Aa

Chấp thuận chủ trương nâng huyện Bình Chánh lên quận

Thứ Ba, 28/03/2017 - 03:00

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết UBND TP. HCM đã chấp thuận chủ trương “nâng cấp” Bình Chánh từ huyện lên quận sau khi địa phương phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát, xác định huyện hội đủ các điều kiện để thành lập quận.

Sáng nay, 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND các quận Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh về thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện có diện tích hơn 25.000 ha, dân số trên 637.000 nghìn người với 16 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 1 thị trấn).

Một góc của khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM). Nguồn ảnh: Pháp luật TP. HCM

Một góc của khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM). Nguồn ảnh: Pháp luật TP. HCM

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết mỗi năm, huyện phải xây thêm 5-7 trường học để đáp ứng ứng nhu cầu. Mỗi năm, dân số địa phương tăng từ 5.000-7.000 người, bằng số dân một xã.

“Huyện Bình Chánh đang quá tải về quản lý an ninh trật tự, đất đai, môi trường… Đơn cử như về an ninh trật tự, công an xã hầu hết là bán chuyên trách, lực lượng rất mỏng. Ở các phường, mỗi cảnh sát khu vực chỉ quản lý khoảng 1.000 – 1.500 người, còn ở Bình Chánh, mỗi công an viên quản lý một ấp dân số khoảng 15.000 – 20.000 người, không đảm bảo an ninh trật tự”, ông Hồng nói.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, cuối năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy huyện Bình Chánh đã hội đủ các điều kiện để lên quận.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản xin chủ trương thành lập quận và đã được UBND TP chấp thuận" - ông Hồng nói và cho biết sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở ban ngành thành lập đề án cụ thể trình Thành ủy và UBND TP. HCM xem xét.

Ông Hồng cho biết thêm, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất từ 5 – 6 năm. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị trung ương và TP cho phép áp dụng cơ chế quản lý nhà nước cấp phường đối với 4 xã có dân số trên 100.000 người, tốc độ đô thị hoá cao, gồm: Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh địa giới một số xã.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top