Aa

Chính sách tài khóa tạo đà phục hồi nền kinh tế

Chủ Nhật, 13/11/2022 - 06:18

Thực trạng áp dụng chính sách tài khóa và sự kết hợp với các chính sách khác đã hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi. Trong đó, nhóm chính sách về miễn, giảm thuế phí được thực hiện một cách sớm nhất, tích cực nhất và đạt được mục tiêu tốt nhất. Đây là trao đổi của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội với phóng viên.

PV: Các chính sách tài khoá thời gian qua được đánh giá là phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, giúp các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Với tư cách là người đại diện của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội, ông nhìn nhận thế nào về những chính sách tài khóa được ban hành vừa qua? 

Ông Mạc Quốc Anh: Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đã tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách ứng phó với những tác động của đại dịch, trong đó, chính sách tài khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp sớm phục hồi. Ảnh: TL.

Cụ thể, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 406/ NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Đặc biệt, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố; các nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND TP. Hà Nội xây dựng Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023.

PV: Theo ông, trong các chính sách tài khoá ban hành trong năm 2022 thì chính sách nào được cho là tác động nổi bật nhất giúp các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh hiện nay?

Ông Mạc Quốc Anh.​​​​

Ông Mạc Quốc Anh: Do DN là nơi tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế, đồng thời là nơi đưa ra các quyết định đầu tư nhằm cải thiện năng suất và thu nhập, vì vậy, nguyên tắc chỉ đạo trong thực hiện chính sách tài khóa cho bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước hết phải là cứu trợ tài khóa để tạm thời giảm bớt gánh nặng của Chính phủ về phía cung của nền kinh tế, chủ yếu bao gồm các DN vừa và nhỏ.

Thực trạng áp dụng chính sách tài khóa và sự kết hợp với các chính sách khác đã hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã hỗ trợ cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thông qua các gói hỗ trợ được ban hành ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Các gói hỗ trợ kịp thời giúp người dân, DN trụ vững trong đại dịch. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DN, người lao động, người dân.

Tôi thống kê, với chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể: đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (xuống còn 8%); cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm. Các nội dung này đã được Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/ QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Đối với chính sách tài khóa khác đó là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng…

Tôi cho rằng, nhóm chính sách về miễn, giảm thuế phí được thực hiện một cách sớm nhất, tích cực nhất và đạt được mục tiêu tốt nhất. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 43 là chính sách miễn thuế GTGT đầu ra, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác. Theo báo cáo của Chính phủ thì tính đến hết tháng 9/2022, khoản thuế, phí được miễn này là hơn 39,4 nghìn tỷ đồng. Chính sách này được DN đánh giá là thực sự đi nhanh vào cuộc sống, có ý nghĩa tích cực trong tiết giảm chi phí cho người dân và DN, góp phần giảm giá, hạn chế lạm phát.

PV: Để chính sách tài khóa tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, theo ông, các chính sách tài khóa cần chú trọng gì trong hỗ trợ doanh nghiệp?

Ông Mạc Quốc Anh: Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, cộng đồng DN đặt rất nhiều kỳ vọng. Thực tế, sau 9 tháng triển khai, kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng DN được thể hiện rõ giai đoạn vừa qua như số vốn đăng ký, số DN thành lập mới, sự trở lại hoạt động, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nhiều ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Điều này cũng cho chúng ta một kinh nghiệm rằng, những chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí có thể thực hiện được ngay, không cần bộ máy tổ chức thực hiện, không cần nỗ lực đốc thúc thực hiện mà vẫn đi được nhanh vào thực tiễn, có hiệu ứng cao, công bằng với mọi đối tượng, chi phí triển khai thực hiện thấp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều DN e ngại. Từ đó, các gói chính sách chưa kịp thời đến tay DN và chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống nhất là gói hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 2%.

Do vậy, khi ban hành chính sách cần những điều kiện thực hiện đơn giản để dễ áp dụng và thụ hưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, sự vào cuộc tích cực và kịp thời, trách nhiệm đã thể hiện vai trò quan trọng tham mưu cho Chính phủ của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, DN ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, đã kịp thời xây dựng và điều hành chính sách tài khóa như kích thích tài khóa và cứu trợ tài khóa.

Kích thích tài khóa nhằm giúp đảo ngược sự suy thoái bất ngờ của nền kinh tế, chủ yếu nhằm vào phía cầu của nền kinh tế, thông qua việc tăng tổng chi tiêu. Sự gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do những biện pháp cách ly xã hội được ban hành trong giai đoạn đại dịch Covid-19 làm giảm hiệu quả của các chính sách tài khóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top