị năng lượng trước khi chuẩn bị bay về phương Nam tránh rét, những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi, cảnh sắc làng quê vô cùng đẹp đẽ và sung túc. Được làm việc trong khung cảnh yên bình như vậy trong lòng tôi lúc đó dâng lên mong muốn làm được điều tương tự cho quê hương, tôi nhớ về gia đình và những người nông dân chân lấm tay bùn. Làm sao để người nông dân ở Việt Nam cũng thảnh thơi, khá giả lên từ việc làm nông?

Song tôi hồi tưởng về miền Trung ở quê mình, thì lại nghèo xác xơ. Hiện trong ký ức tôi là những lần thiên tai liên tục ập đến, những trận bão dữ đổ bộ, người nông dân rơi vào cảnh khốn khó, trâu, bò, gà, vịt trôi nổi trong mưa lũ, người dân leo lên mái nhà khóc than chờ cứu hộ, sao mà thê lương đến vậy! Dưa hấu Quảng Nam mất giá phải đập cho bò ăn, nhiều người làm nông dùng hóa chất để rồi chết vì những căn bệnh chứa hóa chất độc hại. Điều này làm tôi day dứt mãi...

Sau 4 ngày kết thúc khóa học, tôi đã quyết định xin ở lại Bonafarm thêm 1 tháng làm không lương để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ tại đây. Ngày ở farm Hàn Quốc, tôi bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất như: Dọn chuồng, trộn thức ăn, chở phân bón, làm việc như những công nhân ở trang trại từ 6h sáng đến 16h chiều. Những ngày làm nông tại đây đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá về nông nghiệp và cách thức để xây dựng An Phú Farm như hôm nay.

Trở lại với câu chuyện những ngày làm ở Bonafarm, tôi cứ canh cánh một câu hỏi: Liệu mình có dám đánh đổi công việc ổn định, có thu nhập để trở thành người nông dân về làm nông nghiệp hữu cơ cho quê hương, liệu nghề nông nghiệp hữu cơ có thật sự lâu bền hay chỉ là phong trào? Rồi làm sao để ngăn bớt người dân ở quê bỏ nhà, bỏ gia đình lên thành phố mưu sinh?... Giải pháp của tôi nghĩ khi ấy là phát triển kinh tế nông nghiệp gia đình (trồng rau, nuôi gà, nuôi heo, phát triển các nông sản đặc trưng) theo hướng sinh thái, khép kín và bền vững. 

Lúc đó, vào năm 2013 chưa có phong trào startup nông nghiệp, mà tập trung vào công nghệ nhiều hơn, những công ty lớn của nước ngoài nhanh chóng đến khai thác việc trồng thực phẩm, để lại hậu quả người nông dân nhận hết. Ký ức tuổi thơ êm đềm, trù phú giờ nhìn lại thấy nông nghiệp toàn hóa chất cứ hiện lên thường trực, tôi nghĩ bản thân mình phải làm một việc gì đó, nhưng lúc ấy tôi vẫn còn mơ hồ. Nói ra thì sợ gia đình phản đối, vì ba mẹ ai cũng sợ nông nghiệp, họ đã từng gắn bó nhưng rồi giờ lại từ bỏ. Ba vợ tôi ngày xưa cũng là đội trưởng đội sản xuất nhưng rồi cũng bỏ vì không có hiệu quả.

Và rồi tôi quyết định từ bỏ hết: Vị trí một kỹ sư công nghệ, có ngoại ngữ tốt và đi nhiều nơi để trở thành một người làm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng tôi thấy đây không phải là sự đánh đổi quá to lớn, hay cảm thấy thiệt thòi, thua kém. Điều quan trọng là tôi nhận thấy việc làm nông hữu cơ đem lại sự thay đổi cần thiết và cả cấp thiết cho môi trường và sức khỏe con người. Đó là thứ mà nền kinh tế dựa trên tiền bạc, dịch vụ của chúng ta ngày hôm nay bỏ sót. Nhìn kỹ một chút những công việc phổ biến trong xã hội ngày nay thường mang màu sắc kiếm tiền và hủy hoại môi trường nhiều lắm, ngày càng có ít công việc nào mang tính bảo vệ, duy trì, kết nối sự sống như nghề nông.

PV: Về Việt Nam, lẽ ra ông sẽ có rất nhiều sự lựa chọn để chọn vùng đất khởi nghiệp: Đà Lạt, Kon Tum, các tỉnh miền Tây…, những vùng có khí hậu thuận lợi cho nông nghiệp. Tại sao ông lại chọn miền Trung, một nơi khí hậu khô cằn và con người cũng rất kỹ tính trong việc lựa chọn thực phẩm?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Lý do tôi muốn có cửa hàng và phát triển trang trại hữu cơ ở miền Trung vì đây là mảnh đất tôi đã sinh ra và gắn liền với từng nhịp thở của tôi. Tôi và vợ từng định cư ở nước ngoài và rồi chọn trở về Quảng Nam vì đó là quê hương của 2 vợ chồng, chúng tôi muốn bắt đầu từ đó, nó khó hơn những vùng đất khác gấp hàng chục lần về cả thị trường, người tiêu dùng và khí hậu… Nhưng tôi tâm niệm nếu ở miền Trung mà ta còn làm được thì ở bất kỳ đâu trên thế giới ta đều có thể. Bởi một nơi “đất sỏi” như miền Trung ta vẫn có thể tạo ra “mạch vàng” thì không nơi đâu là không thể!

PV: Một người trẻ tay ngang làm nông nghiệp hữu cơ ắt hẳn là một thử thách lớn?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Thử thách là điều tất yếu. Khi từ Hàn Quốc về Việt Nam, vợ chồng tôi thuê một mảnh đất ở Điện Bàn, gặp muôn ngàn khó khăn, thất bại. Tôi nhận ra những người trẻ như tôi dù có học qua giáo trình, thực làm tại nhiều farm vẫn cần những người giàu kinh nghiệm chỉ dạy. May mắn, có ba mẹ kề bên tư vấn, hỗ trợ tôi sau 20 năm ông bà nghỉ làm nông nghiệp. Chưa hết, đầu tư biết bao nhiêu thứ từ phương pháp hữu cơ, khoa học kỹ thuật, bỏ công sức, đi thuê người nông dân làm, đang làm thì chủ vườn lấy đất lại. Lúc ấy, tôi lại nghĩ mình chưa cần sở hữu đất, vì người dân có nhiều, người sản xuất hữu cơ có rất nhiều, An Phú Farm tại sao không đầu tư công nghệ, giống… cho họ làm.

Tôi bắt đầu từ trồng rau, nuôi gà, vịt ở quy mô nhỏ. Năm 2015, tôi tìm cách bán nó qua việc bán hàng online, có hôm chạy đi giao hàng tất bật 12h đêm mới về tới nhà, rồi như tôi chia sẻ bên trên: Đi giao hàng cho thương buôn thì họ yêu cầu đủ thứ, chê gà ốm, trách giao muộn… nên tôi càng thấy thương người nông dân, tôi thương nền nông nghiệp nước nhà. Sau đó, là những chuỗi ngày thao thức trắng đêm.

Còn nữa, người lao động Hàn Quốc họ làm việc rất có chuyên môn và chuyên tâm, làm việc luôn có giáo trình ghi lại cụ thể, ví dụ 9h sáng cho gà ăn thì phải đúng y 9h. Còn ở Việt Nam thì bữa nhớ bữa quên, nên quản trị con người trong lao động nông nghiệp là rất quan trọng, cũng là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp.

May mắn hơn, tôi có sự đồng hành và nhận được sự ủng hộ từ vợ. Cô ấy tạm gác lại tấm bằng cao học của trường Ewha Womans University - ngôi trường dành cho nữ sinh danh giá nhất tại Hàn Quốc, để cùng tôi làm nông nghiệp hữu cơ. Tôi nghĩ, quyết định của cô ấy nhằm ủng hộ tôi, tôi là con của nông dân, gia đình cô ấy cũng từng gắn bó với nông nghiệp nên cả hai có sự đồng điệu. Cô ấy mong muốn cùng tôi làm ra được thực phẩm hữu cơ và giải quyết bài toán thực phẩm. Với tôi, để theo đuổi con đường này, tôi có thể quyết tâm đánh đổi nhiều thứ: Công việc, vị trí tôi đang đứng… để đi làm nông. Có lẽ cô ấy được thuyết phục bởi những điều đó và sự quyết tâm của tôi nên đã đồng cảm, chia sẻ từ những ngày đầu vất vả, cô ấy và gia đình đã kề vai sát cánh đồng hành để tôi có được thành tựu như ngày hôm nay.

PV: Ở An Phú Farm, nông nghiệp hữu cơ thực chất nó là gì, có phải chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp sạch hay không?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Với An Phú Farm, nông nghiệp hữu cơ là bảo vệ hệ sinh thái. Hôm trước tôi có trò chuyện với một vị lãnh đạo, ông nói với vẻ mặt hào hứng: “Bữa ni Hoà Vang mình, cá về ruộng rồi em ơi”. “Cá về” chỉ sự phục hồi của hệ sinh thái trên đồng ruộng. Sở dĩ là sau bao nhiêu năm làm lúa hoá chất, thì không có cá, cua… gì sống được. Sau mấy năm chuyển đổi trồng lúa hữu cơ Quế Lâm thì giờ đây “cá về”. Đây là một sự dịch chuyển về tư duy và chính sách có thể thấy rõ sau 5 năm. Ngay cả ở Nhật Bản, một quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu, việc thuyết phục các nhà quản lý nông nghiệp sẵn lòng thay đổi quan điểm từ bỏ nông nghiệp hoá chất (vốn đem lại sản lượng và nhiều mối lợi) sang nông nghiệp hữu cơ, phi hoá chất vẫn là việc cam go chứ đừng nói là ở xứ mình. Tôi vẫn luôn thấy ở người Việt Nam sự nhạy bén, nhanh nhẹn với những xu thế mới. Đó là khởi đầu tốt.

Nông nghiệp hữu cơ còn là cách không dùng hóa chất trong sản xuất, không làm ô nhiễm thì cây cỏ, rong rêu sẽ phát triển, cá tôm sẽ lớn để nó trở thành một vòng tuần hoàn phục hồi. Vì nếu trồng mà có hóa chất thì đến tôm cá cũng không có, lấy đâu mà trả lại phì nhiêu cho đất, những cánh rừng hồi sinh, đó là phục hồi tự nhiên và bảo vệ môi trường đang bị biến đổi.

Thực phẩm là của tự nhiên, chúng ta không hủy diệt tự nhiên, mà phải sản xuất làm sao để mình được lợi, người nông dân được lợi, khách hàng và môi trường cũng được lợi. Trước khi đến làm với An Phú Farm, một số người gắn bó với nông sản hóa chất. Nhưng khi đến đây, được canh tác, được sống như thể vườn của mình, chăm sóc cây như chăm rau mình ăn, người nông dân dần hiểu và sống được với nông nghiệp của An Phú Farm.

Nhiệm vụ của nông nghiệp là sản xuất ra thực phẩm phục vụ sức khỏe của nhân dân chứ không phải sản xuất ra thực phẩm chứa chất hóa học độc hại vì lợi ích kinh tế của người trồng. Tôi nghĩ, nông nghiệp bền vững là deadline không trễ hơn được nữa để mỗi người Việt Nam cần nhìn lại tại sao một dân tộc thông minh, cần cù, được trời thương ưu đãi cho thiên nhiên, tài nguyên phong phú lại lâm vào cảnh ô nhiễm môi trường, đất đai khô cằn và người dân không còn mặn mà với nông nghiệp. 

PV: Thực trạng ngày nay, người làm nông nghiệp hay đổ xô trồng theo phong trào, quẩn quanh trong vòng xoáy trồng - bỏ - bỏ - trồng. Làm nông nghiệp muốn bền vững thì chắc ta phải xóa bỏ suy nghĩ này?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Thật vậy! Nơi tôi học về nông nghiệp hữu cơ là Boeun - một thị trấn nhỏ miền Trung của Hàn Quốc, tại đây nổi tiếng với trái táo đỏ hay còn gọi là táo Tàu. Táo đỏ của thị trấn này hiện nay được bán đi khắp thế giới, tới siêu thị bất kỳ nào ở Việt Nam và mua một túi táo đỏ khô Hàn Quốc sẽ thấy tên thị trấn ngay trên đó. Mỗi năm khi táo vào vụ, người dân ở đây làm một lễ hội táo Boeun Ocher. Người Hàn Quốc ở khắp mọi miền kéo về vui chơi lễ hội. Đó là một trong những cách tuyệt vời để quảng bá nông sản. 

Điều đặc biệt là không ai tranh giành việc trồng trọt của ai, chỉ có một vùng trồng từ đời này sang đời khác. Còn người Việt Nam lại có tâm lý đám đông, khi không có tiếng tăm không ai làm, được giá họ đổ xô đi trồng một loại sau đó mất giá lại bỏ đi trồng cái khác. Nên tôi rất lo lắng cho tâm lý này, xã hội phân chia công việc không đồng đều, ở đâu có thế mạnh trồng loại cây gì thì nên phát triển ở vùng đất đó sẽ tốt hơn.

An Phú Farm cũng khuyến khích người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng nông sản theo mùa, mùa nào thức nấy. Khi vô mùa dưa hấu sẽ đẩy mạnh việc phân phối dưa hấu, tương tự như vậy với thanh long, sầu riêng, vải thiều... Để làm nổi bật giá trị nông sản vùng miền và ích lợi của việc sử dụng nông sản theo mùa đối với sức khỏe người tiêu dùng là cách để đẩy mạnh sản xuất nông sản của từng vùng.

PV: Từ những ngày đầu kinh doanh, ông đã vấp phải những trở ngại, khó khăn gì trong các mối quan hệ làm ăn, kinh doanh mà đa phần do vợ chồng chưa quen với cách tiếp cận và sự gian dối của đối tác?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Là con người, ý chí quyết tâm có là sắt đá nhưng gặp phải những lời gièm pha đôi khi cũng là sự phiền lòng. Sự đố kỵ, những lời gièm pha là thứ đôi khi khiến con người mất năng lượng và nhiệt huyết. Năm 2016, tôi dự Hội nghị của một tổ chức hữu cơ toàn quốc, khi một chuyên gia trình bày về farm heo nuôi hữu cơ vi sinh Nhật Bản, thì một người ngồi bên tôi rỉ tai: “mình làm không được như thế đâu”. Một công ty về làm gạo hữu cơ rất tâm huyết tôi biết, khi gặp một công ty thì người này nói công ty kia không phải làm hữu cơ đâu. Những điều như vậy tôi nghe rất nhiều!

Tuy nhiên, để thành công trên con đường này cần có sự kiên trì, tài trí, lì lợm và tinh thần hợp tác, vì tôi thấy có farm đã xin được chứng nhận hữu cơ USDA, xây dựng được cả nhà máy chế biến, ký hợp đồng triệu đô, vẫn phá sản như thường. Biến số, rủi ro, thách thức quá nhiều. Người ta nói sự bất quá tam, thất bại 3 lần đã là quá, nhưng đối với nông nghiệp có thể nhiều hơn. Riêng tôi tự xác định có đến lần thứ 10 mình vẫn chọn trở thành người nông dân hữu cơ. 

Trong quá trình kinh doanh, đối tác cũng có những câu chuyện buồn, ví dụ như người dân, mình cho họ tất cả mọi thứ để sản xuất nhưng rồi lại đi bán cho người khác, hoặc giao trễ hẹn. Tuy nhiên, qua 6 năm An Phú Farm đã sàng lọc được những đối tượng này còn lại những người làm nông chân chính vẫn luôn gắn bó với chúng tôi.

Khi tôi mới làm nông nghiệp hữu cơ thì cũng gặp những hoài nghi, xem thường: Không làm được đâu, cực lắm, không có triển vọng… Khi làm được thì họ quay sang đố kỵ. Tôi vẫn tự hỏi: Sao người ta không tự nói về điều mình làm được mà thích đánh giá người khác nhỉ? Cách để nâng mình lên đâu phải là cách đi dìm người khác, mà ngược lại mới đúng. Rồi tôi hít một hơi để có động lực làm tiếp. Khó khăn giúp tôi xác định việc đó có ý nghĩa hay không, có xứng đáng để mình cố gắng, rồi dành sức để cho những điều lớn hơn. Con đường để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp vì môi trường và sức khoẻ còn dài rộng, nhiều thách thức nhưng tôi có niềm tin là còn nhiều triển vọng.

PV: Vậy cụ thể, An Phú Farm đã ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật trong quá trình học tập ở Hàn Quốc để vận hành cửa hàng và trang trại? 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Điều tôi học được ở Hàn Quốc để ứng dụng vào An Phú Farm như bây giờ đó là sự nghiêm túc trong sản xuất nông nghiệp, tôi học được ở đó từ những điều nhỏ nhất: Đi lượm trứng gà như thế nào để gà không bị hoảng sợ, đặt trứng vào khay ra sao, rửa trứng và phân loại như thế nào để có thể nuôi gà lấy trứng? Nuôi 100 con gà thì phải thiết kế như thế nào, kỹ thuật để thực hiện?... Ngoài ra, ở đó họ làm với sự gắn kết của cả cộng đồng, họ coi đây như là một môi trường sống, cùng kinh doanh, cùng sống và làm việc hài hòa.

Một bước tiến quan trọng của An Phú Farm là mở được trang trại tự sản xuất. Nắm được quy trình sản xuất giúp An Phú Farm tự chủ được nguồn thực phẩm cho cửa hàng, giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm sản phẩm từ nông trại.

Hiện nay, trong chăn nuôi trang trại đã áp dụng công nghệ vi sinh, bởi vi sinh là chìa khoá của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Vi sinh giúp xử lý rác thải trong chăn nuôi trở thành nguồn dinh dưỡng, phân bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu bệnh tật cho vật nuôi, cải tạo phục hồi đất đai, hệ sinh thái. Việc áp dụng các quy chuẩn ISO, công nghệ thông tin vào trong quản lý sản xuất, phân phối nông sản cũng được áp dụng. Hơn hết, làm nông nghiệp hữu cơ đau đầu là cỏ. Tại trang trại, cỏ được kiểm soát chứ không phải là loại bỏ, cỏ mọc xen với cây lương thực và được kiểm soát. Đó cũng chính là làm nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, các trang trại của An Phú cũng là nơi triển khai, áp dụng các công nghệ, mô hình trồng trọt chăn nuôi hữu cơ kiểu mẫu để hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân. Tiếp tục mở rộng vùng sản xuất, và hệ thống phân phối nông sản hữu cơ. Liên kết sâu với những nhà sản xuất có cùng tiêu chí, chất lượng để đảm bảo nguồn cung đầy đủ, dồi dào.

Bên cạnh đó, ở An Phú Farm đang áp dụng “Mô hình sản xuất hữu cơ khép kín tuần hoàn”. Mỗi trang trại của An Phú Farm là một điển hình về việc chăm sóc, bảo vệ tự nhiên, môi trường sống. Việc canh tác hữu cơ giúp cho hệ sinh thái vốn bị phá hủy bởi hoá chất nông nghiệp, dần được phục hồi. Việc quảng bá, mở rộng sản xuất hữu cơ cũng giúp đẩy lùi thói quen sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Ngoài farm của An Phú ở Bà Nà, An Phú còn nhiều farm khác ở Đà Lạt, Măng Đen (Kon Tum)…, việc canh tác nông nghiệp theo đúng quy luật của tự nhiên sẽ giúp nhanh chóng khôi phục độ phì nhiêu của đất và cân bằng sinh thái, từ đó dẫn đến năng suất tăng lên và bền vững. Không chỉ mở rộng hợp tác kinh doanh với các nhà sản xuất hữu cơ uy tín trong nước. Trong năm 2019, An Phú Farm đã ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối dầu oliu hữu cơ thượng hạng Terra Creta từ Hy Lạp. Đây là bước tiến lớn của An Phú trong việc liên kết với những đối tác quốc tế, mở ra con đường đưa nông sản chất lượng cao về Việt Nam và đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

PV: Trong sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” ông Fukuoka đã viết: Chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có. Phải chăng ông đã hiểu được gì từ điều này nên luôn tổ chức nhiều hoạt động tham quan, nhiều sự kiện cho trẻ em gắn liền với nông nghiệp và thiên nhiên?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Bản thân tôi có niềm tin sâu sắc vào sự phát triển của nông nghiệp sạch, nó là thế mạnh cho trụ cột phát triển kinh tế của đất nước. Nên tôi muốn tập cho bạn trẻ làm kinh tế nông nghiệp từ nhỏ. Mỗi tuần, vườn An Phú có khoảng 2 - 3 đoàn đến tham quan. Ngoài các trường mầm non, farm còn đón tiếp các đoàn khách thương quý là gia đình các khách hàng thân thiết đến thăm vườn và tổ chức sinh hoạt cuối tuần cho con cái. Bởi mục tiêu của An Phú khi xây dựng farm Bà Nà chính là muốn tạo ra một khu vườn với hệ sinh thái đa dạng phong phú, cho khách hàng có những phút giây trải nghiệm để hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ.

Niềm vui của An Phú Farm khi tạo sân chơi cho các em nhỏ là góp phần giáo dục về môi trường, thực phẩm và nông nghiệp qua những trải nghiệm thực tế. Để ủng hộ cho việc phát triển của nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, An Phú Farm hướng đến việc xây dựng, giáo dục cho trẻ em về nông nghiệp, và cách tham gia vào những startup nông nghiệp nhỏ khi các bạn còn đi học. Để các bạn tập làm kinh tế nông nghiệp từ nhỏ, hay ít ra cũng biết thực phẩm mình ăn đến từ đâu, không có những câu trả lời kiểu như: Sữa có từ tủ lạnh siêu thị…

PV: Hiện nay, nhiều người trẻ đang lựa chọn tránh xa cuộc sống xô bồ nơi phố thị, “bỏ phố về quê”, chọn khởi nghiệp xanh ngày càng nhiều. Ông suy nghĩ gì với vai trò là một người đang đi trên con đường nông nghiệp hữu cơ?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Bạn thấy đấy, ba mẹ thường bị sốc, khóc hết nước mắt khi đứa con mình cho ăn học hết cơm, hết gạo tự dưng nghỉ ngang công việc đang tốt để đi trồng rau, nuôi gà... mà thuyết phục kiểu gì cũng không nghe. Người trẻ nhiều khi quá mệt mỏi với áp lực công sở và môi trường ngột ngạt của thành phố nên quyết định bỏ phố về quê, về rừng. Nhiều khi không phải là làm gì mà chỉ là sự thay đổi khi cảm thấy sức khỏe và tinh thần không chịu nổi nữa, muốn kết nối gần gũi hơn với tự nhiên và cây cỏ. Nhưng chuyện làm nông hiệu quả thì là một câu chuyện khác, cũng khó khăn gian khổ lắm. Tuần trăng mật kết thúc khi những người trẻ phải đối diện với sự thiếu kinh nghiệm, thiên tai, dịch bệnh, sự không đón nhận của thị trường. Số vốn dành dụm dần cạn kiệt, niềm đam mê ban đầu cũng vơi. Nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh rất khó khăn, bế tắc. 

Trong thời gian vừa qua, có nhiều những lời kêu gọi rất mạnh mẽ trên các diễn đàn khởi nghiệp, group… để người trẻ bỏ phố về quê, khởi nghiệp làm nông nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi thấy phần lớn đều kết thúc đáng tiếc. Điểm mấu chốt để trở thành người làm nông nghiệp hữu cơ không chỉ có nhiệt huyết hoặc có cùng điểm chung là chán một cái gì đó, mà thật sự phải là tài năng, sự kiên trì, chịu khó và rất rất nhiều nỗ lực. Vấn đề về thu hút nguồn lực cho nông nghiệp hữu cơ nằm ở chỗ làm sao những người trẻ và có tài chịu đánh đổi công việc, vị trí hiện có để trở thành người trực tiếp tham gia vào khi mà cả xã hội, nhất là những người lớn tuổi xem nghề nông rất nghèo khó và rủi ro.

Nếu có đam mê thì cứ bước tới. Mà đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ là một điều may mắn tuyệt vời, không chỉ cho người trẻ mà cả xã hội. Tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro, do đó đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc và kinh nghiệm. Người trẻ bên cạnh sức trẻ cần phải nỗ lực học hỏi và bền chí.

PV: Nhiều người cho rằng An Phú Farm may mắn khi chưa đầy 6 năm đã sở hữu 6 cửa hàng thực phẩm hữu cơ uy tín ở nhiều tỉnh miền Trung. Định nghĩa may mắn ở đây phải chăng là cơ hội cộng với sự chuẩn bị?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Tất nhiên sự chuẩn bị và cơ hội là một phần. Nhưng điều đặc biệt là An Phú Farm dám “Say No” với cơ hội để việc phát triển này được bền vững.

Trong chăn nuôi có một khái niệm ai cũng biết là mật độ chăn nuôi đông thì dễ sinh bệnh. Việc kinh doanh và con người cũng không ngoại lệ. Điểm khác biệt của An Phú Farm không nằm ở chỗ mình nói “có” với cơ hội mà là biết nói lời từ chối. Từ chối những gì không đúng với giá trị cốt lõi, hoặc chưa phù hợp để tập trung vào những gì mình tâm huyết và làm tốt.

An Phú Farm phát triển trong những năm qua nguyên do là sự đáp ứng của thị trường đối với thực phẩm hữu cơ, còn về phần tôi để đảm bảo chất lượng thì phải kìm hãm sự mở rộng rất nhiều. Tôi không muốn bị thị trường dẫn dắt. Chỉ nói riêng về thịt heo trùn quế, một sản phẩm tạo nên thương hiệu của An Phú Farm. Hiện nay tôi nhận được đề nghị cung cấp sản lượng gấp nhiều lần nhưng đều từ chối vì tôi hiểu những sự phát triển nóng như vậy khó bền vững. 

Về việc mở cửa hàng, hiện nay vẫn còn một list danh sách những người cần hợp tác, nhượng quyền và hầu như tôi vẫn thường xuyên nhận được những lời đề nghị như vậy. Nếu tôi cho mở dễ dàng và ồ ạt, số cửa hàng An Phú tính phải đến hàng chục hoặc nhiều hơn. Đến cả chủ trang trại heo, bò lớn nhất của xứ Lào hay điện thoại, nhắn tin: “Ông phải qua Viêng chăn, mở cửa hàng An Phú ở đây, mọi thứ có sẵn hết rồi”. Tôi cười trừ: “Anh làm đi, tôi hỗ trợ từ xa thôi”. Vì vậy, để giữ chất lượng và giá trị tôi buộc phải “nói không” với rất nhiều thứ!

Hơn hết, An Phú Farm chỉ mong muốn phục vụ những người hiểu được giá trị sản phẩm của cửa hàng. Chỉ những khách hàng mới có thể giúp tôi có động lực sản xuất và phục vụ. Người hiểu An Phú nhất chính là những người thực làm. Ví dụ: Lò mổ lớn nhất Đà Nẵng, mỗi đêm mổ cả ngàn con heo, riêng An Phú chỉ có 2 - 4 con (chỉ phục vụ cho các cửa hàng An Phú và trường học, không bán ra ngoài) mà chủ lò mổ dành cho tôi chỗ mổ treo tốt nhất, rồi cử quản lý hỗ trợ giám sát vì thịt heo An Phú dễ mất lắm, ngó lơ 5s là mất thịt. Những người như thế hiểu và quý cái công khó để làm ra sản phẩm heo khác biệt so với hàng công nghiệp cho nên dù tôi không nói gì họ cũng tự lựa chọn trở thành khách hàng.

PV: Rõ ràng, những thách thức, gian nan đã giúp hai vợ chồng mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và thương hiệu An Phú Farm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã khẳng định được vị thế của mình. Anh có thể chia sẻ với độc giả về cơ hội và việc chọn lựa hướng đi, chiến lược dài hạn trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm của mình?

Doanh nhân Dương Hiển Tú: An Phú Farm mong muốn khẳng định thương hiệu là một mắt xích của nông nghiệp bền vững miền Trung và rộng hơn là của Việt Nam. Để An Phú Farm được người tiêu dùng biết đến là một sản phẩm chất lượng, là người dẫn dắt định hướng sản xuất cho nông sản hữu cơ. Tôi muốn tập trung vào trải nghiệm khách hàng, họ hiểu được lý do vì sao cho ra nền nông nghiệp này khi mở những buổi tham quan để họ đến trực tiếp farm theo dõi quy trình sản xuất.

Ngoài ra, trong tương lai gần An Phú Farm sẽ mở rộng vùng sản xuất và hệ thống phân phối nông sản hữu cơ, liên kết sâu với những nhà sản xuất có cùng tiêu chí, chất lượng để đảm bảo nguồn cung đầy đủ, dồi dào. Thời điểm bây giờ tôi nghĩ đến việc làm sao nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với nông sản xuất khẩu của Úc, NewZealand… trên chính quốc gia của mình.

Cùng với đó, An Phú Farm sẽ đồng hành với người nông dân trong quá trình sản xuất thông qua việc phân phối sản phẩm của họ, chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn về nông nghiệp hữu cơ với bà con nông dân. Hỗ trợ họ chuyển đổi canh tác trồng trọt và phương pháp chăn nuôi sang hữu cơ. 

Trò chuyện với doanh nhân Dương Hiển Tú, chúng tôi nhớ về hình ảnh Trương Quả Lão trong trong “Bát tiên toàn truyện” cưỡi lừa ngược, ông phát hiện ra đi về phía trước cũng là đi lùi. Vì trong quá trình phát triển con người dần rời xa những đặc tính của tự nhiên, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhiều giá trị của thiên nhiên, hệ sinh thái bị phá vỡ, thì chẳng khác nào con người đang đi thụt lùi!

Nông nghiệp lạc đường còn đáng sợ hơn nông nghiệp lạc hậu. Bởi nền kinh tế bị suy sụp thì 20 năm sẽ phục hồi nhưng hệ sinh thái mà kiệt quệ thì con người phải trả giá cả thế kỷ. Kinh tế là ưu tiên, hội nhập là tốt, nhưng sẽ chẳng đi xa nếu gốc rễ không vững, các giá trị truyền thống bị mai một, nền nông nghiệp bị hủy hoại. Cái gì cũng sính ngoại, muốn xài đồ Tây… Rồi rốt cuộc nhìn xuống dưới chân sẽ chẳng biết ta là ai, nhìn cứ nhang nhác giống ai đó? Trong khi Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, không riêng An Phú Farm mà vẫn có những doanh nghiệp khác đang vươn mình trên nền nông nghiệp xanh, minh chứng sống cho giấc mơ về nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển bền vững.

Với doanh nhân Dương Hiển Tú, anh tâm đắc về bài thơ "Đãi cát tìm vàng", của nhà thơ nữ người Nga Olga Bergglolz. Dẫn ý bài thơ để Dương Hiển Tú gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình đến những người trẻ đã - đang và sẽ theo đuổi con đường phát triển nông nghiệp bền vững hãy kiên gan bền chí để “không bao giờ sốt ruột” và đừng bao giờ “đánh mất niềm tin”: “Trên những dòng sông thế giới/Có bao người đãi cát tìm vàng/Tháng năm dài kiên nhẫn bền gan/Lọc từng phân mười phần vẹn một/Người đãi cát không bao giờ sốt ruột/Thời gian không nghiền nát mất niềm tin”.../.

“Tôi nhận thấy nỗ lực phát triển của con người từ trước cho tới nay chỉ nhằm hai mục đích: Biến đổi tự nhiên theo ý mình và Ngăn cách mình khỏi tự nhiên. Tự nhiên đã là một chỉnh thể hài hòa, hoàn hảo, và may mắn thay, nó cho phép loài người là một phần trong chỉnh thể đó. Nông nghiệp không phải là một thứ ngành nghề phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của loài người. Trái lại, đó là cách giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc sống thuận tự nhiên, và giảm bớt đi những nhu cầu vốn chỉ đưa ta đến bệnh tật và đau khổ. Trồng cây là một cách thanh lọc và bồi đắp cho cá nhân và chúng ta có thể làm điều đó một cách đơn giản, nhàn tản khi đã hiểu thế nào là thuận tự nhiên”.

(Trích sách: Cuộc cách mạng một cọng rơm, tác giả: Masanobu Fukuoka)

Hữu Trà - Ngọc Trâm
Thế Công
26/08/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top