Sáng 25/6, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có buổi giao lưu và ra mắt sách “Thập kỷ vàng - Trang sử mới” phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Cuốn sách chất chứa nhiều tâm huyết của ông Lê Viết Hải với những hoài bão đưa ngành xây dựng Việt Nam vươn ra thế giới, tiếp cận dân số trên 7 tỷ người trong thập kỷ vàng 2020.
Chia sẻ về "đứa con tinh thần" này, ông Lê Viết Hải cho biết cuốn sách “Thập kỷ vàng - Trang sử mới” là tác phẩm được ra đời trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới, và Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đã giành được những kết quả bước đầu xuất sắc trong nỗ lực chống lại đại dịch. Chính vì thế, cuốn sách hơn 200 trang là những điều trăn trở của tác giả về một dân tộc đã chiến thắng “giặc” COVID khiến cả thế giới nể phục, một đất nước trải qua nhiều bom đạn vẫn giữ được hòa bình, lại chưa thể thắng trên mặt trận kinh tế, chưa vượt lên hàng đầu trong thời kỳ phát triển như hiện nay.
Ông Lê Viết Hải nhận định, thập kỷ tới (2020 - 2030) là cơ hội vàng khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số vàng, trong đó số lượng người ở độ tuổi lao động lớn gấp 2 lần người phụ thuộc. Đây là điều kiện để đất nước bứt phá và trở thành một cường quốc. Dân số vàng cộng đức tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi của người Việt Nam là một ưu thế vô cùng lớn trong chuỗi cung ứng, là cơ hội cho ngành công nghiệp xây dựng từ phân khúc nhà ở dân dụng sẽ phát triển sang công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Nếu chỉ phát triển ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ chỉ phục vụ được cho 90 triệu dân, nhưng nếu chúng ta phát triển ra toàn cầu thì sẽ có cơ hội phục vụ cho 7,7 tỷ dân số.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã ứng dụng sáng tạo và hiệu quả công nghệ thi công hiện đại, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, tốc độ, an toàn và có giá thành hợp lý. Ông Hải cho biết, thực tiễn đã có nhiều công ty Việt Nam thi công những công trình rất lớn như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, cầu Thăng Long, đường dây 500kV và cầu dây văng Bãi Cháy, hầm Đèo Cả. Một loạt công trình nhà máy thép Hòa Phát ở Dung Quất - Quảng Ngãi, nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng đều do các công ty Việt Nam xây dựng với tốc độ hoàn thành rất nhanh.
Nhiều công ty xây dựng có khả năng quản lý thi công đồng thời vài chục tòa nhà cao tầng với hàng ngàn căn hộ như dự án Vinhomes Grand Park tại TP.HCM hay Vinhomes Ocean Park tại Hà Nội. Các nhà máy sản xuất chế biến tại các khu công nghiệp trên khắp Việt Nam cũng đều do doanh nghiệp Việt xây dựng an toàn và chất lượng.
Công nghệ Topdown, bao che trượt (Climbing System), đặc biệt là hệ bao che trượt tự leo ACS (Auto Climbing System), hệ Gangform… đã được các doanh nghiệp Việt như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình áp dụng thành công vào các công trình ở Việt Nam mang tầm quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã phát triển các phần mềm như PMS, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng "dữ liệu lớn" (Big Data), ứng dụng AI và xây dựng hệ sinh thái nhằm thích ứng và phát triển đột phá cũng như đảm bảo an toàn lao động...
Trong khi đó, về giá thành xây dựng, điển hình xây dựng nhà cao tầng cho giới trung lưu ở Việt Nam, các doanh nghiệp xây dựng thực hiện rất cạnh tranh, nằm trong khoảng từ 400 - 600 USD/m2, trong khi các nước phát triển dao động từ 1.800 - 3.000 USD/m2.
Về an toàn lao động trong xây dựng công trình cao tầng, điển hình như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình năm 2018 và năm 2019 đã đạt được một kỳ tích hơn 150 triệu giờ lao động không tai nạn trên hàng trăm công trường.
Điều này cho thấy ngành xây dựng Việt Nam hội đủ các điều kiện để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Cuốn "Thập kỷ vàng - Trang sử mới" của doanh nhân Lê Viết Hải, cho rằng chúng ta đã bỏ lỡ "hai cơ hội quý báu để cất cánh". Giờ đây là cơ hội vàng, thập kỷ vàng để Việt Nam hóa rồng, đặc biệt khi thế giới mới được xác lập qua trận đại dịch COVID-19.
Trong sách có đoạn: "Nếu bây giờ không hành động khẩn trương và quyết liệt thì về sau chúng ta sẽ ân hận khi nhìn lại lịch sử vì thập kỷ vàng quý giá chỉ còn có một, khi đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa sai. Trong nguy có cơ và với tinh thần lạc quan nhất định chúng ta sẽ tìm thấy những cơ hội và vượt qua những thử thách". Sau Covid-19, một trật tự thế giới mới sẽ được xác lập. Khi đó, doanh nghiệp nào nhanh chân, biết bắt kịp xu hướng và tận dụng thời thế sẽ thắng thế và càng vươn xa.
Đồng thời, cuốn sách này cũng chỉ ra 7 nút thắt cần tháo gỡ để ngành xây dựng chinh phục thế giới, gồm: Nhà thầu Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thi công xây dựng quốc tế; Tình trạng tài chính hạn chế cho đầu tư ở thị trường nước ngoài; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng bộ và chưa đủ chuẩn quốc tế; thiếu bằng sáng chế phát minh về kỹ thuật công nghệ, điều kiện hạn chế cho nghiên cứu và phát triển; các hiệp hội ngành nghề liên quan chưa đủ sâu và thiếu sự liên kết, thiếu quyền hạn theo luật định trong ngành xây dựng; thiếu sự hợp lực và quyết tâm cho mục tiêu chiến lược mang tầm quốc gia; chưa sẵn sàng cho sự bão hòa và biến động của thị trường trong nước.
Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 tại Huế, là con trai thứ 8 của cố Nhà giáo Lê Mộng Đào, cố Hiệu trưởng trường Bồ Đề - Huế và cố Chủ tịch Danh dự HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Năm 1967, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Năm 1970 - 1977 ông theo học tại trường Pestrus Trương Vĩnh Ký, nay là trường Lê Hồng Phong. Năm 1985, ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM. Năm 1987, ông Lê Viết Hải sáng lập và lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và đưa doanh nghiệp phát triển cho đến ngày nay.
Ông Lê Viết Hải có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng nước nhà, đề xuất nhiều kiến nghị lên Chính Phủ trong việc xuất khẩu công nghiệp Việt Nam ra thị trường toàn cầu. Ngoài kinh doanh, ông Lê Viết Hải còn có năng khiếu chơi đàn, cảm thụ âm nhạc và sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Xin đừng hờn ghen, Cánh diều ngược gió, Hòa Bình ca, Ta ra trận, Hành khúc Hòa Bình, Mọi bước đi - Một giá trị, Xuân và Gió đông.