Chủ tịch Vinamit: “Đã ngại khó thì đừng khởi nghiệp”

Chủ tịch Vinamit: “Đã ngại khó thì đừng khởi nghiệp”

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Hai, 25/04/2022 - 06:09

Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên: “Khởi nghiệp mà tài chính không biết, kế toán không biết, kế hoạch không biết, marketing cũng không biết, rồi sản xuất cũng phải giao cho người khác toàn bộ… thì sao có thể thành công”.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 23: Chủ tịch Vinamit: “Đã ngại khó thì đừng khởi nghiệp”  

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

NHIỀU NĂM LÀM THUÊ RỒI MỚI KHỞI NGHIỆP

Xuất thân trong một gia đình có 9 người con, cha là công chức Nhà nước, còn mẹ có một tạp hóa nhỏ, Nguyễn Lâm Viên đã trải qua thời thơ ấu nhiều nỗi âu lo. Những năm đầu sau giải phóng là giai đoạn đầy khó khăn với gia đình ông khi bố nghỉ làm, công việc buôn bán của mẹ thu hẹp lại và bà phải nằm bệnh suốt ba năm liền. Nguyễn Lâm Viên lớn lên với giấc mơ ấp ủ là phải giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó. Đó cũng là lý do thôi thúc ông từ bỏ đam mê âm nhạc và lĩnh vực khoa học xã hội để theo đuổi con đường kinh doanh sau này.

Vào những năm 1985, tranh thủ ngoài giờ học, Nguyễn Lâm Viên đi bỏ mối pin và tham gia may chiếu cho Tổ hợp chiếu Ngọc Xuân ở quận Gò Vấp TP.HCM. Ông cũng từng học nghề ở xưởng cơ khí Huỳnh Đức, nhưng thực ra chỉ làm công việc quét dọn, tạp dịch… Sau khi tốt nghiệp ngành nông lâm, Nguyễn Lâm Viên về Công ty Nông trường Sông Ray. Từ đây, ông tiếp cận công việc xuất khẩu và học được những điều cần thiết trên hành trình phát triển của Vinamit sau này.

Khi rời Công ty Nông trường Sông Ray Đồng Nai, Nguyễn Lâm Viên tiếp tục về làm việc tại một công ty xuất khẩu mỹ nghệ ở TP.HCM. Và từ đây, chàng thanh niên Nguyễn Lâm Viên bắt đầu xây con đường đi cho riêng mình bằng Tổ hợp xuất khẩu mây, tre, lá Đồng Tâm. Nhưng chỉ ít năm sau khi nhận ra nguồn nguyên liệu mây, tre, lá không phải là vô tận, ông lại phải trăn trở, tìm lối đi khác cho mình.

Thời điểm đó, mặc dù chưa có nhiều niềm đam mê với nông sản nhưng Nguyễn Lâm Viên nhận thấy, đất nước thời bấy giờ rất thiếu thốn lương thực thực phẩm, nhưng riêng trái cây vườn nhà thì thường xuyên bị bỏ phí. Ví dụ như mít là loại trái rất thơm ngon, nhưng khi người dân trồng quá nhiều không dùng hết thì đem bỏ hoặc cho bò ăn. Người thanh niên tuổi đôi mươi lúc ấy bèn nghĩ đến phương án thu mua mít của bà con nông dân rồi đem sấy khô và bán lại ra thị trường.

Đó cũng là lúc công nghệ hút chân không ra đời, khởi đầu cho sản phẩm trái cây sấy khô đầu tiên ở Việt Nam. Khi mít sấy khô được đón nhận, Nguyễn Lâm Viên lại nghĩ đến phải có nhãn mác, tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đó cũng là lúc đất nước bước vào thời mở cửa, Luật Doanh nghiệp được ban hành. Sau khi mua được một thiết bị chế biến trái cây sấy khô trả chậm, Công ty TNHH Đức Thành của ông Nguyễn Lâm Viên đã được khai sinh.

Mít cũng là đề tài trong Đề án tốt nghiệp khóa học ở Đài Loan của ông. Với thiết bị chế biến hàng trái cây sấy khô, Nguyễn Lâm Viên cho ra lò hai mặt hàng đầu tiên là mít và chuối sấy khô. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè ăn thử. Nghe nhận xét chân tình của mọi người là mít còn cứng và chuối còn chát, ông lại phải tìm cách khắc phục. Sau nhiều lần thất bại, những sản phẩm đầu tay “thơm ngon” của Vinamit cũng ra đời và được khách hàng đón nhận nhiệt tình.

Chia sẻ về giai đoạn khởi nghiệp bấy giờ, Nguyễn Lâm Viên cho biết, may mắn là thời điểm đó doanh nghiệp của ông là đơn vị duy nhất trên thị trường chế biến trái cây sấy khô nên các sản phẩm ra đời gần như độc nhất trên thị trường.

Được người tiêu dùng đón nhận bởi sự mới lạ, nhưng chặng đường khởi nghiệp của Nguyễn Lâm Viên cũng vô vàn trắc trở khi có lúc nguồn hàng sản xuất nhiều mà không tìm được đầu ra. Vốn có nền tảng kiến thức và từng trải nghiệm cuộc sống ở Đài Loan, ông quyết định đánh vào thị trường nước ngoài trước rồi mới quay về “sân nhà”.

HÀNH TRÌNH CỦA THƯƠNG HIỆU TRÁI CÂY SẤY LỪNG DANH

Vào những năm đầu thập kỷ 90, hàng hóa Việt Nam hầu như vẫn còn thói quen chờ khách hàng tìm đến, thì ông chủ của Vinamit quyết tâm làm điều ngược lại. Am hiểu về thị trường Đài Loan, nên thay vì đánh mạnh vào thị trường Việt Nam, ông Viên liều mình mang Vinamit sang chào hàng ở các chợ đầu mối nước này. Nhưng lúc đó các bạn hàng Đài Loan lắc đầu vì mít sấy gần như là quá mới lạ. Không từ bỏ, Nguyễn Lâm Viên tiếp tục mang Vinamit ra bày bán tại vỉa hè.

May mắn thay, đúng vào dịp Tết, các bà nội trợ Đài Loan chen nhau đi mua sắm. Qua sự mời chào chân tình của chàng thanh niên Việt, họ đã xúm nhau ở vỉa hè để nếm thử và mua Vinamit. Các nhà buôn thấy xôm tụ cũng đến nếm thử và tấm tắc khen ngon. Đây là cột mốc đánh dấu sự có mặt của Vinamit tại thị trường Đài Loan và Trung Quốc, bắt đầu từ những chuyến xe lửa, từ những chuyến xe đường dài rồi từ từ đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.

Sau khi thành công ở thị trường Trung Quốc, Vinamit mới bắt đầu quay lại thị trường Việt Nam. Hành trình của những sản phẩm sấy khô không còn chỉ là mít, mà mở rộng thêm chuối, khoai lang, dứa, khoai môn, bí sấy, cùi dừa dẻo, ổi dẻo, kẹo bơ đậu phộng… tiến dần từ các quầy bán nhỏ lẻ rồi có mặt ở hầu hết các siêu thị. Chính Nguyễn Lâm Viên cũng không ngờ rằng những sản phẩm đồng nội do chính bà con tự tay trồng nên sau đó lại được họ đích thân mua về nhà để sử dụng hằng ngày. Khi trái cây được tiêu thụ ngày một nhiều, Vinamit bắt đầu cải tiến thêm nhiều dòng sản phẩm khác như rau củ sấy khô, khổ qua, đậu bắp, ớt, đậu cô ve…

Lúc thị trường phát triển lên, Công ty TNHH Đức Thành của Nguyễn Lâm Viên sau đó đổi thành Deltafood và rồi phát triển thành Vinamit vào năm 1991. Hiện doanh nghiệp đã có hệ thống nhà máy sản xuất tiêu chuẩn với trên 600 công nhân thường xuyên và trên 3.000 công nhân vào những lúc thời vụ. Để chủ động nguyên vật liệu, thay vì chỉ đi thu mua của bà con nông dân như trước thì ông Nguyễn Lâm Viên đã tự mở các trang trại để trồng trái cây và rau củ sạch nhằm phục vụ cho chế biến.

Vinamit có khoảng 200ha đất nhân giống mít đại trà cung cấp cho khoảng 4.000 hộ trồng trọt bao tiêu theo hợp đồng 8 năm. Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Lâm Viên, sản phẩm của Vinamit hiện đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.

"MÌNH ĂN SẠCH THÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG CŨNG PHẢI ĂN SẠCH"

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Lâm Viên khi bắt tay chế biến bất cứ sản phẩm nào mang thương hiệu Vinamit. Ông bảo rằng, người kinh doanh là phải làm mọi việc xuất phát từ tâm, sức khỏe của người tiêu dùng phải luôn đặt trên lợi nhuận. Do đó, ông Viên chấp nhận một số sản phẩm đầu ra có mức giá cao hơn thị trường, nhưng phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, không để thuốc bảo vệ thực vật lẫn vào thành phẩm. Đó cũng là lý do Vinamit là số ít doanh nghiệp chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, các nước châu Âu, Bắc Mỹ...

Ông Viên xác định để sản phẩm sạch hoàn toàn tới tay người tiêu dùng, thì bản thân người đứng đầu doanh nghiệp phải khắt khe quan sát từ khâu trồng trọt, thu hái và đưa vào chế biến. Do đó, ngoài thời gian điều hành công ty thì gần như toàn bộ thời gian ông Viên “cắm dùi” ở các trang trại để theo sát khâu đầu vào, đảm bảo tiêu chí sản xuất theo đúng tiêu chí an toàn cho sức khỏe là trên hết.

Tới đây, Vinamit sẽ xây dựng thêm một nhà máy ở Buôn Ma Thuột và một ở Bình Phước để tiếp nhận nguyên liệu chế biến tại chỗ. Phương châm của ông Nguyễn Lâm Viên là nơi trồng trọt phải gắn liền với nhà máy chế biến. Ngoài việc xây dựng nhà máy, công ty còn xây dựng những căn hộ tập thể cho công nhân bằng cách bán rẻ những lô đất, cho công nhân trả góp đối với những người lập gia đình mà hai vợ chồng đều làm việc ở nhà máy. Công ty cũng khuyến khích bằng vật chất thích đáng cho những người có sáng kiến tăng năng suất trong lao động sản xuất.

TRĂN TRỞ ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT VƯƠN RA THẾ GIỚI

Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nông sản sấy khô, nhưng bản thân ông Nguyễn Lâm Viên cũng có nhiều trăn trở khi nông sản Việt phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa thể tiếp cận thị trường thế giới. Theo ông Viên, để khắc phục tình trạng trên thì chính người nông dân Việt Nam sẽ phải thay đổi cách trồng trọt, hạn chế tối đa dùng thuốc bảo quản thực phẩm, áp dụng các phương thức mới để tăng năng suất nhưng không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật – một trong những nguyên nhân chính khiến nông sản Việt bị từ chối ở các thị trường quốc tế.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Viên cũng nhận định rằng ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt.

"Thực tế là tất cả nông sản của chúng ta bị rớt giá, bởi thị trường đang thay đổi phương pháp mua bán. Nông sản từ Việt Nam ứ đọng. Cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa ổn định, mức giá vẫn thấp", CEO Vinamit nhận định.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, nếu các đơn vị trong ngành chọn con đường mua bán theo cách cũ sẽ không còn phù hợp. Các bên đều phải thay đổi phương pháp, làm ăn có kế hoạch, bài bản hơn. Bên cạnh đó, một phân khúc thị trường đã bùng nổ và không đủ hàng để bán là nhóm hàng nông sản thuận tự nhiên.

"Người ta bắt đầu chăm lo cho sức khỏe, chăm lo đến hệ miễn dịch, làm sao để sống thuận tự nhiên, sống lâu hơn, để chống đỡ với dịch bệnh...", ông Viên nói.

Nói về tương lai của nông sản tự nhiên, CEO Vinamit khẳng định Việt Nam có thể làm nhà bếp của thế giới. Hậu Covid-19, lượng khách về Việt Nam sẽ gấp hai lần. Một phần vì họ tin Việt Nam còn nhiều thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe, giá rẻ. Đây là cơ hội cho Việt Nam đưa thực phẩm vì sự sống đó ra thế giới.

Theo doanh nhân Nguyễn Lâm Viên: "Việt Nam có thể đi chợ thay các gia đình trên khắp thế giới bằng cách giới thiệu cho họ những món ăn giàu sức sống của mình. Đây cũng là hướng đi mà nhiều bạn trẻ đã nhận ra. Tương lai của ngành nông nghiệp và thực phẩm đang thuộc về giới trẻ".

NGẠI KHÓ THÌ ĐỪNG KHỞI NGHIỆP

Người sáng lập nên Vinamit chia sẻ kinh nghiệm, nếu các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì trước tiên phải biết và thích làm việc khó. Nếu chưa có khả năng ấy thì phải rèn luyện tư duy rõ ràng, tập làm việc khó.

“Làm chuyện gì mình cũng phải toàn tâm, học được nhiều thì sẽ nhuần nhuyễn rồi mới tiến bộ. Còn ý tưởng hay thì ai cũng có thể nghĩ ra, một đống ý tưởng nhưng làm được hay không mới là vấn đề", ông Viên nói.

Ngoài ra, để thành công trong khởi nghiệp thì phải tập làm thuê trước khi làm chủ. Sau thời gian làm thuê và học hỏi thì hãy tập làm CEO thật tốt rồi mới mở doanh nghiệp. Theo ông Viên, một ý hay và mới mẻ thì rất hữu ích, nhưng startup cũng phải săn tìm cơ hội mới. Mỗi người phải tự len lỏi vào xã hội, săn ý tưởng từ trong nhà, ngoài đường, tìm kiếm các dự án công, dự án tư…, làm từ nhỏ tới lớn.

Khi nhận làm công, mỗi người đều phải có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn. Nếu làm ẩu sẽ bị trừ tiền, bị bồi thường, bị mắng chửi nhiều thì sẽ dần khôn lên và tích lũy được vô vàn kinh nghiệm quý báu.

Và tới một thời điểm nào đó, chúng ta nhận thấy thời gian làm công đủ dày để tích lũy kinh nghiệm thì mới có thể làm chủ, chứ không để đùng đùng mà mở ra làm ông chủ được. Do đó, muốn làm startup thì mỗi người phải tự len lỏi để săn tìm cơ hội mới cho mình.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng với startup là phải biết đề phòng với rủi ro, phải tính đến những điều khó khăn sẽ xảy ra để có được dự tính phù hợp. Theo Chủ tịch Vinamit, có nhiều cách để startup đầu cơ phòng tránh rủi ro như mua một cây vàng cũng là đầu cơ, mua một căn nhà, mua đất… để phòng khi thất bại thì còn có cái cứu mình.

"Đầu cơ sinh lãi để cứu mình khi thất bại là điều nên làm. Không nên có bao nhiêu vốn liếng thì đổ hết cho khởi nghiệp. Kinh doanh là có thất bại, lỗ lãi là chuyện bình thường nên phải tính trước. Còn có nhiều người mới thành công chút ít đã vội mua nhà, mua xe sang, mua đồ chơi, ăn nhậu… thì đó không phải là tư duy của người kinh doanh thật sự", ông Viên chia sẻ.

ĐẶT "TÂM - TRÍ" TRƯỚC "TÀI - TIỀN"

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, điều quan trọng nhất trong khởi nghiệp là phải chịu khó học cho thành CEO thực thụ. Muốn làm CEO mà tài chính không biết, kế toán không biết, kế hoạch không biết, marketing không biết, sản xuất cũng phải giao cho người khác toàn bộ… thì khó có thể làm chủ. Anh chưa làm CEO được thì sẽ không làm chủ được, bởi vì sẽ rất dễ bị CEO "qua mặt".

Bên cạnh đó, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên cảnh báo, khi các bạn trẻ quyết định startup thì phải chắc chắn về mục tiêu và phương hướng, nếu không biết kịch bản của công ty mình sẽ đi về đâu thì rất nguy hiểm.

"Startup phải xác định được mình làm doanh nghiệp này ra để làm gì? Để kiếm tiền, để bán hay vì đam mê, để lên sàn IPO… tất cả đều phải có kịch bản đàng hoàng. Đằng này nhiều bạn cứ đùng đùng đi làm chứ không có kịch bản, cũng không biết rõ mình đang làm cái gì.

Nhiều người nghĩ rằng khởi nghiệp chỉ cần một ý tưởng hay là được nhưng khi làm ra rồi thì gặp ngay một cái cây to đùng chắn ngay trước ngõ. Khi đó bạn mới nhận ra tất cả những gì mình tưởng tượng người ta đã làm hết rồi và thế là nản chí, bỏ cuộc.

Do đó, khởi nghiệp phải biết nhìn xa trông rộng, đừng vội vàng hấp tấp sẽ dễ bị đổ vỡ ngay từ lúc khởi đầu. Ý tưởng thì nhiều nhưng khi nào người ta mua thì mới được coi là có giá trị, còn không ai mua thì phải xem lại, chắc chưa có gì hay ho”, ông Viên nhắn nhủ.

Theo Chủ tịch Vinamit, trên thực tế vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp. Muốn làm cái gì đó thì phải nghiên cứu, tìm hiểu nó cho đàng hoàng chứ không thể lao vào vay mượn khắp nơi, thế chấp cả nhà của bố mẹ rồi đổ vỡ ra thì ai gánh chịu?

"Startup mà không có những tư duy trên thì tôi đảm bảo không đi được quá 5 năm. Một doanh nghiệp phải đứng vững trên thương trường khoảng 20 năm thì tôi mới tin là thành công. Gọi vốn nhiều cũng chưa đánh giá được họ có thành công hay không mà còn phải qua cả hành trình dài.

Với những người đã có trải nghiệm đủ dày, đủ lớn với 5 yếu tố trên thì tôi tin là họ sẽ thành công, dù là ý tưởng mới hay thậm chí là đi lại con đường mà người khác đã đi…", ông Viên giãi bày.

Đối với thế hệ tiếp nối này, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng họ đang nuôi dưỡng khát vọng lớn. Nếu được định hướng, dẫn dắt tốt, doanh nghiệp của họ có cơ hội vươn xa. Nếu khởi đầu với nông nghiệp thì các bạn trẻ lại càng phải thể hiện sự bản lĩnh và kiên định với mục tiêu, nhất là trong giai đoạn nông sản Việt đang gặp nhiều thách thức.

Khó khăn luôn tồn tại, nhưng cơ hội phát triển cũng rất lớn nếu chọn được hướng đi phù hợp và từng bước giải quyết điểm nghẽn của thị trường. Khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi để phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn trái, rau sạch... kết hợp với quy trình công nghệ tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn thì sẽ có cơ hội lớn thành công cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Người sáng lập Vinamit nhận định: “Làm nông nghiệp rất lãi nhưng cần phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm, cần tiền để đầu tư đầy đủ chứ không thể tự nhiên nhảy vào làm mà thành công được. Song song đó, người chủ doanh nghiệp cũng cần phải có tư duy mở, bền bỉ với con đường đã chọn. Đó là con đường đi dựa trên yếu tố Tâm - Tín - Tài - Tiền làm nền tảng. Bởi không có chữ Tâm, chữ Tín thì doanh nghiệp cũng khó giữ được Tiền và Tài”.

 

25/04/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top