CEO Nguyễn Thị Dung: “Mình làm nghề là phải có tâm và có tầm”

CEO Nguyễn Thị Dung: “Mình làm nghề là phải có tâm và có tầm”

Thứ Năm, 19/01/2023 - 06:09

Giữa tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội, chúng tôi có cơ hội ngồi trò chuyện cởi mở với CEO Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản VIF Việt Nam. Trong câu chuyện, CEO Nguyễn Thị Dung đã chia sẻ về hành trình tạo dựng thương hiệu Nhadatvif.com. Qua lời kể của chị Dung, chúng tôi cảm nhận được sức nóng bên trong trái tim một nữ CEO đang bùng cháy và luôn muốn khẳng định mình trên thị trường bất động sản.

CEO Nguyễn Thị Dung nhớ lại, chị sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng ven sông thuộc tỉnh Hưng Yên. Từ thuở nhỏ, trong tâm trí chị Dung luôn tự ý thức được việc phải học hỏi, cầu tiến để cho cuộc sống sau này khá giả hơn. Lớn lên, dòng đời đã đưa đẩy chị theo bố mẹ lên Hà Nội làm ăn và chị bén duyên với một chàng trai Hà thành. Dù không có điều kiện trao dồi kiến thức trên giảng đường đại học, thế nhưng chị Dung nghĩ không phải chỉ có tấm bằng đại học trong tay mới làm được việc lớn. Gần 40 năm học ở “trường đời”, chị đã minh chứng được rằng thành công trong kinh doanh thì không chỉ học trong sách vở.

CEO Nguyễn Thị Dung

Kể về cơ duyên đến với nghề kinh doanh bất động sản, chị Dung chia sẻ, ngày ấy chị hay tiếp xúc với nhiều anh chị lớn tuổi là những người rất thành công trong sự nghiệp kinh doanh bất động sản. Qua thời gian, chị Dung đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, điều này đã thôi thúc chị thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản VIF Việt Nam vào năm 2005, chuyên tư vấn đầu tư mua và bán bất động sản nhà phố.

CEO Nguyễn Thị Dung cho biết, sở dĩ chị lựa chọn phân khúc nhà phố là bởi loại hình sản phẩm này luôn có một sức hút đặc biệt đối với giới đầu tư bất động sản. Lý giải nguyên nhân, chị Dung cho rằng, phân khúc bất động sản nhà phố luôn giữ giá ổn định, thậm chí hàng năm có thể tăng 15 - 20% và vẫn có xu hướng tăng giá. Hơn nữa, nhà đầu tư nhỏ lẻ và doanh nghiệp lớn vẫn ưu tiên mua nhà phố để đầu tư, cũng như có thể dùng làm đòn bẩy tài chính khi có tài sản đảm bảo vay vốn tại tổ chức tín dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh.

CEO Nguyễn Thị Dung

Từ ngày công ty mới thành lập, chị Dung tích cực tham gia những khoá học CEO, quản trị doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Chính trong môi trường này, chị đã trau dồi được kiến thức kinh doanh, đồng thời thay đổi rất nhiều kỹ năng đàm phán và giao tiếp với khách hàng. Vẫn biết sản phẩm bất động sản này rất kén chọn khách hàng, thế nhưng chị Dung chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng.

Để có thêm các mối quan hệ với khách hàng, chị đã tham gia Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội từ đó kết nối được nhiều doanh nghiệp, bạn bè đồng nghiệp và cộng tác viên. Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia nhiều câu lạc bộ CEO, doanh nhân, doanh nghiệp... Chị suy nghĩ, chính những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đó là người có uy tín và họ sẽ là người giới thiệu khách mua bán nhà phố cho mình.

Đối tượng khách hàng của chị đều là những người có vị thế, kiến thức đầu tư kinh doanh và đã quá sành sỏi trên thương trường, nên chị phải tư vấn thật khéo léo, chiếm được niềm tin của khách hàng. Vì thế, bản thân chị luôn tôi luyện cho mình kỹ năng nói nhẹ nhàng và có cách tiếp cận cởi mở để gây ấn tượng với khách hàng.

Theo chị Dung, cá nhân môi giới phải có kỹ năng để khách hàng nhớ đến mình, đó không chỉ những người đã giao dịch thành công mà cả khách hàng không “khớp lệnh” được. Chị nhớ lại, có những giao dịch mà chị đã thực hiện thành công trước đó vài năm, thế nhưng chị vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ thân thiết với khách hàng ấy. Vào một ngày đẹp trời, khách hàng đó lại nhờ chị bán căn nhà phố đã mua trước đây và thậm chí chị lại môi giới cho vị khách này mua một căn nhà phố khác.

CEO Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Ai cũng có thể là một chuyên gia tư vấn mua và bán kinh doanh bất động sản, thế nhưng mình làm việc phải có tâm và có tầm. Tôi cho rằng niềm tin và chữ tín của mình với người khác là cái vốn rất lớn, từ đó mình đã xây dựng lên thương hiệu Nhadatvif.com - chuyên tư vấn mua và bán nhà mặt phố”.

Với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề môi giới bất động sản nhà phố, chị Dung đã định hình ở trong đầu các thông tin về thị trường, vị trí, giá cả nhà phố ở các khu vực tại Hà Nội. Nhiều khách hàng dù mới chỉ liên hệ và cung cấp thông tin về vị trí hay đặc điểm căn nhà phố, nhưng chị đã định giá được sản phẩm đó và tư vấn cho khách hàng.

Với một người từng trải trong nghề tư vấn mua bán bất động sản như CEO Nguyễn Thị Dung, chị thừa hiểu sự khắc nghiệt của câu nói "thương trường như chiến trường". Thế nhưng, sau những lần “bể kèo” chị Dung vẫn luôn tự động viên mình vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục “chốt đơn”. Dưới sự chèo lái của nữ thuyền trưởng CEO Nguyễn Thị Dung, VIF Việt Nam luôn hoạt động với phương châm lấy khách hàng là trung tâm, tư vấn tận tâm, nâng tầm giá trị, chi phí tối thiểu và lợi ích tối đa cho khách hàng.

CEO Nguyễn Thị Dung.

Theo kinh nghiệm của chị Dung, trước khi môi giới một sản phẩm nhà phố thì chị phải tìm hiểu thật kỹ sản phẩm đó. Khi khách hàng nhờ bán tài sản nhà phố, điều đầu tiên là chị phải kiểm tra kỹ về giấy tờ pháp lý như có tranh chấp không, có nợ ngân hàng không hay vay nợ ngoài xã hội không, thành viên gia đình có đồng ý bán không, xây dựng trái phép không?… Chỉ khi môi giới hiểu hết về sản phẩm thì mới tư vấn được cho khách hàng.

Quan niệm của chị Dung là làm bất kể công việc gì cũng phải giữ uy tín, yêu nghề và đối với nghề môi giới nhà đất thì phải tư vấn thật, có như vậy khách hàng mới tin tưởng nhờ mình mua bán nhà đất. Chị nhớ lại, có những thương vụ tưởng chừng như rất khó nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Đơn cử, có những khách đi tìm nhà mua nhà phố 2 năm rồi không ưng, thậm chí có môi giới đã chào nhiều căn nhà phố rồi nhưng họ không sao sát và quan tâm khách hàng. Thế nhưng, khi khách hàng này tìm đến chị nhờ môi giới, chị đã tư vấn và trong một tuần đã bán chính căn nhà phố mà khách hàng này đã được môi giới khác từng chào hàng.

CEO Nguyễn Thị Dung

Chị Dung tự nhủ, để đi đến đích cần phải tiếp cận khách hàng để tư vấn bằng tất cả sự chân thành, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm để phục vụ tốt nhất. Môi giới phải chọn những sản phẩm có lợi nhất, phù hợp với nhu cầu của khách hàng đồng thời giải đáp được mọi thắc mắc và cung cấp đầy đủ thông tin, không từ chối những yêu cầu chính đáng nào, dù là chi tiết nhỏ nhất.

Sau khi tư vấn, cần phải để cho khách hàng tự quyết định, tự cân nhắc suất đầu tư mua bán chứ không ép, không hối thúc họ chốt giao dịch. Điều này có nghĩa là một giao dịch thành công phải xuất phát từ nhu cầu thật sự và lợi ích thực tế của khách hàng chứ không sử dụng các tiểu xảo để lôi kéo.

Bản thân chị nỗ lực đến phút cuối cùng, ngay cả khi giao dịch vuột khỏi tầm tay cũng đừng để tinh thần lao dốc quá lâu. Lúc đó chị Dung nghĩ, cần nhanh chóng trở lại đường đua để tiếp tục theo đuổi khách hàng mới và không quên chăm sóc khách hàng cũ. Hãy phục vụ vô điều kiện vì khi đạt được độ tin cậy cao, nếu những khách hàng đó không mua cũng có thể một thời điểm khác họ sẽ mua hoặc chính họ sẽ giới thiệu những khách hàng tiềm năng cho bạn.

Chị Dung cũng kể rất nhiều câu chuyện thông qua việc môi giới đã “cứu” rất nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”. Điểm chung là các doanh nghiệp đó là họ đang ở thế chân tường và cần bán tài sản để xử lý các khoản nợ tại tổ chức tín dụng. Chị Dung nhớ lại, có những trường hợp chị đã môi giới bán căn nhà phố có giá trị hàng trăm tỷ thành công, nhưng khi đó chị được thông báo là số tiền khách hàng thu về chỉ đủ để trả nợ và không còn tiền để trả công môi giới cho chị.

Biết vậy, chị vẫn vui vẻ đồng ý vì vị khách hàng ấy là chủ doanh nghiệp đang trong tình cảnh khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng và lo lương thưởng Tết cho hàng trăm nhân viên. Thế nhưng, chính vị khách này sau đó đã giới thiệu cho cho chị một vài khách hàng khác và chị đã “chốt kèo” thành công.

CEO Nguyễn Thị Dung đánh giá, hiện nay trên thị trường bất động sản có rất nhiều nhà môi giới hoạt động qua sàn giao dịch hoặc môi giới tự do. Thế nhưng, không ít cá nhân môi giới hoạt động tự phát và không có tính chuyên nghiệp, không có tâm. Họ sẵn sàng thông tin không đúng sự thật về các sản phẩm môi giới để lôi kéo khách hàng, điều này đã khiến nhiều khách hàng cảm thấy mất lòng tin với cộng đồng môi giới và việc này cũng tạo hệ lụy là chính môi giới ấy sẽ không đạt được hiệu quả kinh tế hay mất đi khách hàng…

Hơn nữa, giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển và được sử dụng là công cụ để quảng cáo bất động sản như hiện nay, các thông tin mua bán nhà đất sẽ đến với nhiều môi giới khác nhau. Nhưng theo chị Dung, điều đó là hết sức bình thường khi cá nhân hay công ty đã khẳng định được thương hiệu. Bản thân chị luôn tâm niệm rằng, nếu mình bán đúng giá trị và không “gửi giá”, vì điều này sẽ đẩy giá xa so với thị trường đồng thời nhà đất của khách hàng sẽ thanh khoản chậm.

“Trên thương trường có rất nhiều môi giới, thế nhưng để làm sao khách hàng chọn mình thì điều quan trọng nhất đó là uy tín và đặc biệt là phải tư vấn thật, làm có tâm với nghề”, CEO Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

CEO Nguyễn Thị Dung
Nhà phố VIF

Phân khúc nhà phố đặc biệt trong nội đô luôn có một sức hút đặc biệt đối với giới đầu tư bất động sản.(Ảnh minh họa: Internet)

Theo kinh nghiệm của chị Dung, nhà đầu tư nếu muốn tìm được căn nhà phố ưng ý thì nên tìm đến các công ty chuyên nghiệp có uy tín và không nên ham rẻ. Ngoài ra, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về vấn đề pháp lý và các thỏa thuận giao dịch mua bán phải rõ ràng để tránh những vướng mắc về sau. Có như vậy, khách hàng mới nắm bắt thông tin về nhà đất được minh bạch và mua được sản phẩm ưng ý nhất.

CEO Nguyễn Thị Dung cũng bật mí, hiện tại ngoài công việc môi giới thì chị cũng đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau như mua gom nhà phố, đầu tư vận hành 3 - 4 tòa nhà cao tầng cho thuê lại căn hộ ở một số khu vực như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình…

Trải qua đại dịch Covid-19, nhiều công ty môi giới bất động sản đã phải đóng cửa và chuyển ngành nghề kinh doanh. Thế nhưng, với tài và trí của mình, CEO Nguyễn Thị Dung đã chèo lái con thuyền VIF Việt Nam đi vững chắc và còn tăng trưởng. Nhờ có chị Dung, hàng loạt thương vụ mua bán đã “khớp lệnh” với nhau rất nhanh chóng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các giao dịch nhà phố đã thành công đạt con số 450 tỷ đồng.

CEO Nguyễn Thị Dung

Để có được thành công như ngày hôm nay, theo quan điểm của chị Dung, giữa các công ty hay cá nhân môi giới phải liên kết, chia sẻ với nhau. Bản thân chị cũng hợp tác với nhiều văn phòng, cá nhân môi giới khác để mở rộng kênh thông tin khách hàng, các sản phẩm nhà phố và sẵn sàng hợp tác trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, win-win với nhau. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng môi giới biết đến chị và thương hiệu bất động sản nhà phố VIF Việt Nam.

Trong câu chuyện khởi nghiệp cũng như khẳng định vị thế của VIF Việt Nam trong cộng đồng môi giới bất động sản, CEO Nguyễn Thị Dung cũng không quên nói về áp lực khi làm nghề. Đó là những lúc không bán được hàng đồng nghĩa với thu nhập bằng không và phải luôn tìm kiếm nguồn khách mới để duy trì công việc. Cùng với đó, làm nghề môi giới phải hy sinh thời gian và công sức vô điều kiện cho đến khi nào về đích và phải mở lòng đón nhận tất cả sự phản ứng tích cực hay tiêu cực từ phía khách hàng.

“Để có được giao dịch thành công cho khách hàng không hề đơn giản, bởi nghề tư vấn cũng như làm dâu trăm họ. Chỉ cần bạn có quyết tâm, ham học hỏi và biết nắm bắt cơ hội thì con đường thành công trong nghề môi giới là rất gần”, CEO Nguyễn Thị Dung đưa ra lời khuyên với những người muốn khởi nghiệp làm nghề tư vấn bất động sản.

Trên hành trình gây dựng thương hiệu VIF Việt Nam như ngày hôm nay, chị Dung cũng luôn ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội và cộng đồng. Theo đó, hàng năm công ty của chị đều trích quỹ để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cô đơn không nơi nương tựa và bệnh hiểm nghèo. Chị chia sẻ, bản thân luôn sống hướng thiện và có quan điểm hãy cho đi là còn mãi mãi.

Chị Dung nhớ lại hành trình 6 năm về trước khi cùng với những người bạn trong Câu lạc bộ nữ Doanh nhân Quốc tế Winl Capital đi làm từ thiện ở miền Trung. Năm ấy, người dân miền Trung cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi trận lũ lụt lịch sử. Chuyến đi từ thiện lần ấy nhóm của chị đã trao 800 xuất quà và động viên đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Sau lần đó, chị cùng một tổ chức khác đi tận Hà Giang để trao 1.000 xuất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Tâm sự về định hướng phát triển công ty trong tương lai, chị Dung không ngần ngại bày tỏ kỳ vọng muốn đưa VIF Việt Nam trở thành thương hiệu môi giới nhà phố hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, chị vẫn tích lũy tài chính và đầu tư bằng hình thức mua gom nhà phố, đầu tư nhà cho thuê. Chị mong muốn, con số đạt được trong các giao dịch nhà phố đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Với sự chèo lái của vị thuyền trưởng CEO Nguyễn Thị Dung, chắc chắn rằng con thuyền VIF Việt Nam sẽ đi đúng hướng và ngày càng khẳng định hơn nữa thương hiệu một nhà môi giới chuyên bất động sản nhà phố ở Việt Nam./.

Hà Cường
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top