Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…
***
Đó là những ca từ mở đầu nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên - một ca khúc nối tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Quốc ca Việt Nam. Tác phẩm công bố cách nay tròn 46 năm, chào đón mùa xuân Bính Thìn 1976 là “mùa xuân đầu tiên” đất nước ta được hòa bình, thống nhất sau hơn 30 năm kháng chiến trường kỳ, trải qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đau thương và bi tráng.…
Mấy bữa nay trong tôi cứ ngân nga giai điệu dìu dặt của ca khúc trên đây. Có lẽ, vì tôi cũng như rất nhiều người, đang có cái cảm giác vừa đi qua một cuộc chiến tranh và mùa xuân Nhâm Dần 2022 này là “mùa xuân đầu tiên”. Nói chính xác và đầy đủ là “mùa xuân bình thường mới đầu tiên” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới.
Ảnh: Internet.
Vâng, hầu như suốt cả năm 2021 vừa qua, cả dân tộc ta phải đương đầu với một cuộc chiến khốc liệt. Đấy không phải là cách nói ví von kiểu văn chương, mà là sự thật, bởi ngay từ đầu chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”. Và sự thật là chúng ta đã phải tiến hành một cuộc chiến huy động tổng lực, toàn dân, toàn diện. Cả nước thực hiện “mỗi phường - xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhiều khu cách ly, phong tỏa phải “thiết quân luật” kiểm soát nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng khẩn trương để tiếp nhận bệnh nhân mỗi ngày mỗi tăng. Và hình ảnh những đội quân thuộc các lực lượng vũ trang gấp rút hành quân vào các vùng tâm dịch, khác nào một thủa cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”; khác nào khí thế “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới chiến trường…” trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.
Với sự nỗ lực đồng tâm quyết chiến của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã bước đầu ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh, mở ra một giai đoạn “bình thường mới” theo phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, thiệt hại do đại dịch gây ra cũng hết sức nặng nề. Hàng nghìn người dân và cả cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong. Hàng triệu học sinh và sinh viên học hành dở dang, chắp vá. Nhiều chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bị đứt gãy. Nhiều ngành kinh tế bị ngưng trệ, suy thoái. Suốt hai thập niên đầu thế kỷ 21 này, chưa có năm nào chỉ số tăng trưởng kinh tế của đất nước thấp như năm qua…
Có vị đại biểu Quốc hội là bác sỹ danh tiếng, Giám đốc một Bệnh viện dã chiến lớn ở vùng tâm dịch, đã phát biểu trên nghị trường Quốc hội rằng: Đại dịch lần này như một cơn lũ lớn, nó quét qua mặt đất làm hiển lộ ra những điều tốt đẹp lẫn chuyện xấu xa và cả những cái “hố” cần san lấp khắc phục. Quả thật, “qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”.
Bên cạnh những hành vi trục lợi, đầu cơ; những thái đô vô cảm, quan liêu, né tránh; những cá nhân và tập thể thiếu trách nhiệm, yếu năng lực… là biết bao tấm gương cán bộ, chiến sỹ, thầy thuốc… đã tận tụy, gương mẫu, quả cảm trong cuộc chiến chống dịch. Đặc biệt là truyền thống nhân ái của dân tộc được khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài những nghĩa cử đã được nhiều người biết đến, như những “Gian hàng 0 đồng”, những cây “ATM gạo”, những chuyến hàng nông sản của bà con “vùng xanh” chi viện cho các “vùng đỏ”, “vùng vàng”… còn có biết bao những nhóm thiện nguyện và những cá nhân tận tâm thầm lặng giúp đỡ đồng bào trong đại dịch mà không sao kể xiết. Họ giúp đỡ cả các nhân viên y tế, các chiến sỹ công an và quân đội làm nhiệm vụ chống dịch…
Và rất nhiều sự việc cảm động đã diễn ra trên con đường nhiều vạn người dân di tản tự phát về quê bằng đủ các loại phương tiện cá nhân. Họ nấu hàng nghìn suất cơm đứng đợi bà con bên đường. Họ sửa xe và đổ xăng miễn phí cho bà con. Họ căng lều bạt cho bà con ngủ nghỉ. Họ tiếp tế chu đáo từ chai nước, viên thuốc đến cả những cuộn giấy vệ sinh… Có trường hợp anh thợ sửa xe đổi luôn cả chiếc xe máy còn tốt của mình để lấy chiếc xe cũ về sửa sau. Lại có người thuê ô tô chở gia đình có cháu bé sơ sinh vượt hàng ngàn cây số về nhà cho kịp… Họ chính là “đội quân” đã có những đóng góp rất quan trọng cho nhiệm vụ an sinh xã hội trong cơn đại dịch vừa qua.
Đất trời vừa khép lại một năm Tân Sửu 2021 với biết bao biến cố đối với nhân loại. Mặc dù thế giới đã sớm bào chế được vắc-xin chế ngự, cùng các phương thuốc điều trị; mặc dù cộng đồng quốc tế đã có những chính sách san sẻ thuốc men và chia sẻ kinh nghiệm… nhưng tổn thất của dịch bệnh gây ra cho nhân loại vẫn vô cùng nặng nề trên mọi lĩnh vực và công cuộc đối phó với đại dịch vẫn vô cùng gian nan...
Trong bối cảnh đó, đất nước ta bước vào năm mới Nhâm Dần 2022 với biết bao khó khăn và thách thức. Khó khăn lớn nhất là dịch Covid-19 với những biến thể mới hết sức nguy hiểm vẫn đang rình rập đe dọa nhân loại toàn cầu. Ở trong nước, mỗi ngày vẫn còn hàng ngàn người nhiễm bệnh trong cộng đồng. Nhiều thành phố lớn vẫn phải thực hiện giãn cách, phong tỏa cục bộ. Tuy nhiên, vượt qua đại dịch, chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó và chung sống an toàn với loại kẻ thù đặc biệt này. Trong nguy có “cơ”, đại dịch đã giúp chúng ta nhìn rõ chính mình hơn, nhất là những “lỗ hổng” phải san lấp, những điểm yếu phải khắc phục. Đại dịch cũng đã “giúp” chúng ta từ bỏ được nhiều thói quen tập tục trì trệ, lạc hậu, tốn kém… và hình thành nhiều thói quen, phong cách, phương pháp mới, kịp theo thế giới văn minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Đặc biệt là vừa lãnh đạo chống dịch thành công, Đảng ta vừa tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống. “Lò lửa" vẫn rừng rực cháy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… Trước và sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, quy chế, quy định về công tác này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những ngày cuối năm cũ 2021 và đầu năm mới 2022, những biện pháp cứng rắn của Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng đối với các hành vi tham nhũng, trục lợi, nâng khống giá vật tư xét nghiệm dịch bệnh, lũng đoạn thị trường đất đai và thị trường chứng khoán… càng khiến các tầng lớp nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng, soi thấy mình trong dòng chảy của công cuộc xây dựng Đảng và kiến tạo cuộc sống mới.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức! Dù khó khăn đến mấy dân tộc ta vẫn kiên cường vững bước đi lên; hướng đến dựng xây một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, có đời sống chính trị lành mạnh và người dân sống hạnh phúc. Đó là khát vọng phồn vinh, là quyết tâm lớn của toàn Đảng và toàn dân ta.
Để trở thành một quốc gia thịnh vượng, chúng ta đã có hành trang quý báu là thành tựu 36 năm của công cuộc đổi mới. Để có ngày bình thường mới như hôm nay là công sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp chúng ta bình tĩnh, thích ứng khi Covid-19 vẫn đang rình rập. Những ngày gần đây đã có những tin vui: Sau khi chìm vào “tăng trưởng âm” trong quý III/2021, bước sang quý IV, nhờ chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh, kinh tế nước ta đã “tăng trưởng dương” trở lại, tuy chỉ trên 2% nhưng đó cũng là một dấu hiệu khả quan. Cùng đó, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu trên thế giới cũng đưa ra những nhận định tích cực về khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 trong tương lai gần.
Chúng ta có cơ sở để tin chắc rằng sẽ không có chuyện cả nước đồng loạt bị cách ly như những ngày chăng dây, rào sắt, chốt chặn; sẽ không có chuyện tập trung cách ly hàng ngàn người nhiễm F0 “mà không biết phải làm gì” như một lãnh đạo địa phương đã từng thừa nhận. Sớm muộn rồi nhân loại sẽ có loại thuốc phòng chống và đặc trị Covid-19 như với cúm mùa thông thường. Sớm muộn rồi lũ trẻ sẽ được chào cờ ở sân trường, tung tăng chạy nhảy trong giờ ra chơi. Tuổi thơ mải mê tiếp nhận bao điều mới mẻ, các cháu sẽ quên cái ngày khai giảng, đứng nghiêm trong phòng kín, quàng khăn đỏ lí nhí hát quốc ca trước màn hình vi tính…
Và như thế, mùa xuân bình thường mới đang về cùng với những ước mơ lãng mạn và những dự định khả thi của mỗi người, mỗi ngành, mỗi quốc gia… cùng toàn nhân loại!