Aa

Chương trình phục hồi kinh tế cần được triển khai khẩn trương hơn

Thứ Ba, 26/04/2022 - 14:00

Để đạt được mức tăng trưởng đã đề ra, Chính phủ và doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải có giải pháp hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì đổ vào những kênh đầu tư rủi ro.

Trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới, với một nền kinh tế có độ mở rất cao, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phục hồi trong năm nay và năm 2023. Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2022 cũng như định hướng phát tiêrn trong thời gian tới, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, được sự thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu từ 6 - 6,5% như kỳ vọng. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải có giải pháp hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì đổ vào những kênh đầu tư rủi ro.

GS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho biết, Chính phủ đã xác định các lĩnh vực ưu tiên cần đầu tư và cũng hướng những ưu tiên vào lĩnh vực đó.

“Ngoài chính sách như vậy, vấn đề còn lại là đình hướng của các nhà đầu tư. Nếu chỉ nói là hướng dòng vốn vào đó thì chưa đủ, mà mình cần có các điều kiện khác để dòng vốn đầu tư thực sự đem lại hiệu quả. Muốn thúc đẩy sản xuất thực thì cần có những biện pháp tổng thể nhiều hơn, chỉ lĩnh vực tài chính thì chưa đủ”, GS.TS. Phạm Hồng Chương nêu rõ.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế cần có cách tiếp cận mới và cách làm đột phá.

“Chúng ta kỳ vọng vào việc thực hiện các gói phục hồi, bởi đã thiết kế gói phục hồi một cách truyền thống và thực thi cũng theo cách truyền thống. Tuy nhiên thực thi theo cách đó không hiệu lực, ít hiệu quả và rất chậm nên không có gì khác biệt nên để đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm nay là một thách thức”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

Một vấn đề quan trọng được phân tích là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân, đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh chóng và bền vững.

“Việc cải thiện môi trường kinh doanh là việc cần làm một cách lâu dài, vì đây là cuộc cạnh tranh của các quốc gia. Đây là việc của Chính phủ có sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, cả các tổ chức quan sát quốc tế cũng tham gia vào. Để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng được một nền hành chính khoa học, thực sự tinh gọn, đặc biệt là phải chuyển đổi số, số hóa quy trình này. Cùng với đó, cần hình thành một đội ngũ cán bộ liêm chính, thực sự phục vụ nhân dân. Những yếu tố đó cộng hưởng với nhau, đối chiếu với các nước tiên tiến thì môi trường sẽ tốt hơn”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nêu giải pháp.

Các chuyên gia cho rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu từ 6 - 6,5% trong năm nay, thì mục tiêu duy trì lạm phát dưới 4% của Chính phủ là thách thức rất lớn. Xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và xăng dầu vẫn đang tiếp diễn, cùng với xung đột giữa Nga và Ukraine đã và đang khiến giá năng lượng leo thang, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Phân tích về giải pháp kiềm chế lạm phát, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, mức độ lạm phát bao nhiêu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là chính sách nới lỏng cả về tài khóa, ngân sách cũng như chính sách tiền tệ sẽ điều hành đến mức độ nào, mở đến mức độ nào và kiểm soát hiệu quả ra sao. Nhóm thứ 2 là vấn đề “nhập khẩu lạm phát”, tức là lạm phát từ bên ngoài tác động vào Việt Nam.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta có biện pháp kiểm soát tốt, hạn chế bớt những tác động đơn cử như việc điều hành thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu một cách linh hoạt hay điều hành xuất khẩu phù hợp sẽ giúp kiềm chế được lạm phát”, TS. Vũ Đình Ánh đơn cử.

Theo quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế, để đạt được các mục tiêu vừa phục hồi kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, Chính phủ cần quán triệt những quan điểm cơ bản như phục hồi kinh tế một cách bền vững, tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Trong ngắn hạn, cần tập trung thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, tập trung nhiều vào cầu để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần thực hiện một cách thận trọng để tránh gây bất ổn vĩ mô. Cùng với đó, cần hướng các nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, khu vực khác của nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top