Aa

Chủ tịch TP. Hà Nội làm trưởng ban chỉ đạo lập quy hoạch đô thị sông Hồng

Thứ Bảy, 07/01/2017 - 20:01

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 7339/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (Ban Chỉ đạo), tỷ lệ 1/5.000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Ảnh: Minh họa.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Ảnh: Minh họa.

Theo quyết định, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung là Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng là Phó Trưởng ban thường trực. Hai Phó trưởng ban gồm Giám đốc Sở QHKT và Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Đại diện sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm giữ vai trò thành viên.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Ủy viên Ban Chỉ đạo là Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị chủ động giải quyết thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm đơn vị mình phụ trách; tham mưu, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, UBND thành phố.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm chủ trì, đầu mối tổ chức thẩm định và trình Ban Chỉ đạo, UBND thành phố xem xét quyết định; tham mưu các nội đung chuyên môn đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn và chuyên gia để thực hiện các công việc lập, thẩm định quy hoạch; tổ chức Hội đồng thẩm định trước khi trình Ban chỉ đạo, UBND thành phố phê duyệt; đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo theo các quy định hiện hành.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị đầu mối phối hợp, rà soát, hướng dẫn các đơn vị tư vấn nước ngoài hoàn thiện đồ án quy hoạch, báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm: Tổng hợp các ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo; trình Trưởng ban xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo. Mời họp các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn; chuẩn bị các nội dung, yêu cầu cần thiết tại cuộc họp, trình Trưởng ban (hoặc Phó trưởng ban thường trực) xem xét, quyết định. Gửi thông báo của Ban Chỉ đạo đến cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn có liên quan theo ý kiến kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Trước đó, vào tháng 10/2012, UBND TP. Hà Nội đã ký và ban hành Quyết định số 4770/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000.

Phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Đan Phượng, Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm với quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 11.513ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 130.000 - 168.000 người.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hoá các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Cùng với đó là hình thành các loại hình quy hoạch như phòng chống lũ, đê điều, đất đai... góp phần cấu thành và thực hiện hoá quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội một cách đồng bộ. 

Bên cạnh đó, bảo đảm tuyệt đối về lũ sông Hồng cho đoạn tuyến kết hợp cải tạo phù hợp với Luật Đê điều, bảo đảm giao thông thuỷ, ổn định dòng chảy, chống ngập lụt cho khu vực trên cơ sở sở ổn định hệ thống đê theo tiêu chuẩn đặc biệt.

Quy hoạch cũng là cơ sở để chỉnh trị ven sông, quy hoạch xây dựng hai bên sông theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo lập hành lang xanh sông Hồng và theo hướng kế thừa truyền thống văn hoá, lịch sử của Thủ đô.

Quy hoạch được kỳ vọng sẽ phát huy được các yếu tố thuận lợi, khai thác các tiềm năng về điều kiện tự nhiên của khu vực, tạo được nét đặc trưng riêng với hệ thống công viên cây xanh, đường ven sông, các trung tâm công cộng, dịch vụ du lịch, văn hóa, giải trí, các khu đô thị ven sông, gắn kết với các dịch vụ hạ tầng hiện đại theo mô hình đa chức năng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải tạo hoàn chỉnh lại khu vực dân cư hiện có hai bên sông Hồng.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top