Aa

Chính sách tín dụng “nới” hay “siết” trong năm 2021?

Thứ Hai, 15/02/2021 - 11:30

Việc lùi lộ trình gia tăng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn trong năm 2021 là một trong những động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tín dụng bất động sản 2020

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, ước tính dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2002 tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và năm 2018 với con số tương ứng là 21,53% và 26,76%.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng tương đương năm 2019, nhưng tín dụng tiêu dùng bất động sản của cá nhân giảm mạnh. Cụ thể, tính đến tháng 12/2020, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 13%, cao hơn so với năm 2019 (12,87%). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 8,4%. Con số này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng bất động sản thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (26,32%).

Nguyên nhân của việc tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm mạnh đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp giảm.

Nguyên nhân của việc tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm mạnh đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp giảm. Mặt khác, chính sách kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay bất động sản cũng tác động đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.

Tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 35% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng nhẹ so với năm 2019 nhưng giảm mạnh so với năm 2017 (45,63%) và năm 2018 (35,49%).

Về chất lượng tín dụng bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ước đến tháng 12/2020 khoảng 1,85% dù tăng so với tháng 12/2018 (1,58%) nhưng giảm so với năm 2017 (2,48%) và năm 2018 (1,95%).

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu tín dụng bất động sản đã được điều chỉnh theo hướng tập trung chủ yếu phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân, tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.

“Nới” tín dụng bất động sản

Kể từ năm 2016, khi thị trường bất động sản phục hồi trở lại và bắt đầu chu trình sốt nóng, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các Thông tư dựa trên chủ trương kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, đồng thời gia tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản. Các khoản vay được phân bổ lại nhằm đảm bảo xác định đúng mục đích sử dụng vốn vay trong lĩnh vực bất động sản như kinh doanh hay tiêu dùng. Cụ thể, Thông tư 22/2019/TT-NHNN đã có hiệu lực từ đầu năm 2020 quy định, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Ngân hàng Nhà nước quy định tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Tuy nhiên, lộ trình “siết” tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã có sự thay đổi khi tác động của Covid-19 đã làm xê dịch kịch bản của nền kinh tế.

Theo đó, đến năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoãn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Chưa kể, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm. Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước nhằm “nới” tín dụng bất động sản cho các doanh nghiệp địa ốc và người dân tiếp cận nguồn vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay là cần thiết, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất – kinh doanh sau dịch. Việc này có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sả, cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ tín dụng, lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn rủi ro nên Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.

Như vậy, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát cặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng và tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top