Aa

“Chúng tôi thấy "sốc" khi quá trình chuyển đổi đất đai ở Việt Nam quá dễ dàng”

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 16/09/2019 - 06:28

Đó là phát biểu của ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới tại hội thảo tham vấn nghiên cứu về đô thị hóa của Ngân hàng thế giới.

Tại hội thảo" Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới' do Ngân hàng thế giới và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã bàn luận xoay quanh trình bày về các kết quả nghiên cứu ban đầu về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam của vị đại diện Ngân hàng thế giới.

Việt Nam không thể tiếp tục con đường đô thị hóa trước đây

Theo đại diện Ngân hàng thế giới - ông Zhiyu Jerry Chen, thành công kinh tế đáng chú ý của Việt Nam kể từ Đổi mới đã được xây dựng dựa trên năng lực cạnh tranh trong sản xuất chi phí thấp và có sự thúc đẩy của khu vực FDI, đã được in dấu ấn về mặt không gian và cơ cấu đô thị hóa và công nghiệp hai cấp.

Ba bộ chính sách riêng biệt đã dẫn đến những thành công trong việc mở cửa ra thị trường thế giới là hạn chế dịch chuyển lao động theo không gian (tức là hệ thống hộ khẩu); thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn và dư cung đất đai; tạo ra cân bằng không gian mạnh mẽ trong phân phối nguồn lực tài chính.

Các chính sách này đã góp phần làm cho mô hình tăng tưởng tương đối “đồng đều và phân tán” về mặt không gian, dựa vào lao động chi phí thấp và mở rộng đất đai, thay vì tăng hiệu quả.

Ông Zhiyu Jerry Chen. Ảnh: Hạnh Hồng.

Vì nguồn lực và các yếu tố sản xuất quan trọng phân tán, mang tính chất cào bằng trên cả nước nên cấp đô thị có hiệu quả cao hơn không có đủ nguồn lực để duy trì tăng trưởng.

Do vậy, mô hình đô thị hóa này đã dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng tổng thể, suy giảm hiệu quả và bền vững môi trường.

Những hệ quả của mô hình đô thị hóa này cùng với những thách thức mới nổi của việc thắt chặt nguồn lực tài khóa, thu hẹp lực lượng lao động đô thị do việc giảm lợi tức dân số đã đưa đô thị hóa của Việt Nam đến một bước ngoặt.

Chính vì thế , ông Zhiyu Jerry Chen nhấn mạnh: “Trong tương lai, Việt Nam không thể tiếp tục con đường đô thị hóa trước đây. Thay vào đó, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hóa của quốc gia và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào nên kinh tế tích tụ, liên kết vùng.

Các hành động chính sách táo bạo là cần thiết để giải quyết ba nhân tố thể chế quan trọng cho chuyển đổi: Phân bổ tài khóa và nguồn lực, đất đai, quy hoạch và chuyển dịch lao động”,

Trong đó, ông Zhiyu Jerry Chen cho rằng, hành động chính sách quan trọng nhất đó là các quy chế về đất đai và quy hoạch: “Làm sao để kiểm soát chặt chẽ hơn việc chuyển đổi sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy "sốc" khi quá trình chuyển đổi dễ dàng đến mức nào. 

Do đó, quy định về quy hoạch và sử dụng đất phải chặt chẽ hơn để tạo thuận lợi cho liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa, nhân khẩu học và mở rộng vật lý của đô thị hóa. Đồng thời cũng cần tăng cường tính liên kết của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là sự phối hợp trong quy hoạch của cấp vùng và đô thị”.

Đồng quan điểm với đại diện Ngân hàng thế giới , TS. Trần Du lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: “Chuyển đổi đất đai từ nông nghiệp thành đất đô thị, người nông dân sau một đêm thành thị dân đang là vấn đề rất lớn, gắn với phát triển bền vững và cũng là vấn đề khó giải quyết nhất hiện nay. Hiện chúng ta có rất nhiều khu đô thị bỏ hoang hay nói cách khác là đang chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang. Vấn đề nữa là chuyển đổi đất nông nghiệp xong, thì phải đào tạo hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người nông dân chứ không phải lấy đất, đền bù giá thấp xong mặc kệ. Đó là vô trách nhiệm. Đất đô thị là con gà đẻ trứng vàng, là tài nguyên quan trọng của quốc gia nhưng hiện nay, quả trứng vàng đó chỉ rơi vào ngân sách một phần nhỏ còn phần lớn rơi vào tay ai”?

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, chính sách đất đai quy hoạch hiện tại chặt thì rất chặt, nhưng lỏng lại rất lỏng. Chặt đến mức độ nhà đầu tư chân chính không làm được gì nhưng lỏng ở chỗ tham nhũng chính sách, trục lợi đất đai xảy ra thường xuyên. Và ở Việt Nam, các bộ đều muốn làm quy hoạch cho riêng mình, không có quy hoạch tích hợp”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, chính sách phát triển theo hướng cào bằng chỉ mang tính chính trị và phi kinh tế, chắc chắn phải thay đổi lại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, sự phân bổ nguồn lực phát triển một cách áp đặt theo hướng cưỡng bức và cào bằng, đã dẫn đến nghiều hệ quả xấu. Đó là cơ chế phản phát triển.

“Sự tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực đã kéo tốc độ tăng trưởng chung xuống, hiệu quả của nền kinh tế đô thị giảm sút, tạo ra các vấn đề đô thị nghiêm trọng. Chúng ta không thể tiếp tục con đường đi xuống và buộc phải làm thế nào đó để đi lên. Phải có sự thay đổi như một cuộc cải cách kinh tế lần thứ hai mà cải cách lần này còn khó hơn lần 1”- ông Cung nói.

TS. Nguyễn ĐÌnh Cung tại hội thảo. Ảnh: Hạnh Hồng.

Cần nhận thức rõ về bản chất của “đô thị hóa”

Các chuyên gia đều nhìn nhận, thay đổi cách thức phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu để hướng tới sự phát triển, nhưng trước hết cần hiểu đúng về khái niệm, bản chất của đô thị hóa, mà thực tế nhiều nhà phát triển và cả chính quyền đô thị đang hiểu sai.

“Đây vấn đề rất hệ trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Kinh tế Việt Nam tới đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thay đổi phương thức phát triển kinh tế, chuyển từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang chuyển dịch nền tảng, nâng cao hiệu suất hiệu quả, đang trở thành một vấn đề bức thiết.

Vấn đề làm thế nào để phát huy được lợi thế của nền kinh tế tích tụ là hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Do đó, trước hết cần phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Nếu không làm rõ mối quan hệ này thì chính quyền địa phương và các nhà phát triển kinh tế cho rằng cứ phát triển đô thị thì sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực chất, việc xin nâng cấp mở rộng đô thị nhiều khi là phi kinh tế, thậm chí còn là rào cản của phát triển kinh tế”, TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm.

TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, chúng ta nên mạch lạc về cơ chế nhân quả. “Đô thị hóa ở Việt Nam trong thời gian dài là quá trình tự phát, chưa có hệ thống điều phối mạch lạc. Nếu đi ở các khu đô thị lớn, có nhiều sự lộn xộn. Chỉ cần tắt đi một số ánh đèn, biển hiệu thành phố sẽ trở về sự phát triển của thời bao cấp. Đó là minh chứng cho sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch”. 

TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Hạnh Hồng.

Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, đô thị hóa phải xuất phát từ động lực công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa phát triển thì mới đẩy mạnh được tăng trưởng kinh tế.

“Nếu các thành phố cứ “xin” từ loại 3 lên loại 2, rồi từ lọa 2 lên loại 1, những đánh giá mang tính thành tích, đó chưa chắc là đô thị hóa. Đô thị hóa phải được hình thành từ nỗ lực công nghiệp hóa. Tức là sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo quá trình đô thị hóa, đi cùng với đó là tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Ngoài ra, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, không phải cứ tăng mật độ là tạo ra hiệu quả:

“Càng tăng mật độ, tốc độ di chuyển càng chậm lại. Tạo ra đô thị nén, tăng mật độ dân cư của đô thị là điều cần cân nhắc nhưng phải hài hòa trong sự phát triển chung.

Người dân nông thôn không có việc làm, đất đai manh mún, dẫn đến họ ồ ạt di cư ra đô thị. Do đó, nếu không giải quyết được bài toán kinh tế nông thôn thì sẽ tạo ra gánh nặng, gây áp lực lớn lên đô thị, đó là chưa kể các vấn nạn khác về biến đổi khí hậu.

Chúng ta không chỉ nghĩ đến đô thị hóa ở các cực tăng trưởng (thành phố lớn) mà còn phải nghĩ đến câu chuyện quy hoạch phát triển ở nông thôn.

Sự yếu kém về kết nối cơ sở hạ tầng làm cho khu vực nông thôn rất khó phát triển. Cần phân phối lại hoạt động công nghiệp, phân phối lại dân cư, giảm bớt sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đó là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững”.

Đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, ông Yhiyu Jerry Chen nhấn mạnh, đô thị hóa không chỉ đơn thuần là sự mở rộng của đất đai đô thị, sự gia tăng dân số, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra không gian đáng sống hơn, nâng cao chất lượng cuộc cho người dân. Đó là khía cạnh mà chúng ta không được quên”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để quá trình đô thị hóa mang lại hiệu quả và bền vững thì chính sách phải đồng bộ và quyết liệt. “Nếu không quyết liệt, thực thi hóa các nghiên cứu, chính sách thì có thể 10 năm nữa, chúng ta lại tiếp tục ngồi bàn luận về những gì chúng ta đang bàn hôm nay”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top