Aa

Chán vàng, tiền chảy vào chứng khoán

Thứ Bảy, 17/10/2020 - 10:15

Từ đầu năm đến nay, vàng và chứng khoán thay nhau chiếm vị trí nóng nhất trong các kênh đầu tư. Trong khi đó, bất động sản và tiết kiệm ngân hàng vẫn có vị thế riêng.

USD đè bẹp giá vàng: Chưa phải lúc mua vàng tích trữ

Vàng tiếp tục chứng kiến những phiên giảm giá sâu sau khi liên tiếp đón các thông tin tiêu cực. Giá vàng giao ngay trên thế giới ngày 14/10 ở mốc 1.895 USD/ounce, giảm 38 USD/ounce so với phiên trước đó. Việc gói hỗ trợ kinh tế Mỹ khó tung ra trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc và sự tăng giá bất ngờ của USD khiến giá vàng rơi mạnh.

“Giờ chưa phải là lúc mua vàng để tích trữ nếu muốn lướt ngắn hạn. Khả năng giá vàng trước mắt sẽ còn giảm thêm hoặc đi ngang rồi mới có thể đi lên. Thời gian qua, giá vàng tăng mạnh đã khiến động thái chốt lời của các quỹ đầu tư lớn tăng. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ và chỉ số USD Index tăng trở lại sau một thời gian giảm sâu là những yếu tố bất lợi cho giá vàng. Nếu USD Index tiếp tục tăng và vượt 94 điểm, giá vàng sẽ còn rớt mạnh, bởi vàng được định giá bằng USD”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam.

Sự “trở mặt” quá nhanh của vàng đang khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi. (Ảnh: Đức Thanh)

Theo vị chuyên gia này, về dài hạn, vàng vẫn có tương lai rực rỡ, vì khi dịch bệnh dần được khống chế, các nước sẽ bơm tiền ào ạt để kích cầu kinh tế. Chưa kể, các quỹ đầu tư, các quốc gia vẫn đang nắm giữ số lượng lớn vàng, chưa có dấu hiệu bán ra. Dù vậy, trong ngắn hạn, dòng tiền đã rút bớt khỏi các kênh đầu tư an toàn như vàng và đổ vào các kênh đầu tư khác. Vì vậy, ít nhất trong vòng 1 - 3 tháng tới, nhà đầu tư chưa nên mua vàng.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, giá vàng đang rất khó đoán định, chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như dịch bệnh, cuộc bầu cử tại Mỹ, kế hoạch bơm tiền của các nước… Dù một số tổ chức thế giới cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để mua vàng, song ông Hiếu cho rằng, mua vàng lúc này quá rủi ro vì giá có thể giảm tiếp.

Giữ vị thế kênh đầu tư tốt nhất 8 tháng đầu năm khi chạm mức giá kỷ lục 62 triệu đồng/lượng đầu tháng 8/2020 và vẫn tăng hơn 30% so với đầu năm, song sự “trở mặt” quá nhanh của vàng khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi, số lượng người dân đầu tư vàng giảm mạnh.

Thắng đậm, thua đau với chứng khoán

Trong khi kênh đầu tư vàng đang nguội dần, thì chứng khoán lại lên ngôi nhờ dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0). Sau khi giảm sâu trong quý I/2020 vì “bóng ma” Covid-19, 6 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam và cả thế giới bùng nổ, liên tục lập đỉnh mới, bất chấp kinh tế vẫn đang ảm đạm.

Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 40% kể từ đáy tháng 3/2020 và tăng mạnh so với đầu năm. Tháng 9/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới. Trước đó, tháng 8, VN-Index thậm chí còn tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng gần 10,5%.

“Dòng tiền ồ ạt vào bắt đáy đã giúp VN-Index liên tục đi lên, lấy lại tất cả những gì đã để mất. Nhiều cổ phiếu thậm chí còn vượt qua được cả mức giá trước khi đại dịch xảy ra. Dòng tiền mới hay còn gọi là dòng tiền của nhà đầu tư F0 (thậm chí là F0-1) là nguyên nhân chính giúp thị trường liên tục tăng mạnh”, ông Phan Dũng Khánh nhận xét.

Theo ông Khánh, các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người buồn chán vì phải ở nhà do lệnh phong tỏa, bị giảm việc, mất việc do Covid-19 - đã góp phần tạo nên làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Không ít nhà đầu tư đã thắng lớn với kênh chứng khoán năm nay. Dù vậy, ông Khánh cũng cảnh báo, thị trường tăng mạnh nhưng số lượng nhà đầu tư lỗ không hề nhỏ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường chứng khoán đang tăng quá nóng và không tương xứng với tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, việc thị trường điều chỉnh là khó tránh, nhà đầu tư phải cẩn trọng.

Tiết kiệm, bất động sản vẫn giữ vị thế

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, vàng và chứng khoán tuy có khả năng sinh lời lớn, nhưng rủi ro cũng cực kỳ cao. Do đó, hai kênh này chỉ thu hút một bộ phận nhỏ nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao. Hiện hầu hết người dân, thậm chí các doanh nghiệp lớn vẫn đang gửi tiền vào ngân hàng. Đây là lý do khiến ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động từ đầu năm đến nay, nhưng tiền vẫn chảy vào ồ ạt.

Nếu so sánh về mức độ tăng trưởng, thì 6 tháng qua, thị trường chứng khoán tăng tốt hơn cả vàng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ năm nay thắng lớn nếu chọn đúng nhóm, đúng mã cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ kiến thức và may mắn để chọn đúng mã cổ phiếu sinh lời tốt. Với các nhà đầu tư tay mơ, kể cả khi VN-Index tăng mạnh thì vẫn có thể thua lỗ như thường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn tăng 7,7%, trong khi tín dụng chỉ tăng 5,12%. Các ngân hàng đều dư thừa vốn khiến lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục. Tình trạng hiếm hoi trong lịch sử đã xảy ra: lãi suất cho vay qua đêm của Việt Nam còn thấp hơn cả lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ.

“Gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, song trong bối cảnh hiện nay, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất và lãi suất vẫn đang ở mức khá so với nhiều nước trên thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải nguyên nhân tiền vẫn chảy vào ngân hàng.

Trong 5 kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay (vàng, chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản, gửi tiết kiệm), kênh đầu tư ngoại tệ được coi là kém hấp dẫn nhất. Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản dù thanh khoản đang khá yếu, lại được nhận định nhiều tiềm năng nhất.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, một khảo sát của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, 38% nhà đầu tư muốn rót tiền vào bất động sản, sau đó mới tới vàng, USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất hiện nay. So với hồi tháng 3/2020, nhiều phân khúc bất động sản đã tăng mạnh trở lại. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh nhất.

“Covid-19 khiến thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, song giá bất động sản không giảm. Dù số doanh nghiệp bất động sản bị giải thể 9 tháng đầu năm đứng đầu so với các lĩnh vực khác, song các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vẫn đứng vững. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ nếu có 2 yếu tố: dịch bệnh được kiểm soát và Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top