Aa

Chung cư cổ tích

Chủ Nhật, 19/08/2018 - 14:00

Một ngày gió thật là gió, bắt đầu báo hiệu của mùa đông buốt giá. Vừa mở cửa sổ ra đã phải rụt sâu vào chiếc khăn len. Mùa đông ở Hà Nội buồn lắm, nhìn lên chỉ thấy bầu trời xám ngắt, nhìn xuống thì toàn xe cộ...

Chung cư CT có 12 tầng, đa số là những hộ gia đình ngoại tỉnh lên Hà Nội lao động. Trong đó ồn ào và hay xảy ra những vụ khó xử cho bố mẹ chúng nhất là tầng 8. Tầng 8 gồm 4 phòng, mỗi phòng là một gia đình và 1 đứa con. Ông Xuân, bảo vệ khu chung cư đều đã quen mặt và nhớ cả những trò nghịch ngợm của bốn đứa trẻ ấy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Con Chi là đứa thường nghĩ ra những trò quái ác, có bữa nó bắt được một con chuột, buộc sợi chỉ vào đuôi rồi thả từ tầng 8 lơ lửng xuống dưới đường, mỗi khi có người đi qua nó lại dựt dựt sợi dây làm ai cũng tá hỏa hét lên. Ông Xuân thò đầu nhìn lên, chỉ thấy tiếng cười khanh khách.

- Chi, mày còn nghịch thế tối ông bảo bố mẹ đấy.

Tiếng cười tắt phụp và vẫn cái giọng lanh lảnh vọng xuống:

- Kệ cháu. Ông già mách lẻo.

Con Kẹo là đứa thích màu hồng và mè nheo nhất. Sáng nào, cả xóm cũng náo động vì tiếng khóc, nằn nì, ỉ ôi của nó đòi theo đi. Bố mẹ nó lần nào cũng chỉ vào ông Xuân:

- Không lên nhà là ông Xuân đánh đòn đấy.

Lập tức ông Xuân làm mặt thật dữ dằn để dọa nạt nó. Vậy nên trong mắt nó ông Xuân là cái gì đó giống như ông Ba Bị vậy, chuyên đi hù trẻ con.

Con Mí là đứa mê đọc truyện tranh. Mới tí tuổi mà mắt đã đeo cặp kính dầy cộp. Mỗi lần đi ngang qua ông đều chẹp lưỡi:

- Trẻ con bây giờ chỉ biết làm bạn với sách thôi.

Nó nhìn ông qua cặp kính dầy như đít chai dè chừng và thách thức:

- Cháu cận thì liên quan gì đến ông.

Nói rồi nó chạy vụt vào thang máy.

Thằng Tin là đứa hay gây ra những rắc rối với bồn cầu. Chẳng biết nó nghĩ ra trò gì hứng thú ở đó mà suốt ngày bố mẹ phải gọi đội thông bồn đến.

Nói túm lại, làm bảo vệ chung cư CT gần 5 năm, ông đã biết hết mấy đứa nhóc ấy. Chúng cũng sàn sàn tuổi cháu ông dưới quê. Ông thương chúng vì lúc nào cũng phải ở nhà chơi một mình khi bố mẹ đi làm. Bằng tuổi chúng nó ở dưới quê, thì bọn trẻ con chẳng mấy khi ở nhà, tót một cái chúng đã lẻn đi chơi. Có khi lang thang dãi nắng cả ngày chỉ mong canh được một con dế mèn có đôi càng bóng nhẫy, hay là bỏ đi cả ngày để bắn bi, rồi chơi ô ăn quan.

“Ông già mách lẻo” là cái tên mà bọn trẻ con tầng 8 đặt cho ông Xuân. Mỗi khi đi đâu phải gửi chìa khóa, chúng đều lẻn đi và để lại tờ giấy nhắn, kèm chìa khóa.

Vì “ông già mách lẻo” mà chúng nó tự dưng thân nhau. Chúng hay tụ tập ngồi với nhau và xì xào bàn tán.

- Cái "ông già mách lẻo" ấy làm tao bị đánh đòn.

Thằng Tin nhăn nhó.

- Sao mày lại bị đánh?

Thằng Tin nhún vai:

- Đại thể là chẳng có gì to tát cả.

Con Mí bất bình:

- Ông ấy còn làm tao bị cấm mua truyện tranh cơ. Ôi! Tao chỉ mong mọc cánh bay đi thôi, đỡ phải nhìn thấy ông ấy, nhìn cứ như Xeko mỏ nhọn vậy.

Con Chi:

- Tụi mình phải làm gì đi chứ.

Cả bọn mất cả buổi chiều để nghĩ cách.

Thế rồi ngày hôm sau “ông già mách lẻo” thấy những chuyện rất lạ. Cốc nước của ông long lanh toàn những hạt nở xanh đỏ tím vàng, cái ghế bỗng dưng lung lay và cái bao tay để dắt xe máy cho khách bị cắt mất một ngón. Ông cũng chỉ tủm tỉm cười, làm bọn nhỏ rất hoang mang.

- Sao ông ấy không nói gì nhỉ?

- Chẳng lẽ mấy cái đấy không hiệu nghiệm?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều ấy, “ông già mách lẻo” ngồi đan vót mấy cái thanh tre và một xếp giấy màu xanh đỏ. Cả bốn đứa đi ngang qua đều liếc mắt thật nhanh để nhìn xem đó là cái gì. "Ông già mách lẻo" vẫn say mê lắm, chả biết chúng nó đang túm tụm đứng lại xem.

- Tao cá là cung tên.

- Cung tên thì cần gì giấy màu.

"Ông già mách lẻo" nhoẻn miệng cười:

- Mấy đứa không biết làm diều hay sao?

Cả bọn giật mình, không đứa nào dám trả lời vội vàng chạy vào thang máy.

Khó chịu quá! Rút cuộc thì ông ấy làm diều để làm gì nhỉ? Tò mò quá chẳng đứa nào ngủ được.

Sáng hôm sau, bao nhiêu sĩ diện bay đi đâu hết, cả bọn kéo nhau xuống xem "ông già mách lẻo" làm diều. Trước giờ chúng mới chỉ được nhìn thấy người ta thả diều trên ti vi thôi, nên được xem trực tiếp thế này thì bỏ sĩ diện đi cũng đáng lắm chứ.

Cái thanh tre ông ấy vót mới dẻo và mềm làm sao, hồ dán quyện lẫn mùi giấy màu thơm phức.

- Mấy đứa đã nghe chuyện anh dế mèn chưa?

Thằng tèo cười vang:

- Dế mèn phiêu lưu kí chứ gì? Cháu đọc mãi rồi.

"Ông già mách lẻo" lắc đầu:

- Không, là chuyện khác.

Cứ thế, ông vừa nhẩn nha làm vừa kể chuyện cổ tích cho mấy đứa nghe. Chuyện cứ là lạ vui vui khác hẳn những truyện đã được đọc.

- Các cháu biết không, ai cũng có thể kể được một câu chuyện cổ tích đấy. Tối nay trước khi đi ngủ, mấy đứa cứ nhắm mắt lại và tưởng tượng mà xem.

Và đứa đầu tiên nghĩ ra câu chuyện cổ tích cho riêng mình chính là con bé mè nheo nhất cả đám, con Kẹo. Nó cười toe toét khi kể cho cả bọn giấc mơ hôm qua, nó mặc bộ váy màu hồng và đôi cánh thiên thần trắng muốt, tay cầm một cây sao, cứ thế bay cao mãi.

- Tao chả mơ thấy gì?

Thằng Tin vẫn cái điệu nhún vai quen thuộc ấy. Nó cho rằng đàn ông thì làm sao mà mơ mấy chuyện cổ tích được cơ chứ. Chúng nó tranh cãi nhau ghê lắm.

Mỗi ngày, "ông già mách lẻo" kể một câu chuyện, dường như ông có sẵn cả ngàn câu chuyện, kể mãi, kể mãi vẫn chưa hết. Chẳng biết từ bao giờ ông trở thành một người bạn lớn của lũ trẻ.

Chúng tự dưng thấy áy náy và muốn nói ra sự thật, nhưng nếu nói ra thì chúng có bị ghét hay đánh đòn không? Dù thế nào đi nữa thì nhất định phải nói ra.

Cả nhóm cử con Chi đại diện lên tiếng, mặt nó đỏ lựng, lắp bắp thú nhận:

- Ông ơi, ông có giận không? Bọn cháu đã gọi ông là “ông già mách lẻo” đấy.

Ông bật cười:

- Không, ông không giận đâu.

Rồi một ngày gió thật là gió, bắt đầu báo hiệu của mùa đông buốt giá. Vừa mở cửa sổ ra đã phải rụt sâu vào chiếc khăn len. Mùa đông ở Hà Nội buồn lắm, nhìn lên chỉ thấy bầu trời xám ngắt, nhìn xuống thì toàn xe cộ. Khi còn đang rúc trong chăn ấm, Mí đã nghe thấy tiếng mẹ gọi bên ngoài.

Mẹ đưa cho Mí chiếc diều màu xanh và buồn bã nói:

- Ông Xuân gửi cho Mí đấy.

Mí nhoẻn miệng cười, sung sướng nhìn cái diều tuyệt đẹp.

- Dạ, lát nữa con sẽ xuống cảm ơn ông. Hihi đẹp quá. Con thích thả diều lắm mẹ ạ.

Mẹ ôm Mí vào lòng, khẽ vuốt tóc nó.

- Ông Xuân về quê rồi con ạ. Sẽ có bác bảo vệ mới đến thay.

- Tại sao vậy mẹ? Sao ông ấy lại về quê?

- Ông Xuân ốm nặng, người ta đưa ông ấy về quê rồi.

Cái diều trên tay Mí thẫn thờ. Bốn đứa hẹn gặp nhau mà buồn hiu, vì chúng biết ở quê ông Xuân sẽ buồn lắm. Thấy mọi người trong khu chung cư nói, ở quê ông Xuân sống một mình, không có con cái, buồn quá nên mới lên Hà Nội làm thuê. Chẳng biết bây giờ có ai chăm sóc, nấu cháo và mua thuốc cho ông không? Thằng Tin là đứa cố tỏ ra rắn rỏi:

- Tao nghĩ khi khỏi ốm, ông nhất định sẽ lên Hà Nội.

- Nhưng nhỡ... ông không bao giờ lên nữa thì sao?

Con Kẹo chuẩn bị mít ướt.

- Mày đừng nói linh tinh nữa. Rồi ông sẽ lên thôi.

Cái Chi nâng cái diều lên trước mặt:

- Chiều gió nào bọn mình cũng thả diều nhé, để biết đâu khi lên Hà Nội ông sẽ nhìn thấy và đến chơi với bọn mình.

Thế là mỗi buổi chiều, từ những ô cửa sổ tầng 8 chung cư CT những chiếc diều màu xanh, đỏ, vàng, trắng theo gió bay lên trên nền trời xanh thẳm, mặc kệ dưới đường kia là những tiếng ồn ào của xe cộ và người đi lại, chúng vẫn đẹp lung linh như câu chuyện cổ tích trong những giấc mơ.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top