Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), thì vùng KTTĐ phía nam đã có bước phát triển mạnh mẽ.
“Đây là khu vực phát triển năng động nhất cả nước. Đã xuất hiện nhiều mô hình mới trọng cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển KTXH nói chung và nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Các kinh nghiệm về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, BRVT và các địa phương trong vùng đã là những bài học quý giá cho nhiều địa phương trong cả nước học tập”, Phó Thủ tướng nói.
Năm 2018, tổng GRDP toàn vùng chiếm trên 45% cả nước, đóng góp 42,6% tổng thu ngân sách quốc gia, riêng TP.HCM đóng góp 27,5% tổng thu NSNN.
“Vùng KTTĐ phía Nam đã thực sự là đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời là động lực thúc đẩy sự chuyển dịch KTXH của khu vực phía nam và của cả nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vùng KTTĐ phía Nam cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn cần sớm được khắc phục.
Việc thực hiện mục tiêu đi đầu trong phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, phát triển công nghệ cao, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, phát triển các dịch vụ thương mại, logistics, viễn thông… có chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh quốc tế còn chưa đạt kết quả mong muốn, chưa rõ nét.
Tăng trưởng của vùng có xu hướng chậm lại, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả nước.
Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch cao, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, dịch vụ… dẫn đến xu hướng dịch chuyển dân cư về các đô thị trung tâm, đặc biệt là TP.HCM đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng TP.HCM.
Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ được đầu tư không đáp ứng nhu cầu phát triển đã ảnh hưởng lớn đến phát triển và sự phân công hợp tác giữa các địa phương trong vùng. Trong đó phải chú ý đến các tuyến cao tốc xuyên tâm liên kết trong vùng và liên kết với vùng ĐBSCL.
Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp chưa gắn với phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, ảnh hưởng đến đời sống công nhân, người lao động.
Về quản lý Nhà nước, cơ chế điều phối phát triển vùng, đặc biệt là việc phân công hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển hạ tầng, quản lý tài nguyên… Các cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng chưa được nghiên cứu phù hợp đã ảnh hưởng đến phát triển liên kết vùng.
Ưu tiên hạ tầng để giữ vai trò động lực
Từ những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế cần khắc phục, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, vùng KTTĐ phía nam phải tiếp tục phát triển giữ vững là vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh.
“Vùng KTTĐ phía Nam phải giữ vững là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, phải trở thành trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực. Trong đó, TP.HCM tiếp tục vai trò là hạt nhân trung tâm động lực của vùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, trước hết phải hoàn thiện chính sách, cơ chế liên quan đến quản lý và phát triển vùng để khắc phục những bất cập trong huy động nguồn lực, phân công hợp tác vùng cũng như khai thác quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên như hiện nay.
Tiếp tục rà soát các quy hoạch để lập quy hoạch vùng (theo Luật Quy hoạch) trên cơ sở rà soát điều chỉnh, tái cấu trúc lại nền kinh tế của vùng, của mỗi địa phương để khai thác tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương và cả vùng, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch để cân đối nguồn lực và lộ trình đầu tư phát triển theo quy hoạch. Đặc biệt là xác định các dự án ưu tiên để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có các dự án khoa học, công nghệ, các dự án nghiên cứu - phát triển; Các dự án hạ tầng giao thông như các đường cao tốc vành đai, đường xuyên tâm nội vùng cũng như kết nối liên vùng (hệ thống giao thông đô thị; tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển, kết nối giữa các loại hình vận tải; nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư sân bay Long Thành, các dự án hạ tầng năng lượng, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu).
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung huy động nguồn lực để phát triển các đô thị vệ tinh trong hệ thống đô thị của vùng TP.HCM, các đô thị trong vùng gắn với phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, chất lượng để hấp dẫn người dân đến ở, từ đó tạo ra sự phân bổ dân cư hài hoà trong vùng, giảm áp lực cho đô thị trung tâm TP.HCM. Đặc biệt chú trọng phát triển các khu đô thị gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, phải tập trung phát triển nguồn nhân lực cho phát triển vùng: Từ nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho thời kỳ phát triển công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính.