Aa

“Chỉ cần hết dịch, bất động sản nhà ở sẽ phục hồi rất nhanh"

Thứ Sáu, 27/03/2020 - 06:10

Việt Nam khống chế dịch tốt cũng tạo ra được niềm tin và vì thế việc phục hồi kinh tế có thể diễn ra nhanh chóng hơn. Bất động sản sau dịch Covid-19 cũng có rất nhiều cơ hội mới.

Bất động sản vẫn là một kênh an toàn

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều thách thức, từ khó khăn trong pháp lý và thủ tục hành chính, khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát dự án cho đến những khó khăn về khan hiếm nguồn cung,… Kể từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh ngày càng lan rộng, khiến cho khó khăn chồng chất khó khăn, các hoạt động trên thị trường bất động sản trở nên tê liệt, "đóng băng".

Tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM, kênh đầu tư bất động sản bị ảnh hưởng trực tiếp. Mới đây nhất, nhằm ngăn chặn tình trạng dịch bệnh lây lan, Chính phủ và UBND các thành phố đã chỉ đạo không tập trung đông người nên các doanh nghiệp không thể thực hiện được việc mở bán dự án. Các chủ đầu tư buộc phải hoãn tất cả các sự kiện mở bán hoặc chỉ đăng thông tin trên website. Nhân viên môi giới các sàn giao dịch phải chuyển qua hình thức giao dịch và bán hàng trên mạng. Song song với đó, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. 

Có thể nói, thị trường bất động sản đang gần như tạm thời dừng lại các hoạt động để chờ đợi qua giai đoạn dịch Covid-19. 

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có những biện pháp để thích nghi, làm quen với thị trường bằng việc đưa ra những phương thức mới trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam có kinh nghiệm với các phương thức hoạt động mới nên sẽ mất nhiều thời gian trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, để vượt qua được giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các loại chi phí bởi đối với các công ty bất động sản, chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ khá lớn, bài toán tài chính sẽ thêm khó khăn nếu lãi vay không giảm. Doanh nghiệp cũng phải tìm những cách tồn tại trong ngắn hạn, cơ cấu lại vấn đề vốn, tài chính để có thể tìm được cơ hội mới sau khi hết dịch.

Mặc dù, giai đoạn hiện nay, ít người đầu tư vào bất động sản do những bất trắc của dịch bệnh, tuy nhiên khó khăn này không chỉ ở bất động sản mà diễn ra ở hầu hết các ngành nghề và các doanh nghiệp đều đang tổn thất nặng nề, những chỉ số doanh thu, dòng vốn, lợi nhuận liên tục giảm. Song, nếu nhìn một cách tích cực thì có thể thấy bất động sản với những sản phẩm đầu tư hữu hình luôn có giá trị và là một kênh an toàn.

Bất động sản với những sản phẩm đầu tư hữu hình luôn có giá trị và là một kênh an toàn - Ảnh minh hoạ

Để tháo gỡ những thách thức này, cần có sự chung tay một cách quyết liệt của tất cả các bên, trong đó quan trọng nhất là vai trò điều phối và quản lý của Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Cần phải có những đột phá về cải thiện chính sách, pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án… Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có các chương trình như ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi vay, gói cho vay mới… nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng có thể chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, AI, thực tế ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản. Việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong tất cả hoạt động của thị trường như đầu tư, phát triển dự án, tiếp thị, phân phối sản phẩm, tìm mua, thuê dự án phù hợp…

Khống chế dịch tốt, Việt Nam sẽ tạo niềm tin và hút đầu tư

Có thể nói, để thị trường bất động sản vượt qua những thách thức bởi dịch Covid-19, tất cả các thành phần liên quan như chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, đơn vị môi giới, nhà môi giới, khách hàng, nhà đầu tư… đều phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược thích hợp, đồng thời không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đội ngũ nhân viên dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thị trường bất động sản mặc dù đang trong giai đoạn xấu, nhưng khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thì thị trường sẽ nhìn thấy được những chuyển biến tích cực. Thị trường chắc chắn còn nhiều cơ hội bởi dịch Covid-19 chỉ là thiên tai, sự kiện bất khả kháng. Khoảng tháng 5 đến tháng 6 khi thời tiết và dịch bệnh được khắc phục, các hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường, thị trường bất động sản sẽ dần ổn định và phát triển. 

Nhu cầu nhà ở luôn ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường - Ảnh minh hoạ

Cơ hội được tận dụng với hai yếu tố: Thứ nhất là các nhà đầu tư trên thế giới sẽ xem xét lại việc phân bổ vốn đầu tư và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ việc phân bổ dòng vốn này. Thứ hai, các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn được đưa ra nhưng cũng cần thời gian để chính sách đó lan toả.

Đặc biệt, Việt Nam khống chế dịch tốt cũng tạo ra được niềm tin và có vị thế hơn các quốc gia khác nên việc phục hồi kinh tế có thể diễn ra nhanh chóng.

Về trung và dài hạn, thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển các phân khúc nhà ở. Bởi hai thị trường này chiếm trên 90% nguồn cung nhà ở của cả nước. Hơn nữa, thị trường nhà ở thời gian qua vẫn khan hiếm nguồn cung và mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng giá bán vẫn không giảm. Chỉ cần hết dịch bệnh, kinh tế ổn định lại, bất động sản nhà ở sẽ phục hồi rất nhanh. Vốn dĩ nhu cầu nhà ở luôn ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường. Nói chung, thị trường nhà ở của Việt Nam có cơ sở để phục hồi sau thời gian dịch bệnh.

Sản xuất công nghiệp, nhà ở, dịch vu du lịch đều có thể tăng trưởng trở lại. Bất động sản du lịch cũng sẽ phục hồi song cần thời gian dài hơn. Và bởi du lịch của chúng ta vẫn có nhiều tiềm năng về cảnh quan, cơ sở hạ tầng và nguồn khách nội địa cũng như quốc tế. Song phải hiểu rằng khi một người có tài chính, thu nhập cao, công việc, chỗ ở ổn định thì họ mới nghĩ đến chuyện đi du lịch nghỉ dưỡng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top