Chuyện của Nhà báo Nguyễn Tri Thức

Chuyện của Nhà báo Nguyễn Tri Thức

Chủ Nhật, 17/10/2021 - 06:00

Hồi còn bé xíu, mới hơn 10 tuổi, khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có may mắn được theo bố xuống Sân bay Nội Bài tiễn chị gái út lên đường sang mãi Tiệp Khắc làm công nhân lao động. Hồi ấy, chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, nên thấy cái gì cũng lạ lẫm, đáng khâm phục. Nào là cái nhà ga sân bay sao mà rộng lớn, to đẹp, sạch sẽ thế.

Cái máy bay đậu ngoài đường băng sao như vật thể lạ đến từ hành tinh khác, chứ không bé tẹo lửng lơ, chênh vênh, heo hút trên bầu trời thênh thênh quê mình. Chả biết Tiệp Khắc là nước nào, ở đâu, có gì hay ho, thú vị. Chỉ nhớ là lúc chị đi khuất vào phòng chờ thì tự nhiên quay mặt đi lấy tay lau nước mắt chảy dài. Như thể là sẽ không được gặp lại chị, không được chăm chút, bảo vệ nữa.

Những năm sau đó, ước mơ xuất ngoại dần hình thành, khi được đọc những lá thư, xem những bức ảnh hay tấm bưu thiếp chị gửi về. Thấy cuộc sống ở nước bạn bên trời Tây rất là sung túc, đủ đầy chứ không tất bật, lam lũ, nhọc nhằn như ở nhà. Cái nơi chưa từng nghe tên, đặt chân đến ấy cứ ngỡ như thiên đường, dù hình dung thế nào thì không rõ. Nhưng rồi chỉ được vài năm, bố mẹ sốt sắng, âu lo, loay hoay cùng chị tìm cách “tháo chạy” khỏi đất nước thiên đường đang trên bờ vực tan rã. Ước mơ xuất ngoại cũng mau chóng bị xếp vào xó xỉnh góc lãng quên nào đó.

Sau này, đi học rồi đi làm xa nhà, đôi khi có người bất chợt gặp nhìn ngó rồi xem tướng, xem tay phán rằng, mình có đường xuất ngoại. Thời thế đổi thay, thế giới khác biệt, cũng thấy thinh thích, háo hức ra trò. Giấc mơ xuất ngoại hồi sinh, không phải là được đến thiên đường, mà mong muốn khám phá thế giới lớn dần lớn lên một cách rõ ràng, theo sự tiếp nhận kiến thức mà mình được học tập, tìm đọc. Xuất ngoại, những mong biết họ làm được gì, tại sao làm được, liệu mình có thể học hỏi, áp dụng được gì không. Tuổi trẻ mà, đôi khi cứ hoài bão, ham muốn viển vông thế thôi.

Nhưng rồi, những chuyến xuất ngoại cũng đến, từ bất chợt đến chủ đích, từ công việc, học tập đến du lịch. Mà du lịch ở nước ngoài thời gian gần đây còn rẻ hơn đi trong nước. Thế giới hội nhập, xã hội số, kinh tế số nên đôi khi muốn xê dịch tự túc, riêng tư, hoàn toàn có thể ngồi nhà đặt vé máy bay, phòng khách sạn. Rồi khi sang bên đó, nhờ con cái biết tiếng nước ngoài nên cũng mặc sức mà khám phá thoải mái, từ điểm đến, ẩm thực đến mua sắm. Thế rồi, tôi cũng may mắn được đặt chân lên cả 5 châu lục, với những chuyến đi chất chứa biết bao cung bậc cảm xúc, những kỷ niệm không dễ nhạt phai.

Ấy thế mà không hiểu ngọn ngành làm sao, tôi vẫn nhớ mãi lần xuất ngoại đầu tiên sang Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc) vào tháng 10-1996. Nhớ cả những gì viết trong bài phóng sự “Ngổn ngang cửa khẩu” đăng trên Báo Lao động khi ấy, nhưng để chính xác thì phải giở sách ra. Là có một đoạn thế này: “Những góc phố túm tụm dân “cửu” Việt Nam bàn tán, đánh tá lả ăn tiền… Mấy thanh niên Trung Quốc nhìn có vẻ “phủi” sán đến mẹt chuối của một bà cụ Việt Nam. Họ cầm lên, lật úp những nải chuối xuống và cười ngạo mạn bỏ đi. Thú thật, dù có bất bình, tôi cũng chỉ dám nhìn trộm… Bà cụ già lặng lẽ xếp những nải chuối chín non đã bị gãy…”.

Tôi tự thấy mình có tính lạ đời, ấy là đi đường rất hay quan sát, để ý vu vơ. Cả khi đi bộ, những lúc trên xe máy hay ngồi ô tô đi nữa. Chả biết có phải là “bệnh nghề nghiệp” hay không, nhưng sự lạ ấy thành thói quen từ bao giờ chẳng biết. Cũng chẳng biết là xấu hay tốt, nhưng nó cho mình không ít cung bậc cảm xúc, những đột nhiên nghĩ ngợi vu vơ, mông lung.

Như bất chợt lục tìm thông tin trên mạng thôi chẳng hạn, chợt thấy tấm ảnh cùng bài báo nào đó đã từ lâu quên bẵng thế mà lại dễ dàng hình dung ra những chuyến công tác với những con người đã gặp, những chuyện trò đã từng, những “cưỡi ngựa xem hoa” thoảng qua quan sát dập dồn. Chỉ thế thôi, mà lại nhớ, thậm chí da diết, cồn cào, nhất là người dưng ở những nơi không dễ dàng đến lại, như Trường Sa máu thịt, như tít hút Angola và Mozambique mãi “lục địa đen” hay địa danh, con người đã gặp tận bên kia bán cầu.

Đó có thể là đứa trẻ ngây ngô tròn xoe mắt nhìn người lạ đến từ đất liền. Là vợ chồng ngư dân bình yên trên đảo xa. Là chàng thanh niên da màu bán đồ lưu niệm thoăn thoắt đi lại giữa dòng xe ô tô lúc ùn ứ, tắc đường hay dừng đèn đỏ. Là vị giáo sư uyên bác, khả kính của Đại học Harvard lừng danh nói rất hay, cuốn hút, rất giỏi thuyết phục người khác nhưng lại không đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn con mình...

Như lúc rảnh rang thoảng qua nhớ lại những người đã gặp trong đời, ở bất cứ nơi đâu mình đặt chân đến, dù là có chủ đích hay vô tình thấy nhau. Trội lên, cứ thấy nhói lòng, quặn thắt trước những hoàn cảnh, số phận người dưng rất đáng cảm thương mà mình thì chẳng thể giúp được gì ngoài những suy tư trĩu nặng, những mất thăng bằng giây lát mà họ không bao giờ nhận ra.

Để ý vu vơ thế, nên trên quãng đường không xa từ nhà đến cơ quan cũng thấy những thân quen bên đường, góc phố. Là ông lão bình thản sở hữu “hiệu cắt tóc” dưới gốc cây trên vỉa hè bên mép sông Kim Ngưu. Là bác lái “xe ôm” nhỏ thó gầy gò ngày nào cũng đứng ở góc phố đường Trần Nhân Tông. Hay chị chủ quán đẫy đà bán đồ ăn sáng với bánh giò, cháo xanh – cà – đậu phụ rán và trứng vịt lộn ở vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu.

Hay bác sửa chữa xe đạp sáng nào cũng cần mẫn đá cầu một mình nơi góc phố Đại Cồ Việt tấp nập người lại qua… Thế nên, đợt dịch dã giãn cách xã hội thưa vắng người ngoài phố, nhìn những điểm nhấn trống vắng ấy cũng cứ thấy nỗi quen thuộc hụt hao, lao xao ít nhiều, dù chắc chắn rằng chẳng ai trong số họ biết đến mình.

Những câu hỏi vu vơ, những nỗi suy tư bao đồng cứ bất chợt xuất hiện hàng ngày mỗi khi đi làm qua tuyến đường quen thuộc. Rằng, không rõ những người dưng ấy bị ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch? Họ đang làm gì, sống ra sao khi “chiếc cần” không có nơi thả để “câu cơm”…

Chẳng hiểu, những người không có quan hệ họ hàng, không có tình cảm với mình như vậy có nên xem là “người dưng nước lã” nữa không…

Tôi đoan chắc rằng, không nhiều người, nhất là những ai sinh từ thập niên 1980 trở lại đây, biết đến từ hôi cá, nói gì đến chứng kiến và trực tiếp tham gia vào việc này một cách say mê, háo hức. Điều ấy dễ hiểu thôi, bởi việc hôi cá đã chấm dứt từ lâu. Vả lại đời sống kinh tế của người dân cũng ngày một khấm khá, bữa ăn có cá không còn là nỗi lo thường trực hay niềm mong ước nữa. Nhưng ai đã từng đi hôi cá, hay chứng kiến thôi, cũng không thể nào quên được.

Đi hôi cá, những người ngồi trên bờ mắt chăm chú háo hức nhìn xuống dưới lòng đầm (thi thoảng có hồ, ao) hợp tác hay nhà ai đó thầu. Chỉ đợi lệnh “tháo khoán” được phát ra là mọi người ngồi đợi bốn xung quanh bờ nhào xuống, mang theo đủ cả giỏ, rổ, rá, xô, chậu, túi bóng các loại. Nhiều người từ lúc trên bờ đã chăm chú quan sát xem có con nào nấp dưới lớp bùn, vũng nước, hốc đất nào đó thì lập tức lao ngay đến chỗ đã định.

Không ai bảo ai, nhưng cũng có nhiều người chăm chú thế gặp nhau, nên ai nhanh chân tay hơn thì bắt được con mồi. Tất nhiên, cũng có những con to lấp ở chỗ kín, thế mà nhà chủ cũng phát hiện ra, làm nhiều người trên bờ ngẩn ngơ tiếc rẻ buông những tiếng thở dài thườn thượt…

Vào dịp áp tết, những cái đầm to rộng thường được tát cạn để thu hoạch lấy tiền tiêu tiết, trang trải nợ nần. Chủ đầm đoán chừng lượng nước, theo kinh nghiệm những năm trước rồi căn giờ đặt máy bơm dầu diesel chạy xình xịch. Có khi đến mấy ngày vì đầm rộng lắm. Khi gần cạn, máy bơm nước không thể hoạt động, cũng là lúc gầu dây, gầu sòng được bắc lên để người dân tát tay. Dù thế nào thì chủ đầm cũng căn giờ để làm sao đến tờ mờ sáng thì nước cạn, lái buôn thu mua còn lại bao nhiêu mang ra chợ bán cho kịp.

Chủ đầm tính toán thế, người đi hôi cá cũng chủ đích canh đến khi đầm gần cạn thì lục tục kéo đến. Cũng có người, nhất là bọn trẻ, háo hức đến sớm để chứng kiến không khí sôi động, ồn ã tiếng nói cười, bàn tán. Và quan trọng nhất là được thấy lúc đầm dần cạn, cá tôm các loại tụ về từng vũng, quẫy nhảy rộn ràng, tung tóe.

Nhiều nhất chỉ là cá trắm đen, cá mè, cá chép, cá trôi. Những lúc ấy, các chủ đầm cũng có thể đã ước được vụ cá năm đó thắng hay thua. Gương mặt mỗi người vì thế cũng biểu lộ rõ rệt, hoặc tươi vui phấn khởi hoặc ỉu xìu buồn thiu.

Rồi việc của chủ đầm cũng hết. Ấy là lúc những người đi hôi cá tràn xuống đầm. Ai cũng cật lực đi đi lại lại, mò mò bới bới. Ai đó còn đè cả người lên để giữ những con cá to sót lại, cũng là để người khác không phát hiện ra. Không ít người bị những chú cá rô già vây sắc nhọn hay chú cá trê ngạnh sắc vẫy vùng làm chảy máu. Đau nhói nhưng quyết không buông tay…

Một lát quần thảo với đáy đầm, ai nấy bùn đất lấm lem cả đầu, cả mặt. Tanh nồng, nhưng không ai bỏ cuộc, trái lại rất hào hứng, háo hức, hăm hở kiếm tìm được bất cứ thứ gì có thể về nhà làm bữa tươi hôm đó, thậm chí cả mấy ngày sau. Là hôi cá, nhưng thực ra bất kể con gì có thể ăn được mọi người cũng đều bắt hết, từ cua, tôm, cá các loại đến chạch, trai, ốc, ếch, hến… Thời buổi khó khăn, cơm độn ngô, khoai, sắn còn không đủ no, nữa là có thêm thức ăn tươi “miễn phí”. Nên hôi cá không chỉ vui, mà còn để cải thiện bữa ăn, đỡ đần chi tiêu cho nhiều gia đình trong vài ngày chứ ít đâu…

Chẳng biết có phải vì thế không mà ký ức hôi cá dù đã ngái xa vẫn cứ thản nhiên xuất hiện mỗi khi đi qua đầm, qua chợ thấy hàng cá…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top