Chơi đùa với nỗi sợ

Chơi đùa với nỗi sợ

Thứ Hai, 25/10/2021 - 06:00

Trong suốt 15 năm làm đào tạo, tôi được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều học viên ở các lứa tuổi, giới tính và nghề nghiệp khác nhau. Vì là các chương trình đào tạo về kỹ năng phát triển bản thân nên tôi được lắng nghe những chia sẻ của họ. Và điều tôi nhận thấy một “mẫu số chung” cho hầu hết những cản trở của họ tới thành công chính là những nỗi sợ - những nỗi sợ mà họ đã học được trong quá trình sống của mình. 

Cũng chính điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn nữa để hiểu và có thể tìm ra một giải pháp tốt nhất cho những học viên và những khách hàng của tôi. 

Những suy nghĩ mà tôi đã được nghe là: 

- Tôi cảm thấy có sức mạnh vô hình ngăn cản tôi làm điều mình muốn

- Tôi vui và có được thành công nhưng thẳm sâu bên trong lại nghi ngờ về điều đó

- Cảm giác tiêu cực như giận dữ, buồn bã, sợ hãi, không tin tưởng người khác… luôn thường trực bên trong, luôn tái diễn nhưng tôi không biết vì sao lại như vậy và điều đó khiến tôi thấy yếu đuối, và thấy mình không xứng đáng

- Tôi không thể quên một ký ức đau buồn và nó trở thành nỗi ám ảnh, nỗi sợ vô hình, làm tôi không thể bước ra khỏi vùng an toàn để trở thành phiên bản tốt hơn như mình muốn...

Và khi tình huống xảy ra, họ thường xử lý một cách khá “bản năng”. Có lần thành công, nhưng khi gặp lại tình huống tương tự, họ vẫn rơi vào tâm trạng cũ và không tự thoát ra được những cảm xúc đó. 

Khi tham gia vào các chương trình đào tạo của các chuyên gia hàng đầu thế giới về Giải phóng Nội tại, tôi có cơ hội để hiểu sâu hơn về những điều mà tôi đã từng nghe, từng trải qua liên quan đến nỗi sợ học được, hay còn gọi là nỗi sợ xã hội. Và hơn thế, những giải pháp để giúp mọi người “chơi với nỗi sợ” thay vì né tránh hoặc tiếp tục sợ hãi một cách vô cớ. 

Theo tiến sỹ tâm lý học M. Lewis & J.M. Haviland-Jones viết trong cuốn “Cẩm nang cảm xúc” (Handbook of Emotion): “Sợ hãi có liên quan mật thiết đến cảm xúc lo lắng, xảy ra do các mối đe dọa được cho là không thể kiểm soát hoặc không thể tránh khỏi. 

[1] Phản ứng sợ hãi phục vụ cho sự tồn tại bằng cách tạo ra các phản ứng hành vi thích hợp, vì vậy nó đã được bảo tồn trong suốt quá trình tiến hóa. 

[2] Nghiên cứu xã hội học và tổ chức cũng cho thấy rằng nỗi sợ hãi của các cá nhân không chỉ phụ thuộc vào bản chất của họ mà còn được định hình bởi các mối quan hệ xã hội và văn hóa của họ, những mối quan hệ này hướng dẫn họ hiểu về thời điểm và mức độ cảm thấy sợ hãi.” 

Nói theo một cách khác, nỗi sợ hãi xã hội (social fears) là những nỗi sợ mà chúng ta học được trong suốt quá trình sống. Nó có thể là nỗi sợ mà chúng ta học trong chính trải nghiệm của mình, nó cũng có thể là nỗi sợ mà chúng ta học được khi quan sát từ người khác. 

Ví dụ, nếu một đứa trẻ ngã xuống hồ nước và cố gắng thoát ra, chúng có thể phát triển chứng sợ hồ, độ cao (chứng sợ độ cao), không gian kín (chứng sợ không gian kín) hoặc chứng sợ nước (chứng sợ nước).

Hay khi thấy một người đồng nghiệp bị chê trách và bị nhận xét sau khi trình bày một phương án, chúng ta sẽ cảm thấy “ngại” và hơi có phần lo lắng khi đến phiên trình bày của mình (dù mình đã chuẩn bị rất kỹ). Lúc đó, chúng ta bị nỗi sợ “tôi không đủ tốt”.

Hay bỗng nhiên bạn được sếp gọi vào phòng với một chất giọng khá nghiêm túc. Lúc đó bạn sẽ như thế nào? Phải chăng bạn sẽ cảm thấy có chút hồi hộp, lo lắng và nghĩ ngay: “Không biết có chuyện gì?” hay “mình đã làm sai điều gì?” trước khi bạn vào phòng sếp? Phải chăng, trước đó, bạn đã từng bị gọi vào phòng sếp như thế và đi ra với kết quả không vui?

Khi nghiên cứu về phương pháp Giải phóng Nội tại, chúng tôi tìm hiểu 7 nỗi sợ xã hội chính mà mọi người hay gặp phải: 

Sợ bị từ chối

Sợ gặp rắc rối

Sợ bị thất vọng

Sợ mắc lỗi

Sợ bị phán xét

Sợ thất bại

Sợ rằng tôi không đủ tốt

Chúng ta hiểu rằng, nỗi sợ tạo ra một vùng tự phòng vệ/an toàn (self-preservation zone) nhằm bảo vệ chúng ta. Nhưng nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn đó thì nó sẽ khiến chúng ta không vượt xa hơn cho chính bản thân mình. 

Nếu bạn thấy đâu đó mình đang có những nỗi sợ như vậy, chúng ta sẽ cùng đi tiếp vào phần sau nhé. 

Đây là câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều mỗi khi làm việc với khách hàng. 

Nếu tìm kiếm trên các kênh thông tin, chúng ta dễ dàng tìm thấy những từ khoá như “vượt qua nỗi sợ”; “kiểm soát nỗi sợ”; “sống chung với nỗi sợ”; “chiến thắng nỗi sợ”… nhưng có lẽ ít người nghĩ đến khái niệm “Chơi với nỗi sợ”...

Nếu chúng ta biết rằng, nỗi sợ không đáng sợ như chúng ta đã từng ám thị...

Nếu chúng ta biết rằng, nỗi sợ, ở một góc độ nhất định, nó đang giúp bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm (bắt đầu hoặc lặp lại)...

Nếu chúng ta biết rằng, nỗi sợ chính là một bản đồ kho báu để tìm ra những siêu năng lực của mỗi chúng ta...

... thì thay vì chiến thắng nó, hay kiểm soát nó, chúng ta sẽ chơi với nó. 

Ước mơ của bạn là gì? 

Khi bị kẹt lại trong vùng an toàn do nỗi sợ chi phối, bạn muốn thoát ra nhưng không thể. Bạn cần một lực kéo. Lực kéo ấy đến từ chính ước mơ lớn của bạn.

Bạn thực sự mong muốn điều gì? Nó có phải là một sự khát khao để có được nó? Có khi nào, chỉ cần nghĩ đến ước mơ đó thôi, tim bạn đã đập liên hồi và cơ thể bạn ngập tràn năng lượng và một tinh thần sẵn sàng “chiến đấu” vì nó?

Tìm ra ước mơ của mình và hãy để ước mơ đó là động lực giúp bạn vượt lên tất cả

Nhận diện và gọi tên nỗi sợ

Chắc chắn chúng ta không thể chơi với 1 đối tượng mà chúng không biết đó là ai, là cái gì...

Khi gặp phải một tình huống khiến mình bị dừng lại, hãy luôn đặt câu hỏi “Vì sao mình lại làm/nghĩ/cảm thấy như vậy?”; “Điều gì khiến mình làm/nghĩ/cảm thấy như vậy?”

Khi có câu trả lời, hãy tiếp tục đặt câu hỏi để tìm ra “câu-trả-lời-phía-sau-câu-trả-lời”.

Bạn càng trả lời được nhiều lớp câu hỏi thì bạn sẽ nhận ra một mô thức chung của nỗi sợ. Từ đó bạn sẽ GỌI TÊN được nỗi sợ thực sự đang tồn tại bên trong mình.

Nhận diện và gọi tên những siêu năng lực của bạn

Trong bước thứ hai, khi bạn dũng cảm đối diện và đi sâu vào những thứ ẩn sâu qua biểu hiện bên ngoài của nỗi sợ, bạn cũng sẽ nhận ra các siêu năng lực mà bạn đã có khi giải quyết các tình huống do nỗi sợ chi phối. 

Thông thường, chúng ta không nhận ra những siêu năng lực vốn có của mình. Đây thực sự là siêu năng lực của CHÍNH BẠN vì nó đã nằm trong tiềm thức của bạn và được bộc lộ một cách vô thức khi bạn bị đẩy vào tình huống nào đó.

Tại thời điểm này, bạn đã khác gì so với thời điểm xảy ra các tình huống không vui? Bạn có thêm năng lực gì mới? 

Hãy mạnh dạn ghi ra tất cả những siêu năng lực của mình (kể cả những thứ rất buồn cười nhé bạn!)

Ghi nhận 

Hãy nhìn lại toàn bộ chuỗi các hành động, sự kiện, bối cảnh, tình huống đã xảy ra với bạn khiến bạn sợ để thấy rằng chúng đã diễn ra là VÌ BẠN. Chúng chỉ muốn tốt cho bạn. Chúng muốn bạn được an toàn. Chúng đang muốn bảo vệ bạn. Hãy BIẾT ƠN tất cả vì ĐÃ XẢY RA với bạn!

Hãy THỪA NHẬN và TRÂN TRỌNG những siêu năng lực mà bạn đang sở hữu

Hãy viết ra/nói ra. Bạn càng nói ra/viết ra, bạn sẽ càng dễ dàng khám phá ra những điều thú vị

Chơi với nỗi sợ

Những nỗi sợ vốn được hình thành từ lâu nên việc làm quen và chơi với nó cũng sẽ cần thời gian cho mỗi chúng ta. Khi nỗi sợ bỗng nhiên quay trở lại, hãy: 

Bước 1: Hít thở thật nhẹ nhàng (3-5 nhịp)

Bước 2: Lắng nghe phản ứng trong cơ thể mình để nhận biết xem nỗi sợ đang khiến mình như thế nào? Đã có những thay đổi trong cảm xúc so với lần trước chưa? Có những tién bộ nào mỗi lần mình gặp lại nỗi sợ ấy? 

Bước 3: Nhắc nhở mình rằng, nỗi sợ đó đã là quá khứ. Ta đã từng sợ vì lúc đó ta không đủ. Còn bây giờ, ta là một người... (kể tên những siêu năng lực của mình). Ta đủ năng lực để giải quyết những gì mà nỗi sợ đang cố gắng giúp ta.

Bước 4: Nhận diện rằng nỗi sợ là quá khứ. Ta là của hiện tại với nhưng năng lực vượt trội để vượt qua mọi khó khăn.

Bước 5: Hít một hơi thật dài, thật sâu để trở lại thực tại với ước mơ lớn của mình. Hãy luôn để ước mơ lớn của bạn hiện diện (bằng hình ảnh vật lý hoặc trong tâm trí bạn). 

Hãy luyện tập thường xuyên để biến nỗi sợ của bạn thành người bạn của mình nhé! Hãy để nỗi sợ thực sự là một bản đồ kho báu dẫn chúng ta tới ước mơ lớn của mình. Chúc các bạn luôn dũng cảm để Ước mơ lớn và dấn thân cho vinh quang phía trước!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top