“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển và khát vọng chinh phục biển đảo

“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển và khát vọng chinh phục biển đảo

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 28/05/2021 - 06:00

Chúng ta vẫn nghe câu “Thương trường như chiến trường”, quả thật, làm kinh tế cũng khắc nghiệt, cũng khó khăn chẳng khác gì đánh trận, nhất là khi trận địa đó, người lính phải dựa vào bản lĩnh, ý chí kiên cường và khát vọng chinh phục là chính. Người lính doanh nhân Đào Hồng Tuyển từng được xem là một kẻ mang ảo mộng dời non lấp biển, cả gan chống trời. Nhưng phải thừa nhận rằng, quả ngọt mà vị doanh nhân này nhận về là minh chứng rõ ràng về bản lĩnh của một người lính trên mặt trận kinh tế dám nghĩ dám làm, chứ không phải đơn thuần là một canh bạc may mắn.

“Lịch sử không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là để hiểu hiện tại và biết tương lai…”. Với triết lý này, có thể thấy dòng chảy của biển Việt Nam đã có một lịch sử hào hùng và vẫn đang vận động tới tương lai. Từ thuở hồng hoang, dân tộc Việt đã biết tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển để phát triển. 

Nói như PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “Ngay từ trong huyền thoại, người Việt đã xác lập cho mình một nguồn gốc biển khi miêu tả về cuộc sum họp làm nên nòi giống Lạc Hồng.

Từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm trong suốt các triều đại phong kiến, cha ông ta đã khiến cả đạo quân Nguyên Mông phải run sợ, rồi những trận chiến nơi biên ải biển Vân Đồn của tướng lĩnh nhà Trần… Còn ở thế kỷ XX, trong chiến tranh cứu nước, giải phóng miền Nam, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh thần kỳ xẻ dọc Trường Sơn đã có đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển. Kinh nghiệm và bản lĩnh sóng nước người Việt đâu có thua kém ai”. 

Thương cảng Hội An,Vân Đồn - Trung tâm giao thương quốc tế "vang bóng một thời" (Ảnh: Internet)

Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, trong lịch sử vẫn ghi nhận được những công cuộc “ra khơi xa” của những thế hệ người Việt. Ấy là thương cảng Vân Đồn một thời hưng thịnh dưới triều Lý, là một Hội An sầm uất thời Chúa Nguyễn. Rồi trong hành trình mở mang bờ cõi, cánh buồm của người Việt đã làm nên những Sài Gòn, Rạch Giá, Hà Tiên…

Thế nhưng, chính vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì dù Việt Nam từng chiến thắng vẻ vang trong những trận thủy chiến lớn nhưng lại chưa có được những thuyền buôn lớn vượt biển. Thương cảng Vân Đồn hay Hội An vang bóng một thời nhưng sau đó cũng rêu phong. 

Mãi cho đến khi bước sang thế kỷ XX, đứng trước biển bao la, người Việt mới tiếp tục vươn ra biển. PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nhận định: “Lịch sử chưa bao giờ đứt đoạn, dù đã trải qua bao thăng trầm biến cố. Hôm nay, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập và vẫn sắt son với lời thề giữ biển”.

Nối tiếp khát vọng tiến ra biển của người Việt tự ngàn đời, hành trình “dời non lấp biển” cuối thế kỷ XX được đánh dấu bằng một công trình khi đó được ví là “điên rồ” của người cựu chiến binh Đoàn tàu không số Đào Hồng Tuyển. Đó là dự án lấn biển xây đô thị ở đảo Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) vào năm 1997.

Thời điểm đó, khi ông Đào Hồng Tuyển đưa ra ý tưởng lấn biển, nối đất liền với đảo, nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể thực thi, bởi sức người, sức của thì có hạn mà sức mạnh bão tố phong ba của biển cả thì vô hạn. “Chẳng khác nào muốn mượn đá, vá trời”.

Trong trí nhớ của TS. KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, giai đoạn 1997 - 1999, đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh đó, khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á năm 1997 là nguyên nhân trực tiếp khiến các đối tác từ những quốc gia trong khu vực từ bỏ hoặc tạm dừng triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam theo đó cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tốc độ đô thị hoá chậm lại.  

“Tại thời điểm đó, nhu cầu quy hoạch xây dựng các đô thị biển hay lấn biển chưa thực sự được Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm nhiều, cũng chưa có điều kiện để phát triển các đô thị biển quy mô lớn như hiện nay. Nhu cầu phát triển các đô thị vẫn chỉ ở dạng vừa và nhỏ. Các bộ luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng vẫn chưa hoàn chỉnh. Do đó, tư duy để lấn biển, tiến biển, mở rộng các đảo có thể nói là khá táo bạo và có tầm nhìn xa. Phải mãi đến sau này, các quy định, chính sách, bộ luật liên quan đến biển đảo, đô thị biển mới được ban hành”.

Có thể nói, trước những khó khăn như vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp dùng tiền để mở rộng kinh doanh theo những cách làm quen thuộc thì ông Đào Hồng Tuyển lại quyết định hiện thực hóa ý tưởng của mình bằng cách đem tiền “đổ” xuống biển.

Trong gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long, Tuần Châu nằm ngay tại cửa ngõ của di sản thiên nhiên thế giới và là hòn đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Nhưng chính sự cách trở về địa lý giữa đảo và đất liền khiến người dân xã đảo luôn sống trong cảnh khó khăn, không điện, nước. Nhưng thay vì chỉ nhìn thấy khó khăn của Tuần Châu, anh lính Đào Hồng Tuyển đã nhìn thấy được một tương lai rộng mở nếu như quyết tâm khắc phục khoảng cách 2,5km nối liền đảo với đất liền.

Lúc này, chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh đã củng cố thêm cho ông Tuyển ý định đầu tư vào dự án Tuần Châu. Để đắp một con đường nối đất liền với đảo, theo dự toán thời đó, tiến hành trong vòng 3 năm và đầu tư một khoản tiền không dưới 80 tỷ đồng. Tám mươi tỷ đồng, một số tiền mà đối với một doanh nghiệp Nhà nước thời bấy giờ còn khó huy động, nói chi đến ông, chỉ là một doanh nghiệp tư nhân mới nổi. Huy động được 80 tỷ đồng mua đất đá, đổ xuống làn nước trong xanh thật đúng là “muối bỏ biển”, có người còn bảo chỉ là “dã tràng xe cát”

Ông Tuyển đã chia sẻ rất nhiều lần với truyền thông rằng, năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắp thỏm lo âu của ông. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể nhấn chìm công lao, tiền bạc của ông xuống sông xuống biển.

Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Bạn bè xa lánh. Mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng, chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án.

Và sau 3 năm, con đường đã hoàn thành. Một nơi mà trước năm 1997 chỉ là một xã đảo nghèo trực thuộc thành phố Hạ Long, người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt thô sơ, trên đảo không có điện, không có nước, không có chợ, giao thông bị cách biệt, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn…, đã trở thành một địa danh - trung tâm du lịch giải trí nổi tiếng cả nước và trên trường quốc tế.

Năm 2013, ông Tuyển tiếp tục đổ tiền xuống biển lần thứ 2 khi cùng các cộng sự quyết định xây cảng tàu thủy nội địa và quốc tế. Trước đó, nơi đây chưa có bến tàu, nên khách thăm vịnh phải tay xách nách mang hành lý đi từ tàu nhỏ ra tàu lớn. Trong khi đó, tàu chất lượng kém, khách hàng bị “chặt chém”, công tác quản lý khó khăn. Nhưng sau 3 năm, một bến tàu dài hơn 10km được hình thành và đưa vào sử dụng, có thể cùng một lúc chứa được 2.200 tàu đậu và tránh trú bão, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hơn 1.000 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động. 

Giờ đây, người dân Quảng Ninh tự hào vì sau một chặng đường gần 25 năm nhìn lại, từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam, nay Tuần Châu đã trở thành một phường khang trang thịnh vượng, trở thành một tên tuổi trong bản đồ du lịch thế giới. Cũng từ đây, vị doanh nhân này đã được biết đến với danh hiệu “Chúa đảo”.

Cho đến nay, giới chuyên gia, nhà khoa học vẫn khẳng định, việc lấn biển thành công của ông Đào Hồng Tuyển là một trong những kỳ tích của người Việt Nam. Vị doanh nhân này đã dám “dời non lấp biển”, mở rộng quỹ đất, mở rộng tầm nhìn ra biển, dần xóa bỏ tư duy “xa rừng, nhạt biển”. Đây là minh chứng cho một thời kỳ mới, nhận thức mới, tuy duy mới của người Việt, dám nghĩ dám làm.

Từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam, nay Tuần Châu đã trở thành một tên tuổi trong bản đồ du lịch thế giới.

Ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - vị chuyên gia luôn ủng hộ tư tưởng tiến ra biển, khai thác giá trị biển để đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và đất nước chia sẻ: “Chúng ta đã có những đô thị lấn biển đầu tiên và chính tôi là người ủng hộ những địa phương này lấn biển, sau đó theo dõi quá trình thực hiện và kết quả của công cuộc lấn biển. Điển hình phải nhắc đến Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), đây chính là công cuộc lấn đảo, lấn biển có tầm nhìn và đã thành công”.

Từ ngày có bến cảng Tuần Châu, khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long thuận tiện dễ dàng hơn. Sau nhiều năm tiếp tục mở rộng lấn biển, đến nay, diện tích của Tuần Châu gấp hơn 2 lần diện tích cũ. Ông Trần Ngọc Hùng khẳng định, thành quả của Tuần Châu là minh chứng thực tiễn, là bài học chân thực về câu chuyện phát triển đô thị lấn biển trong tương lai.

Câu chuyện tiến biển của ông Tuyển trong bối cảnh lịch sử này khiến người viết nhớ đến cuốn “Người tình báo vĩ đại”, viết về Richard George - một nhà tình báo nổi tiếng người Nga. Dù không hề nằm trong bộ máy tham mưu của phát xít Đức, nhưng ông biết nghe ngóng, phân tích, tổng hợp tin tức rồi đưa ra những quyết định báo cáo về Bộ Chỉ huy quân đội Xô Viết: Đức tấn công thế nào, đâu là mặt trận giả, đâu là mặt trận thật.

Tư duy của ông Tuyển cũng vậy, khi bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn giao thoa, đổi mới, bối cảnh quốc tế xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ, khi hàng trăm doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân còn đang ở chế độ “cầm chừng”, “nghe ngóng” thì ông Tuyển lại tự tạo cho mình thời cơ, cơ hội vàng để làm giàu. Nếu không nghe, không phân tích, quan sát, nhìn xa để biết đâu là cơ hội, thì ông Tuyển sẽ không gom hết vốn từ trong Nam ra đầu tư vào Tuần Châu. Cùng với đó, cơ sở niềm tin của ông Tuyển chính là kinh nghiệm dầy dạn qua nhiều chặng đường cũng không ít bầm dập, tinh thần kinh doanh của ông được khơi dậy bằng tư tưởng đột phá, là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và tin vào sự hồi phục của thị trường, của kinh tế đất nước và của doanh nghiệp mình.

Thành quả đạt được khi chính ông là người mở màn cho xu hướng phát triển đô thị biển đảo và tiên phong cho việc thực thi chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh. Thậm chí, vấn đề này còn được đưa vào quy định chính thức cơ chế “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1998).

Từ đó mà Quảng Ninh mới xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất những năm về sau với nhiều dự án nổi bật như: Có sân bay duy nhất do tư nhân đầu tư (Vân Đồn). Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh hiện có tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất (trên 100km). Cùng với đó là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dài khoảng 270km giúp rút ngắn thời gian và quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long, đến Vân Đồn và mảnh đất địa đầu Móng Cái.  

Việc khởi nguồn của một tư duy mới vào những năm cuối 90 của thế kỷ trước là điều rất có ý nghĩa với thị trường và nền kinh tế đất nước. Nói như PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: “Tuần Châu có thể xem là một ví dụ hay, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”, tranh thủ huy động vốn doanh nghiệp bằng “cơ chế” đúng, chấp nhận “đánh đổi” nhưng hai bên đều có lợi”.

Những ý tưởng “điên rồ” của ông Đào Hồng Tuyển không chỉ dừng lại ở Tuần Châu mà còn trải dọc từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, người ta nhận ra các dự án táo bạo của vị doanh nhân này có một điểm chung là gắn liền với thiên nhiên như sông nước, biển đảo hay núi rừng.

Vị doanh nhân này đã từng khẳng định: “Nếu chỉ có mỗi Tuần Châu, chúng tôi chỉ làm được những việc nho nhỏ như đã thưa ở trên. Nhưng với những người tâm huyết, nếu có sự chung tay hợp sức của những nhà điều hành đất nước, những nhà đầu tư trong và ngoài nước thì tôi tin rằng, trong 10 năm - 20 năm nữa, Việt Nam chúng ta sẽ có được một nền công nghiệp không khói vững mạnh”.  

Điều này được chứng minh khi ông Tuyển và Tuần Châu có được thành công như hôm nay là nhờ tuân thủ nguyên tắc cân bằng và hài hoà lợi ích giữa việc bảo tồn những thắng cảnh đẹp của Hạ Long nhưng vẫn cải tạo khai thác hiệu quả những nơi hoang vu, sỏi đá đầm lầy. Nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn của ông Tuyển lúc đó có thể coi là tín hiệu khởi đầu, truyền thông điệp đến các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp không khói sau này. Bởi ở bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, nếu doanh nghiệp không gắn lợi ích của mình với bảo tồn các giá trị thiên nhiên hay di sản văn hoá dân tộc, thì không những Việt Nam sẽ không giữ được nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau, cũng như gìn giữ những giá trị giúp dân tộc trường tồn, mà bản thân doanh nghiệp cũng không thể phát triển bền vững. 

Tháng 12/2019, ông Đào Hồng Tuyển tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia để phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Sau nhiều năm nhìn lại ngành du lịch - công nghiệp không khói của Việt Nam, vẫn dễ dàng nhận ra rằng, có không ít những doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, đặt giá trị lợi ích khai thác được lên trên câu chuyện bảo tồn. Nhiều di sản đang bị khai thác đến mức kiệt quệ…

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẻ rằng: “Ông Tuyển cũng trở thành người tiên phong tiến biển ở nước ta, nhưng công bằng mà nói, tôi quan tâm rộng hơn không chỉ hình thức về một “đảo ngọc” đẹp mà các bài học tiến biển từ Tuần Châu và về Tuần Châu cần được rút ra và nhân rộng. Ví dụ, vị thế và vẻ đẹp Tuần Châu sẽ được tôn vinh hơn thế nữa nếu tiến biển, nối kết bờ với đảo không phải bằng một con đường mà bằng một cây cầu đẹp về kiến trúc, có giá trị văn hóa biển riêng và là một điểm đến của du khách... Khi đó, “tính đảo” của Tuần Châu còn nguyên vẹn, chứ không bị “đất liền hóa” theo cách lấn biển như vậy”.

Không dừng lại ở Tuần Châu, mang trong mình một động lực “nếu không dám mơ ước làm những việc động trời, không dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, thì sẽ khó có những thành công và thay đổi to lớn, mới đây, ông Tuyển đã đề xuất ý tưởng xây dựng thành phố hải sản ở khu vực Sông Đốc (Cà Mau), trong đó có thể lấn biển với diện tích khoảng 500ha, thậm chí cần thiết làm cả sân bay.

Trước đó nữa, đầu năm 2017, vị chúa đảo Tuần Châu cũng khiến dư luận đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi bày tỏ ý muốn làm siêu dự án Thành phố Mới New City tại huyện Củ Chi (TP.HCM) có diện tích khoảng 15.000ha, rộng gấp 22 lần khu đô thị Thủ Thiêm hiện tại. Tổng dự toán kinh phí đầu tư cho các dự án trên khoảng 65.000 tỷ đồng.

Sau đó, ông cũng đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City rộng 345ha, quy mô dân số khoảng 7.500 người định cư.

Từ Tuần Châu tới Vũng Tàu, TP.HCM và Cà Mau, có thể nhận thấy “khẩu vị” đầu tư của doanh nhân họ Đào vẫn luôn là những dự án tầm cỡ, khó nhằn nhưng đầy táo báo. Nó cũng thể hiện phần nào tính cách của người lính Cụ Hồ, không sợ khó, không sợ khổ, dám dấn thân, dám làm vì lợi ích đầu tiên là lợi ích quốc gia, dân tộc rồi mới đến lợi ích cá nhân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, với dự án ở Cà Mau, ông Đào Hồng Tuyển dường như đang có những tính toán mới. Bởi nhìn về tổng thể, Cà Mau đang có những nét tương đồng với Tuần Châu của quá khứ. Cà Mau còn quỹ đất nhiều, hệ sinh thái nguyên sơ, nếu phát triển bên trong rất dễ thực hiện, nhưng thị trường sẽ bão hòa rất nhanh. Muốn phục vụ lâu dài cho thị trường quốc tế thì phải lấn ra biển. Hiện nay, kinh tế của người dân vẫn chủ yếu là ra khơi, đánh bắt cá.

Ông Đào Hồng Tuyến trong  buổi  làm  việc  với  lãnh  đạo  Cà  Mau
Ông Đào Hồng Tuyển trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau và đề xuất xây dựng một thành phố hải sản ở Cà Mau và lấn biển làm sân bay.

Với kinh nghiệm từ Tuần Châu, ông Tuyển biết rằng, vốn liếng bỏ ra nếu lấn biển Cà Mau để xây dựng cảng, xây dựng sân bay sẽ không nhỏ, nhưng khi được xây dựng theo quy hoạch và ý tưởng thiết kế, đồng thời khai thác được lợi thế tài nguyên du lịch và vị trí đắc địa của vùng đất mũi, chắc chắn sẽ đem lại những giá trị lớn cho người dân, địa phương, doanh nghiệp, đối tác.

Ở một góc nhìn khác, có thể thấy rằng, vài năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án du lịch hấp dẫn khác trải dài từ Bắc vào Nam, khu vui chơi Tuần Châu và tiếng vang của ông Tuyển đang dần chìm vào quên lãng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu ông Tuyển đổ tiền làm dự án tại Cà Mau như một cách “trở mình” làm nóng, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp.   

Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, vị doanh nhân này là người lính, một người lính biết phán đoán, chọn lọc và tổng hợp thông tin. Mảnh đất Cà Mau - điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, ôm trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước, thì một người lính Cụ Hồ với khát vọng bảo vệ chủ quyền dân tộc, luôn đau đáu với văn hoá, di sản của dân tộc liệu sẽ ngồi im mà không làm gì? Chắc chắn ông Đào Hồng Tuyển sẽ có tính toán khác biệt để tạo ra một Cà Mau phát triển bền vững hơn, người dân ấm no hơn.

Giải thích tại sao luôn muốn theo đuổi những ý tưởng điên rồ, những siêu dự án phi thường, vị Chúa đảo Tuần Châu từng trả lời truyền thông: “Tôi nghĩ rằng trên thế giới này, nếu không có những người dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, liệu thế giới có những biến đổi to lớn không? Những kỳ quan mà đời để lại cho chúng ta hôm nay có lẽ đều bắt nguồn từ những ý tưởng táo bạo và điên rồ!”.

Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu trung bình mỗi ngày đón khoảng hàng nghìn lượt du khách xuống tàu tham quan Vịnh Hạ Long.

Người viết đặt cùng một câu hỏi với ba chuyên gia để có những góc nhìn khác nhau về chân dung một doanh nhân có ý tưởng kinh doanh táo bạo, đặc biệt là vai trò của họ trong câu chuyện lấn biển không chỉ phát triển kinh tế mà còn là khẳng định chủ quyền dân tộc trên từng hòn đảo, từng hải lý.

Ông Trần Ngọc Hùng: Không phải doanh nghiệp nào lấn biển cũng ngay lập tức thu lợi hay kiếm lãi. Như ông Đào Hồng Tuyển của Tập đoàn Tuần Châu, họ mạnh dạn lấn biển là họ có tầm nhìn chiến lược về tương lai để phát triển bền vững kinh tế của doanh nghiệp, rộng hơn là của đất nước. Khi đi nước cờ này, họ cũng sẽ phải lường đến những rủi ro, bởi họ là đơn vị chịu thiệt hại đầu tiên và có thể sẽ phải đóng cửa. Trường hợp điển hình là Tuần Châu đã thực hiện được tương đối tốt về chiến lược kinh doanh gắn liền với kinh tế biển đảo, họ dám mạo hiểm, dám đánh đổi để có thể đem về lợi ích cho doanh nghiệp, địa phương và đất nước. Sự đổi thay của Tuần Châu, Hạ Long là minh chứng rõ ràng, sống động. Trong tương lai, nếu doanh nghiệp của họ đủ lớn, có năng lực, trình độ, tài chính thì Nhà nước nên chọn và đặt niềm tin để họ làm những dự án lấn biển khác.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Các nhà đầu tư lớn khi họ có tầm nhìn, họ đi trước một bước và muốn đóng góp cho đất nước là một điều đáng quý và đáng ghi nhận. Đối với những ý tưởng lấn biển, xây dựng đô thị biển, khi doanh nghiệp muốn làm thì nên tìm cách ủng hộ, nhất là khi đất nước muốn “mạnh về biển, làm giàu từ biển” nhưng nguồn lực còn hạn chế. Đặc biệt, việc đầu tư cho phát triển biển, đảo tốn kém hơn nhiều so với trên đất liền, nhưng lại cho hiệu quả lớn và lâu dài hơn. Hơn lúc nào hết, giới khoa học sẽ “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ doanh nghiệp cách khắc phục bằng những chỉ dẫn cụ thể về quy hoạch, về xây dựng, để không “ngáng chân, cản trở” sự phát triển cũng như khát vọng của doanh nghiệp.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh mới hiện nay, thì việc doanh nghiệp hướng tới xây dựng các dự án gắn liền với chủ quyền biển đảo là điều đáng khuyến khích. Cho nên, cần ưu tiên huy động vốn từ doanh nghiệp, từ những “đầu tàu kinh tế” mạnh. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp lớn chủ động đầu tư góp phần làm giàu cho đất nước, làm lợi cho xã hội, hỗ trợ được người dân. Đương nhiên, phải phù hợp với luật pháp và dựa trên những cam kết mạnh, có trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó có Nhà nước và nhà đầu tư.

TS. Trương Văn Quảng: Thời xưa, cụ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang, quai đê, lấn biển để mở mang bờ cõi, thêm ruộng thêm đất cho người dân nghèo. Chính cụ đã có câu: “Chí những toan xẻ núi lấp sông/Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ”. Theo dòng lịch sử, nhận thấy những biển đảo chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, thế hệ doanh nhân doanh nghiệp cũng dần lấn biển, trước hết họ nhìn thấy lợi ích kinh tế, vì chẳng có doanh nghiệp nào làm mà không gắn với lợi ích kinh tế. Nhưng đâu phải ai cũng dám liều, dám mạo hiểm cho những lĩnh vực khó, nhất là thời cuộc có khó khăn, cơ chế chính sách hỗ trợ chưa biết có hay không. Những doanh nghiệp đã thành công như vậy thì cần ghi nhận, đánh giá những công lao của họ. Điều đó cho thấy, doanh nhân và doanh nghiệp ngày càng xác định rõ vị trí là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế đất nước, phát triển các đô thị, trong đó có đô thị gắn với biển đảo.

Ngày nay, khi nhắc đến “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, người ta biết ông là doanh nhân giàu có hàng đầu tại Việt Nam, người có nhiều tham vọng lấn biển. Thế nhưng, không nhiều người biết đến hành trình vươn lên không mệt mỏi từ một người lính tay trắng, đến nơi đất khách mưu sinh, trở thành một doanh nhân lớn như ngày hôm nay. 

Năm 1981, xuất ngũ với quân hàm trung úy. Không trở về quê, ông Đào Hồng Tuyển quyết định bắt đầu cuộc sống tự lập ngay tại đất Sài Gòn. Ông chia sẻ rằng, lúc đó trên vai độc nhất chiếc ba lô có vài bộ quân phục với đôi dép rọ là quân trang quân đội phát khi ra quân. Không họ hàng thân thuộc, không gia tài, không nghề nghiệp, chỉ có một chút kiến thức về cơ khí, máy tàu và một trái tim người lính đã được rèn luyện trong Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ông Tuyển đã từng phải ngủ trên vỉa hè, ghế đá công viên, lấy ánh đèn công cộng để đọc sách mua bằng những đồng tiền nhỏ nhoi khi rời quân ngũ. Ông cũng đã phải lang thang như bụi đời giữa Sài Gòn, nhưng không sống theo kiểu bụi đời. Đã phải lăn lưng dọn chuồng lợn cho người có thế lực hòng nhở vả, tìm kiếm việc làm. Thế rồi, cũng may có một người sĩ quan Hải quân cho ở nhờ nơi gara ô tô cũ trong những ngày đi tìm việc.

“Có nhiều đêm, ôm cái bụng lép kẹp nằm trên chiếc chiếu trải ở gara mà không sao nhắm mắt được. Bất giác trong đầu tôi trỗi dậy một ý nghĩ: “Cũng là con người tại sao mình lại khổ đến thế này ?”. Đêm đó tôi đã thề với mình rằng, “phải làm thế nào đó để mình thoát cảnh nghèo, thành người giàu. Đêm hôm ấy cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi”, ông Tuyển nhớ lại.

Những ngày sau đó, ông Đào Hồng Tuyển đã tập hợp bạn bè, tổ chức thành tổ hợp mua bán sắt vụn để kiếm sống. Đồng thời, tập hợp những người có kiến thức về cơ khí, sinh hóa, các trí thức cũ hiện chưa có việc làm, tập trung trí tuệ, chế tạo các thiết bị, mở các cơ sở chế biến bia, nước giải khát cung cấp cho thị trường Sài Gòn và Nam Bộ quanh năm nóng bức. Khi đã có vốn, có lãi, ông Đào Hồng Tuyển mở thêm kinh doanh siêu thị và một số lĩnh vực khác.

Khi đất nước bước vào thời mở cửa, nhận thấy sự phát triển của một xu hướng quốc tế sẽ được thực hiện trong tương lai, ông Đào Hồng Tuyển lại tiếp tục “đi học”. Ông tranh thủ ngày đêm học những gì liên quan đến kinh doanh và luật lệ thương mại. Ông cũng tự bỏ tiền du học ở Singapore, Canada, Australia, Mỹ để học về quản trị và quan trọng nhất là học hỏi kinh nghiệm quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của các công ty nước ngoài. Ông học được nhiều điều mới mẻ rồi vận dụng vào thực tiễn công việc và tự đúc kết cho mình một phương châm tác nghiệp là: “Mạnh dạn mà không liều lĩnh, mù quáng; quyết đoán mà không cực đoan, bảo thủ; lanh lợi, thông minh mà không xảo trá”, để áp dụng trong quản lý điều hành công việc sản xuất kinh doanh.  

Các mốc đáng chú ý về hành trình của vị doanh nhân này có thể kể như sau:

Năm 1981 – 1988: Thành lập các cơ sở chế biến bia, nước giải khát, cung cấp khoảng 80% nhu cầu thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội, Hải Phòng; tổ chức tổ hợp mua bán sắt vụn tại TP.HCM.

Năm 1988: Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Năm 1992: Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Xuất nhập khẩu khoa học kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Năm 1994: Phó chủ tịch Hội Phân bón Việt Nam.

Sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc từ năm 1997, khi ông quyết định rời Sài Gòn về lại quê hương Quảng Ninh lập nghiệp, bằng việc thành lập công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, trụ sở đặt tại đảo Tuần Châu, TP. Hạ Long. Ông mang quyết tâm sắt đá biến hòn đảo Tuần Châu thành Đảo Ngọc như năm xưa trong một lần đến thăm Hạ Long, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Để có được dự án Tuần Châu như ngày hôm nay, ngoài dốc hết nguồn lực, huy động vốn từ các nguồn và qua nhiều đêm không ngủ, ông Tuyển còn phải vượt qua hàng trăm cửa ải của hệ thống hành chính mà không có cửa ải nào đơn giản, mới có thể gặt được trái ngọt. Vị doanh nhân này, sau khi vượt mọi thăng trầm trong chiến trường và thương trường đã nhấn mạnh rằng: “Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được”.

Nhưng bí quyết thành công là gì? “Phải biết vận dụng quy luật của nền kinh tế thị trường; phải nắm bắt và chớp được thời cơ trong kinh doanh, phải biết cách huy động nguồn lực vốn, vật chất và trí tuệ con người, đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu và quảng bá rộng rãi”, ông Đào Hồng Tuyển khẳng định.

Chẳng trách khi chia sẻ với các bạn sinh viên trong một cuộc nói chuyện tại TP.HCM, ông đã phát biểu: “Trong cuộc đời con người ta có hai loại vốn: Vốn vô hình và vốn hữu hình. Hữu hình là tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe cộ… Vốn vô hình là trí tuệ. Vốn vô hình sẽ làm ra vô số cái hữu hình. Vốn hữu hình không thể sản sinh vốn vô hình, không thể mua được, tiền bạc không thể mua được trí tuệ”.

Điều đó cũng cho thấy, vị doanh nhân này luôn đề cao trí tuệ trong cách dùng người và điều hành quản lý công ty. Dù ông có mạo hiểm, táo bạo bao nhiêu nhưng không có “cái đầu” thông minh thì cũng chỉ là công “dã tràng xe cát”.

Hiện nay, dù không công khai tài sản của mình nhưng nhìn vào những công trình, những dự án và ý tưởng mà vị “chúa đảo” này đang nắm trong tay, có thể khẳng định ông là một doanh nhân giàu có thực thụ. Và không ít người nghĩ rằng, những ý tưởng lấn biển của ông Tuyển đã “nguội” đi. Nhưng liệu ông Tuyển đã chịu dừng lại, thoả mãn với những gì đang có? Sẽ chẳng ai đoán được. Nhưng nếu vào một ngày nào đó, ông Tuyển sẽ trở lại với những siêu dự án, táo bạo và không kém phần liều lĩnh, thì cũng chẳng có gì là ngạc nhiên, khó hiểu. Bởi cũng giống như trước kia ông đã từng vượt qua “cả một rừng chông gai và một biển đau thương” để hoàn thành Tuần Châu trong sự hoài nghi của rất nhiều người.

28/05/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top